(Tiếp theo và hết)

Sau trận pháo kích “đạn hóa học” của Mỹ, Đại đội 8 phải tạm dừng một buổi để tiếp tục xử lý. Đại đội 7 may không dính độc vẫn ráo riết hoạt động. Trước yêu cầu tiếp tế nóng bỏng, mấy xuồng của Đại đội 8 không bị nặng, tẩy rửa xong, cũng hoạt động xen với đội hình đơn vị bạn.

Đoàn xuồng máy đi gọn đội hình từng trung đội, tranh thủ vượt trước thời điểm pháo hạm Mỹ oanh tạc. Cả đoàn mới qua đập nước ngăn mặn chừng ba cây số, chợt nghe tiếng “rù rù” nặng chịch ngay trên đầu.

B52! – Tiếng đội phó Xuân Kiều hét rất to-Nét sát bờ!

Đoàn xuồng chưa kịp tránh hết, mặt nước thoắt như dòng sông lửa, hàng trăm cột nước dựng sáng đỏ rực, sóng cồn cao dữ dội… Xuồng Triệu Khiết như lạc trong “mê trận”, chẳng biết dẹp vào đâu “cứ phóng đi may thoát…”. Anh nhấn ga, vọt lên. Tròng trành dữ quá. Khiết ráng gân cổ:

- Bám chặt thành xuồng… Nằm ép xuống, ôm bao hàng…

Lại loạt bom rải thảm nữa. Thuyền bị nhồi lên xuống. Thủy thủ phụ lái nhấp nhổm. Khiết hét toáng:

- Nhảy xuống sông chết mất xác đấy! – Khiết ngoái đầu về sau, thấy xuồng Võ Ninh cũng đè sóng bám theo. Anh đánh tay ra tín hiệu - Vượt qua đây thì sống.

Nửa giờ sau, đến bờ sông Ái Tử. Ngô Kỷ đưa súng lên trời nã liền ba phát. Lập tức có tổ cấp cứu chạy ra, thấy xuồng áp sát bờ:

- Bị thương mấy người? – Cô giải phóng đeo băng thập tự hỏi săn đón-Thương binh ở mô?

- “Bị thương” đây – Ngô Khởi vỗ vỗ ngực cười xòa…

- Đùa cái chi? Cô gái nổi quạu-Ba phát là tín hiệu cấp cứu, nỏ biết hỉ?

- Bốc hàng cũng là cấp cứu mà! – Khởi cười-Xin lỗi nhé!

Xuồng Võ Ninh cũng vừa cập bến, nói xuê xoa:

- Cô thông cảm, mới thoát tử thần B52 đấy! Cậu ấy sướng quá, muốn gọi các anh chị ra bốc hàng nhanh thôi.

Cả đại đội xuồng mà chỉ mấy anh chị hậu cần, quân y thì bốc bao giờ mới hết. Thủy thủ, cán bộ vận tải lại “tiện vai” vác luôn lên bờ giúp quân giữ thành vậy. Người nhận hàng tiếp tế đúng lúc lâm cảnh “dốc bồ”, lại được người cấp cứu hết mình giúp sức… Anh chị em xúc động cảm ơn không tiếc lời.

Đại đội 8 dính trận pháo kích, tuy không hy sinh người nào, song hầu như ai cũng bải hoải. Phần vì ngày nào cũng gần hết đêm vận chuyển, mờ sáng phải chuẩn bị kỹ thuật phương tiện, buổi chiều lo nhận hàng kiểm tra dụng cụ đón thương. Phần căng thẳng thần kinh vì lo nhiễm chất độc “da cam”… Nhưng giọng nói trầm đục của anh cán bộ giải phóng “… Cả ngày đêm ta giành giật với địch từng đoạn chiến hào… Có phân đội đói khát đã chiến đấu đến người cuối cùng…” thì ai cũng ứa nước mắt. “Anh em mình khổ quá…, đói thì còn sức đâu mà đánh…”. Họ lại gắng dậy, vỗ vai nhau:

- Cố lên mày! Không sao đâu.

- Sao cái gì? Bom đạn chẳng cáy, ba thứ bột. Coi khinh.

- Đêm nay đi chứ?

Đỗ Kính khẽ nhắm mắt:

- Tình cảnh họ trông đợi còn hơn con mong mẹ về chợ…

Cứ nghĩ thế, ai cũng thêm phần trách nhiệm không được để đồng đội mình hy sinh thêm nữa vì đói ăn, thiếu súng đạn… Ai cũng muốn chở nhiều hơn một chút bổ sung cho các đồng chí ấy… Đỗ Kính lý lẽ… Chạy vào ngược nước một chút, nhưng sức máy này sao lại không nổi…”. Đến kho, Kính đề nghị tặng thêm hai trăm ký nữa. Thủ kho tròn mắt nhìn Kính:

- Qua khúc sông cạn, có bảo đảm không đấy?

- Triều lên nước ngập đầu-Kính cười khì-Khỏi lo.

Các chiến sĩ kho vác xuống bốn bao nữa. Thủ kho ghi bổ sung, ký nhận xong, Kính đưa tay quá đầu: - Chào nhé! Rồi vọt nhanh ra giữa dòng, băng băng trên các luồng sông quen thuộc.

… Kính phóng đến sông Canh Hòm, trúng con nước nhỏ, xuồng chở hơi khẳm, chân vịt bập phải doi cát, khựng lại. Anh vội nhảy xuống nước, ráng sức đẩy xuồng áp bờ. Lật máy lên xem, gạt mạnh cánh chân vịt nó quay tít… “Hầy! Tuột mẹ nó rồi!”.

Trọng Đại chạy qua, vội hãm máy:

- Sao thế anh Kính?

- Hỏng chân vịt.

- Cần giúp không anh?

- Thôi cậu đi cho kịp, kẻo lại hụt thêm xuồng hàng nữa.

Kính hí hoáy tháo tung cái chân vịt khỏi máy, xăm xoi một chập. Té ra cái vòng cao su ở cổ máy ôm chặt lấy trục chân vịt, bị sức giật quá mạnh làm bong rời khỏi nhau... Làm cách gì đây? Nếu có keo dán thép thì chắc xong ngay... Giữa vùng sông rạch này bói đâu được...". Kính nhấc lên, đặt xuống, chợt nghĩ "vấn đề là làm sao cổ máy ghì chặt được trục chân vịt... Có lẽ phải tạo cho trục chân vịt một cái chốt định vị... Đầu viên đạn làm chốt được đấy!... Nhưng không có dụng cụ cắt, khoan... làm thế quái nào? Kính chép miệng "Lúc này mà có ông tiểu đoàn phó Khương ở đây nhỉ... "vua kỹ thuật" kia mà...". Kính cáu tiết "không lẽ chịu?... Chỉ mỗi cái chốt nhỏ thôi...".

Kính lấy viên đạn AK, ngắm nghía... Nảy một ý táo bạo "Phải gắn chặt đầu đạn này vào trục chân vịt bằng súng". Anh ghì dấu chốt định vị vào trục chân vịt, rồi đặt nó nằm cạnh mô đất, chèn giữ khỏi xê dịch. Nạp viên đạn vào súng AK, ngắm nghía một lúc, Kính tặc lưỡi: "Mất công, bắn xa dễ trượt, trúng cũng khó chính xác". Anh lấy tư thế quỳ bắn, dí đầu súng vào đúng chỗ, mím môi bóp cò. Một tiếng nổ đanh gọn. Kính đặt súng, cầm chân vịt lên xem... Viên đạn cắm sâu đúng chỗ cổ trục chân vịt, thích quá Kính reo to: "Được rồi!”. Nhổm đứng dậy, đầu gối đau nhói, bấm đèn thấy máu chảy... anh vội xé áo lót, lấy một dúm thuốc lào rịt, băng chặt...

Kính tập tễnh bước vào xuồng, lắp chân vịt, giật dây khởi động, tiếng máy giòn tan. Anh lắng nghe tiếng chân vịt guồng nước lục bục, xuồng từ từ chạy ra giữa dòng. Anh hứng trí tăng tốc, quên cả đau. Xuồng ngược nước vẫn lao băng băng. Tới bến thị xã cổ thành chẳng còn xuồng nào nữa, tất cả giao hàng xong đã về từ nửa đêm rồi... Kính với cây AK đưa lên trời định bắn... May quá, mấy đồng chí phụ trách hậu cần trận địa chưa rút hết, chạy ra. Kính giao hàng, nhận thương binh xong đã quá hai giờ sáng.

- Có về kịp không? Hay trú lại-Một anh khẽ hỏi.

Kính ngước nhìn đuôi sao cán gáo còn lưng trời:

- Yên tâm đi. Thừa sức kịp.

Xuồng vế đến Viện 48, anh chị em y tá, hộ lý nhanh chóng khiêng thương binh vào phòng chờ. Đỗ Kính nộp giấy chuyển thương binh, bệnh binh của mặt trận, bác sĩ chủ nhiệm phòng khám cầm xem, ngạc nhiên:

- Xuồng có một mình đồng chí sao?

- Vâng! - Kính cười mỉm - Thuyền trưởng, phụ lái, hộ lý, chuyển thương, giao nhận,... kiêm tất.

Nhìn dáng đứng không bình thường của anh lái trưởng cao lớn, bác sĩ Kiểm nhìn xuống:

- Chân đồng chí làm sao vậy?

- Không rõ nữa! - Kính vén ống quần... Hình như một cái gì bật trúng lúc nào không hay. Thấy đau, nhìn máu chảy mới biết...

- Đồng chí ngồi xuống tôi khám cho - Bác sĩ vừa hỏi, vừa gỡ miếng vải bó chặt đầu gối - Đắp thuốc lào hử? Biện pháp cầm máu dân dã tốt đấy, vừa chống nhiễm trùng.

Sau một hồi sờ nắn, kiểm tra và nghe Kính trình bày việc xử lý cái trục chân vịt..., rồi cho chiếu chụp... Bác sĩ chủ nhiệm nhìn Kính, cười thiện cảm:

- Sáng kiến táo bạo, nhưng thật liều. Rất may, mảnh kim loại chừng hai li găm ở phần mềm cơ gối, không thương tổn đến xương...

- Thưa bác sĩ! Kính rụt rè hỏi-Có thể khều ra được không?

- Sáng kiến hỉ? - Bác sĩ chủ nhiệm bật cười-Chân người chứ có phải chân vịt xuồng đâu mà anh bạn! Nếu mổ để lấy nó ra thì phải nằm lại đây ba ngày...

- Nếu... nếu chưa lấy nó ra có sao không? - Kính e ngại.

- Vì sao lại chưa lấy?

- Vì mất những ba ngày nằm viện...

- Ồ có bệnh thì phải nằm... Nhưng vì sao anh ngại mất thời gian thế?

Có hẹn à? - Bác sĩ Kiểm nháy mắt vẻ thông cảm.

- Vâng ạ! Kế hoạch vận chuyển cho Quảng Trị khẩn cấp... hẹn ngày...

Người thầy thuốc ngớ ra tưởng như mình nghe nhầm... Anh ấy vẫn nói kìa "... Trong đó còn nhiều thương binh nặng lắm... Bộ đội giữ Thành Cổ đang phải chiến đấu quyết liệt... Mỗi ngày bổ sung một trăm tay súng vẫn thiếu... Anh em lại đói ăn nữa... không thể để anh em ta thua vì thiếu tiếp tế... Thế là có tội...". Bác sĩ Kiểm bỗng cảm giác chân lông trên mình như dựng lên... Nắm lấy tay Đỗ Kính:

- Cảm ơn đồng chí đã cho tôi rõ ý nghĩ đáng kính... Tôi chữa "vết thương sáng kiến" của đồng chí và cấp thuốc uống điều trị tại đơn vị. Nếu không viêm tấy là khỏi...

Trung đội 1 dẫn đầu Đại đội 8 từ Mai Xá chạy vào thị xã. Đã hết sức cảnh giác, Triệu Khiết chớm đến vùng sông thôn Đại Lộc, mũi xuồng hếch lên vọt qua một vật cản gì đó... Chưa kịp hãm. Một tiếng rắc, đít xuồng rùng lên, máy nổ bật xuống sông. Triệu Khiết quờ tay túm nhanh dây bảo hiểm, hai trợ lái vội nhào tới co chiếc máy lên xuồng. Anh em chống sào, ép vào bờ, khẩn cấp sửa máy "sống" lại, song gá lắp thế nào được? Chân máy gãy mất rồi, cách gì giao được hàng đây? Cả trung đội đi hết rồi... Ô kìa có xuồng... đang vào! Triệu Khiết cởi chiếc may ô trắng vung qua lại đánh tín hiệu kêu cứu. Chiếc xuồng hãm tốc độ, ghé lại:

- Ôi! Phạm Đôn hử? - Triệu Khiết mừng quá.

- Làm sao vậy?

- Gãy chân máy rồi. Đoạn này lắm cây đổ quá...

- Chuyển hàng sang xuồng tôi hỉ? - Đôn nói.

- Ba tấn, xuồng cậu chở sao hết-Khiết nhìn mặt sông nước lũ-Chở khẳm quá dễ bị cản đấy.

- Vậy làm cách nào? Chẳng lẽ anh cứ nằm lại đây.

Triệu Khiết ngẫm nghĩ một chút, quả quyết:

- Cậu kèm mình cùng đến bến trả hàng. Đi chậm một chút dễ tránh vật cản.

Hai chiếc xuồng đánh vật với dòng nước ngược, các lái phụ liên tục gạt vạt cản, chống sào hỗ trợ. Ô tô kéo nhau trên đường chỉ chậm thôi, còn xuồng kèm nhau giữa dòng nước ngược, nếu để xảy sự cố chết máy, thì coi như "toi đời"...

Phải mất hơn hai tiếng căng thẳng chật vật, hai con xuồng cũng tới bến an toàn... Các chàng thủy thủ sướng quá, ôm lấy nhau mà hét đến giãn lồng ngực.

Truyện ký của NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG