Là chủ nhân của hơn 30 công trình nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Có công trình do anh nghiên cứu đã ra đời hơn 10 năm nay vẫn hoạt động tốt, mỗi năm làm lợi cho nhà máy hàng tỷ đồng; lại có công trình làm tăng năng suất lao động lên 60 lần... Chủ nhân của những công trình, sáng kiến trên là Đại úy QNCN Lê Đức Hạnh, Quản đốc Phân xưởng Gia công cơ khí chính xác, Xí nghiệp Cơ khí, Nhà máy Z121, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng…
Tuổi thơ ám ảnh bởi những tiếng nổ
Khi chưa gặp Hạnh, tôi được anh Ngọc, Trợ lý Tuyên huấn của nhà máy giới thiệu: “Hạnh là quản đốc phân xưởng trẻ, nhưng có năng lực nhất nhà máy. Năm nay, Hạnh mới 33 tuổi, nhưng đã làm quản đốc một phân xưởng đầu ngành của nhà máy với 9 tổ sản xuất và hơn 180 công nhân…”.
 |
Hạnh luôn say mê bên chiếc máy tính - công cụ hỗ trợ cho việc sáng tạo, cho ra đời những đề tài, ứng dụng mới.
|
Gặp Hạnh, tôi không ngờ anh lại trẻ và thư sinh đến thế. Cái dáng người mảnh khảnh, da trắng, nụ cười bẽn lẽn như con gái… đội nắng đi đến từng tổ sản xuất kiểm tra tỉ mỉ từng chi tiết đang được những công nhân lành nghề thực hiện gây cho tôi ấn tượng khá mạnh.
Mỗi người đến với “nghiệp” của mình đều có cơ duyên. Hạnh không phải “con nhà nòi” về lĩnh vực này mà anh đến với nghề chính từ sự ám ảnh rất thương tâm do những loại vật liệu nổ gây ra. Hạnh kể:
- Nhiệm vụ chính trị của Nhà máy Z121 là sản xuất các hỏa cụ - “Trái tim của vũ khí” - bao gồm: Kíp nổ, hạt lửa, nụ xòe, bộ lửa, liều phóng… Có thể nói, tất cả các sản phẩm của nhà máy đều xoay quanh ba chữ: “nhạy- cháy- nổ”… Bố mẹ tôi đều là công nhân của nhà máy. Ngày còn nhỏ, những đứa trẻ có bố mẹ làm trong Nhà máy Z121 rất sợ tiếng nổ. Đang học, đang ăn cơm, đang ngủ… bất chợt nghe thấy tiếng nổ, sau đó là tiếng xe cứu thương, xe chữa cháy… là lũ trẻ lại khóc toáng lên, la hét, nháo nhác chạy vào nhà máy tìm bố, tìm mẹ.
Nhìn ra những vạt nắng ngoài sân, giọng Hạnh chùng xuống:
- Tôi nhớ mãi một ngày hè cũng nắng như hôm nay. Hôm đó, tôi cùng hai người bạn thân là Phương và Cường đi học về thì nghe thấy tiếng nổ lớn phát ra từ phía nhà máy. Theo phản ứng, cả 3 đứa cùng chạy vội về phía có tiếng nổ. Chúng tôi tới nơi thì thấy mẹ bạn Cường đã... hy sinh, người bê bết máu. Còn mẹ bạn Phương thì bị thương rất nặng ở hai mắt…
- Thời gian cứ trôi đi và tính đến nay nghĩa trang liệt sĩ của nhà máy đã trở thành nơi yên nghỉ vĩnh hằng của 9 cán bộ, công nhân – Giọng Hạnh nghẹn lại.
Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa, ngành gia công áp lực, sau những tháng ngày làm việc tại nhiều nơi với mức lương khá cao… nhưng những tiếng nổ thương tâm; hình ảnh các cô, các chú công nhân bị thương, hy sinh trong khi sản xuất vẫn luôn ám ảnh, để rồi tháng 4-2001 Hạnh trở về Phú Thọ, xin được vào làm việc trong nhà máy với ước mơ góp phần để những tiếng nổ an toàn.
Ám ảnh từ những bàn tay không lành
Đưa tôi đi thăm các tổ sản xuất, Hạnh nói:
- Ngày mới về tôi được xếp làm ở vị trí trợ lý kỹ thuật. Lúc đó, dây chuyền sản xuất của nhà máy còn lạc hậu và cũ kỹ lắm! Tuổi trẻ, tính sốc nổi, nên tôi muốn bắt tay ngay vào làm một cái gì đó với hy vọng có thể thay đổi được chất và lượng sản phẩm, đặc biệt là nâng cao khả năng bảo đảm an toàn cho công nhân. Ý tưởng về một sáng kiến đang dần hình thành thì bất ngờ tôi được chuyển xuống làm công nhân ở xưởng dập vỏ.
- Chắc lúc ấy Hạnh thất vọng lắm nhỉ? – Tôi hỏi.
- Đúng! Đang là kỹ sư, xuống làm công nhân, tôi thấy như mình bị... kỷ luật. Sau mấy đêm suy nghĩ, tôi tìm gặp Giám đốc Xí nghiệp Lại Văn Vĩnh, để hỏi cho rõ ngọn ngành. Giám đốc Vĩnh nhìn tôi hồi lâu rồi nói: "Cậu có tài, nhưng muốn phát huy được thì phải biết cơ sở, phải biết được chúng ta có cái gì, trình độ công nhân ra sao…?".
Nếu như tuổi thơ bị ám ảnh về những tiếng nổ, thì ngay khi bước chân vào Xưởng Dập vỏ, Hạnh đã bị ám ảnh bởi những bàn tay đầy thương tích của không ít công nhân trong xưởng. Nhiều người thợ bàn tay không còn nguyên vẹn, nhẹ thì mất đốt ngón tay, nặng thì mất cả bàn tay. Tìm hiểu, Hạnh được biết nguyên nhân căn bản là công nghệ lạc hậu. Hạnh kể:
- Có hôm, đang làm thì cả xưởng nhốn nháo vì tiếng la lớn của chị Thắng bị đinh xuyên qua bàn tay. Một lần là chú Quang mất mấy đốt ngón tay. Rồi cô Ý, cô Mai… có thêm những vết sẹo trên bàn tay.
Hơn 3 tháng thực tế ở Xưởng Dập vỏ, Hạnh luôn trăn trở và tự nhủ: “Phải làm gì để thay đổi, đem lại sự an toàn cho những người công nhân?”. Thế rồi, ý tưởng sản xuất “Hệ thống cấp phôi tự động cho các máy dập sản xuất các sản phẩm quốc phòng” của anh ra đời.
- Khi tôi đem ý tưởng này chia sẻ với đồng nghiệp, có người bề ngoài thì tỏ ra rất ủng hộ nhưng không giúp gì mà chỉ cười bí hiểm; có người thì ném cho tôi cái nhìn dò xét; người thì mỉa mai: “Ngựa non háu đá".... Thực trạng về căn bệnh tự ti, sợ trách nhiệm đã làm tôi chùn bước mất 3 tháng. Đến tháng 9-2001, khi có nhiều thời gian tìm hiểu hơn, một chút tự ái nghề nghiệp… đã thôi thúc tôi quyết tâm thực hiện bằng được sáng kiến này - Hạnh tâm sự.
Sau hơn một tháng nghiên cứu, thiết kế với cường độ làm việc từ 14 đến 16 giờ/ngày liên tục, đến giữa tháng 10-2001, “Hệ thống cấp phôi tự động cho các máy dập sản xuất các sản phẩm quốc phòng” đã được Hạnh hoàn thành phần thiết kế. Đến tháng 12-2001, công trình được lắp đặt và nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Hạnh nhớ lại:
- Hôm chạy thử dây chuyền, nhìn từng miếng phôi tự động chuyển đến khuôn, sau khi dập xong lại “có một cánh tay máy” tự động gắp ra, Giám đốc Nhà máy Nguyễn Hữu Hòe cứ ôm chặt lấy tôi, giọng nghẹn lại không nói hết mấy lời cảm tưởng của riêng mình.
Tính đến nay, sau gần 10 năm áp dụng, “Hệ thống cấp phôi tự động cho các máy dập sản xuất các sản phẩm quốc phòng” vẫn phát huy tốt hiệu quả. Đặc biệt từ khi đưa dây chuyền này vào sản xuất, không chỉ khắc phục triệt để tình trạng mất an toàn ở xưởng dập vỏ của nhà máy, mà còn góp phần quan trọng nâng năng suất lao động tăng gấp 4 lần, mỗi năm làm lợi cho nhà máy từ 4 đến 5 tỷ đồng. Công trình này sau đó đoạt giải nhì “Tuổi trẻ sáng tạo” trong quân đội; đồng thời chính là "liều thuốc" đặc trị căn bệnh tự ti, ích kỷ, thiếu ý thức vượt khó, vươn lên trong cán bộ, công nhân nhà máy.
 |
Quản đốc Lê Đức Hạnh cùng công nhân trong phân xưởng kiểm tra độ chính xác của các chi tiết trước khi thi công. |
Cho những tiếng nổ an toàn
Năm 2004, Nhà máy Z121 được cấp trên giao nhiệm vụ sản xuất bộ lửa các loại với số lượng tăng đột biến (gấp 20 lần so với năm 2003). Để hoàn thành nhiệm vụ hết sức nặng nề này, điều đầu tiên được nhiều người nghĩ tới là đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị, nhưng cũng chẳng đơn giản vì kinh phí đầu tư lớn; hơn nữa, sản phẩm còn phải cạnh tranh khá gay gắt về giá thành và chất lượng so với hàng ngoại nhập. Cùng với chủ trương phát động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến dây chuyền sản xuất bộ lửa các loại, Hạnh nghĩ rằng đây lại là một cơ hội tốt.
Được Đảng ủy, Ban giám đốc thông qua và nhiệt tình ủng hộ, sau khi nghiên cứu tỉ mỉ công nghệ cũ, tính toán phác thảo được một số phương án, nhóm khoa học trẻ của nhà máy do Hạnh phụ trách bắt tay vào thiết kế.
Theo Hạnh, bài toán đặt ra cho nhóm thiết kế có 3 vấn đề: Thứ nhất, tập trung cải tiến dây chuyền để tăng năng suất lao động; thứ hai, nâng cao chất lượng sản phẩm và cuối cùng là bảo đảm tuyệt đối an toàn. Do phải đáp ứng cả 3 yêu cầu trên, nên quá trình tính toán thiết kế diễn ra hết sức tỉ mỉ, thận trọng. Sau nhiều ngày miệt mài nghiên cứu, cuối cùng Hạnh và một số đồng nghiệp cũng hoàn thành công trình của mình. Công trình được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và các cơ quan chức năng nghiệm thu, đánh giá cao, đáp ứng tốt các yêu cầu cả về kỹ thuật, chất lượng và giá thành sản phẩm, mức độ an toàn.
Gần hai ngày theo chân Hạnh đến từng tổ sản xuất, tôi nhận thấy ở chàng quản đốc có dáng thư sinh này luôn thể hiện một ý chí phấn đấu, khát khao cống hiến. Đặc biệt, tôi nhận thấy ở Hạnh tinh thần dám nghĩ, dám làm; luôn mạnh dạn đề xuất ý tưởng sáng tạo và nỗ lực để biến những ý tưởng của riêng mình, của đồng đội mình thành hiện thực… Với những đức tính đó, tôi tin Hạnh sẽ còn tiến xa và tiếp tục có những cống hiến cho nhà máy, cho quân đội.
Bài và ảnh: Phú Sơn