QĐND - Cách đây gần 8 năm, ở chùa Năng Nhơn (phường 7, thành phố Sóc Trăng) hình thành cơ sở nuôi dạy trẻ do nữ phật tử Lê Thị Trí Hiền phụ trách. Tôi không muốn gọi đây là “trại trẻ mồ côi” vì 15 cháu nhỏ đang sống tại chùa đều có “lý lịch trích ngang” được nhà chùa lưu giữ cẩn thận. Dưới bàn tay chăm sóc chu đáo, tận tâm của những “bảo mẫu” chốn cửa thiền, các cháu ngày một lớn lên, chăm ngoan, khỏe mạnh... 

Lý lịch của… nước mắt

Bây giờ phật tử và du khách đến viếng chùa Năng Nhơn, nhiều người đã quen với bóng dáng của những cháu nhỏ trong trang phục tu hành tung tăng khắp sân chùa như một đàn bướm nhỏ. Cháu lớn nhất mới tám tuổi, cháu nhỏ tuổi nhất thì vừa lên bốn. Chỉ và giới thiệu tên từng cháu, chị Lê Thị Trí Hiền cho biết:

- Ngoài giờ học ở trường, chúng tôi còn dạy các cháu tụng kinh, niệm Phật, làm những việc lặt vặt trong chùa. Trông lanh lợi vậy mà chưa cháu nào được một lần thốt lên hai tiếng: Mẹ ơi!

Ngoài giờ học ở trường, các em nhỏ ở chùa Năng Nhơn được hướng dẫn tụng kinh, niệm Phật.

Chị Hiền thở dài rồi kể lại: Vào khoảng giữa tháng 5-2003, khi chị đang quét dọn trong sân chùa thì bắt gặp một phụ nữ còn rất trẻ ôm theo đứa bé, rón rén bước vào. Cô gái quỳ  xuống trước mặt chị khóc nức nở. Mọi người gặng hỏi mãi, cô gái mới chịu nói. Quê cô ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Cà Mau, bị người ta lừa gạt, đuổi ra đường với đứa con không ai thừa nhận. Nếu nhà chùa không nuôi giúp đứa bé, cô sẽ quyên sinh vì quá bế tắc trong cuộc sống. Thấy vậy, Ban Quản trị và trụ trì chùa Năng Nhơn đã từ bi tiếp nhận cháu bé. Cũng từ ngày đó, như một căn duyên, chùa Năng Nhơn liên tục có người đến gõ cửa, cầu xin được gửi lại đứa con của mình cho nhà chùa nuôi giúp. Chị Hiền thở dài rồi bộc bạch:

- Hoàn cảnh nào cũng đáng thương và đáng… trách. Các cháu bé có tội tình chi đâu. Nhìn bậc làm cha làm mẹ ôm con đến gửi nhà chùa mà tôi đau đến quặn lòng. Phần lớn là những người mẹ trẻ. Tội quá…

Cứu giúp chúng sinh là bổn phận của nhà Phật nên chị Hiền không nói nhiều về tình cảnh, động cơ của những người đưa con đến đây. Điều chị đặc biệt quan tâm là lai lịch của cha (hoặc mẹ) cháu bé. Chị kiểm tra, đối chiếu, ghi chép đặc điểm nhận dạng và cất giữ kỹ lưỡng. Mỗi cháu bé ở đây đều có một bộ “hồ sơ” riêng để sau này lớn lên, các cháu có quyền được biết. Cả 15 cháu nhỏ đều được phật tử Lê Thị Trí Hiền đặt tên với chữ đệm là “Lệ”. Cháu đầu tiên được nhận nuôi tên là Lệ Nhật, rồi Lệ Nhơn, Lệ Duyên, Lệ Thủy…

Cộng hưởng tình thương

Bé Lệ Duyên hồn nhiên khoe với chúng tôi:

- Năm nay con 8 tuổi, học đến lớp 2 rồi đó. Con rất thương bà nội vì bà nội rất thương con!

“Bà nội” mà bé Lệ Duyên vừa nhắc tới chính là chị Trí Hiền. Nghe các cháu gọi mà chúng tôi thấy thân thương quá. Mà cũng phải rồi, người thân yêu nhất, người thường xuyên chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành cho các cháu, không ai hơn được “bà nội” Trí Hiền. Ôm bé Duyên vào lòng, chị Hiền tâm sự:

- Các cháu ở đây chính là hình ảnh của tôi ngày xưa. Năm lên 4 tuổi, tôi và cậu em trai đã vào chùa Năng Nhơn. Chị em tôi được nhà chùa cưu mang, nuôi nấng đến trưởng thành. Chăm sóc các cháu nói chung khá vất vả. Tuy nhiên, trong nỗi vất vả đó, tôi có được niềm vui vì các cháu lớn lên từng ngày, khỏe mạnh và ngoan hiền, nhất là những khi nghe các cháu nói nhiều câu rất cảm động. Những lúc như thế, mọi cực nhọc trong tôi dường như tan biến hết!

Làm “bảo mẫu” ở chùa Năng Nhơn, ngoài chị Hiền còn có chồng và con gái chị. Nhiều trường hợp các cháu bị ốm, cả nhà chị thay nhau chăm sóc. Họ làm tất cả, không gì khác ngoài cái tâm của mình.

Nhiều phật tử và nhà hảo tâm gần xa biết được “mái ấm tình thương” ở chùa Năng Nhơn đã tìm đến, tự nguyện đóng góp chi phí, mua sách vở, quần áo, góp phần chăm lo cho các cháu.

Tôi bắt gặp nơi các cháu những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên cứ ánh lên niềm vui sướng mỗi khi được các phật tử cõng trên lưng hay âu yếm ôm vào lòng. Dù biết rằng, tình cảm đó không thể thay bằng tình mẹ, tình cha nhưng với các cháu, chỉ cần những giây phút ngắn ngủi ấy thôi đã là hạnh phúc lắm rồi. Thượng tọa Thích Nhựt Quang, Trụ trì chùa Năng Nhơn, nói nhỏ với tôi:

- Nhà chùa sẽ nuôi các cháu trưởng thành, cho ăn học đến nơi đến chốn. Khi lớn lên có nghề nghiệp ổn định, có đủ nhận thức, cháu nào muốn ở lại tu tại chùa cũng được, hoặc muốn tìm lại nguồn cội của mình để hòa nhập với cuộc sống gia đình, cộng đồng, nhà chùa sẽ cung cấp địa chỉ của cha, mẹ để các cháu biết mà tìm về…

Bài và ảnh : Hồng Bỉnh Hiếu