 |
Ảnh: Internet |
"Hãy mở điện thoại của anh ra, tôi sẽ nói ngay cho anh biết anh là người như thế nào"-nếu theo tư duy ấy, nhiều người nghiêm túc sẽ "xì-trét" ngay khi phải nghe nhạc chuông từ điện thoại di động của nhiều nam thanh, nữ tú ngày nay. Thô thiển, dung tục, quái dị, hiện sinh chủ nghĩa là một "phong cách" dùng điện thoại di động đáng lên án đang lan tràn không phải từ "thế giới ngầm" mà chính từ những nhà cung cấp có giấy phép kinh doanh, lại được quảng cáo vô tư đủ loại hàng độc trên những tờ báo lớn. Có thể xem là "chuyện thường ngày ở... mạng" được chăng?
Cái gọi là "âm thanh thực" và hình "động"
Cô giáo Nguyễn Thu Hằng, giáo viên Trường PTTH NT (Hà Tây) đang say mê giảng bài thì bỗng nhiên, ở phía dưới hàng ghế học sinh có hàng loạt điệu cười man dại. Chưa hết, ở dãy khác lại bật lên một giọng lanh lảnh "Bẩm cụ, có điện thoại ạ". Dừng bài giảng, cô đi xuống và yêu cầu em nào vừa cho phát các âm thanh đó thì được hai học sinh đứng dậy nộp cho cô 2 chiếc điện thoại di động Nokia. Quá bất ngờ trước việc học sinh dùng điện thoại di động, cô vội cho dừng buổi học và báo cáo tình hình với Ban Giám hiệu. Hội đồng nhà trường kiểm tra di động của hai em thì thấy toàn hình ảnh và nhạc chuông "quái đản". Hai "khổ chủ" cho biết sở dĩ có điện thoại di động là được bố mẹ tặng khi thi đỗ vào cấp 3, lại vừa để dễ quản lý. Cô Hằng còn cho biết, để có được các thứ âm thanh và hình ảnh ấy các em chỉ việc soạn tin nhắn và gửi về trung tâm dịch vụ, còn việc tra cứu chỉ lên mạng là kiếm đủ thứ.
Tôi và Kiên-bạn tôi-lướt qua trang web http://www.imobile.com.vn thấy hàng loạt "list" các bài hát đủ loại từ "Top hot", nhạc trẻ cho đến nhạc cách mạng, dân ca. Những ca khúc đang ăn khách như "Vầng trăng khóc", "Đau một lần rồi thôi", "Dòng sông băng" được "liệt" vào dạng "hot". Liếc qua mục "Âm thanh thực" thì quả thật là quá choáng. Đứng đầu bảng là sáu điệu cười quái đản có mã số 3360029, tiếp theo là hàng loạt kiểu "âm thanh thực" như: Alo đi mày, Anh ơi! Em xin anh mà, Anh ơi mấy con gà nó gọi kia, Mệt vì mẹ trẻ quá, Đại ca có điện thoại, Nghe mà muốn đánh, Rap cục tác, Rao đồng nát, Tiếng cười đểu, Chó mèo hát hip hop… Mục "Hình ảnh động" cũng không kém phần động bởi các hình ảnh cậu bé, cô bé tuổi dưới "teen" hôn nhau một cách say đắm. Hình ảnh có mã số 3310473 thì thật sự "kém" văn hóa đến mức một cậu bé không mặc một thứ gì trên người, lại cầm "của quý" tia nước vào cây hoa bên cạnh đường. Đọc hướng dẫn tải hình, nhạc về máy chỉ cần soạn tin nhắn: DA_Mã số (hình hoặc nhạc) rồi gửi đến 988 hoặc 8338, đợi độ 3-4 phút là đã có hình ảnh, âm thanh theo ý muốn. Hàng loạt các địa chỉ như mời gọi, kích động đến thị hiếu lớp trẻ khiến các dịch vụ tải về điện thoại di động đắt như tôm tươi". Anh Vũ Văn nam, một người được mệnh danh sành điệu, cứ thay nhạc tải như thay áo. Ngồi học ở lớp tiếng Anh cùng Nam hôm nay thì "Bẩm cụ có điện thoại ạ", hôm sau lại "Mệt vì mẹ trẻ quá" khiến cô giáo dạy thêm và cả lớp giật mình.
Ai quản lý các dịch vụ này?
Đây là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý các dịch vụ văn hóa. Các dịch vụ văn hóa cần phải được quản lý chặt chẽ như quản lý các văn hóa phẩm. Mỗi bài hát, mỗi bản nhạc của các nhạc sĩ được đưa đến độc giả đều có bộ phận kiểm duyệt. Các sách, báo, tạp chí đều có người chịu trách nhiệm xuất bản. Cũng như vậy, các đĩa nhạc, đĩa phim, đĩa hát đều được các cơ quan ngành văn hóa quản lý sát sao. Các dịch vụ cung cấp hình ảnh và âm thanh tải về điện thoại di động cũng nằm trong sự quản lý của các cơ quan chức năng ngành văn hóa, được ngành văn hóa cấp giấy phép kinh doanh. Các nhà cung cấp dịch vụ thì mong có nhiều hàng "độc", mong có nhiều khách hàng dùng dịch vụ của mình với mục đích lợi nhuận mà không chú ý đến việc giáo dục bồi dưỡng văn hóa cho lớp trẻ hiện nay. Việc sử dụng các dịch vụ là quyền của mỗi người nhưng quản lý các dịch vụ là chức năng của ngành văn hóa. Cần phải kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời với các nhạc chuông và hình ảnh quái đản của các nhà cung cấp dịch vụ. Hiện nay, việc quản lý các nhà cung cấp dịch vụ hầu như thả nổi, chưa có biện pháp mạnh trong công tá kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định của ngành văn hóa.
Giáo dục đạo đức, lối sống có văn hóa, có trách nhiệm cho thanh niên hiện nay là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định: "Coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nước giàu mạnh, gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai của cộng đồng, của dân tộc, trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại". Để quán triệt và thực hiện tốt quan điểm đó trong giáo dục lối sống cho thế hệ trẻ hiện nay, việc quản lý và kiểm duyệt các sản phẩm dịch vụ văn hóa phải được tổ chức chặt chẽ, thường xuyên, tránh thả nổi, lơ là. Lối sống hiện đại cho sinh viên và học sinh mà Đảng ta xác định là lối sống có văn hóa, có trách nhiệm với cộng đồng, tiếp thu các giá trị văn hóa tốt đẹp chứ không phải từ cách dùng điện thoại "sành điệu", nhạc chuông và hình ảnh quái đản của một lớp thanh niên "hiện đại" hiện nay.
NGUYỄN XUÂN SINH (HT: 2EB-P6, Hà Đông-Hà Tây)