Bộ đội đảo Trường Sa với hoa bàng quả vuông.

Những hàng kè chắn sóng, những bức tường trên đảo có thể bị sóng và cát mặn của đại dương làm mòn, nhưng ý chí và bản lĩnh của những người giữ biển thì luôn vững vàng, không thể nào lay chuyển, kể cả phải hy sinh thân mình vì vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Những gửi gắm từ đất liền

Xuất phát tại Cảng Ba Son (Thành phố Hồ Chí Minh), qua hai ngày hai đêm lênh đênh trên biển, vật lộn với sóng gió có lúc lên đến cấp 5, cấp 6, con tàu HQ996 của vùng 4 hải quân đã đưa đoàn công tác cập đảo Trường Sa Lớn.

Đúng 6 giờ, tàu HQ996 được lệnh cập cảng. Đảo Trường Sa Lớn hiện ra trên biển Đông với một vẻ đẹp riêng có, từng hàng cây bão táp, phong ba xanh thẫm ken dày ôm lấy đảo. Tôi cũng đã đọc những trang viết về bộ đội đảo, nghe kể nhiều về sức sống, sự dẻo dai của các loại cây phong ba, bão táp, muống biển và đặc biệt là vẻ đẹp quyến rũ của hoa bàng quả vuông, loài hoa giống như hoa Quỳnh, chỉ nở về đêm và đây cũng là lần đầu tiên tôi may mắn được "mục sở thị". Bộ đội đảo có mặt rất đông tại cầu cảng để đón Đoàn, nét mặt ai cũng sạm đi vì nắng và gió biển, nhưng không giấu nổi niềm vui khi được đón khách từ đất liền, đặc biệt khi biết rằng đi cùng đoàn lần này còn có sự góp mặt của các ca sĩ, nhạc công của đoàn Nghệ thuật quân chủng Hải Quân.

Ra Trường Sa lần này, mỗi đoàn công tác đều có những nét riêng trong cách thể hiện tình cảm đối với con em của quê hương đang làm nhiệm vụ tại đảo. Trung tá Nguyễn Tuấn Hải, Cụm trưởng; Thiếu tá Đỗ Xuân Tuấn, chính trị viên Cụm chiến đấu 2 và các cán bộ, chiến sĩ quê ở Hải Dương đã không kìm nổi xúc động trước tình cảm của đoàn công tác tỉnh nhà. Đặc biệt, ngoài những món quà mang đậm chất quê hương, các anh còn được chứng kiến tận mắt hình ảnh của quê hương và gia đình qua những đĩa DVD đã được xây dựng từ đất liền. Đồng chí Nguyễn Thị Hải, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận tỉnh Hải Dương xúc động bày tỏ: Biết rằng do đặc thù nhiệm vụ, ở ngoài này rất thiếu thông tin, vì vậy trước khi có kế hoạch ra thăm đảo, ngoài số tiền hơn 200 triệu đồng, tỉnh trích quĩ để ủng hộ bộ đội Trường Sa, Đoàn công tác của tỉnh còn có kế hoạch đến từng nhà có con em đang làm nhiệm vụ tại đảo thăm, động viên và tặng quà, đồng thời ghi lại những thước phim về cuộc sống, sinh hoạt của gia đình để đem ra tặng bộ đội. Thiết nghĩ, đây sẽ là những món quà tình cảm rất ý nghĩa đối với các anh.

Thấy các đồng đội chăm chú theo dõi những thước phim về gia đình, tôi cũng không kìm nổi xúc động. Trung tá Nguyễn Tuấn Hải thay mặt tất cả anh em Hải Dương nói nghẹn lời: "Là những người lính đảo làm nhiệm vụ xa nhà, xa quê hương, những tình cảm từ đất liền đã tiếp cho chúng tôi sức mạnh. Chúng tôi nguyện sẽ sống, học tập, rèn luyện và chiến đấu xứng đáng với truyền thống của quê hương. Chúng tôi xin hứa với đất liền, quyết tâm giữ vững mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc".

Quà từ đất liền đến với bộ đội Trường Sa lần nay, ngoài tiền mặt là những đồ dùng thiết yếu và một món quà nữa mà lính đảo vẫn rất mong chờ, đó chính là những lá thư từ quê nhà. Thấu hiểu những tâm tư đó, nhiều đoàn ra đảo đã mang theo thư của Tỉnh ủy, UBND các tỉnh thông báo tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời động viên con em của quê hương làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa hãy yên tâm chắc tay súng, quê nhà luôn dõi theo mong chờ từng bước trưởng thành của các anh. Đoàn thanh niên các tỉnh, thành phố cũng phát động sâu rộng phong trào viết thư gửi bộ đội Trường Sa. Chị Huỳnh Thị Mĩ Hà, Phó bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long cho biết: Lâu nay chỉ được biết về bộ đội Trường Sa qua sách báo và các phương tiện thông tin khác, bây giờ mới có điều kiện vượt trùng khơi ra thăm đảo, đứng bên cột mốc chủ quyền, chứng kiến tận mắt cuộc sống rèn luyện, ý chí quyết tâm sẵn sàng chiến đấu của bộ đội đảo tôi vô cùng tự hào về thế hệ trẻ ở đây. Khi về đất liền, tôi sẽ tuyên truyền tới mọi đoàn viên thanh niên ở địa phương hãy luôn hướng về Trường Sa bằng những việc làm thiết thực đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tình của những người giữ đảo

Một ngày ở đảo Trường Sa Lớn trôi đi thật nhanh, tối nay tại ngay chân cột mốc sẽ diễn ra buổi biểu diễn và giao lưu giữa các ca sĩ, diễn viên của đoàn Nghệ thuật Quân chủng Hải quân. Từ lúc hoàng hôn chưa buông xuống, tôi đã kịp nhận ra các tốp chiến sĩ trẻ đang chuẩn bị những món quà rất dung dị, nhưng họ tin là mọi người trong đất liền sẽ rất thích. Đó là những trái bàng vuông, những vỉa san hô, có khi chỉ là những chùm hoa cải trong vườn đang rộ hoa do chính tay mình chăm bón… Nhìn nét mặt hân hoan của các chiến sĩ trẻ với những món quà được coi là "đặc sản" của đảo, tôi cảm nhận đối với họ: Một nét duyên thiếu nữ, một buổi giao lưu hay xem biểu diễn ca nhạc là một nỗi khát khao và ý nghĩa với họ biết nhường nào.

Màn đêm chụp xuống rất nhanh. Toàn đảo bốn bề sóng vỗ. Tách mình khỏi đêm giao lưu, tôi sải bước một vòng quanh đảo. Tiếng san hô lạo sạo dưới chân. Bỗng một tiếng quát cất lên cương quyết: "Ai!… đứng lại…". Giật mình, trong bóng tối tôi lờ mờ nhận ra một người đã tiếp chuyện mình lúc chiều, đó là Thiếu tá Vũ Minh Thân, cụm trưởng cụm chiến đấu 3. Tôi thành thật nhận lỗi: "Muốn đi dạo quanh đảo một lát, nhưng quên không hỏi mật khẩu. Mong anh thông cảm". Nhận ra người quen, anh tiến lại: Không sao đâu anh, cũng chỉ vì nguyên tắc thôi. Ở những nơi đầu sóng ngọn gió như thế này, ý thức cảnh giác là vô cùng cần thiết, không một phút được lơi là anh ạ.

- Vâng cảm ơn anh, điều đó thì tôi hiểu, nhưng chỉ thắc mắc tại sao ở cương vị Cụm trưởng anh lại phải trực tiếp đi kiểm tra gác mà không phải một ai khác?

Kéo tôi ngồi xuống mép biển, Thiếu tá Thân nói như tâm sự: Điều này đã thành lệ ở đảo. Mỗi dịp có đoàn văn công ra biểu diễn thì nhiều cán bộ xung phong trực và gác thay cho chiến sĩ để anh em có điều kiện thưởng thức một đêm văn nghệ trọn vẹn. Dù sao là cán bộ, là đàn anh cũng sẽ dễ kìm nén cảm xúc của bản thân mình hơn. Thấy tôi im lặng, anh tiếp lời: Mà thú thực với anh, ở đảo, khoảng cách giữa cán bộ và chiến sĩ rất gần gũi. Trong điều kiện xa đất liền, với nhiều khó khăn chi phối, anh em càng phải đoàn kết gắn bó thành một khối thống nhất để hoàn thành nhiệm vụ.

Hình ảnh cán bộ gác thay chiến sĩ, chịu phần thiệt thòi về mình, dù chỉ là một tối xem văn công, một chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nhặt nhưng thẳm sâu trong đó là tình cán-binh, đồng đội sâu nặng. Phải chăng cũng chính từ những chi tiết, những tình cảm tưởng như rất nhỏ ấy đã nâng bước, hun đúc tâm hồn và nghị lực người chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn xác định tốt nhiệm vụ của những người giữ biển.

Tuần trăng mật chỉ 3 tiếng đồng hồ

Trong hành trình cùng với đoàn công tác ra quần đảo Trường Sa trên chuyến tàu HQ996 của vùng 4 Hải quân, tôi để ý tới một thủy thủ trẻ, vẻ mặt lành hiền, vóc dáng nhanh nhẹn khỏe khoắn, da nâu, mắt sáng, đặc trưng của những người lính thủy. Cứ hết ca làm việc anh lại xuống các phòng của đoàn công tác trò chuyện, hỏi han sức khỏe của mọi người và không hề ngại ngần khi được đề nghị giúp đỡ một việc gì đó. Hỏi ra tôi được biết, đó là Thiếu úy mang một cái tên rất con gái Nguyễn Hồng Khánh , quê ở tận Sơn Tây (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Tình cảm của chúng tôi đối với chàng thiếu úy trẻ càng trở nên thân thiết khi được anh tin tưởng bộc lộ những chuyện riêng của mình và gia đình. Câu chuyện màKhánh kể có lẽ ai nghe cũng đều rất thương cảm. Khánh mới xây dựng gia đình đầu tháng 2 âm lịch. Lấy vợ được hơn một tháng thì mẹ mất. Thứ bảy là ngày cưới, thứ năm Khánh vẫn phải ở đơn vị để chuẩn bị cho chuyến đi đảo đầu tiên của tàu HQ996. Hôm cưới, chẳng có thời gian đi chọn mua nhẫn cưới, Khánh nhờ bố mẹ hai bên gia đình đánh cho mỗi đứa một chiếc mới kịp ngày. Cưới nhau rồi tận hưởng đêm tân hôn chỉ 3 tiếng đồng hồ là hai vợ chồng lại phải chia tay. Khánhphải về tàu cho kịp giờ khởi hành chuyến đi công tác Trường Sa, còn vợ lại phải tất bật về quê chồng tận Hà Tĩnh để chăm sóc mẹ chồng đang tái phát căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Chuyến công tác thứ 2 ra Trường Sa của tàu HQ996 cũng là lúc Khánh nhận tin dữ về mẹ. Giữa nơi hải đảo xa xôi, vì nhiệm vụ chưa hoàn thành, người con hiếu thảo chỉ còn biết gạt nước mắt vào trong mà bái vọng về quê hương. Bần thần hồi lâu rồi như chợt tỉnh, Khánh bảo, sau chuyến công tác này về quê làm lễ 49 ngày cho mẹ xong sẽ giúp cha thu hoạch ruộng lạc. Bây giờ quê em bắt đầu vào mùa lạc rồi…

Phía sau người lính

Không phải chịu nỗi đau mất người thân khi đang làm nhiệm vụ, như Thiếu úy Nguyễn Hồng Khánh Chi, nhưng chuyện của Trung úy Bùi Thanh Tuấn, quê ở quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, Cụm trưởng cụm chiến đấu 2 đảo Phan Vinh cũng gợi trong tôi nhiều điều. Cha Bùi Thanh Tuấn tham gia chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bị thương nặng, mù cả hai mắt, trở về với vợ con nhưng vì sức khỏe giảm sút trầm trọng nên năm 2001 đã qua đời và được Nhà nước truy tặng liệt sĩ. Nhà có 3 chị em, 2 chị gái xây dựng gia đình. Năm 1999, Tuấn thi đỗ vào Trường sĩ quan Lục quân 1 noi gương cha hát tiếp khúc quân hành. Thời gian này, mẹ ở nhà sức khỏe cũng rất yếu, quái ác thay căn bệnh teo gai thị mắt đã khiến bà không còn nhìn được nữa, nhưng vẫn luôn động viên Tuấn cố gắng rèn luyện phấn đấu noi gương cha. Năm 2004, ra trường anh được điều về công tác tại Đoàn 147 thuộc Quân chủng Hải quân. Trong thời gian ở Quảng Ninh anh đã gặp và yêu Vũ Thị Hồi-một người mà sau đó mới biết chính là em gái người bạn đã học cùng với anh tại Trường sĩ quan Lục quân 1. Hai vợ chồng đều là quân nhân, với những đồng cảm rất riêng đã giúp vợ chồng Tuấn có những tháng ngày bên nhau thật hạnh phúc. Tuy nhiên, còn khoảng gần một tháng nữa là đến ngày vợ sinh con thì Tuấn nhận lệnh ra làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa. Tuấn tâm sự: Thú thực lúc đó, do điều kiện gia đình em cũng có thể đề nghị cấp trên xin ở lại hoặc hoãn chuyến công tác. Tuy nhiên, cả mẹ và vợ em đều động viên: con còn trẻ cần phải dũng cảm và chấp hành những điều mà tổ chức yêu cầu.

Vậy là ngay sau đó tháng 6-2006, Tuấn tạm biệt mẹ và vợ khoác ba lô vào nhận nhiệm vụ tại Đoàn 146 (Vùng 4 Hải Quân), rồi ra Trường Sa Lớn. Ở đảo, nhận được tin vợ sinh con gái khỏe mạnh, Tuấn mừng đến phát khóc, mong nhanh đến ngày được nghỉ phép. Tròn một năm anh được đơn vị cho nghỉ phép về thăm gia đình. Niềm vui được hàn huyên với mẹ, vợ và người thân, nhưng khổ nỗi đứa con gái vừa tròn tuổi khi Tuấn dang tay bế cứ khóc lên ngằn ngặt không chịu theo, đêm đến cũng nhất định không cho bố nằm chung. Vậy là phải mất một thời gian, tối đến chờ con ngủ say anh mới được khẽ khàng nằm xuống bên cạnh và hôn lên đôi bầu má bé bỏng và đáng yêu của nó. Khi bé Huyền Trang vừa bén hơi bố thì cũng là lúc Tuấn hết phép phải trở lại đơn vị.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, tàu cập cảng An Bang, tôi cũng kịp gặp và trò chuyện với Đại úy Nguyễn Xuân Khuyến, quê ở phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, Phân đội trưởng thông tin của đảo. Khuyến kể vợ chồng anh đã có một cháu gái 7 tuổi. Tuy nhiên gần 3 năm công tác tại đảo (hơn một năm trước tại đảo Trường Sa Lớn) thì do điều kiện cả 2 cái tết Khuyến đều không được về đất liền. Cuối năm 2007 nhân dịp được lệnh từ Trường Sa Lớn vào Vùng 4 tập huấn để chuẩn bị chuyển công tác, vợ anh cũng xin nghỉ phép từ Hải Phòng bay vào Nha Trang. Được phép của thủ trưởng đơn vị, hai vợ chồng thuê một căn phòng nhỏ ở thành phố Nha Trang, sau những giờ huấn luyện Khuyến được tạo điều kiện về căn phòng nhỏ bé nhưng ấm cúng mang nhiều ý nghĩa. Hy vọng đợt "tuyển quân" ấy sẽ là một bé trai kháu khỉnh cho đủ nếp tẻ, thỏa ước mong của vợ chồng. Tuy nhiên, đợt "tuyển quân" đó chưa thành công… Khuyến cười, có khả năng phải đợi đến "mùa tuyển quân" năm nay nữa anh ạ…

Như thế đó. Đồng đội của tôi ở Trường Sa đang từng ngày, từng giờ vượt qua khó khăn gian khổ và thầm lặng hy sinh, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Họ là những người chiến sĩ tiên phong viết tiếp truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Bài và ảnh: NGÔ DUY ĐÔNG