49,5 triệu USD ODA cho Việt Nam

Hung-ga-ri có quan hệ mật thiết với Việt Nam từ năm 1950, bạn đào tạo giúp nước ta gần 3.500 cán bộ khoa học các cấp và xóa nợ cho ta từ năm 1973 về trước. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đất nước Hung-ga-ri tổ chức nhiều đợt hiến máu vì Việt Nam và quyên góp vật chất ủng hộ nhân dân ta. Trải qua thời kỳ khó khăn khi Liên Xô và các nước Đông Âu tan vỡ, Hung-ga ri đã từng bước vươn lên xây dựng đất nước. Năm 1995, Hung-ga-ri trở thành thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), năm 2004 trở thành thành viên chính thức của Liên minh châu Âu (EU).

Hung-ga-ri coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất ở khu vực Đông Nam Á và khẳng định mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam mà không có bất kỳ điều kiện gì. Quan hệ giữa Quốc hội hai nước cũng phát triển tốt đẹp. Từ năm 2005, Chủ tịch Quốc hội Hung-ga-ri sang thăm Việt Nam đã có lời mời Chủ tịch Quốc hội nước ta sang thăm chính thức nước bạn và hôm nay chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã được thực hiện.

Hung-ga-ri từng ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO không qua đàm phán. Từ năm 2003, bạn coi Việt Nam là một trong số các đối tác chiến lược trong chính sách ODA của mình. Hằng năm, Hung-ga-ri dành cho Việt Nam trung bình 500.000 ơ-rô. Riêng năm 2008 này, Hung-ga-ri đã tăng mức cam kết ODA cho Việt Nam lên 49,5 triệu USD.

Lâu đài Bu-đa (bên trái) nhìn ra sông Đa-nuýp (ảnh internet)

Trong buổi hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Hung-ga-ri Si-li Ca-ta-lin cũng như cuộc gặp Tổng thống Xô-li-ôm La-xlô, hai bên cùng chung một mục đích mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, phát huy tiềm năng và thế mạnh của hai nước. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hung-ga-ri chiều 16-6 ở Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội hai nước đã phát biểu bày tỏ quan điểm ủng hộ sự hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà doanh nghiệp phát triển và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói: “Đầu năm nay, kinh tế Việt Nam gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, với số vốn đầu tư 15,3 tỷ USD thông qua 1.400 dự án đã triển khai ở Việt Nam năm nay, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2006; lượng khách du lịch quốc tế, kiều bào ở nước ngoài về Việt Nam ngày càng tăng lên càng khẳng định môi trường đầu tư Việt Nam lành mạnh, xã hội an toàn. Việt Nam đang thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm làm kinh tế nên qua chuyến thăm Hung-ga-ri lần này, tôi mong muốn các bạn mở ra hướng đầu tư mới rộng lớn hơn vào Việt Nam. Những thế mạnh của Hung-ga-ri đang cần được các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, hợp tác”.

Người Việt Nam trên đất nước Hung-ga-ri

Cộng đồng người Việt Nam ở Hung-ga-ri có khoảng 4.000 người, sống tập trung ở thủ đô Bu-đa-pét. Tuy nghề nghiệp khác nhau nhưng bà con đoàn kết, tôn trọng pháp luật và phong tục tập quán của bạn, bảo đảm đời sống ổn định.

Chị Nguyễn Phương Thảo vốn sinh ra và lớn lên ở thành phố Huế. Chị sang Hung-ga-ri từ năm 1985 và ở lại sinh cơ lập nghiệp cùng chồng con trên đất bạn. Đã trải qua một số nghề sản xuất kinh doanh, cuối năm 2007, chị về tìm hiểu thị trường Việt Nam và trở lại mở nhà hàng ăn uống ngay tại thủ đô Bu-đa-pét. Trên mảnh đất 1300m2, giá 200.000USD, chị Thảo xây dựng ngôi nhà hai tầng, có mái ngói cong, mang nét kiến trúc của kinh thành Huế. Nội thất ngôi nhà sử dụng tre, gỗ và trang trí những đồ vật của nông thôn Việt Nam. Đặc biệt, những bộ sa lông làm bằng cây lục bình nhập từ Việt Nam sang, được các bạn Hung-ga-ri rất ưa thích. Nắm được tâm lý khách hàng Đông Âu, chị Thảo đã nhập “sa lông bèo tây” sang và bán khá chạy, lãi gấp đôi. Chị Thảo nói vui: “Khi em xây dựng Nhà hàng Việt này, có một số người bảo em là “hâm” đấy anh ạ. Nhưng em muốn làm nhà hàng ăn uống với các món ăn Việt Nam để trước hết là dành cho cộng đồng người Việt mình tại Hung-ga-ri đến đây giao lưu và thưởng thức các món ăn đậm đà phong tục quê hương. Thỉnh thoảng các bạn Việt Nam yêu thơ còn tổ chức đêm thơ tại đây, rất thú vị. Đặc biệt, nhiều bạn Hung-ga-ri nói riêng và Đông Âu nói chung đến Nhà hàng Việt, được thưởng thức các món ăn Việt Nam và nghe em giới thiệu về quê hương, đất nước mình, đã xin địa chỉ và tổ chức những chuyến du lịch đến Việt Nam, trong đó có xứ Huế quê em. Em thấy thật vui và tự hào!”

Bữa trưa hôm ấy, tôi ăn tại Nhà hàng Việt. Món ăn không khác gì ở Việt Nam, có phở bò, nem rán, rau muống luộc, nộm đu đủ và cà rốt, còn có cả tôm chiên, cà muối. Nhân viên phục vụ có 2 người Việt Nam còn lại 6 người Hung-ga-ri, trong đó có 5 thiếu nữ tuổi trên dưới 20, xinh đẹp, trang phục theo kiểu Việt Nam; họ rất nhiệt tình, niềm nở và hiếu khách. Tôi thấy trên giá sách nhà hàng có cuốn tạp chí Sao Việt của cộng đồng người Việt Nam ở Hung-ga-ri phát hành, in hai màu, nội dung khá phong phú, thể loại đa dạng.

Đến tham quan Lâu đài Bu-đa bên bờ sông Đa-nuýp ngay trung tâm thủ đô, chúng tôi đi cùng hai chị hướng dẫn viên du lịch: Phạm Thị Hương và A-ni-ta. Chị A-ni-ta người Hung-ga-ri nói với chúng tôi: “Lâu đài Bu-đa là niềm tự hào của đất nước chúng tôi. Nó được xây dựng từ thế kỷ 13, chủ yếu là phong cách kiến trúc Gô-tích; trải qua bao nhiêu triều đại và hàng chục cuộc chiến tranh nhưng hầu như các tòa nhà và tháp cổ vẫn còn nguyên vẹn. Hiện nay nó là trụ sở của Phủ Tổng thống, nhà hát, bảo tàng và điểm tham quan du lịch, thu hút rất nhiều khách quốc tế”. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy tòa nhà làm việc của Tổng thống lại nằm kề với nhà hát, cũng là điểm tham quan của du khách, ở cổng chỉ có một cảnh sát, chủ yếu làm nhiệm vụ mở cổng cho xe ra vào. Cạnh đấy là một tòa nhà cổ, chi chít những vết đạn từ mấy thời chiến tranh, vẫn được giữ lại cho hậu thế chiêm ngưỡng và nhớ về lịch sử truyền thống đất nước.

Chị Phạm Thị Hương, Giám đốc Công ty du lịch lữ hành ở thủ đô Bu-đa-pét, vốn người Nghệ An. Năm 1979, chị sang Hung-ga-ri theo học khoa điện của Trường đại học Bách khoa rồi ở lại làm việc. Bây giờ làm du lịch nên chị khá hiểu biết về lịch sử đất nước, con người và phong tục của bạn. Chị tâm sự: “Bà con người Việt mình nghe tin đoàn đại biểu Quốc hội nước ta sang thăm, ai cũng phấn khởi. Buổi gặp gỡ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng với bà con Việt kiều ngày mai chắc sẽ đông vui lắm”. Khi được hỏi về đời sống của người Việt ở Hung-ga-ri, chị Hương cho biết: “Mấy năm nay một số hộ làm ăn cũng gặp khó khăn, thu nhập thấp. Tuy nhiên, bà con vẫn cần cù, chăm chỉ, tôn trọng pháp luật của nước bạn, không để xảy ra vụ việc gì đáng tiếc, ảnh hưởng quan hệ hai nước. Nhiều bà con vẫn hướng về Tổ quốc, hằng năm về thăm và đầu tư xây dựng quê hương. Tôi cũng đều đặn mỗi năm về Việt Nam một lần, mặc dù tôi đã nhập quốc tịch Hung-ga-ri”.

A-ni-ta vẫy chúng tôi ra cạnh bức tường thành của Lâu đài Bu-đa, chỉ tay về hai phía của dòng sông Đa-nuýp. Dòng sông rất nổi tiếng này chảy hiền hòa thơ mộng giữa lòng thủ đô Bu-đa-pét. Mùa mưa nhưng nước rất trong xanh. Nắng vàng trải khắp mặt sông, gió mát rượi như mùa thu ở Việt Nam. Hàng trăm ca nô, tàu thuyền du lịch xuôi ngược. Đứng trên lâu đài, có thể ngắm nhìn cả 5 chiếc cầu treo như 5 cung đàn vắt ngang sông, nối đôi bờ Bu-đa-pét. Cũng từ đây có thể nhìn thấy toàn cảnh thủ đô với những đường phố nhỏ mà sạch sẽ, trật tự; không xe đạp, xe máy, nhiều ô tô, xe điện nhưng không hề tắc đường.

Đất nước Hung-ga-ri thanh bình, người dân hiền hòa và dễ mến. Chúng ta mong giữ gìn và phát huy hơn nữa truyền thống hữu nghị, hợp tác lâu dài với nhân dân Hung-ga-ri, như dòng Đa-nuýp xanh thơ mộng không bao giờ cạn.

ĐỨC TOÀN (Phóng viên báo Quân đội nhân dân từ Bu-đa-pét)