QĐND Online - Đi đâu, gặp ai, ông Yang Danh cũng tự giới thiệu mình là người Ba Na Kriêm và cái tên “Danh Ba Na” cứ thế gắn chặt lấy cuộc đời ông. Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Trưởng phòng VH-TT rồi đến Phó Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Thạnh, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định,… nhưng người ta biết đến Yanh Danh nhiều hơn trong vòng 10 năm nay, khi ông lần lược cho ra đời 10 công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, phong tục của người Ba Na.
Hướng về nguồn cội
Mỗi khi có khách đến thăm, hỏi về những bản làng của người Ba Na Kriêm, văn hóa người Ba Na… là ông Danh nói say sưa, nói cả ngày không dứt. Ông rất thích mời khách đến thăm những bản làng của đồng bào mình để ngồi uống với nhau vài chum rượu cần, hát cho nhau nghe vài bài hơmon… và ôn lại những chiến tích của đồng bào trong các năm kháng chiến. Hầu như đồng bào Ba Na sinh sống ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đều quen mặt ông, quý mến ông. Nhiều già làng còn đem câu chuyện về cuộc đời của ông Danh từ khi theo cách mạng, học tập, làm việc… để khuyên dạy lớp trẻ trong làng.
 |
Uống rượu cần và hát hơmon, 2 trong số 10 công trình nghiên cứu, sưu tầm vèe văn hoá truyền thống người BA Na Kriêng của Yang Danh
|
Năm 1960, khi Yang Danh mới 13 tuổi, làng Tà Điêk (nay là làng L6, xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Thạnh) của ông đang nằm trong “tầm ngắm” sẽ dựng chốt của bọn Mỹ Ngụy. Ông Nguyễn Trung Tín (Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định), khi đó đang hoạt động bí mật tại Vĩnh Thạnh, đưa ra chủ trương “đốt làng” phá vỡ kế hoạch của địch. Kế hoạch của “cán bộ” đưa ra hầu hết dân làng đều đồng tình ủng hộ những không một ai dám làm bởi theo phong tục của người Ba Na thì “đốt làng bị phạt vạ 10 con trâu”. Yang Đêu (tên Yanh Danh lúc nhỏ) xung phong ngay, bởi cậu nghĩ rằng không có trâu nộp phạt thì còn chịu được nhưng để bọn Mỹ vào làng thì chúng sẽ chiếm nhà rông, nương rẫy của đồng bào sẽ bị đốt sạch. Sau “chiến tích” lừng lẫy đó, Yang Đêu được “tổ chức” đưa lên căn cứ cách mạng của tỉnh để cùng Đoàn thiếu niên con em các dân tộc thiểu số vượt Trường Sơn ra Bắc học tập. Đến ngày lên đường, nhìn Yang Đêu mặc khố, để tóc dài,… ông Nguyễn Trung Tín yêu cầu cắt tóc thì cậu bé nhất quyết không chịu. Ông Tín hăm dọa nếu không cắt tóc sẽ trả về làng những Yang Đêu cũng nhất quyết không cắt tóc. Cuối cùng, vì không muốn mất một “hạt giống đỏ” gan dạ, ông Tín đành chấp nhận để Yang Đêu ra Bắc với những trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường Tuyên huấn Trung ương (năm 1979), Yang Danh được phân công về công tác tại Báo Gia Lai - Kon Tum, làm phóng viên rồi Tổ trưởng Tổ Văn - Xã. Mỗi lần đi công tác, ông thường ở lại trong làng để nghe đồng bào H’rê, Bana, K’Tu, Mơ nông,… nói chuyện, rồi hát, đánh cồng chiêng, nhảy múa với họ nhằm tìm hiểu những giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào. Năm 1984, Yang Danh về giữ chức vụ Trưởng phòng VH-TT huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), công việc nghiên cứu, sưu tầm văn hoá dân gian của người Ba Na Kriêm cũng thuận lợi hơn. Phải đến 15 năm sau (năm 1999), tác phẩm đầu tay của Yang Danh là "Nhận diện văn hóa làng người Ba Na Kriêm Bình Định" mới ra đời và được trao giải A3 của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Tác phẩm này đã khái quát về nguồn gốc cộng đồng người Ba Na, về làng truyền thống, về phong tục, tập quán và văn hóa nghệ thuật dân gian của người Ba Na Kriêm thể hiện qua các loại trang phục truyền thống đa dạng và đặc sắc, các loại nhạc cụ dân gian, thể loại múa dân gian và văn học dân gian, như các bài hơmon, Roi (thể loại chuyện kể), Joh (thể loại ca, hát)…
Sau lần “ra mắt” ấn tượng đó, Yang Danh lần lược cho ra đời thêm 10 công trình nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa Bana Kriêm khác như: rượu cần, ẩm thực, nhà sàn, lễ hội đâm trâu, Hơmon… Những tác phẩm này tiếp tục mang về cho ông 4 giải A3, 2 giải B, 2 giải Khuyến khích của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Ai tri âm đó…
Với ông Danh, văn hoá vủa người Ba Na có nhiều dòng khác nhau, dòng Ba Na Kriêm ở Bình Định có những nét rất khác với dòng Ba Na Rơngao ở các tỉnh Tây Nguyên. Khi nghiên cứu, bảo tồn văn hoá của các dân tộc thiểu số và các dòng văn hoá trong một dân tộc không nên đánh đồng, không được dùng “râu ông nọ, cắm cằm bà kia” để rồi mất bản sắc riêng. Ông tâm sự: “Tôi ghét nhất là cái gì thuộc về văn hoá của các dân tộc thiểu số đều bị gọi đồng nhất là “Tây Nguyên”, nào là điệu múa Tây Nguyên, bài hát Tây Nguyên, nhà rông Tây Nguyên,… Tây Nguyên bao gồm nhiều dân tộc, mỗi dân tộc có một nét riêng và văn hoá của cùng một dân tộc ở các vùng miền cũng khác nhau nên không thể quy tụ hết thành “văn hoá Tây Nguyên”. Tại sao bây giờ người ta hay gọi là nhà rông Tây Nguyên trong khi chỉ riêng người Ba Na thôi thì nhà rông của họ ở các vùng như Kbang, Chư Sê, Vĩnh Thạnh… đã khác nhau rất nhiều”.
Có lần Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) mời Yang Danh lên thăm nhà rông vừa được xây dựng và họ giới thiệu với ông: “Đây là nhà rông của đồng bào Ba Na ở thượng nguồn sông Kôn tặng bảo tàng Quang Trung”. Ông Danh phản ứng ngay: “Các anh chưa hiểu nhà rông của người Ba Na ở thượng nguồn sông Kôn. Nhà rông của người Ba Na ở thượng nguồn sông Kôn không có lưỡi rìu trên mái để lộn ngược như thế, cách trang trí cũng không đúng với nhà rông của đồng bào chúng tôi. Đây là nhà rông của người Ba Na ở vùng Gia Lai, Kon Tum!”. Sau đó, Giám đốc bảo tàng “đính chính” với ông Danh rằng đấy là nhà rông của đồng bào Ba Na ở Tây Nguyên tặng Bảo tàng Quang Trung.
Có nhà “hoành tráng” ở TP Quy Nhơn nhưng vừa nghỉ hưu (2007) là ông Danh về quê Vĩnh Thạnh dựng nhà định cư. Cũng đi đi, về về vì “ở rừng nhớ biển, ở biển nhớ rừng” nhưng ở đâu ông cũng có nhiều bạn bè bởi “cái bụng người Ba Na” là vậy, thương nhau, mến nhau thì uống với nhau vài chum rượu cần, hát với nhau vài bài hơmon. Ở Vĩnh Thạnh, Yang Danh rất quý 4 người là Đinh Y Oai (Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Vĩnh Thạnh), chị Hơ Đan (Trưởng phòng VH-TT-TT huyện), anh Đinh Y Chương (làng K8, xã Vĩnh Sơn), già làng Đinh Y Băng (làng M3, xã Vĩnh Thịnh) vì họ là những người tâm huyết với văn hoá của người Ba Na. Ông Danh nói: “Tôi vẫn còn nhớ lúc đi học ở miền Bắc, Bác Hồ dạy rằng: “Các cháu là những hạt giống đỏ của miền Nam” nên thấy mình phải có trách nhiệm với đồng bào. Nhưng tôi buồn vì tất cả những tác phẩm của tôi đều không được in ấn thành sách. Bản thân tôi đâu có tiền và cũng không kiếm ra nhà tài trợ cho những tác phẩm của mình. Giữa năm 2009, GS-TS Tô Ngọc Thanh- Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam- đề nghị tôi tập hợp các tác phẩm của mình, biên tập lại còn khoảng 700 trang gửi ra Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam xin kinh phí để in…. Dù có được in hay không thì tôi vẫn tiếp tục đi, tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm những loại nhạc cụ cổ, những nghi thức trong đám cưới, đám tang, tiếng nói … của người Bana Kriêm ở Bình Định. Khi không còn đi được những nơi xa thì đi những nơi gần, đi cho đến khi mình không còn sức nữa mới thôi”.
Bài và ảnh: Nguyên Bình