 |
Thanh niên xung phong vận chuyển pháo vượt sông bảo đảm cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu |
(Tiếp theo số trước)
Ngoài khơi, ba loạt pháo hạm bắn vào bờ. Mọi người nghếch nhìn lên, ánh trăng hạ tuần cho thấy lửa đạn vạch đường vọt tới Bến Quang, Vĩnh Thủy… "Mặc nó!". Tiếng hò mừng vui trên bến Châu Thị vẫn vang lừng dọc các xóm Lâm-Hòa…
Rút kinh nghiệm đêm đầu thực hiện kế hoạch mới hạ thủy gọn một trung đội, do khâu hiệp đồng xe đến chưa chặt chẽ. Đêm thứ hai, phấn đấu hạ thủy xong cả hai trung đội. Các lái trưởng Kính, Ninh, Toán, Tôn, Hoạt, rất hăng hái sẵn sàng.
Chính trị viên và tiểu đoàn phó thống nhất kế hoạch lắp xuồng xong, anh Nguyễn Trưng về báo cáo việc triển khai bến bãi nhận trả "hàng". Đêm ngày thứ ba, mở đợt "vận chuyển đột phá", giao Trung đội 1 xung kích thực hiện.
Địch phát hiện ta đang hoạt động tiếp tế đường biển vào Quảng Trị. Nó liền tung nhiều tàu tuần tiễu nhỏ đón lõng, chặn đánh, săn đuổi sâu vào gần bờ. Đã mấy lần thuyền ta đụng tàu tuần tiễu, địch bắn như mưa. Thủy thủ ta không run sợ, vẫn vững chèo lái luồn lách tránh đạn, lẩn theo các đợt sóng biến mất.
Trước tình hình khó phát triển, Bộ tư lệnh quyết định chấm dứt tuyến ven biển. Điều Đại đội 7 vào tuyến sông, bỏ thuyền gỗ thay xuồng sắt cùng với Đại đội 8 vận chuyển vào thị xã-Thành cổ.
Ban chỉ huy Binh trạm biểu dương thành tích các đội vận tải, đánh giá như một chiến công của ý chí kiên cường đầy sáng tạo. Anh em chiến binh trên "dòng sông lửa" thì cảm nhận đã nhiều phen gặp may và được tình dân hướng về cách mạng che chở…
Đến thời gian này, chiến trường Quảng Trị đã trở thành cục "Nam châm khổng lồ" hút lực lượng Mỹ-ngụy dồn vào đây. Địch huy động 200 máy bay phản lực mỗi ngày, chiếm một phần ba không quân chiến thuật ở Đông Nam Á, hơn 100 máy bay B52, bằng một phần tư không quân chiến lược Mỹ. Hải quân đưa cả Hạm đội 7 với 20 khu trục và tuần dương hạm tới vùng biển Quảng Trị. Lục quân, điều 2 sư đoàn dù và thủy quân lục chiến, 1 liên đoàn biệt động quân, 4 trung đoàn thiết giáp, hơn chục tiểu đoàn pháo binh tầm xa và một trung đoàn tăng cường thuộc lực lượng tổng dự bị…
Cục diện chiến sự đòi hỏi phải chuyển phương thức tác chiến. Quán triệt tư tưởng tác chiến của Bí thư Quân ủy, Bộ Tư lệnh mặt trận chỉ thị các đơn vị phải chuyển sang tổ chức kiên cường phòng thủ khu vực, đánh bại các đòn phản kích của địch. Phát động võ trang toàn dân, đẩy mạnh chiến tranh du kích lên cao trào bảo vệ vùng giải phóng.
Bộ tư lệnh tuyến chi viện được phổ biến "thay đổi phương thức tác chiến"… phải bảo đảm cho bộ đội phòng thủ kiên cường, chắc thắng-hiểu mộc mạc là ta không tiến công được, phải quay về phòng ngự. Cũng hàm ý rằng vùng mới giải phóng đang bị uy hiếp, không chỉ do máy bay mà còn phải đối phó với quân địch nống lấn… Công tác vận tải ô tô chi viện đường bộ tắc hẳn, chỉ có thể vận chuyển thô sơ nhỏ lẻ… Làm sao bảo đảm đủ nhu cầu của tác chiến phòng ngự.
Tuyến vận tải thủy lúc này cũng chỉ còn một đường sông… kẻ địch đã tập trung ngăn chặn bằng pháo bầy. Máy bay địch bắt đầu ném nhiều bom từ trường xuống các dòng sông có thể đi tới thị xã.
Tiểu đoàn 166 được xác định trách nhiệm lúc này phải chi viện trực tiếp, liên tục bảo đảm cho bộ đội giữ vững thị xã và Thành Cổ… Qua thâm nhập thực tiễn, tiểu đoàn tổ chức lại hai cung vận chuyển Vĩnh Lâm - Mai Xá và Mai Xá - Thành Cổ cho phù hợp thực tế chiến sự ngày càng quyết liệt. Đảng ủy xác định, mỗi chuyến hàng là một lần xung trận. Ngoài việc phòng không bảo tồn lực lượng, còn phải sẵn sàng chiến đấu chống giặc đánh úp. Các anh chủ trương cán bộ tiểu đoàn, đại đội phân công hằng đêm nắm chặt đội hình từng trung đội hành tiến. Lập các đội hỗ trợ, cấp cứu trên đường và ở các trọng điểm.
Một đêm vào cuối tuần trăng, hai trung đội nhận hàng ở Mai Xá thị chở vào Mỹ Chánh tiếp tế cho bộ đội ta đang chặn địch tại đây. Để tranh thủ thời gian, đội tải cắt ngã ba sông Cửa Việt - Đầm Chợ Chùa vào kênh Hội Phước, bắt theo sông Vĩnh Định đến ngã ba Tả Hữu - Quy Thiện quặt trái giao hàng ở thôn Tả Hữu tại mép sông. Xuồng của Cõn, Trung, trả hàng xong quay ra trước, Triệu Thanh Khiết chờ ghi phiếu nhận đi sau, chợt thấy Trung đội trưởng Trung đội 3 vẫn lớ ngớ ở đoạn rẽ như chờ đợi gì (!). Khiết hỏi to:
- Chuyện gì đấy! Trả hàng rồi, sao không về cho sớm?
- Xuồng cậu Thành có chạy vào trả hàng ở chỗ Trung đội 1 các cậu không?
- Chỉ có hai tên Cõn, Trung với mình thôi. B3 trả ở Quy Thiện cơ mà!
- Thế mới nghẹt chứ! Xuồng của mình với thằng Tiến trả xong, đợi mãi cóc thấy tên Thành. Ra đây đợi hỏi cậu…
- Bỏ mẹ! - Khiết vỗ mạnh mép xuồng - chưa chừng nó quặt phải lạc vào vùng địch thì toi.
Dũng B trưởng nghe nói, càng sợ thêm, giọng khẩn khoản:
- Cậu giúp tớ cùng đi tìm nó…
- Ông định quặt vào Tri Bưu, Trầm Lê á! Khiết trợn mắt - vùng đó còn địch đấy. Đại đội phổ biến rồi... Phải về báo cáo, các anh ấy cho trinh sát đi... Họa ra thấy...
Dũng nghe hợp lý, trời cũng quá nửa đêm rồi, đường còn xa. Đành về thôi. Dũng ngậm ngùi “Ba đứa còn trẻ quá... thằng Thành đồng hương với tao... Nó ở phố Đội Cấn đấy!...”.
Xuồng qua khỏi ngã ba sông Triệu Đại, bỗng như có vật gì cản mũi. Ngô Kỷ đưa sào đẩy ra, bỗng giật nảy người, hét toáng:
- Anh Khiết ơi!... Xác, xác người...
- Ta hay địch?
- Chẳng rõ nữa... Cụt tay, mất đầu. Cả xác bò nữa...
- Có thể vớt được không? Biết đâu chả là...
- Ối! Sao được... năm, bảy xác trôi díu vào nhau... Đang mùa lũ, ghìm xuồng nổi không? Dễ lật lắm.
- Ừ nhỉ!... - Triệu Khiết hiểu như thế, nhưng vì xúc động trước sự mất tích cả một xuồng đồng đội... Anh ngúc đầu giọng nghèn nghẹn - Không vớt được thì cố dìu, đẩy những thi hài bất hạnh ấy vào mấy cái vụng Nhu Lý, Phước Lệ vậy...
Gặp trắc trở trên đường, đến khi rõ mặt người, xuồng Thanh Khiết mới về bến. Gần sẩm tối, các trung đội sắp sửa đi làm nhiệm vụ, chợt có tin hai thủy thủ cùng xuồng với Thành đã trở về...
- Vậy là nó không mất tích - Triệu Khiết vùng reo - Hỏi thằng Thành xem... Nó biến đâu làm người ta lo...
- Nó còn đâu mà hỏi - Đỗ Kính chấm mắt - chỉ có hai tên phụ lái thoát chết chạy về.
- Sao! Thằng Tị mới học, lái được xuồng về!...
- Chúng nó chạy bộ, xuồng bị đánh chìm rồi... - Giọng Kính như hụt hơi - ... Thằng Thành đã định sau đợt này, ... Tết về cưới... vợ...
Hai thuyền trưởng nhìn nhau, không khóc nhưng mắt họ đỏ hoe, lẳng lặng về vị trí chuẩn bị vào trận.
*
* *
Cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã mới hơn tuần, ta đã phải bổ sung gần ngàn tay súng. Thương binh nhiều quá, mỗi đêm ba xuồng chở vẫn ùn đọng. Để chuẩn bị cho quân ta đủ sức đánh bại trận tổng công kích của giặc, Tiểu đoàn 166 được chỉ thị tập trung chi viện khẩn cấp, nhanh chóng chuyển hết trọng thương ra khỏi trận địa phòng ngự.
Hoàng Tuấn triệu tập thường vụ mở rộng xác định quyết tâm. Có mấy nhà văn ở Hà Nội vào cùng nhà báo Trường Sơn xin được thâm nhập... Tiểu đoàn trưởng Lê Hoan băn khoăn:
- Hiện nay, trong ấy ác liệt lắm... - Hoan nhã nhặn - hay để ít hôm nữa...
- Đừng ngại anh ạ! - Nhà văn Hoàng Lại Giang sôi nổi - Bọn tôi đã từng vào B2 rồi...
- Đi lúc này mới thấy rõ chứ - Lê Lựu cười chân chất - Yên tâm đi! Các anh còn, chúng tôi còn mà.
Khắc Hi, nhà báo Trường Sơn giật tay Hoàng Tuấn:
- Anh ở Cục Chính trị biết em rồi. Phóng viên mà không trực tiếp đợt này làm sao viết được “D166 xung kích trên dòng sông rực lửa” - Khắc Hi lay lay cánh tay Tuấn - Em thì chắc đi được chứ?
- Các anh cho chúng tôi hội ý một chút - Hoàng Tuấn cười nhũn nhặn - Chọn thuyền trưởng cứng, giao nhiệm vụ bảo đảm chắc chắn chứ...
Thời bom đạn, chuyện gì bàn cũng chóng vánh. Thuyền trưởng Cõn đón nhà văn Lê Lựu, nhà thơ Bằng Việt; thuyền trưởng Triệu Khiết bảo đảm nhà văn Hoàng Lại Giang, thuyền trưởng Văn Trung chở phóng viên Trường Sơn, có Hoàng Tuấn cùng đi.
Chủ trương chi viện đợt này, Binh trạm 12 dùng tiểu đoàn xe tạo chân hàng tại Mai Xá. Cả Tiểu đoàn 166 chở vật chất tiếp tế từ đây đi thẳng vào Thành Cổ. Mỗi đêm một đại đội chở hàng hoặc quân vào, rồi nhận thương binh chuyển ra. Đêm trước, Đại đội 8 mở đầu kế hoạch “quyết tâm”. Đêm sau Đại đội 7. Việc tiếp chuyển thương ra Vĩnh Linh do Đại đội 9 đảm nhiệm.
Khắc Hi được dự cuộc triển khai kế hoạch, anh có ngay bài kịp thời cho báo Trường Sơn-Tất nhiên những cái gì cần bí mật quân sự, anh phải hết sức tránh... Còn các nhà văn, nhà thơ được cảm giác đầu tiên về tổ chức chiến đấu của đội thuyền vận tải trên sông.
Đại đội trưởng Sắc dẫn đầu đội hình. Phạm Cõn thông thuộc luồng lạch vọt lên, chạy như xé nước. Cậu phụ lái nghênh tai:
- Có OV10, anh Cõn!
- Giữa sông tránh vào đâu-Phạm Cõn hất hàm - kệ mẹ nó. Cậu tập trung quan sát vật cản.
Có lẽ đang vào mùa nước, vô vàn vật trôi nổi theo luồng sóng, tên giặc bay do thám chẳng phân biệt được. Đoàn xuồng đã ngụy trang khéo léo điệp màu, cứ ung dung lách sóng vượt tới đích.
(Còn nữa)