- Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần nghe đồng chí Phan Trung Kiên

trình bày về tuyến phòng thủ biên giới, kết hợp kinh tế - quốc phòng. Ảnh: ĐÀO VĂN SỬ

Thượng tướng PHAN TRUNG KIÊN

Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Khi đồng chí Võ Văn Kiệt đương chức hoặc đã về nghỉ hưu, tôi đều tranh thủ thời gian đến thăm ông. Phần vì kính trọng, quý mến ông-bậc cha chú, lão thành cách mạng, phần vì tôi muốn gần ông được nghe ông tâm sự, nghe ông chỉ dạy để mà học làm người, làm việc tốt hơn cho Đảng, cho quân đội. Hầu như mỗi lần gặp ông, tôi lại phát hiện ở ông những tư duy mới về quốc kế dân sinh và cách lý giải sáng sủa trước những bức xúc trong cuộc sống đời thường của dân, của nước. Suốt đời ông trăn trở, lo toan để giúp dân mình đỡ khổ và để nước mình rạng danh trong khu vực và thế giới. Đảng, Nhà nước ta đã đánh giá đúng công trạng của ông và nhân dân ta luôn luôn hiểu ông, tin yêu ông. Tôi cũng không cần phải nói lại nữa.

Hôm nay, khi ông ra đi, tôi thực sự bồi hồi xúc động vì tự thấy trong đời mình đã mất một người thân yêu, quý trọng…

Tôi vẫn còn nhớ những năm đầu sau giải phóng khi đơn vị tôi (Trung đoàn Gia Định) chuyển về đóng quân tại căn cứ Quang Trung (huyện Hóc Môn). Cơ ngơi doanh trại hoang tàn. Các đơn vị bạn khi tiếp quản, rút đi, tháo dỡ khá nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất nên cán bộ, chiến sĩ ăn ở, sinh hoạt, huấn luyện gặp rất nhiều khó khăn. Với cương vị Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông đến thăm đơn vị. Hôm ấy, các đồng chí cán bộ chủ trì đi vắng, tôi là cán bộ tham mưu trung đoàn ở nhà tiếp ông. Ông đi một vòng đơn vị, xem xét kỹ nơi ăn, chốn ở của bộ đội rồi quay về nhà chỉ huy trung đoàn làm việc. Ông tỏ ra không vui, ông nói: Không thể để doanh trại thời bình như thế này được. Nhà không có cửa. Bộ đội phải trải chiếu nằm trên nền xi măng. Sân bóng không có. Đờn sáo, trống phách cũng không. Sống thế này làm sao bộ đội không chui rào ra phố? Phải làm sao trong đơn vị có những cái hay, cái hấp dẫn để thanh niên bên ngoài… muốn chui vào đơn vị!

Ông dạy như vậy không chỉ để chúng tôi làm. Ngày ấy, đơn vị có muốn làm cũng không đủ điều kiện. Ít ngày sau, ông cho cán bộ Sở Xây dựng Thành phố xuống khảo sát, đo tính… rồi tiến hành xây, sửa lại cơ ngơi doanh trại. Có doanh trại tạm ổn rồi, chúng tôi huy động lực lượng làm sân đá bóng, sân bóng chuyền để anh em luyện tập thể thao. Không khí hoạt động trong đơn vị dần dần khởi sắc theo hướng lành mạnh. Qua câu chuyện của ông, tôi nghĩ, thời chiến tranh, đơn vị ở cách căn cứ Đồng Dù của giặc không xa mà còn tranh thủ tăng gia tự túc được, lẽ nào bây giờ thời bình mọi điều kiện thuận lợi hơn, lại không có rau ăn. Chúng tôi quyết định xin địa phương đất để tăng gia và đào ao nuôi cá trong đơn vị. Sau đó, chúng tôi lên Bình Long, tỉnh Bình Phước xin 3.000ha đất ở căn cứ Tống Lê Trân để trồng lúa. Ngay năm đầu, chúng tôi thu được hơn 3.000 giạ. Tôi cùng đồng chí Tư Bốn, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự TP Hồ Chí Minh đến thăm ông, khoe thành tích tăng gia. Ông nghe rất chăm chú, rồi nói:

- Bộ đội thời bình làm kinh tế thì đúng rồi, nhưng các chú phải chú ý, anh em đơn vị không có kinh nghiệm sản xuất thì chỉ nên làm những việc nào giản đơn, không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp. Nên chăng chuyển hướng làm lúa sang nuôi trâu bò? Bộ đội mà làm chăn nuôi thì dễ hơn. Nếu đồng ý, thành phố tạo vốn cho các chú nuôi rồi hằng năm cung cấp thịt cho Thành phố.

Ông nói là làm. Đơn vị chuyển hướng nuôi hơn 200 con trâu bò, đơn giản hơn nhiều chuyện trồng lúa mà lại có hiệu quả kinh tế cao hơn, thiết thực cải thiện đời sống bộ đội.

Ở ông, tôi luôn nhận thấy một tư duy năng động, sáng tạo, đôi khi đi trước thực tiễn cuộc sống khiến nhiều người chưa kịp hiểu. Ví dụ, sau ngày giải phóng, nhiều cán bộ muốn phá bỏ các sân quần vợt để dành đất làm việc khác. Ông phân tích, tranh luận với mọi người về lợi ích của sân quần vợt, vì đó là xu hướng thể thao của thời đại, mình đừng để thua kém các nước trên thế giới. Nhờ sự kiên quyết của ông, nhiều sân quần vợt được bảo tồn và các cơ quan, đơn vị làm mới nhiều sân khác. Làm theo ý kiến của ông, trong thời gian tôi làm chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự TP Hồ Chí Minh và Tư lệnh Quân khu 7 đã tổ chức các đơn vị xây dựng hơn một chục sân quần vợt, đồng thời vận động các tỉnh bạn phát triển môn thể thao này.

Khi Bộ tư lệnh Quân khu 7 làm sân bóng theo kiểu hiện đại, có hệ thống nước ngầm tưới cỏ, ông xem rất kỹ rồi động viên tôi:

- Làm gì cũng cần phải đi trước đón đầu mới không tụt hậu. Hay lắm, 100 năm nữa sân banh này chưa lạc hậu đâu.

Có lần tôi trình bày với ông về việc Nhà nước cần phải tạo quỹ cho quốc phòng-an ninh bằng cách đóng góp ngày công lao động của thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ. Tôi nói, chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 300.000 thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ nhưng quân đội chỉ huy động khoảng gần 10.000 người nhập ngũ. Để bảo đảm công bằng xã hội, những người không nhập ngũ chỉ cần đóng góp một số ngày công lao động thì đã có hàng chục tỷ đồng để làm quỹ quốc phòng-an ninh. Nghe vậy, ông đồng tình và nói: Đó là vấn đề lớn, cần phải đưa ra Quốc hội bàn, tính kỹ. Ông luôn chịu lắng nghe để hiểu tâm tư, tình cảm mọi người; sẵn sàng tiếp thu cái mới trên cơ sở đó bật ra những phát kiến mới và rất tôn trọng nguyên tắc. Tôi nhớ, trước đây ông phân tích rất khoa học về sự cần thiết phải xây dựng đường điện 500KV Bắc-Nam và mở đường Hồ Chí Minh song hành với Quốc lộ 1 theo chiều dài đất nước. Giờ đây, nhìn lại chúng ta đều thấy khi xây dựng các công trình, ông đều tính đến lợi ích của kinh tế với quốc phòng-an ninh. Đó là lợi ích, là mục tiêu vì dân, vì cuộc sống của bộ đội, vì sự phồn vinh của đất nước.

Thưa hương hồn đồng chí Võ Văn Kiệt-chú Sáu Dân kính mến,

Tuy đồng chí không còn nữa trên thế gian này, song tư tưởng của đồng chí, tình cảm của đồng chí, những công trình đồng chí kiến tạo, để lại cho đất nước và những lời đồng chí chỉ dạy… vẫn còn sống mãi trong lòng quân, dân ta.

ĐÀO VĂN SỬ ghi