QĐND - Đã nhiều lần tôi được nghe nói về người anh hùng chăn bò Hồ Giáo. Báo chí cũng đã viết nhiều về ông. Cuộc đời của ông cũng đã thành truyện, thành thơ, thành bài hát. Tuy nhiên, vừa rồi tôi mới có dịp được gặp ông tại nhà riêng ở thành phố Quảng Ngãi. So với những gì tôi đã được đọc, được nghe về ông thì bao nhiêu năm nay, Hồ Giáo vẫn thế, vẫn là một, đơn nhất.

Nắng tháng tư ở Quảng Ngãi vàng óng như mật. Chúng tôi tìm đến trại trâu Mu-ra tại xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành để tìm gặp ông Hồ Giáo. Tới nơi, chúng tôi được mọi người cho biết ông đã nghỉ làm từ giữa năm 2010. Trở về thành phố Quảng Ngãi, tìm đến nhà riêng thì cô con gái duy nhất của ông cho biết: Ông vừa đi khám bệnh ở bệnh viện Quảng Ngãi.

Anh hùng Hồ Giáo và cô cháu ngoại.

 

Hơn 20 giờ cùng ngày, chúng tôi quay lại nhưng ngôi nhà nằm im lìm, tịnh không một tiếng động. Nghe tiếng khách gọi cửa, anh con rể ra tiếp chúng tôi và cho biết: "Ông cụ sau khi xem xong chương trình thời sự cũng đã lên giường nghỉ ngơi. Đó là thói quen hằng ngày của ông". Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi đành hẹn hôm sau quay lại.

Ngôi nhà 2 tầng rộng chừng hơn 100m2, sơn còn mới tinh nằm khuất trong con hẻm nhỏ cuối đường Bùi Thị Xuân, thành phố Quảng Ngãi là cơ ngơi mà ông và gia đình tích cóp mua được. Trước đây cũng chỉ là nhà cấp 4 lụp xụp, mãi đến cuối năm ngoái ông mới xây dựng lại cho khang trang để hai vợ chồng an nghỉ tuổi già. Vì mải mê với công việc, mãi năm 1982 ông mới lập gia đình khi đã ở tuổi… 52. Vợ ông là bà Huỳnh Thị Thành, năm nay mới bước sang tuổi 65 và cô con gái Hồ Thị Tuyết Minh, cũng chưa đến 30. Ông cùng với vợ, con gái, con rể và hai cháu ngoại sống quây quần, lặng lẽ, không ồn ào. Chị Tuyết Minh là giáo viên một trường THCS ngay gần nhà, còn chồng chị làm việc tại khu kinh tế Dung Quất.

Trong ngôi nhà được thiết kế khá hiện đại, chúng tôi thấy có hẳn một chiếc tủ kính đặt ở vị trí trang trọng nơi phòng khách để ông trưng bày tấm hình Bác Hồ, cùng những kỷ niệm chương hay quà tặng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Để ý hồi lâu, nhưng chúng tôi không thấy hai danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1966 và 1986 mà Đảng, Nhà nước trao tặng ông. Lý giải thắc mắc của chúng tôi, ông bảo “Để vô đó làm chi, dù sao ai cũng biết hết cả rồi mà…”. 

Trò chuyện với chúng tôi bên ấm trà, người anh hùng đã bước sang tuổi 83, đôi tay chốc chốc lại run run. Đôi bàn tay chai sạn sau bao nhiêu năm cầm liềm cắt cỏ, như một thói quen, giờ không còn được làm nữa bỗng như thấy cuồng, thấy nhớ. Ông có đôi tai khá to, khuôn mặt hiền từ phúc hậu, đôi mắt mờ đục nhìn xa xăm. Đôi chân đi lại đã không còn vững nữa, tấm lưng thì khòng khòng như vết tích của bao nhiêu gùi cỏ trên lưng. Bây giờ mỗi lần đứng lên, ngồi xuống, ông đều phải nhờ người giúp sức. Vậy mà hôm trước chúng tôi đến, ông vẫn đi bộ ra bệnh viện để khám bệnh. Người anh hùng đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" vẫn "bảo thủ" đến lạ. Biết đi xe đạp, nhưng trong một lần bị tai nạn ông bỏ hẳn chuyển sang đi bộ.

Anh Hồ Ngọc Tâm đang cho trâu ăn.

 

Cuộc đời ông Hồ Giáo như có sự cố kết, sợi dây vô hình gắn với trâu, với bò hay đại loại là gia súc. Gặp ông, tôi nhận thấy, chắc hai câu thơ mà nhà thơ Tố Hữu viết về ông ngày trước chính là bản chất thật nhất của Hồ Giáo: “Hỏi anh: Có thú vui gì?/Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò…”. Năm 1954 ông vào bộ đội, biên chế trong đội hình Sư đoàn 350 tập kết ra Bắc bảo vệ Thủ đô. Đến năm 1960, theo lời kêu gọi của Bác Hồ giảm 8 vạn quân, ai ở miền Bắc thì về nhà, ai ở miền Nam ra thì được chuyển ngành, ưng đi đâu thì đi. Ông nghĩ mình bộ đội cũng là nông dân, làm nghề nông là chắc chắn nhất. Làm việc khác thì không thích, như ngành xây dựng xây xong công trình rồi đi mất, mình không ở lại với cái mình làm ra. Nghĩ thế, ông tình nguyện lên Ba Vì làm nghề chăn nuôi. Về đó nuôi heo 5 năm, sau nông trường có bò, ông được điều qua nuôi bò sữa. Năm 1978, Ấn Độ tặng nhân dân Việt Nam 502 con trâu, trong đó có 2 con do Thủ tướng Ấn Độ tặng riêng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ba chuyến máy bay chở đàn trâu đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất rồi vận chuyển về Sông Bé. Từ đó, ông chuyển về Sông Bé nuôi trâu sữa miết đến năm 1991 thì nghỉ hưu.

Hồi ở Ba Vì, ông được phong anh hùng là nhờ giỏi nuôi bò lẫn nuôi heo. Trình độ chăn nuôi của nước ta hồi đó chưa như bây giờ. Có cái phức tạp người khác không làm được nhưng ông làm được. Ví dụ, bò sinh khó, heo bị bệnh... thuốc tây chữa không được, nhưng với riêng ông thì khỏi hết. Thời gian ở Sông Bé, Nhà nước chủ trương đưa đàn trâu Mu-ra về lúc ấy nhằm mục đích là phát triển nhân giống giúp nhân dân có sức kéo và xây dựng cơ sở chế biến sữa trâu. Ông Hồ Giáo lại đem hết tài nghệ để chăm sóc cho đàn trâu. Các chuyên gia Ấn Độ hồi ấy đã kinh ngạc khi chứng kiến từng con trâu do ông Hồ Giáo chăm sóc tự bước lên bàn cân để kiểm tra trọng lượng khi được gọi tên. Tại đây, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ hai (1986).

Ông chỉ biết làm, không biết nói những lời hoa mỹ. Hình như chuyện gì ông vụng về thì lại nhớ rất lâu. Ông bảo, cuộc đời ông khó nhất là đi học. Sau khi trở thành anh hùng lần thứ nhất, ông học mãi vẫn không qua khỏi lớp hai.

- Ở nông trường mỗi tuần tôi học 3 buổi tối (thứ hai, thứ tư, thứ sáu), nhiều khi có mấy chữ mà học ba bốn ngày không thuộc. Một bài toán chia 2 con số mà tôi ướt hết cả áo vẫn không được… - Ông Giáo nhớ lại.

Năm 1991 ở Sông Bé, khi ông đến tuổi về hưu, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gọi ông ra và đưa 15 con trâu Mu-ra về xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành để ông nuôi và nhân giống. Ở trại trâu Hành Thuận này, lúc nhiều nhất là 20 con.

Gần 20 năm từ ngày nghỉ hưu, ngày nào anh hùng Hồ Giáo cũng đi bộ gần 6 cây số từ thành phố Quảng Ngãi lên trại trâu. Người dân dọc tỉnh lộ 624 đã quen với hình ảnh một ông già xách chiếc cặp lồng trên tay, ngày 2 buổi đi về... Giữa năm 2010, ông quyết định "nghỉ hưu" lần thứ 2 ở tuổi 82. Con đường như trống trải hơn khi giờ đây đã vắng bóng ông đi về.

Những ngày đầu mới về nghỉ, không ngày nào ông không nhớ tới đàn trâu. Nhớ mùi ngai ngái, nồng nồng ở cái trại trâu đã gắn bó, ăn vào từng thớ thịt của ông suốt cả cuộc đời. Đặc biệt, sau khi làm việc ở trại trâu Hành Thuận, ông nghỉ không phải vì lương thấp (lương của ông hơn 700.000 đồng/tháng) mà do tuổi đã cao, sức đã yếu. Ông cần được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già và gia đình ông cũng muốn thế.

Tâm sự với chúng tôi rằng phải xa lũ trâu ông buồn lắm. Không được cắt cỏ, chăm sóc lũ trâu, chân tay ông cứ như thừa. Những ngày đầu mới về nghỉ ông nhớ lũ trâu, chẳng buồn làm gì. Cuộc đời ông gắn bó với lũ trâu như một định mệnh không thể khác.  Thế rồi, cứ một đến hai tuần ông lại đi nhờ xe lên trại Hành Thuận thăm đàn trâu, cho chúng ăn để vơi đi nỗi nhớ. Nhưng rồi, sức khỏe không cho phép và cũng chẳng có mấy dịp đi nhờ được xe lên đó, nên ông đành... chịu. Giờ đây, sau gần một năm nghỉ ngơi, được vợ và các con chăm sóc, nước da ngăm đen ngày nào của ông đã hồng hào trở lại. Hôm chúng tôi vào thăm, tuy đi lại đã khó khăn nhưng trông ông béo lên và khuôn mặt hồng hào, phúc hậu hơn so với hồi mà mấy anh bạn đồng nghiệp của tôi chụp hình cách đây vài năm.

Hôm chúng tôi lên thăm trại trâu ở xã Hành Thuận, những cánh đồng cỏ voi, cỏ Ghi-nê vẫn xanh bát ngát nhưng đã thiếu đi bóng dáng quen thuộc của Anh hùng Hồ Giáo. Nói là trại trâu, nhưng thực chất ở đây cũng chỉ là mấy gian nhà cấp 4 cũ lụp xụp xây từ hồi ông Giáo bắt đầu "nhận nhiệm vụ". Những con trâu Mu-ra cũng chẳng buồn nhúc nhích khi có người lạ. Hồi ông Giáo còn làm việc, lúc nhiều nhất ở đây có tới 20 con trâu Mu-ra. Vậy mà giờ đây, cả lớn lẫn bé chỉ còn 7 con. Nhác thấy bóng dáng người nhỏ bé trong chiếc áo công nhân màu xanh đang lúi húi dọn chuồng trâu khiến chúng tôi chột dạ, ngỡ tưởng ông Giáo. Nhưng đó là anh Hồ Ngọc Tâm, cháu ruột của ông Hồ Giáo. Sau khi tốt nghiệp ngành thú y Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam, anh Tâm không chọn một nghề nào khác “ngon lành” hơn mà chọn luôn nghề chăn trâu nối nghiệp bác mình.

Nhà anh cách trại trâu khá xa, ngày hai buổi đạp xe đi về cũng ngót ngét 40 cây số. Cũng cái dáng người lầm lũi, ít nói, anh giống ông Giáo đến lạ.

- Tui học được từ bác Hai cái tính luôn hết mình với công việc và cái tình dành cho đàn trâu. Kinh nghiệm cả đời chăn trâu của bác Hai nhiều vô kể, bác truyền lại cho tui hết, không nhớ thì uổng phí lắm! - Anh Tâm chia sẻ với chúng tôi.

Dẫu cuộc sống còn không ít khó khăn, tiền lương hằng tháng của anh hiện tại chỉ 1,5 triệu đồng, nhưng nhìn cách làm việc và chăm sóc đàn trâu, tôi biết cả anh và ông Giáo chẳng ai nghĩ đến chuyện lương, thưởng bao giờ. Bởi triết lý sống của anh bây giờ là học được từ bác Hai mình “Tiền bạc quan trọng nhưng chỉ là trước mắt. Còn biết yêu nghề thì nghề sẽ không bao giờ phụ mình”- Anh Tâm bộc bạch

Nắng vẫn vàng óng trên những cánh đồng cỏ voi xanh bát ngát. Chúng tôi thấy mừng vì ông Giáo đã có người nối nghiệp... .

Bài và ảnh: Minh Mạnh - Tấn Tuân