Trong những ngày nắng hạn này, nhiều vùng đất cao ở Tây Ninh không được hưởng lợi từ nguồn nước tưới của công trình hồ thủy lợi Dầu Tiếng. Trong khi đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng một số trạm bơm nước tưới tiêu nhằm chống hạn cho vùng này.
Quy trình dẫn nước… ngược
Cách hồ Dầu Tiếng chưa đầy 10km, nhưng gần 20 năm qua (tính từ lúc khánh thành công trình hồ thủy lợi Dầu Tiếng) vùng đất Xã Phan thuộc huyện Dương Minh Châu chưa nhận được dòng nước tưới tiêu của công trình đại thủy nông lớn nhất nước này. Nhằm bù đắp thiệt thòi cho bà con nông dân hai xã Xã Phan và Suối Đá thuộc huyện Dương Minh Châu, với tổng kinh phí 5 tỷ đồng từ nguồn vốn không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản và số vốn đối ứng của tỉnh, năm 2000 tỉnh Tây Ninh lập dự án xây dựng trạm bơm xã Phan. Đi vào hoạt động từ năm 2002, nhưng do diện tích tưới thực tế quá ít so với thiết kế, nên hơn 8 năm qua cứ vào mùa khô là nhiều cánh đồng ở địa phương khô cạn.
Theo thiết kế, trạm bơm Xã Phan có 2 máy bơm với công suất mỗi máy hơn 1000m3/giờ. Có 3 tuyến kênh cấp 1 với tổng chiều dài gần 4000m để đưa nước vào nhiều tuyến kênh nội đồng dẫn nước ra ruộng của Xã Phan. Nhưng theo ông Lại Đình Đồn, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Thủy nông Dương Minh Châu, năm 2002 khi bàn giao lại cho xí nghiệp quản lý thì chỉ có nhà trạm bơm và tuyến kênh chính, không có hệ thống kênh nội đồng. Vì vậy, dù năng lực tưới tiêu là 300ha nhưng khi nhận bàn giao thực tế chỉ tưới được 13ha, chưa đến 5% diện tích thiết kế (!).
 |
Đoạn cuối kênh chính chưa thi công nối với trạm bơm Phước Chỉ. |
Bởi vậy, năm 2006 chính quyền địa phương phối hợp cùng Xí nghiệp Quản lý Thủy nông Dương Minh Châu thực hiện thêm 1,6km tuyến kênh cấp 1, nâng diện tích tưới lên hơn 40ha. Dù vậy, trạm bơm Xã Phan cũng chỉ tưới được gần 15% diện tích.
Theo bà con nông dân ở đây, nếu đoạn kênh này được xây dựng cao hơn mặt đất thì có thể đặt ống dẫn nước tưới cho 50ha đồng ruộng. Nhưng do xây kênh chìm nên dù nước trong kênh đầy ắp, cũng khó dẫn nước vào ruộng. Muốn tưới được đồng ruộng ở khu vực này phải có tuyến kênh cấp 1 dẫn nước từ phía cuối kênh chính chảy ngược trở lại, rất lãng phí.
Ngưng tưới tiêu toàn hệ thống là bất cập
Xã Phước Chỉ thuộc huyện Trảng Bàng là địa phương gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt và tưới tiêu ruộng đồng. Trạm bơm Phước Chỉ và hệ thống kênh mương đã có từ lâu nhưng từ khi vận hành đến nay, trạm bơm chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, diện tích tưới thực tế rất thấp, hệ thống kênh mương ngày càng xuống cấp.
Do xây dựng không đồng bộ, các tuyến kênh đều là công trình làm bằng đất (không được bê tông hóa), cộng với quản lý yếu kém, không thường xuyên duy tu, sửa chữa, nên hệ thống kênh mương này xuống cấp nhanh. Năm 2000, khi bàn giao trạm bơm về cho Công ty Khai thác Thủy lợi Tây Ninh quản lý thì toàn bộ hệ thống trạm bơm Phước Chỉ chỉ còn tưới được khoảng 170ha. Năm 2009, từ nguồn vốn đầu tư (gần 8,5 tỷ đồng) của dự án kiên cố hóa kênh mương, trạm bơm Phước Chỉ được nâng cấp toàn bộ, dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 6-2010. Tuy nhiên, vào những ngày này, nắng nóng, hạn hán đe dọa khắp nơi, thì nhịp độ thi công các hạng mục ở đây khiến không ít người lo lắng. Bể xả sau nhà trạm đã xây xong nhưng chưa nối với đầu tuyến kênh chính. Tuyến kênh chính nâng cấp giai đoạn 1 có chiều dài gần 2,5km sau hơn 4 tháng thi công chỉ bê tông hóa được đoạn giữa, còn đoạn đầu chỉ mới làm đất .
Tỉnh chủ trương ngưng tưới toàn bộ hệ thống để xây dựng. Ý kiến của nhiều nhà chuyên môn cho rằng, vẫn có thể áp dụng phương pháp đắp đập thi công đoạn cuối kênh trước, đoạn đầu kênh vẫn tiếp tục tưới tiêu bình thường, không phải ngưng cung cấp nước toàn bộ liên tục mấy vụ như hiện nay. Khi làm đến đoạn kênh chính thì mới tiến hành ngưng tưới toàn bộ trong khoảng thời gian vừa đủ để tập trung xây dựng nhà trạm, lắp máy bơm mới. Theo phương pháp này, diện tích tưới có thể giảm dần so với trước nhưng vẫn còn một số diện tích chống được hạn, duy trì được sản xuất. Còn ngưng tưới toàn bộ như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng cho cả vùng…
Đầu tư xây dựng trạm bơm thủy lợi tốt sẽ mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội. Thiết nghĩ các cấp, các ngành tỉnh Tây Ninh cần nhanh chóng tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập nhằm sớm bảo đảm nguồn nước tưới cho sản xuất, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Đó cũng là cách làm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Bài và ảnh: LONG CHÂU SƠN