Lính thủy đánh bộ Mỹ đổ sĩ quan lực lượng đặc biệt chạy từ Làng Vây về.

Cuối cùng miền Bắc cũng "xơi gọn" Làng Vây

Không có tin về Khe Sanh nổ súng không có nghĩa là tin tốt. Vì quân Bắc Việt dĩ nhiên đang chuẩn bị chiến trường. Qua trận Cồn Tiên vài tháng trước, đã lộ rõ ý đồ áp dụng kinh nghiệm vây lấn ở Điện Biên Phủ. Đại bác thường được "đút" ngang hông các triền núi, khi bắn kéo ra ngoài, bắn xong vài loạt lại rút ngay vào trong hầm để tránh phản pháo. Bộ binh thì tiến dần vào cứ điểm quân đồng minh (quân của Mỹ, Sài Gòn và đồng minh của họ) bằng cách đào công sự tỏa ra như nan quạt, vừa đào vừa đánh. Lần này những chiến thuật như thế không thể gây kinh ngạc đến mức phải tự vẫn, như đại tá pháo binh Pháp Pi-rốt ở Điện Biên Phủ, nhưng vẫn được nói đến trong các báo cáo chiến sự ở Khe Sanh. Quân Mỹ sẽ dùng B52 đánh "sát sườn" căn cứ của mình, hoặc sử dụng mọi thứ hỏa lực, kể cả bom na-pan để ngăn chặn từ xa sự lan tỏa trận địa chiến hào của đối phương.

Trong khi dõi theo chiến sự đang tiếp diễn ác liệt trên toàn miền Nam, Oa-sinh-tơn vẫn dỏng tai chờ tiếng súng mở màn Khe Sanh. Hôm 4-2, sau khi đọc báo cáo của đại sứ Băn-cơ về việc đối phương “đang chuẩn bị tiến công cực kỳ mãnh liệt ở Vùng chiến thuật I”, một phụ tá quân sự cao cấp, tướng Gin-bớc, được Giôn-xơn tuyệt đối tin tưởng, đã tâu rằng, chắc là tại B52 và máy bay ném bom chiến thuật đã làm “xáo trộn kế hoạch tiến công của Bắc Việt Nam”, hoặc giả, Hà Nội đang chờ các chiến trường phối thuộc, tức là các thành phố ở miền Nam, tổng công kích đợt hai.

Dường như không muốn Nhà trắng phải thất vọng, ngay hôm sau, mồng 5 tháng 2, một số đơn vị thuộc Sư đoàn 325 của miền Bắc đã tiến công cứ điểm 861 thuộc lực lượng đồn trú Khe Sanh, kết hợp với 4 giờ liền nện rốc két, cối và pháo hỏa chuẩn bị. Báo cáo cho Nhà trắng biết, thủy quân lục chiến Mỹ và B52 cũng đáp lại dữ dội. Bắt đầu từ đây, Oét-mo-len được yêu cầu gửi báo cáo chi tiết hằng ngày về Khe Sanh, gồm cả thời tiết, và tình trạng đường băng là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của cầu hàng không tiếp tế cho Khe Sanh và tải thương, bao nhiêu loạt COFRAM đã được bắn. Nổi bật trong đó dĩ nhiên là con số lính Mỹ chết hoặc bị thương trong ngày ở Khe Sanh và bao nhiêu trong số thương vong này đã được sơ tán bằng trực thăng. Số liệu này của ngày 5-2 chẳng hạn, là bảy lính cổ da (LTĐB Mỹ) tử trận, 44 người khác bị thương. Những cơn buốt đầu của ông chủ Nhà trắng được thể hoành hành dữ dội hơn.

Dịp này, Râu-xtao viết báo cáo cho Tổng thống, nhấn mạnh: “À đây rồi, chính nó (thời điểm bản lề của cuộc chiến tranh)!”. Ông ta lưu ý rằng Việt cộng sẽ còn tổ chức những đợt tiến công mới vào các tỉnh lỵ, đô thị, vì cú sốc đầu tiên dành cho quân đội và bộ máy chính quyền Sài Gòn tuy mạnh, nhưng chưa đủ sâu. Ông tái khẳng định rằng cuộc chiến đấu trong các đô thị chính là “chiến dịch nghi binh then chốt” để hút quân dự bị đang dành để ứng cứu Khe Sanh phải trở về đánh nhau ở các thành phố (!) Cũng trong báo cáo này, Râu-xtao đề xuất với tổng thống Mỹ, vì đây là “trận đánh có ý nghĩa quyết định đối với hướng đi của châu Á trong một thời gian dài và vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới và là trận đánh chỉ được phép thắng, tổng thống cần:

1- Điều ngay sư đoàn không vận số 81 sang Việt Nam bằng máy bay.

2- Tăng cường lấy quân ở Việt Nam và các nơi khác nữa.

3- Huy động lực lượng dự bị ở Hoa Kỳ ...

Rạng sáng 7 tháng 2, căn cứ lực lượng đặc biệt (LLĐB) Làng Vây, cách Khe Sanh 5 dặm về phía bắc bị tràn ngập bởi trung đoàn 66, “hung thần” của trận thung lũng Iađrăng 1965. Tướng Giáp đã xuất chiêu với “bảo bối” mới: các xe tăng do Liên Xô sản xuất. Viên chỉ huy Khe Sanh đã từ chối ứng cứu cho hơn 500 lính mũ nồi xanh đóng ở Làng Vây, sợ mắc mưu “đánh điểm diệt viện” của QĐND Việt Nam. Nhưng các máy bay phóng pháo đã tới oanh tạc. Nếu việc xe tăng xuất hiện ở chừng mực nào đó không hẳn đã là một bất ngờ (Nhà trắng đã dự kiến sự xuất hiện của bộ đội không quân và tên lửa Việt Nam ở Vùng chiến thuật I này), thì việc xe tăng tiến vào cứ điểm Làng Vây từ ba hướng, chỉ bị phát hiện khi đã ở trong hàng rào thép gai, lại gây sửng sốt, ngờ vực. Thái độ bạc đãi (tước vũ khí, giam xuống hố) của lính thủy đánh bộ Mỹ ở Khe Sanh đối với các lính LLĐB người Thượng chạy thoát từ Làng Vây về khiến người ta nghĩ rằng đã có một sự khắc phục bài học “nội phản”, như của cứ điểm Bản Kéo ở Điện Biên Phủ. Hồ sơ rút kinh nghiệm Điện Biên Phủ ở Nhà trắng có đề cập một nguyên nhân thất bại của tập đoàn cứ điểm này là, quân Pháp đã “sống chung” với một số lượng dân thiểu số bản xứ, mà người Pháp cho rằng đã có điệp viên của Việt Minh trà trộn vào. Trong thời gian Làng Vây bị tiến công, Khe Sanh cũng bị pháo kích, gây tổn thất cho lính thủy đánh bộ (LTĐB) Mỹ.

Thoái chí, nhổ neo chuồn

Sự căng thẳng “trước giờ nổ súng” mà Khe Sanh áp đặt khá lớn. Một số phụ tá quân sự và an ninh đã phải làm các động tác lên dây cót cho ông chủ Nhà trắng. Trong báo cáo 4-2-1968, tướng R.Ghin-đen-bớc tìm cách động viên tinh thần của các tư lệnh, cũng như Tổng tư lệnh (tức là tổng thống Giôn-xơn) bằng cách nêu lại một kinh nghiệm về giờ G (thời điểm đổ bộ) trong thế chiến II mà ông nghĩ là có ích cho Khe Sanh... Trong báo cáo 8-2-1968, một ngày sau khi mất Làng Vây, như là Him Lam của Điện Biên Phủ, đại sứ C.Lốt-giơ đã viết, vì quan điểm của ông có thể đã bị ai đó gièm pha “nơi trướng gấm” (Nhà trắng), ông tái khẳng định rằng không hề nghiêng ngả trong ủng hộ chủ trương giữ Khe Sanh, coi đó như một quyết định sống còn. Nhưng chỉ một tuần sau, gió xem ra đã đổi chiều. Râu-xtao viết cho tổng thống trong báo cáo 14-2-1968 về Khe Sanh như sau:

“Tôi biết rằng Khe Sanh chiếm chỗ quá nhiều trong tâm trí của ngài, cũng như của tôi. Rất có thể đã quá muộn để làm được điều gì trong hoàn cảnh này. Nếu đúng như vậy, cần phải dẹp bỏ mọi nghi ngại sang một bên và sẵn sàng chiến đấu. Mặt khác, nếu còn có thời gian để áp dụng một ảnh hưởng hữu ích (lên tình hình), thì ta phải hành động ngay.

Tôi vừa xem lại các ý kiến của tướng Oét-mo-len trong các điện văn gần đây. Theo đó, ông ta trình bày rằng việc chiếm đóng Khe Sanh từ ban đầu đã được biện minh bởi nhu cầu thiết lập một căn cứ hành quân nhằm tiến hành các hoạt động ngăn chặn các đường thâm nhập chính yếu từ đông Lào sang. Quan trọng hơn, việc chiếm đóng này còn ngăn chặn địch tiến về Quảng Trị, cũng như ngăn chặn chiến sự lan tới vành đai đông dân ven biển của Vùng chiến thuật I. Nhưng Oét-mo-len lại thừa nhận rằng Khe Sanh chẳng hữu hiệu mấy trong ngăn chặn thâm nhập từ Lào, và vai trò ngăn chặn (Quân giải phóng) tiếp cận Quảng Trị cũng chẳng rõ rệt lắm, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

Vậy là tướng Oét-mo-len trở nên không ủng hộ mạnh mẽ cho việc phòng thủ Khe Sanh nữa, bởi vai trò hiện tại của nó trong ngăn chặn các đường thâm nhập từ Lào hay trong phòng thủ khu vực chủ yếu của các tỉnh phía Bắc (của Nam Việt Nam). Cho dù tướng Oét-mo-len có nói trong một cuộc điện thoại với tướng Uyn-lơ rằng, ông tin tưởng rằng việc giữ Khe Sanh sẽ đem lại cơ hội, vào một lúc nào đó, chống lại đòn đánh mạnh của kẻ thù. Nhưng ông đã không nhấn mạnh điều này. Ngược lại, qua các bức công điện, ông tỏ ra bị căng thẳng do những khó khăn của việc rời bỏ Khe Sanh, cùng những hậu quả tâm lý sẽ đến của cuộc rút lui này, ảnh hưởng lên Nam Việt Nam và lên công chúng Mỹ…".

Những căng thẳng dồn nén trong chiến cuộc Xuân 1968 đã dẫn đến tuyên bố nổi tiếng của Giôn-xơn hôm 31 tháng ba, hạn chế việc ném bom tới rìa phía Bắc khu phi quân sự, bày tỏ sự sẵn lòng đàm phán của phía Mỹ, cũng như quyết định không chạy đua cho một nhiệm kỳ tổng thống nữa. Ngay hôm sau, vào ngày “nói dối”, 1-4, cuộc hành binh giải tỏa Khe Sanh bắt đầu. Hồ sơ Nhà trắng giai đoạn này cũng phản ảnh “chiến dịch nghi binh” bằng một liên đội tăng cường quân kỵ binh bay Mỹ, tiểu đoàn 3 LTĐB Mỹ và chiến đoàn 2 của Sài Gòn, được yểm trợ bởi năm tàu chiến Mỹ, đánh về phía tây bắc Đông Hà báo cáo 4-4-1968), để phân tán lực lượng “địch” đang vây ép Khe Sanh. Hồ sơ trận Khe Sanh của Nhà Trắng, hiện mới giải mật đến hôm 5-4-1968. Theo các nguồn tin khác của Mỹ, quân kỵ binh bay Mỹ đã phải nện nhau thật lực với quân Bắc Việt Nam hôm mồng 6, cũng như trận đánh tại lô cốt cũ của Pháp ở Khe Sanh kéo dài 3 ngày liền từ 4 đến 7 tháng 4. Nhìn chung, hoạt động đánh trả đầu tháng 4 của đối phương được các báo cáo trong hồ sơ Khe Sanh là “không mạnh”, để quân kỵ binh bay thuộc loại “hàng xịn” còn mã hồi cho sớm. Nhưng, vẫn theo nguồn tin Mỹ, khi Ngựa bay chính thức kết thúc hôm 15-4, tức là sau hai tuần, đã có gần 800 lính Mỹ và hơn 200 lính Sài Gòn bị loại khỏi vòng chiến đấu trong chiến dịch giải tỏa Khe Sanh này.

Giấu đi đâu một “Điện Biên Phủ” nữa

Tưởng như đã bưng bít xong, nhưng rồi Nhà Trắng lại chao đảo lần nữa vì Khe Sanh. Lần này, lại vẫn do lũ nhà báo giở giói ra. Ngay từ hôm 24-6 phóng viên Giôn Ca-rôn của tờ Mặt trời Baltimore đã loan tin Bộ chỉ huy Mỹ “vừa buộc phải rút bỏ Khe Sanh, một căn cứ quân sự được (Mỹ) phòng thủ với một giá đắt, do vị trí rào cản có tính sống còn của nó ở dưới khu giới tuyến”. Bộ chỉ huy Mỹ mập mờ phủ định tin này, nhưng tay phóng viên khẳng định “Các thủy quân lục chiến biết việc này, người Bắc Việt Nam biết việc này, chỉ có nhân dân Mỹ là không biết. Mặc dù Bộ chỉ huy Mỹ giải thích việc này (bỏ Khe Sanh) là do những yêu cầu về quân sự đặt ra, nhưng miền Bắc cho đây là thất bại nghiêm trọng nhất cả về chiến thuật lẫn chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh này”.

Theo báo cáo dành cho tổng thống 25 và 26-6-1968, quân sư “quạt… máy” Râu-xtao đã phải nhanh chóng ra tay. Một là, ông ta đã mất nửa giờ thuyết phục hãng tin Mỹ tầm cỡ toàn cầu AP đừng đưa tin của Mặt trời Baltimore. Hai là, để hỗ trợ cho A-bram hiện đang rối beng lên về việc “tiêu thổ” ở Khe Sanh và trăm thứ việc khác trên toàn miền Nam, Râu-xtao đã dự thảo để MACV ra một tuyên cáo. Cốt lõi cho tuyên cáo này là, quân Mỹ phải bỏ Khe Sanh chỉ vì “địch đã thay đổi chiến thuật”. Tuy nhiên. Râu-xtao vẫn còn lo Oét-mo-len, đã nổi đóa vì bị A-bram qua mặt, cho bỏ Khe Sanh ngay sau khi người tiền nhiệm vừa rời gót, sẽ phản đối luận điệu này. May mà mọi sự êm thấm. Râu-xtao đã dàn xếp được để phát biểu của A-bram ở Việt Nam, và của Oét-mo-len ở Hô-nô-lu-lu không chống nhau. Thông báo của Bộ chỉ huy Mỹ hôm 26-6-1968 đã không dài dòng văn tự như kịch bản Râu-xtao dự thảo, chỉ gồm hai luận điểm, để khỏi hở sườn. Một là, việc căn cứ Khe Sanh “thôi không hoạt động nữa là do địch đã thay đổi chiến thuật”. Hai là, Bắc Việt Nam hiện đang tập trung ở vùng quanh Khe Sanh tới 8 (!) sư đoàn, chứ không còn là 6 sư đoàn như hồi tháng Giêng 1968.

Tác động của Mỹ rút bỏ Khe Sanh đối với công luận được tác giả Pi-tơ Bu-sơ đánh giá như sau:

“Tướng A-bram ra lệnh giữ bí mật chuyện đóng cửa căn cứ càng lâu càng tốt. Đến khi chuyện này buộc phải công bố chính thức, chỉ một lượng thông tin nhỏ được cung cấp. Sự kiện bỏ Khe Sanh được công luận Mỹ nhìn nhận một cách “đầy ngờ vực và hoang mang”. Lầu Năm Góc ghi nhận việc công bố quyết định bỏ Khe Sanh là “một sứ mạng khó khăn về phương diện tuyên truyền”.

Mồng 7 tháng 7, tờ Thời báo Niu Y-oóc đưa tin từ Hồng Công, cho rằng người châu Á nhìn chung tin vào lý do Mỹ phải bỏ Khe Sanh mà đài Hà Nội đã đưa ra, và bác bỏ cách giải thích của Mỹ, theo đó việc bỏ Khe Sanh là do “tình hình về quân sự đã thay đổi”.

Không giống như một số trận đánh khác, Khe Sanh đã chiếm được chú ý của truyền thông đại chúng và công luận ở Mỹ. 25 phần trăm thời lượng phim chiếu trên chương trình truyền hình buổi tối trong tháng 2 và tháng 3 năm 1968 tường thuật tình hình ở Khe Sanh. Riêng kênh CBS, tỷ lệ này là 50 phần trăm. Viện Gallup đưa ra số liệu, cứ 5 người thì 1 vừa chuyển từ lập trường diều hâu sang bồ câu trong khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3. Vì thế, cách tốt nhất để làm cho Khe Sanh khỏi gây ảnh hưởng xấu đối với công chúng Mỹ là bỏ căn cứ này”.

Nhưng cho đến ngày nay, Khe Sanh vẫn là một chủ đề gây nhức nhối ở Mỹ. Và để làm dịu bớt, còn nhiều tư liệu của Mỹ dần dà sẽ được giải mật. Và người dân sẽ được thông tin đầy đủ hơn về việc Nhà Trắng và bộ sậu diều hâu ở Mỹ đã “lãnh đủ một Điện Biên Phủ” ở Khe Sanh ra sao trong chiến cuộc Xuân Mậu Thân.

LÊ ĐỖ HUY