Trang bìa một số báo “Sinh hoạt” của nhà lao 6B.

Tôi có quen biết một nhà báo là giảng viên đại học báo chí. Anh đã nhiều năm nghiên cứu khá sâu về lịch sử báo chí Việt Nam. Vậy mà, khi nghe tôi hỏi về “thể loại” báo trong nhà tù, anh thú thật rằng chưa nghiên cứu sâu về đề tài này. Khi được tôi cho xem những bức hình chụp lại nhiều bài trên các tờ báo trong nhà tù Côn Đảo, người giảng viên ấy đã thốt lên: “Mình cứ nghĩ báo trong tù thì cũng đơn giản, mộc mạc nhưbáo tường của học sinh, bộ đội bây giờ. Ai dè, các cụ làm “chuyên nghiệp” đến mức nhiều điều bây giờ vẫn rất đáng học

Có gì trên những tờ báo tù đầu tiên ở Côn Đảo?

Mùa thu năm 1995, có một cựu tù lặng lẽ ra Côn Đảo, đến gặp Ban quản lý bảo tàng Côn Đảo để xem lại những số báo được làm trong ngục năm xưa. Ông là Bùi Văn Toản, người được giao làm họa sĩ trình bày tờ Sinh hoạt ra số đầu tiên, tháng 11-1972. Lý do ông ra Côn Đảo lần này vì ông đang viết cuốn sách Ác liệt Côn Đảo, cần một vài hình ảnh về những tờ báo trong tù như một minh họa cho sự ác liệt ấy. Không phải ai cũng biết ngoài Côn Đảo còn lưu giữ những tờ báo này. Ông Toản biết vì sau ngày giải phóng, ông đã ở lại Côn Đảo một thời gian và tìm thấy trong kho lưu trữ của Ty công an ngụy còn có tới 10 tờ báo mà bọn địch đã lục soát, đào bới trong lòng đất tìm thấy năm 1974. Ông còn biết, một số đồng đội được giao nhiệm vụ cất giấu báo sau khi phát hành xong, chưa kịp giấu thì địch gọi tập trung để đưa vào đất liền trao trả. Không kịp giấu, họ đành mang theo, giấu trong người, rồi mang vào tận đất liền… Xem lại những trang báo do chính mình thực hiện năm xưa, ông Toản bỗng lặng người như tìm lại được những vật báu. Ông xin phép được phô-tô tất cả 10 tờ báo mang về. Đó là 10 số báo Xây dựng – báo chung của toàn trại. Riêng hai tờ “báo phòng” đầu tiên mang tên Sinh hoạt, kẻ địch không tìm thấy. Đồng chí Trần Duy được giao cất giấu sau ngày giải phóng, mãi đến năm 1996 mới quay lại trại Phú Sơn, đào lên, rồi bàn giao cho Ban quản lý di tích Côn Đảo. Là người đã tham gia một phần thực hiện hai tờ Sinh hoạt, ông Toản lại một lần ra Côn Đảo, xin phô-tô tiếp hai tờ báo, như muốn lưu lại một phần máu thịt của đời mình. Nhờ thế, giờ đây, gặp ông ở Thành phố Hồ Chí Minh sau 36 năm “xuất bản” tờ Sinh hoạt, tôi được ông cho xem, hướng dẫn tỉ mỉ về tờ báo tù năm ấy…

Giáo dục lịch sử bằng tranh biếm họa.

Trang bìa tờ Sinh hoạt số đầu tiên do ông Toản vẽ là hình ảnh cánh cửa nhà lao xiềng xích, bên trên có tên báo theo kiểu chữ phăng-tơ-ri, bên dưới ghi rõ “ra ngày 20-11-1972”. Trang tiếp theo đăng mục lục của số báo. Số đầu tiên ra đời trong bối cảnh ta vừa bị địch đàn áp dã man, anh em vừa tuyệt thực 19 ngày nhưng vẫn có tới 25 bài báo, dày hơn 50 trang, với đủ thể loại: Xã luận, bút ký, tư liệu, truyện vui, thơ, thư toà soạn… Đặc biệt, có cả bài thơ bằng chữ… Hán. Số báo Sinh hoạt đầu tiên không hề là một tờ “báo tường” như tôi nghĩ ban đầu mà mang tính chất thời sự hẳn hoi. Nó ghi lại toàn bộ những tình tiết, diễn biến của cuộc đấu tranh chống tuyệt thực 19 ngày. Mỗi bài viết là một câu chuyện, cuộc đấu tranh, nay còn mang đậm giá trị lịch sử.

Càng về sau, độ chuyên nghiệp của những số báo càng cao hơn. Tờ Sinh hoạt, số đặc biệt chào mừng Hiệp định Pa-ri 1973 với trang bìa nổi bật là đôi chim bồ câu - biểu tượng của hòa bình tung bay trong cành đào rực rỡ. Không chỉ có thơ mà báo còn có cả nhạc do anh em tự sáng tác. Khi căm thù thôi thúc của tác giả Nguyễn Văn Toản là bản nhạc đầu tiên đăng trên báo tù Côn Đảo.

Sau giai đoạn “báo phòng” phát triển lên “báo trại” với tên gọi Xây dựng, tờ xây dựng có một “đẳng cấp” cao hơn cả về nội dung và hình thức. Như ở tờ Xây dựng, số 4, ra ngày 1-7-1973 ngoài những phần tuyên truyền lý luận Mác – Lênin còn có phần “thời sự” như: Danh sách các nước ủng hộ Hiệp định Pa-ri, Dư luận đó đây, Danh sách chính phủ cách mạng… Báo còn có thêm mảng “khoa học thường thức” với những bài viết về công dụng của chè, của thép, tìm hiểu về mặt trời…

Hơn 30 năm - vẫn sáng

“Đêm nay là đêm thứ 16 tuyệt thực. Toàn trại vắng lặng như cảnh chết. Trong phòng giam nằm la liệt những tấm thân gầy khô đét, dán mình trên những manh chiếu đã rách nát tự bao giờ. Mười sáu ngày đêm không quét dọn cát bụi, rác rưởi như muốn ngập lút đầu người. Mùi hôi thối thoát ra từ những thùng nước đái để trên đầu, những bộ áo quần rách nát vá trăm tấn dùi cui, mồ hôi và đất cát… Ruồi, nhặng, muỗi, rệp như được dịp tìm cái ăn trong những đống đồ dơ, rút rỉa những tia máu cặn của tù mà lũ giặc chưa bòn hết… Quanh tôi mọi người mặt mày hốc hác, nhột nhạt phơi dưới màn đêm như những thây ma. Tôi có cảm giác như mình đang nằm trong nhà xác…

… “Rập rình ngoài song sắt là những cặp mắt cú vọ. Hơi đêm lành lạnh, tôi co quắp tìm hơi ấm… Một bàn tay xương xẩu đặt lên chân tôi:

- Mười sáu ngày rồi, sức anh em mình kiệt nhiều nhưng tinh thần vẫn tốt… Kẻ thù thật cực kỳ ngoan cố nhưng với quyết tâm cao cuộc đấu tranh này ta nhất định thắng. Lũ giặc thêm một lần nữa bị thua đau…”.

Đó là một đoạn trong bài bút ký đăng trên tờ Sinh hoạt ra số đầu tiên ngày 20-11-1972. Ba mươi sáu năm đọc lại, có thể thấy bài viết không những có thể động viên, cổ vũ những người tù chiến đấu mà còn đầy ắp những chi tiết sinh động, mang đậm chất phóng sự, nay đã thành tư liệu lịch sử quý giá. Chỉ cần đọc bài báo này, có thể hình dung rất rõ nét về cuộc tuyệt thực lịch sử 19 ngày đêm ấy.

“Trời đã xế chiều, những làn gió mát dịu của đồng lúa quê hương thổi vào hầm tàu lần chót như để giã từ những người con yêu của dân tộc bị lưu đày ra đảo xa khơi. Bài “Kết đoàn” được hát vang dội cả hầm tàu, mở đầu cho buổi ca hát của anh em tù chính trị. Tiếp đến là bài hợp ca “Đế quốc Mỹ hãy coi chừng” và nhiều bài hát cách mạng khác được trình diễn sống động ngay trên xiềng xích, ngay trong lòng con tàu quái ác của kẻ thù…

Chúng tôi vừa làm văn nghệ vừa thưởng thức. Anh em thường phạm, quân phạm và cả những người lính thủy cùng là khán giả trong hầm tàu đang thích thú chăm chú lắng nghe. Không khí hào hứng như một buổi liên hoan, mỗi người tưởng chừng như đang sống lại trong đơn vị giải phóng, trong cơ quan cách mạng của mình. Ngay anh em thường án cũng đứng dậy, hát nhiều bài, đặc biệt là các bài hát cách mạng theo điệu cổ Nam phần, gây xúc động đến nhiều người lính trong tàu. Có một sĩ quan đứng trên tàu nói: “Hát nữa đi anh em! Khát nước tôi lấy cho mà uống!”. Rồi các người lính thủy chia nhau lấy từng gô nước lọc chuyền cho anh em tù. Lúc đó, tôi nghĩ đến một người bạn học ở Sài Gòn, mấy năm trước có lần nói với tôi: “Tôi biết Mặt trận giải phóng hoàn toàn chính nghĩa nhưng chúng tôi chịu gian khổ không được, nếu thi hỏng bị bắt đi lính tôi sẽ tìm cách đi hải quân, không có đánh trận với bộ đội giải phóng, chỉ đi trên biển sống cho qua ngày qua tháng…” (tháng 3-73, DT).

Đoạn trích trên có thể nói mang dáng dấp một ghi nhanh hay một phóng sự về hành trình trên tàu đi đày ra Côn Đảo. Các nhà báo về Côn Đảo sau này, hẳn rất “thèm” những bài báo của “người trong cuộc” như thế.

Tờ Sinh hoạt số đặc biệt chào mừng Hiệp định Pa-ri 1973 dành tới 2 trang cho loạt 6 tranh nói về sự thất bại của Mỹ - Ngụy trong chặng đường từ 20-7-1954 đến 27-1-1973. Chỉ 6 tranh với 6 dòng chú thích, tác giả H.N đã khái quát cả một giai đoạn lịch sử. Tranh vẽ khá chuyên nghiệp, giống với thể loại biếm họa trên nhiều tờ báo hiện đại ngày nay (xem ảnh)…

Tin vui từ Hiệp định Pa-ri mang lại niềm vui quá lớn cho những người tù chính trị nhưng họ không mơ hồ, mất cảnh giác. Qua những bài báo đăng trên tờ Sinh hoạt, họ đã cùng nhau nhận định tình hình, xác định lập trường cho mình: “Hòa bình đã được lập lại, nhưng nhiệm vụ cách mạng chưa hoàn thành. Sắp tới, cuộc đấu tranh của nhân dân ta còn nhiều khó khăn, phức tạp. Quân thù chưa từ bỏ dã tâm. Những thế lực phản động, tàn dư của chế độ cũ lệ thuộc ngoại bang đang còn nhiều âm mưu, thủ đoạn đen tối phá hoại hòa bình, độc lập, dân chủ và hòa hợp dân tộc…”.

Xem lại những bài viết trên các tờ báo tù mang về lòng đất, thiết nghĩ, không cần bình luận gì thêm. Đó không chỉ là những tư liệu giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống mà thực sự chính là những tác phẩm báo chí, cần được tìm hiểu, nghiên cứu, giới thiệu nhiều hơn để sau bao năm ngủ yên trong lòng đất, chúng không phải tiếp tục chịu số phận ngủ yên trong tủ kính!

(Còn nữa)

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MINH

Bài 1: Làm báo trong... ngục tối