Công ty mía đường 333 (Tổng công ty Cà phê Việt Nam) hoạt động 10 năm mà có tới 7 năm thua lỗ. Con số thua lỗ lớn hơn cả tổng vốn đầu tư. Mặt khác, do đầu tư xây dựng không đồng bộ, nhà máy nằm ở trung tâm thị trấn, dẫn tới gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Nước giếng của bà con khóm 5, khối 1, thị trấn Ea Knốp bị ô nhiễm.


Đầu tư 44 tỷ đồng, thua lỗ hơn 50 tỷ đồng

Công ty mía đường 333 đóng trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc (nay là Công ty cổ phần mía đường 333), được xây dựng từ năm 1997, kinh phí đầu tư 44 tỷ đồng với công suất thiết kế 500 tấn mía nguyên liệu/ngày. Sau nhiều lần nâng cấp, đến nay công suất nhà máy đường của công ty nâng lên 800 tấn mía nguyên liệu/ngày. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết: Trong 10 năm sản xuất kinh doanh thì có tới 7 năm công ty thua lỗ với số tiền lên tới hơn 50 tỷ đồng. Ba năm gần đây, công ty đã có lãi, nhưng không đáng kể. Như vậy, chỉ trong 7 năm, số tiền thua lỗ của Công ty đã nhiều hơn tổng vốn đầu tư tới hơn 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, do đầu tư thiếu đồng bộ, thiết bị, công nghệ cũ kỹ và lạc hậu, dẫn tới hậu quả nhà máy của công ty gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân khu vực thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar (Đắc Lắc).

Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, việc đầu tư công nghệ xử lý nước thải, khí thải, khói bụi và tiếng ồn chưa được Công ty mía đường 333 quan tâm đúng mức. Theo tính toán, mỗi giờ công ty chạy máy sản xuất đường cần lượng nước là 600m3, đồng thời cũng thải ra môi trường lượng nước thải tương đương và một lượng lớn khí thải, rác thải, dư lượng hóa chất. Nhưng hiện tại công ty mới chỉ đầu tư xây dựng được 4 bể lắng đọng nước thải, có sức chứa không đáng kể so với lượng nước nhà máy thải ra. Vì vậy, phần lớn nước thải được tuồn thẳng xuống hồ của thị trấn Ea Knốp làm cho nguồn nước trong hồ bị ô nhiễm và nước giếng của bà con xung quanh hồ cũng bị ô nhiễm theo. Mấy năm gần đây, Công ty còn tận dụng vỏ hạt điều làm chất đốt, trong khi không có hệ thống xử lý khói bụi, dẫn tới gió thổi hướng nào là mang theo khói bụi tràn vào khu dân cư nơi đó.

Mối lo về bệnh tật do ô nhiễm môi trường

Nhà máy của Công ty mía đường 333 nằm phía trên cao, còn hơn 40 hộ dân của khóm 5, thị trấn Ea Knốp định cư phía dưới. Đã 10 năm nay, kể từ ngày nhà máy đi vào hoạt động, các hộ dân phải sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng cả nguồn nước, không khí; ngoài ra còn phải chịu đựng tiếng ồn. Người dân sống trong trạng thái căng thẳng, lo sợ với đủ thứ bệnh rình rập.

Khi gặp chúng tôi, rất nhiều người dân ở khóm 5 phản ánh nỗi bức xúc của mình. Anh Phạm Văn Bình là người nhiều lần thay mặt số hộ trong khu dân cư phản ánh tình trạng Công ty mía đường 333 gây ô nhiễm môi trường, với mong mỏi được cơ quan chức năng của huyện và tỉnh can thiệp, nhưng không kết quả. Anh Bình cho biết: “Mấy năm gần đây, trong khóm 5 này có tới 10 trường hợp chết vì bệnh ung thư và đột tử. Liệu đây có phải là dấu hiệu của bệnh ung thư, do sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng trong thời gian dài?”.

Tìm hiểu thực trạng ô nhiễm ở khu vực vào thời điểm đầu năm 2007 này, chúng tôi nhận thấy, mặc dù Công ty mới bắt đầu vụ sản xuất (2006-2007) được hai tháng, nhưng ở khu dân cư khóm 5 mùi hôi đã bao trùm, khói bụi và tiếng ồn đã làm cho môi trường trở nên ngột ngạt.

Nhiều người dân khẳng định: Kể từ ngày nhà máy đi vào hoạt động và thải bừa bãi nước thải, chất thải ra hai hồ của thị trấn Ea Knốp rộng chừng 2ha nằm sát bên khóm 5, nước trong hồ chuyển thành màu đen, cá tôm không sống nổi. Thậm chí, nước thải có hôm còn tràn cả xuống khu vực khóm 5, ngập vào nhà dân như nước lũ. 10 năm nay tất cả các hộ dân khóm 5 này không có nước ăn, phải mang can đi xin nước ở thôn khác, hoặc phải ăn "liều" nước giếng ô nhiễm, sau khi đã lọc bằng phương pháp thủ công. Nhà ở và vườn tiêu của gia đình anh Phạm Văn Bình nằm sát bên khu vực bể chứa nước thải của nhà máy, vì thế mùi hôi bốc lên đậm đặc hơn, nguồn nước ô nhiễm nặng hơn các hộ khác. Theo phản ánh của vợ chồng anh Bình, có đợt nước thải trong bể chứa tràn ra, ngập vườn tiêu cao tới 20cm, tràn cả vào nhà. Anh Bình đưa chúng tôi ra xem vườn tiêu của anh có tới gần trăm trụ bị chết đứng vì bị ngập nước thải, nay chỉ còn trơ trụ gỗ bám đầy những dây tiêu khô. Do nhà anh ở dưới thấp, để đề phòng nước thải từ nhà máy tràn ngập nhà, anh đã phải đào 6 cái hào, đắp 5 bờ ngang dọc ở khu vườn tiêu phía sau, vậy mà đêm nào anh chị cũng nơm nớp lo sợ. 10 năm nay anh Bình phải mua can nhựa, dùng xe đi thôn khác chở nước về ăn. Mới đây, gia đình anh Bình phải xây thêm cái bể chứa nước mưa, nhưng theo anh, nước mưa chưa chắc đã sạch vì hứng cả khói bụi của nhà máy.

Chị Hoàng Thị Tuyết, vợ anh Bình, đưa cho chúng tôi xem chiếc dây chuyền bằng bạc nhưng lại có màu đen chị đang đeo trên cổ. Chị bảo: Năm nào cũng vậy, khi nhà máy bắt đầu hoạt động, là chiếc dây chuyền bạc vốn có màu trắng sáng của chị lại chuyển sang màu đen. Không khí ô nhiễm nặng, nên tình trạng người dân mắc các chứng bệnh nhức đầu, viêm mũi, viêm xoang khá phổ biến. Theo lời chị Tuyết, có hôm nhà máy đốt vỏ điều để chạy máy, khói bụi dày đặc hệt như mây đen trong dông bão bao phủ mịt mờ cả khóm 5; không khí trở nên ngột ngạt đến nghẹt thở, nhà nhà phải đóng kín cửa, vậy mà khói bụi vẫn xộc vào. Nhiều đêm thức giấc, sợ các con ngạt thở mà lịm đi, chị Tuyết phải sờ mũi, véo tai con xem chúng còn sống không(!). Bây giờ gia đình chị và nhiều hộ khác ở khóm 5 này treo biển bán nhà để đi nơi khác sinh sống, nhưng cũng không bán được.

Bác Nguyễn Ái Quế, thương binh loại ¾ than thở: “Tôi sống ở khóm 5 này hơn 20 năm rồi, từ ngày có nhà máy đường cuộc sống của chúng tôi khổ sở lắm. Bản thân tôi nhiều đêm mất ngủ, cộng với ăn nước bẩn, hít thở khí độc, nghe tiếng ồn cũng sinh ra đủ thứ bệnh. Mình già rồi, cố chịu đựng được, chỉ thương mấy đứa cháu nhỏ mắc bệnh thì tội nghiệp chúng. Đêm đêm, tôi cứ thao thức mấy đận dậy mở cửa vì sợ các cháu ngạt thở !”.

Được biết, đã có một đôi lần các cơ quan chức năng của tỉnh Đắc Lắc tiến hành kiểm tra mức độ ô nhiễm nước, không khí của nhà máy đường này nhưng mọi thứ đâu vẫn nguyên đó.

Nhà máy đường 333 nằm giữa trung tâm thị trấn Ea Knốp và gây ô nhiễm cả chục năm trời, thua lỗ hàng chục tỷ đồng. Tình trạng này còn kéo dài ngày nào là người dân trên địa bàn còn phải sống trong nỗi lo sợ và bệnh tật. Người dân thị trấn Ea Knốp nêu kiến nghị cần phải di chuyển nhà máy của Công ty mía đường ra xa khu dân cư.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH