Bài 3: Cần có giải pháp lâu dài, bền vững vì thế hệ tương lai của đất nước
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam. Thế nhưng, rõ ràng, nhiều công nhân vẫn đang phải trầy trật, lo lắng tìm chỗ học cho con. Để người công nhân yên tâm lao động, sản xuất, thì việc xây dựng trường mầm non cho con em công nhân cần phải được quan tâm đúng mức.
Những mô hình hay cần nhân rộng
Những khó khăn, bất cập trong tổ chức chăm sóc, dạy học cho con em công nhân đặt ra cho các nhà quản lý, doanh nghiệp cùng cộng đồng xã hội cần có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng thiếu trường mầm non trong các KCN, KCX. Thực tế cho thấy, có nhiều cách làm hay cần được nhân rộng.
 |
Cô và trò Trường mầm non Tổng công ty May 10 trong giờ học. |
Trường mầm non tại chỗ của Tổng công ty May 10 là một trong những ngôi trường có tuổi đời lâu nhất trong ngành dệt may Việt Nam. Từ những khu nhà tranh tre, nứa lá khi xưa, giờ đây, Trường Mầm non May 10 đã được xây dựng khang trang với nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ cho công tác nuôi dạy các cháu. Hơn 60 năm qua, Trường mầm non May 10 đã đào tạo trên 20.000 học sinh, trong đó có nhiều người là học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; nhiều người thành đạt trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên cả nước. Hiện nay đã có hơn 50 gia đình có thế hệ thứ 3 và có hơn 500 gia đình có thế hệ thứ 2 vào học tại Trường mầm non May 10. Có những gia đình có ông bà đã làm việc tại May 10 có tới 5 người con và 9 người cháu cũng đã và đang học tại Trường mầm non May 10.... Với đặc thù là doanh nghiệp may, lao động chủ yếu là nữ, theo quy định của Nhà nước sau 6 tháng nghỉ thai sản là đi làm trở lại, nên trường cũng bắt đầu nhận trẻ từ 6 tháng tuổi, khác hẳn đặc thù của một số trường công hiện nay, có khi trẻ 18 tháng tuổi trở lên mới nhận. Bên cạnh đó, các cháu là con em cán bộ, công nhân trong tổng công ty được nuôi dạy tại trường còn được hỗ trợ học phí, đón sớm, trả muộn không thu thêm phí, phù hợp với giờ làm của các phụ huynh.
Gặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Hải cùng làm công nhân công ty, đưa con đến lớp, anh chị vui vẻ cho biết: "Đây là năm thứ hai gia đình yên tâm cho con học ở Trường mầm non May 10. Từ một đứa trẻ có phần hơi nhút nhát, đến nay, con tôi tăng cân đều và rất tự tin trong các hoạt động ở trường. Do trường được xây gần với khu làm việc của công nhân nên rất thuận tiện đưa đón con. Vợ chồng tôi rất tin tưởng khi con được học hành, chăm sóc trong một môi trường lành mạnh”. Chị Hải đang mang bầu bé thứ hai và cho biết, Trường mầm non May 10 vẫn là lựa chọn số 1 của vợ chồng chị cho đứa con sau này.
Cũng áp dụng mô hình trên, Trường mầm non Hoa Hồng 2 tại KCN Khai Quang (Vĩnh Phúc) với 16 phòng học khang trang, bếp ăn một chiều sạch sẽ, khu vui chơi xanh, sạch, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của khoảng 300 trẻ là con em công nhân vào học. Công nhân an tâm vì được gửi con trong một môi trường lành mạnh và được dạy dỗ chu đáo, tử tế.
 |
Phụ huynh đón con trong giờ tan học ở Trường mầm non Hoa Hồng 2 tại KCN Khai Quang (Vĩnh Phúc). |
Còn tại quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), Trường Mầm non Mặt Trời Nhỏ được xây dựng dành riêng cho việc gửi con của công nhân, do Công ty PouYuen đóng trên địa bàn quận đầu tư với 20 nhóm lớp. Hiện trường có khoảng 700 trẻ là con của công nhân đang làm việc tại các nhà máy của công ty. Theo ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, với quy mô trường chỉ có thể nhận khoảng 700 trẻ nên công đoàn công ty đã ưu tiên cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mẹ đơn thân hoặc gia đình có hai vợ chồng cùng làm việc tại nhà máy của công ty (từ 3 năm trở lên)… Những trẻ là con em của công nhân không thuộc diện ưu tiên học tại đây sẽ được công ty hỗ trợ 150 ngàn đồng/tháng...
Không chỉ có những cách làm hay của các doanh nghiệp mà chính quyền một số địa phương đã “vào cuộc” để phát triển hệ thống trường mầm non nói chung, trường mầm non trong các KCN, KCX nói riêng. Năm học 2017-2018 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã mở rộng giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi ở tất cả 24 quận, huyện. Thành phố cũng thực hiện Kế hoạch “Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại KCX, KCN trên địa bàn thành phố từ năm 2016 đến năm 2020” tại quận 7, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Củ Chi (giữ trẻ đến 17 giờ và cả ngày thứ bảy). Trong năm học 2018-2019, TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; xây dựng tài liệu chuyên môn quản lý nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ có 22 dự án nhà trẻ dành riêng cho con công nhân được hoàn thành, đáp ứng nhu cầu giữ 1.000 trẻ...
Cần sự chung tay của các cấp, các ngành
Những cách làm hay của một số doanh nghiệp, địa phương đã góp phần quan trọng giảm bớt gánh nặng cho các bậc cha mẹ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu trong độ tuổi mầm non trong các KCN, KCX đến trường. Tuy nhiên, những cách làm ấy vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, chưa thật sự phát huy hiệu quả rộng rãi. Ðiều đó đòi hỏi cần có những giải pháp lâu dài, bền vững từ cơ chế chính sách đến những việc làm cụ thể.
Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), bên cạnh việc rà soát, đánh giá mức độ đáp ứng của mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non ở khu vực KCN, KCX, cần có kế hoạch xây dựng trường, lớp mầm non đáp ứng nhu cầu gửi trẻ. Trong quá trình phê duyệt xây dựng các KCN, KCX, các cấp chính quyền địa phương cũng cần có những dự tính, dự báo và có quy hoạch cụ thể dành quỹ đất cho việc xây dựng trường, lớp học. Các nhà quản lý không chỉ kêu gọi các doanh nghiệp trong các KCN xây dựng trường phục vụ nhu cầu gửi con của công nhân, mà còn cần xã hội hóa để đẩy mạnh, thu hút khu vực doanh nghiệp và tư nhân tham gia xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cho con em công nhân, bảo đảm các điều kiện chăm sóc phù hợp quy định cũng như mức đóng góp phù hợp với đời sống công nhân.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thì băn khoăn, ngành giáo dục cần vào cuộc để có định biên chỉ đạo quản lý về mặt chuyên môn và tổ chức giảng dạy sao cho con em công nhân được học hành đúng chuẩn và được quản lý nhà nước một cách đầy đủ.
Việc xây dựng trường mầm non ở các KCN, KCX không phải câu chuyện có thể làm ngay trong ngày một, ngày hai, và vẫn đang là vấn đề “nóng”. Thế nhưng, để giải quyết việc thiếu trường, lớp mầm non, sự nỗ lực của riêng ngành giáo dục-đào tạo là chưa đủ, mà cần sự chung tay gánh vác trách nhiệm của các cấp, các ngành.
 |
Công nhân yên tâm khi con cái mình được chăm sóc, học hành ở một môi trường có chất lượng như Trường Mầm non May 10. |
Theo bà Thái Thị Hoài Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TP Hồ Chí Minh, đã đến lúc các KCX, KCN trên địa bàn cần chung tay cùng chính quyền trong việc xây dựng trường mầm non phục vụ con em công nhân. Trước mắt, các KCX, KCN có thể đầu tư và quản lý các nhà trẻ, trường mầm non phục vụ cho người lao động trong các khu. Đây là giải pháp thiết thực vì các doanh nghiệp nắm được giờ làm việc của công nhân nên sẽ bố trí để giữ trẻ phù hợp, mặt khác công nhân sẽ an tâm hơn khi con đi học gần chỗ làm việc. Cơ quan chính quyền cần có quy định bắt buộc trong quy hoạch phát triển các KCX, KCN phải có nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, thì mới phê duyệt cấp phép xây dựng để góp phần tăng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Được biết, để tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà trẻ trong các KCN, KCX, từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX đến năm 2020” (Đề án 404). Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Mục tiêu đặt ra rất nhân văn: Đến năm 2020, 80% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ tư thục thuộc Đề án sẽ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng; 500 nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển…Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc. Nhiều địa phương khi triển khai Đề án còn gặp phải khó khăn về quỹ đất do sự thiếu thống nhất trong hệ thống văn bản liên quan đến đất đai trong KCN, KCX; ngoài ra, nguồn giáo viên cũng rất khan hiếm.
Có thể nói, khi gửi được con ở các cơ sở mầm non có uy tín, chất lượng, người lao động sẽ toàn tâm, toàn ý với công việc, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động, sản xuất. Quan trọng hơn, trẻ em được tiếp cận với giáo dục mầm non càng sớm sẽ càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển ở các giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, việc bảo đảm các điều kiện học tập, chăm sóc cho trẻ mầm non, nhất là trẻ mầm non trong các KCN, KCX, không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng nhọc nhằn cho công nhân mà còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển toàn diện về thể chất cho trẻ ở độ tuổi mầm non - những thế hệ tương lai của đất nước.
Bài, ảnh: PHONG THẢO KHOA