 |
Học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm hôm nay |
Đó là chuyện ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng)-quê hương Danh nhân văn hóa Trạng Trình- Nguyễn Bỉnh Khiêm hôm nay. Một vùng quê nghèo nhất thành phố Hải Phòng, lại ở xa trung tâm thành phố nhất (không kể hải đảo), vậy mà lại có tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học, đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi luôn ở trong tốp đầu của thành phố. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, Hải Phòng có một em duy nhất đạt điểm tuyệt đối 30/30 điểm là học sinh của trường THPT mang tên Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đất Trạng hôm nay đang "nở hoa trạng nguyên", đó là câu nói đầy tự hào của thầy giáo Nguyễn Bá Đôn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Đền thờ Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn gọi là đền Quan Trạng ở thôn Trung Am, xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng. Danh nhân Văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra ở làng Trung Am, nhưng theo các cụ già trong làng kể lại và sử sách còn ghi thì quê gốc của cụ lại ở làng Cổ Am, cách đền khoảng 5km. 8 xã phía đông nam của huyện Vĩnh Bảo bây giờ mà người dân ở đây quen gọi là "8 xã khu dưới" là Cổ Am, Lý Học, Tam Cường, Vĩnh Tiến, Hoà Bình, Trấn Dương, Cao Minh, Liên Am được gọi là Đất Trạng. Vùng đất này trước kia thuộc huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương có tất thảy 18 làng mang tên Am (Thập bát trang Am). Đến bây giờ nhiều làng mang tên Am vẫn tồn tại như: Cổ Am, Thượng Am, Hạ Am, Trung Am, Đông Am, Nam Am, Tây Am, Lạng Am, Tiền Am, Ngãi Am, Hội Am v.v...
Trong các thư tịch cổ, văn bia, tộc phả để lại thì từ thủơ xa xưa, vùng đất này đã nổi tiếng về sự hiếu học. Những người về đây lập làng phần lớn đều có học thức sâu rộng. Họ tụ hội về đây với muôn vàn lý do: người cáo quan về ở ẩn, người từ bỏ chốn phồn hoa đô thị về đây sống cuộc đời thanh bạch. Có kẻ lại muốn tìm cho mình một mảnh đất yên ả làm nơi tĩnh dưỡng tuổi già sau những tháng ngày bon chen nơi cung cấm... Cứ thế, đời này truyền cho đời kia cái tinh thần ham học. Người ta dạy học theo kiểu cha truyền con nối mà không phải mất tiền của để thuê thầy, về nhà dạy học. Người dân quê Đất Trạng luôn coi học hành là việc quan trọng hàng đầu. Người ta coi học hành như một nhiệm vụ, một vinh dự cao cả, một tập quán thiêng liêng không thể thiếu trong đời sống. Đặc biệt là người dân coi trọng việc học hành hơn là việc chức tước. Xưa kia rất nhiều người đỗ đạt nhưng không muốn ra làm quan mà chỉ muốn đi dạy học. Ngay cả bây giờ, nếu khách ở xa về giới thiệu là cấp này, chức kia thì người dân cũng chẳng quan tâm, nhưng nếu giới thiệu đến học hàm, học vị thì mọi người sẽ để ý và kính trọng ngay.
Khi Trạng Trình-Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan, về quê ở ẩn, ông đã cho xây quán Trung Tân ở bến Trung Lệ bên bờ Tuyết Giang, dựng Am Bạch Vân. Ngoài việc làm thơ, ông còn chủ trương xây chùa tôn thờ các danh nhân; bắc cầu giúp dân và mở trường dạy học. Để khuyến học, Trạng Trình cho dựng một trụ đá cao trên đỉnh cái gò đầu làng, đặt tên là Bút Kình Thiên. Các quỹ khuyến học của các làng, các dòng họ trên vùng đất nghèo này cũng có từ ngày ấy.
Đất Trạng xưa kia từng sinh ra những vị tiến sĩ uyên bác đã được ghi vào sử sách của nước nhà. Chỉ tính riêng tại làng Cổ Am, quê gốc của Trạng Trình đã sản sinh ra các tiến sĩ Trần Lương Bật đỗ tiến sĩ năm 1664, đời Hậu Lê, làm đến chức Hữu thị lang bộ Binh, khi mất còn được truy phong chức Tả thị lang. Trần Công Hân đỗ tiến sĩ năm 1733 khi mới 32 tuổi. Ông là một trong “tứ hổ Tràng An", là một trong những người có học vấn uyên thâm bậc nhất thời bấy giờ, giữ chức Đãi chế Viện Hàn lâm, đi dẹp giặc bị tử trận, được truy phong Đông Các Đại học sĩ. Tiến sĩ Trần Mỹ, triều Thanh Thái thứ ba khoa Tân mão (1891), ông làm tới chức quan Thượng thư. Tiến sĩ Đào Trọng Thiều làm tới chức hàn lâm viện thị độc học sĩ. Tiến sĩ Đào Trọng Kinh giữ chức huấn đạo trung thuận đại phu. Tiến sĩ Đào Trọng Kỳ đã từng giữ chức Thượng thư bộ lại, hiệp biên đại học sĩ... Đến những năm đầu thế kỷ XX, hai cây bút lừng danh của đất Cổ Am là văn sĩ Trần Tiêu và Khái Hưng (Trần Khánh Dư)- cây bút trụ cột của nhóm Tự lực văn đoàn...
 |
Tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm trong khuôn viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. |
Theo UBND xã Cổ Am, hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng những người có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư là con, cháu của làng Cổ Am phải đến tính đến hàng nghìn, trong đó có những người nổi tiếng như giáo sư Trần Bảng (nhà viết chèo), giáo sư tiến sĩ Đào Trọng Thi (Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội), giáo sư Đào Nguyên Cát (Tổng biên tập Thời báo kinh tế Việt Nam), giáo sư Đào Trọng Côn (nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nông nghiệp Huế), viện sĩ-tiến sĩ Trần Trọng Hải (Bộ Y tế), tiến sĩ Đào An (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng)...
Đất Trạng có duy nhất một ngôi trường THPT mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngôi trường này được xây dựng năm 1961 tại xã Lý Học, cách Đền Trạng khoảng 2km. Điều làm ngành giáo dục ở Hải Phòng ngạc nhiên bởi so với gần một trăm trường THPT rên đất liền của thành phố thì trường Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xa trung tâm thành phố nhất, thu nhập bình quân tính theo đầu người của gia đình học sinh thấp nhất, vậy mà học sinh của nhà trường lại đạt tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông, thi vào đại học, cao đẳng và thi học sinh giỏi luôn ở trong tốp đầu thành phố.
Chỉ tính riêng trong 10 năm (1995-2005), học sinh của trường đã giành 360 giải học sinh giỏi cấp thành phố (trong đó có 22 giải Nhất; 65 giải Nhì). Rất nhiều em được vào đội dự tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia. Năm 2004- 2005 số học sinh đỗ đại học, cao đẳng chiếm tới 55% tổng số học sinh lớp 12 của trường, năm học 2005- 2006 số học sinh đỗ đại học, cao đẳng chiếm tới 58% tổng số học sinh lớp 12 của trường, trong đó có em Vũ Minh Thành (cả bố và mẹ đều là nông dân) thi vào Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội đạt điểm tuyệt đối 30/30 điểm. Em Thành là học sinh duy nhất của thành phố Hải Phòng đạt điểm tuyệt đối và là một trong số 14 học sinh toàn quốc đạt điểm này.
Người dân vùng Đất Trạng trước kia bên cạnh việc cấy lúa và trồng thuốc lào còn làm thêm rất nhiều nghề thủ công truyền thống, như dệt vải ở Cổ Am, dệt chiếu ở Ngãi Am (xã Hòa Bình), sơn mài ở Hội Am (xã Cao Minh)... Hiện nay, phần lớn các nghề thủ công truyền thống ấy bị mai một, người dân nơi đây chỉ trông chờ vào cây lúa và cây thuốc lào, mà giá thuốc lào càng ngày càng hạ do số người hút thuốc lào ngày một ít đi. Diện tích ruộng tính trên đầu người rất thấp, vì vậy muốn thoát nghèo, chỉ có con đường học và đi thoát ly quê hương. Cụ Đào Thị Ninh ở làng Cổ Am đã nói với tôi như vậy. Dân số tại làng Cổ Am hiện nay chỉ bằng nửa số con, cháu, chắt của làng ở nội thành Hải Phòng và nhiều hơn một chút so với số con, cháu, chắt ở nội thành Hà Nội.
Thầy giáo Nguyễn Bá Đôn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra và lớn lên ở ngay cạnh Đền Trạng, ông thân sinh là nhà giáo nổi tiếng Nguyễn Côn, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Lý Học. Ông nội của thầy Đôn cũng làm nghề dạy học. Thầy Côn đã nhiều năm luyện thi học sinh giỏi toán của huyện Vĩnh Bảo. Bây giờ mặc dù đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy", thầy Côn vẫn tiếp tục sưu tầm các đề toán hay, các phương pháp giải toán hiệu quả để truyền thụ lại cho con, cháu. Ở Đất Trạng, những gia đình ba thế hệ cùng làm nghề dạy học như gia đình thầy Đôn không phải là hiếm. Có gia đình cả nhà (bố, mẹ, con gái, con trai, con dâu, con rể) cùng trong ngành. Người dân ở đây quý trọng nghề dạy học hơn bất cứ nghề nào. Có lẽ vì vậy mà số lượng học sinh của trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm dự thi vào ngành sư phạm khá đông. Phần lớn giáo viên đang giảng dạy tại trường là học sinh cũ của trường, trong đó có thầy Hiệu trưởng, thầy Trịnh Duy Inh, Phó hiệu trưởng-Bí thư chi bộ và cô giáo Đặng Thị Loan, Phó hiệu trưởng.
Thầy giáo Trịnh Duy Inh cho chúng tôi biết: Một trong những nguyên nhân để học sinh của trường thi đỗ đại học với tỷ lệ cao và giành nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi là truyền thống "Dạy thật, thi thật, thành tích thật". Năm nay, ngành giáo dục phát động phong trào "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", nhưng trên thực tế, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực hiện cuộc vận động này từ nhiều năm nay. Các bài kiểm tra từ 15 phút đến cuối học kỳ đều được tiến hành nghiêm túc. Học sinh cũng ý thức được mục đích học tập của mình. Mặt khác, tập thể chi đoàn và tập thể lớp luôn nhắc nhở những học sinh thiếu trung thực trong thi cử, vì vậy, học sinh không dám tiêu cực và cũng không thể gian lận được.
Cô giáo Đặng Thị Loan, Phó hiệu trưởng năm nay mới ngoài bốn mươi tuổi nhưng đã có hơn chục năm tham gia luyện thi học sinh giỏi văn của trường khẳng định với chúng tôi việc tổ chức các đội thi học sinh giỏi của trường không phải vì mục tiêu duy nhất là giành giải thưởng cho cá nhân và cho tập thể nhà trường mà cái quan trọng nhất là tạo ra những “đầu tàu” để khuyến khích các học sinh khác học tập. Cô giáo Loan cũng như nhiều thầy giáo, cô giáo khác của trường, khi giảng bài luôn bổ sung thêm truyền thống quê hương Đất Trạng, truyền thống của các thế hệ học sinh của trường, điều này đã tác động lớn đến tư tưởng của học sinh làm cho các em thêm yêu hơn, tự hào hơn với mảnh đất mình sinh ra và quyết tâm phải học tập để xứng đáng với mảnh đất ấy.
Hiện nay ở vị trí trang trọng trong khuôn viên của nhà trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là bức tượng danh nhân Văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm do học sinh khóa 1970- 1973 của trường tặng. Sự trang nghiêm của tượng đài, cùng với hàng cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, và những dãy nhà hai tầng được bố trí cân xứng hài hòa thấp thoáng sau những hàng cây bóng mát đã làm cho trường trở thành một trong những ngôi trường đẹp nhất của thành phố Hải Phòng. Tất cả các yếu tố ấy đã làm cho Đất Trạng hôm nay tiếp tục nở hoa Trạng nguyên.
Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ