Từ lâu, bia hơi đã trở thành thức uống thông dụng của người dân Hà Nội. Bia hơi đã luồn

Chưa hết giờ hành chính, quán "bia hơi Hà Nội" đã đông khách. Ảnh chụp lúc 15 giờ 30 phút ngày 11-5-2007

vào mọi ngõ ngách từ thành thị cho tới nông thôn, từ mái lều ven biển cho đến tận ngôi nhà sàn chót vót non cao. Đến đâu bây giờ cũng thấy quán bia hơi, thế nhưng có lẽ không mấy ai biết chất lượng thực của bia hơi như thế nào, uống bia hơi lợi, hại ra sao... Chúng tôi đã mục sở thị cung cách uống bia, cách thức người ta pha chế, sản xuất ra bia hơi theo kiểu... không giống ai và trình bày ra đây để bạn đọc tự định liệu trước khi cầm cốc bia hơi...

Nghìn lẻ một lý do… uống

Chưa hết giờ làm việc, chiếc “dế” của tôi đã rung lên bần bật. Lát sau tiếng cậu Hải, bạn nối khố í ới: “Bia nhá! Vẫn chỗ cũ ấy”. Đút chiếc máy điện thoại vào túi, mắt trước, mắt sau tôi tuốt ra nhà xe và…“A-tếch

Sau khi lách qua mấy cái lưng to bè chìa ra kín cả lối đi, tôi mới đến được chỗ anh bạn. Đã thấy có bốn người ngồi sẵn ở đó. Trên mặt bàn, lọt thỏm giữa chục cốc bia vàng ươm là một đĩa lạc rang đã vơi đi quá nửa. Liếc xuống gầm bàn, thấy tám cái cốc rỗng đứng ríu vào nhau. “Như thế là họ đã… đi được hai tuần!”. Tôi tự nhủ. Chưa kịp chào hỏi, bạn tôi đã bô bô: “Nào, làm hai cốc cho “đủ tiêu chuẩn” đi, rồi chào hỏi sau”. Bất đắc dĩ, tôi phải ngửa cổ tu một hơi. Lại tiếng cậu Hải: “Bây giờ đến tiết mục làm quen. Nhưng trước khi làm quen, chúng ta hãy nâng cốc. Một trăm phần trăm!”. Tiếng chạm cốc đôm đốp và chỉ sau vài tiếng ừng ực, Hải đặt cái cốc đánh đốp xuống bàn. Tay Hải quệt ngang miệng, làm cho cái lớp bọt bia bám trên hàng ria con kiến kéo dài ra má, nhìn như một lưỡi mác nổi trên khuôn mặt sàm sạm màu nắng gió công trường. Hải vốn là kỹ sư xây dựng, trước đây cũng đã xin được việc, đi làm thuê cho một doanh nghiệp. Nhưng sau cậu ta chê lương thấp, bỏ việc ra ngoài tập tọe làm chủ thầu xây dựng. Đến giờ, Hải được coi là đứa “phất” nhất ở làng tôi, với số tiền vốn đã lên con số hàng tỷ. Hải uống bia hơi thay nước, nên mặt mũi lúc nào cũng phừng phừng, đi đến đâu đôi mắt cũng chỉ chăm chắm tìm "công trình phụ". Không biết là nhờ làm chủ thầu xây dựng, hay là nhờ chăm chỉ uống bia mà Hải biết đủ mọi ngóc ngách có quán bia hơi ở Hà Nội. Thậm chí cậu ta còn đọc vanh vách vị bia của các quán. Nào là quán ở khu vực Tăng Bạt Hổ thì bia có vị hơi ngọt (theo nhận định của Hải thì rất có thể đã trộn lẫn bia Việt Hà). Bia ở khu vực đường Nguyễn Chí Thanh thì ban đầu uống ngon, nhưng sau thì hơi nhạt (có vẻ như đã pha bia cỏ) v.v…

Chỉ một loáng với khoảng năm, sáu ly bia, tôi đã thấy bụng tưng tức. Hải mặt mũi đỏ gay, nhưng miệng vẫn liến thoắng, nào là “Uống cho công trình mới của chúng tôi”, nào là “Uống vì bà xã tớ mới chuyển công việc”... Mọi lý do của Hải đều được kết thúc bằng một cốc bia. Cứ như thể không có những lý do của cậu ta thì các nhà sản xuất bia chết ngắc. Đến lúc này, "hơi" của bia đã bốc lên mặt, mọi người thi nhau nói. Không khí càng lúc càng đến đến điểm cao trào. Đỉnh điểm nhất là chỗ góc quán, khi mấy chị em mặt trắng bệch, mắt xanh lè, tay chống nạnh, đứng thẳng lên bàn, ngửa cổ nốc cạn cốc bia thì tôi thực sự thấy… choáng. Hóa ra trong nửa thế giới còn lại, có ối chị em hăng máu hơn cả cánh mày râu. Đến đầu chiều, khi các thùng bia rỗng đã được xếp hàng ngoài cửa, các đệ tử của bia xếp hàng trong… nhà vệ sinh thì không khí trong quán mới tạm thời lắng xuống. Chân nam đá chân chiêu, tôi loạng quạng ra tìm chiếc xe của mình và phóng về cơ quan mà sau đó không hiểu mình đã về bằng cách nào.

Nghìn lẻ một cáchpha bia

Theo thông báo của Nhà máy bia Hà Nội thì năm 2005, nhà máy mới bắt đầu khởi công xây dựng dây chuyền sản xuất 100 triệu lít bia/năm. Trong số ấy bao gồm cả bia chai, bia lon và bia hơi. Ấy thế nhưng giới thạo bia vẫn luôn khẳng định với nhau rằng, chỉ riêng địa bàn Hà Nội, cách đây vài năm đã tiêu thụ hết ngót nửa triệu lít bia hơi một ngày. Bình quân mỗi năm, cánh mày râu (chưa kể các chị em) Hà Nội đã uống hết quãng trăm triệu lít bia hơi. Vậy mà trên các đường phố Hà Nội, nơi nào cũng trương biển “Bia hơi Hà Nội” và chủ quán nào cũng đỏ gay mặt khẳng định “Quán tôi chỉ bán bia… xịn. Nếu nói sai thì xin từ nay trở đi… không uống bia nữa”. Ôi chao, sự khẳng định thật là… nghiêm trọng. Thế nên khi tôi đem cái “chất lượng bia hơi” ra nói với bạn, cậu ta trừng trừng nhìn tôi từ đầu đến chân và phán: “Gà mờ”. Này nhé, cứ cho là Nhà máy bia Hà Nội sản xuất được 100 triệu lít bia hơi/năm đi thì chỉ riêng dân nghiền Hà Nội đã tiêu thụ hết rồi, còn đâu mà phân phối đến lượt các “đệ tử” ở 28 tỉnh, thành phố phía bắc nữa. Thế nên để cho hài hòa, nghĩa là để cho đệ tử bia hơi các tỉnh không phải mỏi mắt đợi bia hơi Hà Nội, cánh đại lý bia đã tìm ra phương án tối ưu đó là “pha”. Cứ một lít bia hơi Hà Nội pha với một, hoặc hai lít “Bia Hà Nội sản xuất tại địa phương” thường gọi là “bia cỏ”. Còn giá thì vẫn giữ nguyên 12.000 đồng/lít.

- Nhưng mà bia hơi Hà Nội đóng trong thùng chuyên dụng, không thể mở ra mà pha bia khác vào được. Tôi cãi, cậu ta lại trừng mắt lên:

- Đúng là đồ uống bia như uống... chè tàu. Bọn họ không phải pha như thế mà pha thẳng vào cốc kia. Cứ nửa nọ, nửa kia cho khách quen, còn hai phần ba bia cỏ cho khách không quen. Loại uống bia như ông thì có khi là 99% bia cỏ. Còn nữa, có những chủ quán cực kỳ ranh ma. Họ nhớ những tay nào biết uống bia, những tay nào lờ mờ không phân biệt nổi đâu là bia, đâu là trà đá. Thế nên lúc đầu vào quán, họ bảo nhân viên rót bia xịn cho khách. Đến quãng cốc thứ năm, thứ bảy thì đến pha nước lã vào bia cũng chẳng phát hiện ra nữa. Chính vì thế, tốt nhất chỉ nên uống một, hai cốc rồi chuồn. Nhưng khổ nỗi, đã vào quán bia hơi thì chẳng ai làm được như thế.

Theo thông báo của Nhà máy bia Hà Nội thì năm 2005, nhà máy mới bắt đầu khởi công xây dựng dây chuyền sản xuất 100 triệu lít bia/năm. Trong số ấy bao gồm cả bia chai, bia lon và bia hơi. Ấy thế nhưng giới thạo bia vẫn luôn khẳng định với nhau rằng, chỉ riêng địa bàn Hà Nội, cách đây vài năm đã tiêu thụ hết ngót nửa triệu lít bia hơi một ngày. Bình quân mỗi năm, cánh mày râu (chưa kể các chị em) Hà Nội đã uống hết quãng trăm triệu lít bia hơi.

Hóa ra như vậy. Thảo nào, gần chỗ tôi ở có mấy lò bia hơi, ngay cả mùa đông cũng nghi ngút khói. Mỗi sáng, cũng thấy ô tô nhỏ, to, vào, ra rộn ràng. Có lần nói chuyện với một chủ lò “bia cỏ” về cách tiêu thụ, anh ta chỉ cười mũi rồi bảo: “Thế các bác toàn uống bia hơi Hà Nội xịn thì vợ con em treo miệng lên à? Thưa với bác, trên thị trường bia hơi Hà Nội hiện nay, có đến 60% đến 70% sản phẩm là do các lò bia như của em đây sản xuất. Bia hơi Hà Nội xịn trên thị trường cũng chỉ như hàng khuy trên cái áo mà thôi. Vì thế bác cứ yên tâm mà uống bia cỏ đi…”. Với những người cả tháng mới nhấm nháp một cốc bia hơi như tôi thì có lẽ cũng chẳng quan tâm đến chất lượng, mùi vị của “bia cỏ” với “bia xịn” xem nó thế nào. Nhưng với mấy anh đã trót nghiện bia rồi thì quả thật thấy thương họ. Bởi có vào chỗ sản xuất “bia cỏ” mới thấy hết cái khoản “ISO” trong các cơ sở này. Chỗ ủ men là mấy cái bể xi măng, trong đó lúc nào cũng có mấy cô áo bảo hộ lao động, chân đi ủng cao su, cầm xẻng cán dài đảo đi, đảo lại cái đống thóc không ra thóc, gạo không ra gạo. Anh chàng chủ lò bia bảo: “Mấy hôm nữa men ngấm, cho vào bồn áp suất nấu lên, chỉ một loáng là các bác lại có thứ nước vàng vàng, sanh sánh để mà dô… dô. Mà cơ sở của em là còn sạch vào hạng… nhất đấy. Bác đến nhiều nơi còn kinh khủng hơn nhiều”. Hình như các vị vệ sinh phòng dịch đang quá bận bịu với việc kiểm tra thịt ôi, rau có thuốc trừ sâu ở các chợ, nên quên bẵng mấy ông nấu “bia cỏ” ở ngoại thành…

Và nghìn lẻ một tai nạn vì bia

Chưa thấy có vị khách nào uống bia xong mà phải gọi xe cấp cứu để đưa vào bệnh viện, nên đám đệ tử của bia hằng ngày vẫn cứ ngồi đặc các vỉa hè. Thế nhưng trong số bệnh nhân tai nạn giao thông đến Bệnh viện Việt Đức của Hà Nội để cấp cứu với mật độ mỗi ngày hàng trăm ca thì có tới hơn 70% là từ nguyên nhân bia, rượu. Con số đó là một cảnh báo, nhưng đến nay, việc hạn chế tai nạn giao thông do bia, rượu các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được biện pháp nào hữu hiệu. Ngoài đời đã không ít những trường hợp dở khóc, dở cười vì bia rượu. Chẳng hạn như mới đây, ở tại sân bay Tân Sơn Nhất, có hai vị xưng là nhà báo, do “yêu” bia quá nên khi máy bay đã lừ lừ cất cánh rồi mà vẫn còn đòi mở cửa thoát hiểm để… đi vệ sinh. Hoặc có vị “đệ tử” của bia ở Sóc Sơn, sau khi tiêu hoá hết hơn hai chục cốc bia liền đi thẳng một mạch về chuồng lợn để… ngủ, làm cho vợ con được một phen tìm kiếm toát cả mồ hôi… Không khuyên các đấng mày râu nói không với bia kiểu như “nói không với ma tuý”, thế nhưng nên nghe lời anh bạn thân của tôi: “Uống một, hai cốc rồi về ăn cơm với vợ nhá!”.

Bài và ảnh: TRẦN ANH VŨ