“Tôi thực sự cảm thấy như đang ở nhà mình”

Tối hôm qua tại Khu Du lịch Văn Thánh, các thành viên forum “Nước Nga trong tôi” ở Tp Hồ Chí Minh đã có buổi giao lưu thật đặc biệt. Ngoài những thành viên cũ và mới, đã tham gia và sắp tham gia forum còn có các vị khách quý đến từ nước Nga thân yêu: đó là các cựu chiến binh Xô-viết đã từng tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ từ hồi những năm 1960 ở Việt Nam.

Được biết Hội Hữu nghị Nga - Việt tỉnh Svetlop tổ chức cho hai cựu chiến binh Xô-viết là Ông Todorashko Valentin Ivanovich và Skoryak Valery Vasilevich sang thăm lại Việt Nam, nơi họ đã từng sát cánh với các chiến sĩ bộ đội tên lửa Việt Nam đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các thành viên của forum “Nước Nga trong tôi” là CuongTrungDN đã nhanh chóng tiếp xúc để tổ chức buổi gặp mặt giao lưu với họ. Chúng ta đều biết là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, Liên Xô đã giúp đỡ cho nhân dân ta rất nhiều, đặc biệt là Binh chủng Phòng không – Không quân. Các chuyên gia cố vấn Liên Xô và các chiến sĩ Xô-viết đã đào tạo và giúp đỡ cho bộ đội Việt Nam xây dựng nên lực lượng Tên lửa Việt Nam anh hùng, đánh thắng địch ngay từ trận đầu ra quân. Suốt một thời gian dài, không phải ai cũng biết đến những chuyên gia cố vấn Xô-viết đó. Vậy mà hôm nay, những con người thật của việc thật đó đã đến Việt Nam. Được giao lưu với họ là ước muốn của tất cả thành viên forum, và mong muốn đó mạnh mẽ tới mức họ không thể chờ lâu hơn được nữa mà phải gặp ngay ngày đầu tiên khi các cựu chiến binh Xô-viết đặt chân đến thành phố.

Cơn mưa bất chợt ban chiều làm dịu đi không khí nóng nực ở Sài gòn, rửa sạch mọi bụi bậm bám trên các tán lá và làm lung linh thêm các ánh đèn mà khu Du lịch Văn Thánh trang hoàng để đón các cháu thiếu nhi đến vui Trung Thu. Xe đưa các cựu chiến binh đến sớm để tránh tắc đường và chúng tôi tranh thủ dẫn họ đi ngắm cảnh Khu Du lịch và xem các cháu thiếu nhi đón Tết Trung thu. “Khi xã hội chăm lo cho thế hệ trẻ, thì đó là xã hội đang nghĩ đến tương lai. Thật tiếc là ở Nga hiện nay người ta lại ngại sinh con, mặc dù Chính phủ đang rất khuyến khích” – Ông Đavưđop Anatoly Victorovich, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Nga - Việt tỉnh Svetlop, nói.

Khi đến điểm hẹn, chúng tôi gặp rất nhiều thành viên của “Nước Nga trong tôi”. Bác Vanhoa53, Sveta,TuDinhHuong, linhphương, meoyeu8479, matador, Hưng Astrakhan, Tanhia, Hoa May, Nina, danngoc đang nóng lòng chờ đợi. Ngoài ra còn có 4 bạn quân sử cũng tới tham gia cùng. Đặc biệt có cả bạn An (Sẽ đăng ký làm thành viên forum nay mai), người đang làm công việc phổ biến văn hóa Nga ở Việt Nam, người đã dịch và xuất bản cuốn truyện “Vô hồn” mới đây.

Sau khi nghe TrungDN giới thiệu thành phần hai bên, các vị khách đã tỏ ra rất thú vị khi biết rằng, thực ra không phải là tổ chức nào đứng ra hô hào cả, mà forum “Nước Nga trong tôi” chỉ toàn là những người vì yêu mến nước Nga mà tự lập forum để giao lưu với nhau và cùng nhau đến đây hôm nay để giao lưu với các khách Nga. Sau những ly chúc sức khỏe, vì sự phồn vinh thịch vượng của Việt Nam, vì tình hữu nghị Việt - Xô; Việt - Nga, theo đúng phong tục của cả Nga và Việt Nam, cụ Valentin đã đề nghị mọi người tưởng niệm đến người đồng đội, phiên dịch của cụ những ngày đó, anh chiến sĩ Trần Phúc Cán, mà mãi hôm nay cụ mới biết là đã hy sinh từ năm 1966. Chìa ra bức ảnh đen trắng chụp một nhóm các chiến sĩ Việt Nam, cụ nói ”Tôi biết, chiến tranh là có tổn thất hy sinh. Nhưng tôi tin là trong số những người này vẫn có người còn sống đến ngày hôm nay và tôi rất mong được gặp một trong những người ấy”. Vâng, thưa cụ Valentin, các thành viên 3N ở phía Bắc đang tích cực hoạt động để ước muốn của cụ có thể trở thành hiện thực.

Cụ Valentin kể lại:

- “Hồi đó tôi sang Việt Nam cũng đơn giản lắm. Có một cú điện thoại gọi đến: chỉ huy hỏi tôi có thể sang Việt Nam không? Tôi trả lời ngay không ngần ngừ. Và thế là chúng tôi lên đường sang Việt Nam. Đoàn chúng tôi là đoàn chuyên gia Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam, có khoảng 1 ngàn người. Nhiệm vụ của chúng tôi là đào tạo khẩn cấp các chiến sĩ bộ đội tên lửa Việt Nam. Đến bây giờ tôi vẫn khâm phục các chiến sĩ Việt Nam: Họ học và thực tập 12-14 tiếng mỗi ngày. Chỉ trong vòng hai tháng, họ đã tiếp thu được hầu hết các kỹ thuật cơ bản của thứ vũ khí khí tài rất phức tạp này, trong khi ban đầu chúng tôi dự kiến là phải mất ít nhất 6 tháng đến 1 năm. Tôi hổi đó đào tạo hai đợt. Sau khi đào tạo xong đợt một, chúng tôi được nghỉ 5 ngày tại khu nghỉ mát Tam Đảo gần Hà Nội. Đó là nơi rất mát mẻ, ở đó lần đầu tiên trong đời, tôi được bơi trong mây đấy. Sau đó là đợt thứ hai, đào tạo đơn vị mới. Sau 13 tháng 5 ngày ở Việt Nam, tôi mới trở về nước”.

- “Ông đã tham gia mấy trận đánh và ông nhớ trận đánh nào nhất?” Anh phóng viên báo “Người lao động” hỏi

- “Tôi tham gia nhiều trận đánh trực tiếp lắm. Đây này, cái huy hiệu này là huy hiệu kỷ niệm chúng tôi hạ cái máy bay thứ 400 đấy. Nó được làm bằng chính mảnh xác cái máy bay thứ 400 bị hạ đấy. Còn nhớ nhất thì đương nhiên là trận đầu tiên ra quân. Hồi đó chúng tôi chỉ có hai trung đoàn, còn ở Việt Nam thì chuẩn bị tới 35 trận địa. Chúng tôi nhận được chỉ thị của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là phải hạ được máy bay Mỹ ngay trận đầu ra quân. Sau khi lựa chọn vị trí trận địa, chúng tôi đã dành hẳn một tuần để hiệu chỉnh lại thiết bị. Các anh cũng biết là thiết bị tên lửa rất phức tạp, gồm nhiều bộ phận. Mỗi trung đoàn phải có 1 giàn ra-đa truy tìm mục tiêu, liên tục xác định phương vị, góc tà, khoảng cách và chuyển các thông số đó thành tọa độ của mục tiêu để đưa sang bộ phận điều khiển. Xe điều khiển tên lửa nhận các thông số đó và điều khiển 6 bệ phóng tên lửa. Hôm đó, chúng tôi phát hiện máy bay địch từ xa. Chúng đi thành cặp cái nọ cách cái kia 50 m. Tầm hiệu quả của quả tên lửa khi nổ là 60 mét nên ngay quả đạn đầu tiên chúng tôi đã chụp lên cả hai chiếc rồi. Quả tên lửa thứ hai chỉ có làm nốt việc cho hai cái máy bay đó rơi nhanh thêm thôi. Ngay sau khi bắn, chúng tôi lên xe cơ động đi chỗ khác ngay, cách chỗ cũ đến 90 km. Phải nói là dân quân du kích của Việt Nam tài thật. Họ nhanh chóng làm những giàn tên lửa giả bằng tre, gỗ, rơm rạ giống đến nỗi mà máy bay Mỹ cứ tưởng thật. Sau trận đánh đầu tiên của chúng tôi, phải đến 10 ngày sau bọn Mỹ không dám bay ra ném bom nữa. Chúng toàn cho máy bay không người lái đi thám thính. Và đâu đâu chúng cũng thấy các giàn tên lửa, toàn bằng rơm thôi nhé. Còn chúng tôi thì nấp kín lắm. Chiến tranh du kích mà lại. Chúng tôi chỉ có hai trung đoàn, mà theo tính toán của chúng tôi thì để bảo vệ riêng Thủ đô Hà Nội cũng cần phải có khoảng 8 trung đoàn như vậy. Tôi đề nghị với anh nhà báo, khi anh viết bài, anh phải nói rõ là chúng tôi vô cùng biết ơn những người dân quân Việt Nam, họ đã làm đủ mọi cách để bảo vệ sinh mạng cho các chuyên gia cố vấn chúng tôi, thậm chí sẵn sàng hy sinh thân mình để che chở cho chúng tôi”.

Các nhóm khác, nhất là các bạn thành viên diễn đàn Quân sử Việt Nam cũng tranh thủ trao đổi những chi tiết về những trang sử hào hùng của dân tộc ta ngày ấy. Có nhiều cái họ cũng đã biết nhưng vẫn thú vị khi được nghe từ chính những người trực tiếp tham dự kể lại.

Cụ Valery khoe với chúng tôi hai chiếc Huân chương: một chiếc cụ nhận được từ khi tham gia kháng chiến chống Mỹ và một chiếc khác: Vì Hòa bình và Hữu nghị giữa các dân tộc và bảo “Không thể nói cái Huân chương nào ý nghĩa hơn cái nào đâu nhé”. Sau khi Việt Nam thống nhất, cụ Valery đã tham gia tích cực vào việc phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam. Nhiều Công ty ở Svetlop đã ký Hợp đồng làm ăn với Việt Nam thông qua sự giới thiệu của cụ. Và lần này đây sang Việt Nam, cụ lại muốn thiết lập cầu nối giữa Quân y viện tỉnh Svetlop với Viện Y học dân tộc Việt Nam. “Nếu như tôi mời được 1 - 2 chuyên gia châm cứu, bấm huyệt của Việt Nam sang làm việc ở Svetlop thì tốt quá. Tôi hiểu là bây giờ, chúng ta chỉ có thể hợp tác với nhau trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Vấn đề là phải tìm ra những ưu thế của nhau để cùng phát huy, và thế là chúng ta sẽ hợp tác được với nhau”.

Bác sĩ Marina thì luôn bị cuốn hút vào những câu chuyện của Meoyeu8479 kể. Rồi hai người còn dắt nhau đi đến tận nơi các cháu thiếu nhi đang vui Tết Trung thu để trực tiếp xem các cháu thi lồng đèn. Đúng vậy đấy Marina ạ. Còn nhiều, nhiều lắm những câu chuyện thần thoại, cổ tích Việt Nam nên chúng tôi phải có nhiều những cái Tết Trung thu thế này để có thể kể hết cho các cháu thiếu nhi.

Các vị khách đã thực sự cảm động khi TrungDN thay mặt cho toàn thể anh chị em thành viên NuocNga.netkhu vực phía Namtặng cho các vị khách quý món quà lưu niệm. Cụ Valery nhất định phải mở ra để ngắm ngay “sản phẩm do những người thợ Việt Nam làm ra” – Bộ ấm chén sứ Minh Long thượng hạng. “Các bạn hãy đến Svetlop quê hương chúng tôi đi. Tôi muốn được đón tiếp các bạn ở quê hương mình”. Còn cô Marina cứ mân mê bộ khăn trải bạn thêu tay và nói: "Khách khứa đến nhà tôi sẽ phải phát ghen lên với tôi đây. Làm gì có ai có được bộ khăn trải bàn đẹp và trang trọng đến thế này”.

Khi chia tay cụ Valentin nói với chúng tôi: “Bốn mươi năm trước đây Việt Nam còn nghèo khổ lắm. Bây giờ thì các bạn đã khác rất nhiều rồi. Tôi nhìn thấy những gương mặt hân hoan, tôi nhìn thấy cuộc sống của Việt Nam đang phát triển và tôi hiểu rằng: ngày đó, chúng tôi đã chiến đấu, và người đồng đội của tôi đã hy sinh, không phải vô ích tý nào. Hôm nay trở lại Việt Nam, gặp các bạn ở đây, tôi thực sự cảm thấy như đang ở nhà mình”.

(Còn tiếp tục cập nhật)

Trung DN (NuocNga.net)