QĐND Online – Nép sau triền đê, giữa cánh đồng ngô xanh mướt, con đường bê tông chạy dài đưa tôi về thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng (Thuận Thành – Bắc Ninh), nơi nổi tiếng với nghề sản xuất màn truyền thống. Nhà cao tầng san sát, nhiều công xưởng đua nhau mọc lên, thôn Đại Mão hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt.

Làm giàu trên quê hương

Đại Mão xưa kia chủ yếu sống bằng nghề mây tre đan, dệt vải, buôn bán… Trong những năm gần đây, nhờ mở rộng sản xuất màn, người dân nơi đây đang ngày một giàu lên và đại đa số thanh niên trong làng đều có công ăn việc làm với mức thu nhập ổn định.

Một cơ sở sản xuất màn tại thôn Đại Mão.

Đặt chân đến đây, không khí vui tươi nhộn nhịp của những con người hay lam hay làm, tiếng cười đùa giòn giã toát lên vẻ đủ đầy và sung túc. Theo số liệu thống kê, thôn Đại Mão có tới 60% hộ sản xuất màn, trong đó lượng đi tiêu thụ lên đến 80%. Nghề sản xuất màn đã có từ lâu,  nhưng trước kia dân trong làng chỉ biết may vải, đưa lên thành phố Bắc Ninh hoàn chỉnh rồi đem đi tiêu thụ. 12 năm trở lại đây, nhờ trau dồi kiến thức, nhiều hộ dân trong làng đã mạnh dạn đầu tư, mở xưởng sản xuất và quyết tâm gắn bó với nghề sản xuất màn. “Lúc lấy nhau vợ chồng chỉ có hai bàn tay trắng, tích góp được ít tiền chạy chợ tôi quyết định mua một cuộn màn, máy khâu về học may. Miệt mài ngày đêm học làm mẫu mã, cuối cùng những sản phẩm của tôi cũng được người tiêu dùng biết đến. Cũng từ đó, tôi đi tìm đầu ra và cho xuất bán màn rộng khắp trên thị trường”, chị Lê Thị Lai, người khởi xướng cho công nghệ sản xuất màn thôn Đại Mão, tâm sự.

“Để tìm ra được hướng đi, thời gian đầu nhiều nhà xưởng gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là ý tưởng sản xuất màn khung, nhưng do phải đầu tư nhiều, giá cả đắt đỏ, nên hầu hết các hộ đã chuyển đổi sang làm màn gia công”, chị Lai cho biết thêm.

Được thị trường tin dùng, đến nay, cơ sở của chị đã tạo được thương hiệu và là một trong những Công ty có uy tín trong ngành sản xuất màn. Nắm trong tay 5 xưởng sản xuất, với số lượng nhân công lên tới hơn 500 người, chị được coi là người thành đạt trên mảnh đất quê hương ở cái tuổi còn rất trẻ . Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Phương Nam, Giám đốc công ty TNHH Nam Tiến cho biết: “Màn sản xuất từ Đại Mão chủ yếu được xuất sang các nước: Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… để tiêu thụ. Đơn đặt hàng liên tục gửi về các cơ sở sản xuất, nhiều khi nhân công làm không hết việc. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cho mở rộng thêm cơ sở tại một số tỉnh lân cận”. Bên cạnh đó, ngay tại địa phương, một số công ty TNHH như: Thành An, Quang Hưng, Phát Đạt… cũng đang lớn mạnh và phát triển công nghệ làm màn với quy mô lớn.

Đảm bảo nhu cầu việc làm

Về Đại Mão hôm nay, hẳn ít ai ngờ ngay tại vùng quê trù phú ngô khoai lại có nhiều nhà máy, công xưởng nhộn nhịp đến thế. Đến nay, toàn thôn có tới 90% nông dân chuyển sang làm công nhân tại các cơ sở sản xuất màn. “Em học hết lớp 10, gia đình không có điều kiện nên phải nghỉ học để đi làm. Với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/ tháng, lại gần nhà, đối với nông thôn bọn em như thế này là sướng lắm rồi”, em Trần Văn Bình ở Mão Điền tâm sự. Đặc biệt, tại nhiều cơ sở sản xuất màn tạo được cả việc làm cho các cụ già neo đơn, không nơi nương tựa và nhiều  người khuyết tật. “Đã 70 tuổi rồi, con cháu không có, hàng ngày tôi đi làm ở xưởng, nhặt nhạnh, thu gom những phế phẩm không dùng đến bỏ vào bao để tối xe rác đến trở đi. Lương được 1,2 triệu đồng/ tháng, ở đây được các cô chú quan tâm, tôi thấy vui lắm”, bà Ân, ở thôn Đại Mão cho biết.

Với quy mô nhà xưởng khang trang, trang thiết bị máy móc hiện đại cùng đội ngũ nhân công làm việc chuyên nghiệp, nhanh nhẹn, các nhà xưởng nơi đây không khác gì các công ty dệt may mang tầm cỡ lớn.


May màn, trước khi được đưa lên kiểm và đóng gói

Để hoàn thành một sản phẩm phải qua 5 khâu chính: cắt, vắt sổ, may, kiểm và đóng gói, tại đây mỗi khâu đều có một xưởng sản xuất riêng. Là đất làng nghề, người này truyền đạt kinh nghiệm cho người kia, nên đại đa số dân thôn Đại Mão ai cũng biết làm màn, nhiều hộ gia đình còn nhận màn về làm tại nhà. “Tôi phải trông nom mấy đầm cá, không có nhiều thời gian nên thường xuyên nhận màn về cho vợ con làm thêm, lúc nào rảnh lại chạy xe tới các làng bên bán”, ông Nguyễn Quý Cập ở thôn Đại Mão tâm sự.

Hiện nay, mỗi năm trung tâm khuyến nông lại mở lớp học nghề ba tháng để công nhân biết sử dụng máy may công nghiệp. Theo đó, các công ty sẽ đứng ra lo lớp học và toàn bộ chi phí cho học viên. Ông Lê Nho Đan, người quản lý 3 xưởng sản xuất màn tại Đại Mão cho biết: “Mỗi nhà xưởng có tới hơn 100 nhân công, hầu hết tôi phải điều hành bằng loa. Hiện nay, số lượng đơn đặt hàng khá nhiều nên chúng tôi phải liên tục đăng tuyển nhân công”.

Tại các xưởng sản xuất màn, không chỉ có lao động địa phương mà còn cả lao động đến từ các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Hà Nam…  

Đã thành lệ, cứ từ 4 đến 5 giờ chiều, thôn Đại Mão lại trở nên tấp nập với những xe hàng nối đuôi nhau đến lấy màn đi tiêu thụ. Trở lại con đường bê tông, nhìn ra phía cánh đồng xa xa, tôi vẫn nghe thấy những tiếng nói cười giòn giã, tiếng máy khâu phách nhịp rộn ràng. Cầu mong cho quê hương này sẽ mãi giàu đẹp, lớn mạnh và luôn được yên bình như thế.
Bìa và ảnh: Kim Thoa