Tiếng vọng từ quá khứ

Sau gần chục năm, chúng tôi mới có dịp quay trở lại xã Tràng Xá anh hùng và cảm nhận rõ sự đổi thay của quê hương cách mạng. Quốc lộ 1B-con đường đã đi vào thơ Tố Hữu với những câu nổi tiếng: Đường ta rộng thênh thang tám thước/ Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên nay đã mở rộng đến hàng chục thước, trải nhựa phẳng lỳ. Khoảng cách từ thị trấn Đình Cả (huyện lỵ của Võ Nhai) đến rừng Khuôn Mánh (Tràng Xá) như được rút ngắn. Những nếp nhà đơn sơ ngày trước đã được thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố khang trang.

leftcenterrightdel
Nhà bia tưởng niệm trong Khu di tích nơi ra đời Đội Cứu quốc quân II. 
Trên đường đi, Thượng tá Đoàn Minh Thuận, Chính trị viên Ban CHQS huyện Võ Nhai, đã say sưa kể cho chúng tôi nghe về sự kiện thành lập Đội Cứu quốc quân II cách đây 75 năm: Sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940, thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng khiến cho Đội Cứu quốc quân I phải rút khỏi căn cứ để bảo toàn lực lượng, nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ, phong trào cách mạng gặp khó khăn. Lúc đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, cùng Ban lãnh đạo Căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai chủ trương khôi phục lại Đội Cứu quốc quân để duy trì tiếng súng vũ trang từ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, cổ vũ phong trào cách mạng. Ngay giữa vòng vây uy hiếp của hàng nghìn quân địch, ngày 15-9-1941, tại rừng Khuôn Mánh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố thành lập Đội Cứu quốc quân II với 36 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 22 chiến sĩ là con em xã Tràng Xá. Sau một thời gian, Đội Cứu quốc quân II phát triển lực lượng lên 46 chiến sĩ, được biên chế thành 5 tiểu đội, với trang bị vũ khí còn rất thô sơ, điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn, nhưng với tinh thần yêu nước, dũng cảm quên mình, ngay từ ngày đầu thành lập, các chiến sĩ của Đội Cứu quốc quân II đã lập nhiều chiến công hiển hách, trong đó có trận đánh ở Đèo Bắp tiêu diệt tên Đức Phú phản động gian ác; trận đánh ở Mỏ Nùng Lâu Hạ; trận đánh ở Suối Bùn, xã Tràng Xá, trận ở Lân Han, trận ở Cây đa La Hóa… Ngày 21-3-1945, Đội Cứu quốc quân II cùng với đông đảo quần chúng nhân dân trong huyện đánh chiếm châu lỵ La Hiên, thành lập chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên ở Thái Nguyên.

Đứng bên bia đá hoa cương khắc họ, tên của những cán bộ, chiến sĩ đầu tiên trong Đội Cứu quốc quân II, nghe tiếng gió thổi ràn rạt, chúng tôi có cảm giác những sự kiện trọng đại của lịch sử như vừa mới diễn ra. Thượng tá Đoàn Minh Thuận cho biết: 36 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Đội Cứu quốc quân II nay đều đã là người thiên cổ, chiến công của họ đã được ghi vào sử sách và trở thành niềm tự hào của quân dân huyện Võ Nhai.

Di tích lịch sử quốc gia bị lãng quên?

“Rừng Khuôn Mánh, địa điểm thành lập Đội Cứu quốc quân II ngày 15-9-1941 đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (cũ) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia từ thế kỷ trước, thế nhưng khi em hỏi Khuôn Mánh ở đâu thì học sinh cả lớp đều không biết”-cô giáo dạy môn Lịch sử của một trường THCS ở Thái Nguyên chạnh lòng nói với tôi như vậy.

Một người dân nhà ở ngay cạnh khu rừng Khuôn Mánh cũng thông tin: Hằng năm, vào các ngày lễ như: Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Ngày thành lập Đội Cứu quốc quân II (15-9), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12),... còn có các đoàn đến thăm Khu di tích Khuôn Mánh, chứ những ngày bình thường chẳng mấy khi có khách đến tham quan.

Bên lề cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đội Cứu quốc quân II được tổ chức vào tháng 9-2016 tại huyện Võ Nhai, một số đại biểu cũng phàn nàn do công tác tuyên truyền chưa tốt và cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên Khuôn Mánh chưa đón được nhiều khách du lịch. Đến Khuôn Mánh, ngoài Nhà bia tưởng niệm, du khách không còn chỗ nào để tham quan, muốn sử dụng các dịch vụ du lịch cũng không có, ngay cả việc ăn uống bình dân cũng phải đi rất xa. Điều day dứt nhất của một số đại biểu là rừng Khuôn Mánh đã bị tàn phá nghiêm trọng. Theo báo cáo của UBND huyện Võ Nhai, rừng Khuôn Mánh bị tàn phá bắt đầu từ tháng 4-2016. Lúc chưa bị tàn phá, rừng có mật độ 600 cây/ha, trong đó đa phần là cây to, có giá trị kinh tế lớn, nhưng đến khi huyện phát hiện (vào tháng 8-2016) thì chỉ còn 18 cây/ha, mà là cây nhỏ không có giá trị kinh tế nên các đối tượng không khai thác. Khối lượng lâm sản bị khai thác trái phép, huyện vẫn chưa thể xác định do các đối tượng khai thác lén lút vào ban đêm và đã vận chuyển ra khỏi hiện trường.

Đứng trên Nhà bia tưởng niệm của khu di tích, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi không khỏi xót xa trước rất nhiều cây cổ thụ bị chặt hạ chỉ còn trơ gốc loang lổ bên cạnh là những cành cây khô... Ngay cả hàng cây lưu niệm rất đẹp trồng dọc bên lối vào khu di tích mà gần chục năm trước chúng tôi đã chụp ảnh lưu niệm cũng bị chặt gần hết. “Bây giờ một số cây đã đâm chồi, chứ mấy tháng trước, cả khu rừng chỉ có lá khô và đất trống, trông thảm thương lắm”-một người dân ở cạnh rừng Khuôn Mánh buồn rầu nói với chúng tôi.

Tháng kỷ niệm Ngày thành lập Đội Cứu quốc quân năm nay cũng là tháng mà UBND huyện Võ Nhai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Khuôn Mánh. Tuy nhiên, theo ý kiến của người dân thì việc xử lý các tập thể và cá nhân liên quan đến phá rừng Khuôn Mánh còn quá nhẹ so với hậu quả nghiêm trọng họ gây ra.

Sẽ hồi sinh rừng Khuôn Mánh

Trước thực tế rừng Khuôn Mánh bị tàn phá, Huyện ủy và UBND huyện Võ Nhai đã tổ chức nhiều cuộc họp, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục hậu quả. Ngay trong tháng 9-2016, UBND huyện Võ Nhai đã xin ý kiến UBND tỉnh Thái Nguyên giao việc quản lý, bảo vệ Khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh cho Ban CHQS huyện Võ Nhai và Ban CHQS huyện đã tổ chức trực bảo vệ 24/24 giờ trong ngày tại đây. Huyện cũng đã huy động sự đóng góp của các ban, ngành, đoàn thể trong huyện để mua 300 cây bản địa như: De, sao, sấu, dổi... trồng trong khu di tích. Hiện nay, số cây giống này đã bén rễ.

Làm việc với chúng tôi, Trung tá Ân Trung Tuyến, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Võ Nhai khẳng định: Theo sự phân công của Huyện ủy, UBND, Ban CHQS huyện đã tổ chức trực nghiêm túc, rừng ở Khuôn Mánh không còn bị chặt phá nữa. Trung tá Ân Trung Tuyến cũng trăn trở về giải pháp để bảo tồn bền vững rừng Khuôn Mánh và Di tích lịch sử quốc gia nơi ra đời Đội Cứu quốc quân II.

Theo Trung tá Ân Trung Tuyến, hiện nay, toàn bộ Khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh (gần 7ha) vẫn chưa có quy hoạch chi tiết cụ thể. Ngay cả 1,7ha thuộc khu vực tháp đài của di tích cũng chưa được cắm mốc giới. Ngoài ra, khu di tích còn có các hạng mục như: Bậc lên từ chân đồi và lán nghỉ nằm ngoài khu tháp đài (diện tích 1,7ha) cũng chưa có quy hoạch và quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cá nhân đang sử dụng nên việc quản lý của Ban CHQS huyện đối với hạng mục trên rất khó. Để bảo tồn rừng Khuôn Mánh, trước hết cần trồng lại rừng và phải là rừng đặc dụng để quản lý nghiêm ngặt. Không thể là rừng phòng hộ hay rừng sản xuất vì như thế sẽ khó giữ được rừng. Mặt khác, đất rừng đã giao cho quân đội quản lý phải có mốc giới rõ ràng. Để di tích “sống” được, cần phải có thêm các dịch vụ du lịch kèm theo. Theo hướng nghiên cứu này, Ban CHQS huyện Võ Nhai đã đề xuất với Huyện ủy, UBND huyện Võ Nhai giao toàn bộ diện tích đất rừng Khuôn Mánh cho Ban CHQS huyện quản lý. Ban CHQS huyện sẽ xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền để xây dựng thao trường tổng hợp trong khu rừng đặc dụng này để làm nơi huấn luyện bộ đội địa phương và dân quân tự vệ trong huyện kết hợp tôn tạo khu di tích, trồng và bảo vệ rừng. Lợi dụng địa hình, địa vật, Ban CHQS huyện sẽ xây dựng một hồ chứa nước ở gần di tích, vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa là nơi tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch. “Nếu được như vậy thì chắc chắn rừng Khuôn Mánh sẽ hồi sinh và Khu di tích nơi thành lập Đội Cứu quốc quân II sẽ hấp dẫn khách du lịch”-Trung tá Ân Trung Tuyến quả quyết.

Chiều cuối năm, đứng trên sân của Nhà bia tưởng niệm Đội Cứu quốc quân II, chúng tôi như được nghe tiếng nói từ ngàn xưa vọng về, có cả tiếng thì thầm trách móc, có cả lời động viên, nhắc nhở chúng tôi. Trong màn sương huyền ảo, xung quanh chúng tôi như hiện ra màu xanh ngăn ngắt của rừng, màu trắng như rắc bạc của hồ nước và những âm thanh vui nhộn của các loài chim... Xa xa là các tốp học sinh, khách du lịch đến tìm hiểu về khu di tích...

Tạm biệt Khuôn Mánh, trong lòng chúng tôi vẫn canh cánh nỗi niềm...

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ