Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến vận tải quân sự chiến lược - đường Hồ Chí Minh có một vị trí hết sức quan trọng. Vì thế, đế quốc Mỹ đã tìm mọi cách để phá hoại, ngăn chặn lực lượng vận tải của ta với đủ loại phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại. Cuộc chiến đấu giữa ngăn chặn và chống ngăn chặn trên tuyến vận tải quân sự chiến lược đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, Bộ đội vận tải nói chung, Đoàn 559 nói riêng đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975.

Mặt trận Quảng Trị năm 1972. Lúc này kẻ địch đã chỉnh đốn được lực lượng, mở cửa tấn công tổng lực nhằm tái chiếm cụm cứ điểm bị mất. Các trung đoàn thuộc Sư đoàn 325 phối hợp với quân chủ lực Vĩnh Linh đánh mũi phía Đông, chặn đứng quân địch. Trên hướng Tây, hai Sư đoàn 304 và 308 kịp thời cơ động bao vây diệt địch…

Thời gian này, máy bay địch gia tăng đánh chặn nguồn chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Chúng tập trung đánh dứt điểm địa bàn nam Quảng Bình - Vĩnh Linh. Ngày 8-5, địch đánh 7 trận vào Long Đại, Thạch Bàn. Ngày 19-5, chúng dùng máy bay B52 rải thảm dọc sông Kiến Giang, Bến Quang. Ngày 25-5, hơn hai chục máy bay phản lực địch oanh tạc suốt ngày quanh khu vực Vĩnh Linh, Hồ Xá. Từ 29-5 đến đầu tháng 6, dọc sông Cam Lộ, Hiền Lương xuống Cửa Việt hầu như không lúc nào ngớt bom gầm, lửa cháy. Ta chi viện đường bộ thì khó khăn, đường thủy thì thuận hơn.

Bộ Tư lệnh 559 trực tiếp chỉ đạo Binh trạm 12, đoàn Hồng Hà khẩn cấp điều chỉnh lực lượng, cán bộ. Sớm hoàn thành tổ chức Tiểu đoàn 166 vận tải đường thủy gồm 3 đại đội. Trước mắt lập xong đại đội vận tải ven biển và đại đội vận tải sông, phải điều đại đội vận tải sông Băng Phai ở đường 12 xuống. Đồng thời thảo luận kỹ với đặc khu và tỉnh cho mua hoặc thuê thuyền của dân, tổ chức xưởng sửa chữa phương tiện… phải cử đội khảo sát điều nghiên thực địa thật cụ thể… Suốt cả tuần, không khí ở cơ quan Bộ Tham mưu tuyến chi viện như sôi lên.

Tiểu đoàn trưởng Lê Hoan cùng Tiểu đoàn phó Nguyễn Trưng ra Vĩnh Linh trực tiếp tổ chức chỉ huy chi viện tuyến ven biển.

Chuyến đầu tiên vào đêm trăng non, tiểu đoàn cho xuất phát cả đại đội thuyền máy 12 chiếc, chở gạo và thuốc quân y. Mỗi thuyền cách nhau khoảng 30 mét, lẫn theo những ngọn sóng vỗ bờ nên cũng khó nhận rõ. Đoàn thuyền vòng xa Cửa Tùng, Cửa Việt để tránh thủy lôi, rồi áp gần bờ biển Triệu Lăng tiến vào. Đoàn tới Gia Đẳng rất sớm, chẳng có người đón nhận như đã hẹn (!) Lái trưởng Hoàng Kim Hai giương súng định bắn báo hiệu. Đội trưởng Sắc vội giữ lại:

- Cậu định gọi pháo nã vào à? - Anh trỏ ra khơi - Nó ở tận ngoài kia vẫn thấy rõ lửa đầu nòng đấy. Phải nhảy xuống đi tìm họ.

Chính trị viên phó Ngọc The và đại đội phó Xuân Kiều cùng hai chiến sĩ lên bờ sục vào mấy xóm bên cồn cát nhưng chẳng gặp được ai. Mở sổ ghi chép, đúng địa điểm này “cồn cát Nhật Tân-Gia Đẳng I, cồn cát Ba Làng Gia Đẳng II”. Sai sao được. Chờ mãi không thấy bóng người! Chẳng nhẽ chở hàng về. Có mà điên! Cuối cùng nhất trí cán binh trần lực bốc hàng lên giấu phía trong cồn cát, ngụy trang kỹ. Viết giấy giao, cài vào bao hàng. Chính trị viên Đạt vốn kỹ tính, bảo cố đi tìm lần nữa. May quá gặp một ông già xách chiếc te ra hướng biển, Ngọc The vồn vã:

- Chào ông! Làm ơn cho cháu hỏi thăm đây có phải là Gia Đẳng không ạ?

- Nhằm!-Ông ngúc đầu-Rứa chú hỏi chi?

- Cháu tìm bộ đội. Có ai ở đây không ạ?

- Các chú là ai? Ở mô tới?

- Chúng cháu là bộ đội ở ngoài Vĩnh Linh, chở hàng tiếp tế cho quân giải phóng chiến đấu ở Quảng Trị.

- À! Rõ rồi. Chỗ ni nỏ có quân giải phóng-Tui ở tổ lão du kích Gia Đẳng, các chú cần chi?

- Chúng cháu chở hàng tới, tìm không thấy ai để giao nhận...

- Hàng mô?

Ngọc The dẫn ông du kích già đến những ụ hàng đã xếp gọn.

- Chúng cháu đã ghi rõ số lượng cài vào bao bì. Không có bộ đội nhận, ông có giúp được không? Chúng cháu phải ra ngay không đợi được.

- Giao tui nhận hớ? - Ông già suy nghĩ một chút, rồi nhìn mọi người, giọng quả quyết-Của bộ đội nỏ mất mô. Tui nhận, sẽ báo ngay cho cán bộ B5, mai mốt nó trở lại.

Mấy anh em nghe mừng quá cùng ồ lên, nắm tay tíu tít cảm ơn ông lão du kích... Việc giao nhận thiệt giản đơn, nhẹ tênh đến không ngờ, đã để lại ấn tượng sâu đậm trong anh em về tấm lòng người dân vùng địch đã bị kìm kẹp gần hai chục năm.

Ở tuyến vận chuyển đường sông, chính trị viên Hoàng Tuấn cùng tiểu đoàn phó Huỳnh Khương trực tiếp chỉ huy Đại đội 8 tổ chức hạ thủy phương tiện.

Các anh đến khu tập kết xe chở phương tiện nhận bàn giao. Huỳnh Khương vịn thành xe nhảy tót lên thùng kiểm tra xuồng, máy... Hoàng Tuấn nhìn theo vóc dáng lừng lững, phong độ xốc vác của Khương vẫn chẳng khác thời ở Trường Sơn mà mừng. Tuấn quen thân Huỳnh Khương từ dạo ấy, địch đánh đường đèo, xe đổ liên tục, nhưng bất cứ xe đổ ở trọng điểm nào, khó mấy, có Khương đến đều cứu được hết. Chả thế mà lính Trường Sơn xưng tụng anh là “Vua kích kéo”... Hoàng Tuấn thầm nghĩ “... Tuyến tải trên trận địa sông biển sắp tới, Bộ tư lệnh đưa “ông vua” này đến đây thật đúng chỗ, kịp thời...”.

Kiểm nhận xong, Tuấn và Khương đi thẳng đến địa điểm sẽ triển khai hạ thủy các xuồng máy. Các anh đứng trên cao điểm 18 ngước nhìn bao quát toàn vùng. Khắp nơi, chỗ nào cũng ken đầy hố bom, đạn pháo. Con sông Sa Lung-sông Bến Xe bắt nguồn từ đông Trường Sơn chảy xuống đất Vĩnh Linh, uốn lượn qua giữa hai xã Vĩnh Lâm-Vĩnh Hòa xuôi xuống Vĩnh Thành...

Bến phà Châu Thị ngay chân cao điểm 18 nối hai bờ Vĩnh Lâm-Vĩnh Hòa, trước đây vốn là tụ điểm lưu thông tấp nập xe hàng qua lại, nay thì lặng ngắt vì có ngày nào pháo hạm Mỹ không nã đạn vào đây. Qua nhiều lần khảo sát thế đất, bờ sông, tham mưu, thủ trưởng tiểu đoàn đành chấp nhận tổ chức hạ thủy xuồng máy ở bến Châu Thị.

Ngay chiều đó, thủ trưởng tiểu đoàn triệu tập Ban chỉ huy Đại đội 8 đến giao nhiệm vụ tại thực địa. Tiểu đoàn phó Huỳnh Khương phân tích rõ tính bắt buộc về kỹ thuật, về địa hình phải hạ thủy xuồng tại đây. Trước thực tế xác đáng, mọi người nhanh chóng nhất trí, Khương vung tay:

- “Xê” 8 điều quân, tập trung bên bờ Vĩnh Hòa.

Vừa xong bữa cơm chiều, toàn đại đội được lệnh tập trung khẩn cấp! “Chuyện gì đấy? Không để cho cơm trôi xuống bụng à!”. Làu bàu ca cẩm thế, nhưng tất cả nhanh chóng bật khỏi giường, chạy nhanh đến vị trí tập trung sau vườn chùa. Thoáng nhìn nước da nâu sạm của đội trưởng hôm nay rạng rỡ chắc là có chuyện vui.

Đại đội trưởng Sắc, giang tay cười rộng miệng:

- Xuồng đến rồi! Đi hạ thủy ngay…

- Đi ngay, đi ngay… chứ ạ! - Tiếng đáp, tiếng cười ồn ã.

- Cả năm mới lại nghe hạ thủy…

- Cầu mong đừng có như hồi ở Nậm Ngo, Pha Nốp đấy…

- Các cậu này… Đừng nói tào lao - Đại đội trưởng quát - Về thu dọn đồ đạc, 15 phút nữa ra ngay bến Châu Thị. Tôi chờ tại đấy.

Đúng hẹn, toàn đơn vị rầm rập xuống bến. Ba chiếc đò ngang đã chờ sẵn, cô lái ngó các anh lính trẻ cười nói rổn rang, hỏi đùa:

- Chuyện chi vui như rước dâu vậy. Các eng…

Lính tải cười òa:

- Mời ba o đi đón dâu với các “eng” nào!… Mấy cậu níu nhau nhảy xuống, con thuyền thoắt tròng trành.

- Ối, ối… Các eng mần chi dữ đa… chìm ghe em chừ…

- Khỏi lo, khỏi lo… Cõn tếu táo - “ghe” em chìm anh giang tay vớt liền mà…

Tiếng cười như nắc nẻ. Mấy cô lái chợt hiểu cái ý ngầm của anh lính Bắc. Cô đánh mắt nhìn anh chàng to béo đẹp trai mà nghịch như quỷ.

Ba chiếc đò ngang cập bờ Vĩnh Hòa. Đã có ba xe chở xuồng đến chờ sẵn đầu dốc. Đại đội trưởng phát lệnh:

- Toàn đội cởi hết quần áo ngoài.

Một loáng, tất cả chỉ còn chiếc xà lỏn.

- Trung đội 1. Bốn người một xe, chuẩn bị hạ thủy!

Chiếc ô tô lùi xuống bến, lái đạp phanh khựng lại. Phụ xe nhanh như sóc, đưa chiếc chèn gỗ vào bánh sau. Để thêm chắc, đại đội phó Hải bê cục đá chèn thêm vào bánh bên trái. Bốn chàng lính thủy tót lên thùng xe. Triệu Khiết nhanh tay lật tấm bạt, reo to:

- Đúng rồi! Trông cũng được đấy. Mở ván hậu nhé!

- Từ từ! - Đỗ Kính hét - bắc thanh trượt đã.

- Ôi! Thời chiến, phiên phiến thôi. Mở cửa hậu, đẩy tuột nó xuống nước, không chìm mất đâu mà sợ.

- Chỉ ẩu. Không có thanh trượt, nó rơi bịch ngay mép nước lát đá hộc - Đỗ Kim Kính nhấn giọng-chẳng vỡ thì cũng móp xuồng, biết chưa?

Triệu Khiết hưởng ứng:

- Đó là biện pháp giảm gia tốc rơi tự do. Làm đi!

Vừa nói vừa làm, một loạt động tác liên tiếp. Khoang xuồng trượt theo thanh đà tòm xuống sông, chìm nghỉm, rồi nổi lên. Lần lượt hạ thủy xong ba khoang, nhưng đều là khoang đuôi thôi. Đành chờ có khoang đầu mới ghép được.

- Hừ! Lại vậy… Khương cố nén bực bội - Cái tệ không đồng bộ bị cụ Nguyên lên án mãi vẫn chưa chuyển…

(Còn nữa)

Truyện ký của NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG