QĐND Online - Huyện Lắc (Đắc Lắc), được biết đến không chỉ là địa danh nổi tiếng về du lịch sinh thái-văn hoá, mà đây còn là một trong những “vựa lúa” của Tây Nguyên, với diện tích lúa nước hai vụ lên đến hơn 4.000 ha.

Nhằm bảo đảm nước tưới cho sản xuất lúa, ngoài hồ Lắk (hồ tự nhiên), từ năm 1977, cùng với việc khai hoang cánh đồng lúa 8-4 ở địa bàn các xã Buôn Triết và Buôn Tría, tỉnh Đắc Lắc đã mạnh dạn đầu tư công sức và tiền của xây dựng hồ thủy lợi Buôn Triết, có tổng dung tích 25 triệu m3. Tuy nhiên, do hệ thống kênh mương thủy lợi không được đầu tư kiên cố hoá, nên năng lực tưới của hồ thủy lợi Buôn Triết còn hạn chế, chỉ tưới được 400ha ở khu vực gần hồ. Trong các năm 2006 và 2007, hồ Buôn Triết được đầu tư tu bổ và nâng cấp. Tiếp đó, đầu năm 2008, tỉnh Đắc Lắc đã triển khai “Dự án Kiên cố hoá kênh thủy lợi hồ Buôn Triết”, với tổng kinh phí đầu tư 66 tỷ đồng, xây dựng 11 km kênh cấp 1, 12 km kênh cấp 2 và 15 km kênh nhánh nội đồng, bảo đảm nâng năng lực tưới của hồ từ 400 ha trước đây lên đạt từ 1.800 đến 2.000 ha. Các xã Buôn Triết và Buôn Tría được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này. Dự án được đầu tư trong 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 được thực hiện từ đầu năm 2008, gồm 10 gói thầu xây lắp, tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác từ tháng 5-2010. Giai đoạn 2, thực hiện từ năm 2010 đến 2011, sẽ đầu tư xây dựng 7 tuyến kênh nhánh có tổng chiều dài hơn 15 km, tổng đầu tư 21 tỷ đồng.

 Đoạn kênh mương bị gãy đổ, thuộc gói thầu số 6. 

Tuy nhiên, về tiến độ thi công giai đoạn 1, tính đến thời điểm cuối tháng 6-2010, các hạng mục của công trình vẫn còn dở dang. Thậm chí tại một số hạng mục, do khâu tổ chức thi công thiếu khoa học, không đúng quy trình kỹ thuật đã dẫn tới sự cố hư hỏng. Cụ thể: sập 100m kênh cấp 1, thuộc gói thầu số 6; gãy đổ trụ cầu máng xi-phông Cầu Đỏ, thuộc gói thầu số 7. Sáng 23-6, trao đổi với chúng tôi, các ông Lê Gia Dậu, Giám đốc; Hà Văn Hỷ, Trưởng ban quản lý dự án nâng cấp sửa chữa công trình thủy lợi thuộc Công ty khai thác công trình thủy lợi Đắc Lắc-đại diện chủ đầu tư dự án cho biết: “Tính đến thời điểm này, các gói thầu thuộc giai đoạn 1, Dự án Kiên cố hoá kênh thủy lợi hồ Buôn Triết mới hoàn thành được hơn 50% công việc. So với tiến độ thi công được phê duyệt thì quá chậm, bởi lẽ ra công trình đã phải hoàn thành và bàn giao từ tháng 5-2010. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến công trình chậm tiến độ là do khâu giải phóng mặt bằng còn vướng mắc.

Công tác giải phóng mặt bằng do UBND huyện Lắc đảm nhận, nhưng trong quá trình thi công có một số điểm phát sinh, việc đền bù giải phóng mặt bằng không làm kịp, dẫn tới người dân cản trở thi công làm chậm tiến độ. Được biết, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của dự án là hơn 2 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 1,9 tỷ đồng, do một số điểm phát sinh, huyện Lắc chưa đền bù xong. Mặt khác, đặc điểm của công trình là vừa thi công, vừa bảo đảm tưới tiêu cho sản xuất 2 vụ lúa, vì thế mỗi năm chỉ thi công được hơn 3 tháng, trong khi đó công trình lại nằm giữa cánh đồng, nên việc vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ thi công hết sức khó khăn, nhất là về mùa mưa, cũng là nguyên nhân làm cho công trình chậm tiến độ.

Đơn vị  thi công đang đẩy nhanh tiến độ.

Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Đắc Lắc còn khẳng định, các sự cố gây sập 100m kênh cấp 1 thuộc gói thầu số 6 và gãy đổ trụ cầu máng xi-phông Cầu Đỏ thuộc gói thầu số 7 không phải là do công trình xây dựng kém chất lượng, mà do "lỗi về quy trình" trong quá trình tổ chức thi công. Sau khi xảy ra các sự cố trên, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã kịp thời rút kinh nghiệm, thống nhất biện pháp và thời gian xử lý, bảo đảm công trình thi công đạt chất lượng.

Về mặt tiến độ, theo cam kết của các đơn vị thi công và được chủ đầu tư cũng như chính quyền tỉnh Đắc Lắc chấp thuận, giai đoạn 1 của Dự án Kiên cố hoá kênh thủy lợi hồ Buôn Triết sẽ hoàn thành và bàn giao vào tháng 12-2010 (tức là gia hạn thêm 7 tháng so với phê duyệt ban đầu). Hiện tại, Công ty khai thác công trình thủy lợi Đắc Lắc đã đôn đốc các nhà thầu thi công tập kết nguyên vật liệu, máy móc, và huy động nhân lực bảo đảm thi công cả trong mùa mưa; động viên các nhà thầu thi công trong lúc chờ địa phương hoàn chỉnh phương án đền bù thì có thể ứng trước kinh phí đền bù cho dân để có mặt bằng thi công. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng kiến nghị UBND huyện Lắc cùng chính quyền các xã hưởng lợi, nhất là xã Buôn Triết cần làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, kết hợp tuyên truyền vận động nhân dân tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình.

Theo khẳng định của các đồng chí Nguyễn Văn Ngãi, Chủ tịch và Nguyễn Đăng Trọng, Phó chủ tịch UBND xã Buôn Triết cũng như những nông dân (có ruộng trong vùng dự án): Nguyễn Văn Phong, thôn Mê Linh 2 và Nguyễn Văn Khoa, thôn Đoàn Kết 2 thì việc công trình chậm tiến độ không chỉ gây thiệt hại cho các đơn vị thi công, mà còn tác động tiêu cực tới công việc sản xuất của bà con. Vì vậy hàng nghìn hộ dân ở các xã Buôn Triết và Buôn Tría cùng những hộ dân thâm canh trên cánh đồng 8-4 mong muốn công trình kiên cố hoá kênh mương hồ thủy lợi Buôn Triết sớm hoàn thành đưa vào khai thác, tạo điều kiện cho bà con mở rộng diện tích sản xuất lúa từ một vụ bấp bênh lên hai vụ ăn chắc. Hy vọng rằng, từ công trình thủy lợi này, nông dân huyện Lắc sẽ có cơ hội làm giàu ngay trên cánh đồng lúa nước.

Bài và ảnh: Kiều Bình Định