QĐND Online - Vì sao cả cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ GTVT, nhà thầu, tư vấn Nhật Bản và ngay cả chính quyền TP Hồ Chí Minh từng đều khẳng định không cần giải tỏa trắng vì các nước trên thế giới đều làm tàu điện ngầm để bảo tồn công trình trên đất nhưng ở dự án tại TP Hồ Chí Minh, người ta vẫn muốn “giải tỏa trắng”? Lý do chính của việc này là gì? Đã và đang có nhiều nghi vấn lợi dụng việc làm tàu điện ngầm  để giải tỏa, lấy đất làm dự án cao ốc khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, nghi vấn này chưa được làm rõ…

LẤY ĐẤT DỰ ÁN METRO PHỤC VỤ XÂY CAO ỐC?

Ngày 29-4-2010, ông Nguyễn Đô Lương - giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TP vẫn khẳng định với báo chí: “Công trình thi công đào ngầm dưới lòng đất từ nhà ga này đến nhà ga kia được đào ở độ sâu khoảng 30m nên không gây ảnh hưởng đến các công trình nhà dân ở hai bên đường!”. Khẳng định này ngược với quan điểm của Ban GPMB nhiều năm qua vẫn khẳng định: “Phải giải tỏa mới bảo đảm an toàn tuyệt đối”. Tuy nhiên, kiến nghị của người dân và yêu cầu của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng là phải công khai thiết kế kỹ thuật của dự án, yếu tố cốt lõi để làm rõ cơ sở khoa học và pháp lý của việc có cần giải tỏa trắng không, vẫn chưa được thực hiện suốt 2 năm qua.

Người dân bất bình và khiếu nại việc thu hồi đất là có cơ sở bởi sự điều hành “tiền hậu bất nhất” và có dấu hiệu khuất tất. Không thể chấp nhận nghịch lý tồn tại ngay trên vùng đất thành phố đòi giải tỏa. Một mặt, suốt từ năm 2008 đến nay, chính quyền liên tiếp hối thúc các hộ dân di dời, “giải tỏa trắng” những ngôi nhà 2-3 tầng vì lý do bảo đảm an toàn cho tuyến tàu điện ngầm. Một mặt, từ đầu năm 2010 đến nay, chính quyền cũng “bật đèn xanh” cho một chủ đầu tư xây lên một tòa nhà cao 18 tầng ngay trên phố Ngô Văn Năm, cùng khu vực với các hộ dân bị yêu cầu giải tỏa, để làm khách sạn, văn phòng cho thuê mà không hề nhắc đến lý do “an toàn” nào cả(?!).

Khu phố Ngô Văn Năm là nơi làm dự án tàu điện ngầm bế tắc dù có thể không cần giải tỏa “vùng đất vàng” này

 

Theo một tài liệu cho thấy, phía sau động thái ép dân di dời, giải toả vô lý còn liên quan đến dự án xây một toà cao ốc 28 tầng làm thương mại, dịch vụ. Dự án này nằm trên khu đất thuộc quản lý của Công ty Hải Thành (Quân chủng Hải quân), có diện tích 1826,9 m2, nhưng để thực hiện được dự án, cần được “bổ sung” thêm hơn 300m2 làm khuôn viên cây xanh. Diện tích này rơi đúng vào phần đất của 18 hộ dân phải giải tỏa với lý do…phục vụ tàu điện ngầm. Lẽ ra, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên có 2,6 km ở khu vực trung tâm thành phố phải đi ngầm, không cần giải tỏa vẫn bảo đảm an toàn, nhằm bảo tồn quỹ đất, tránh xáo trộn cuộc sống người dân, tiết kiệm hơn 300 tỷ đồng chi phí đền bù…Tuy nhiên, UBND TP Hồ Chí Minh vẫn “nại” ra lý do giải tỏa thu hồi chính là để phục vụ cho các dự án cao ốc. Trong khi khu vực Ngô Văn Năm còn chưa được thu hồi thì ngày 22-4-2008, chính quyền đã ra quyết định trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 383992, giao “khu đất vàng” gần 200m2 thuộc hành lang an toàn tuyến metro cho một đơn vị để thực hiện dự án trên. Cách làm “lấy khuôn viên cây xanh chỗ này “nuôi” chỗ kia” của dự án này, cũng tương tự việc dự án tòa nhà Vincom ở đường Lê Thánh Tôn, dù hệ số sử dụng đất thiếu khu vực cây xanh nhưng đã được “hợp thức hóa” bằng cách “dùng chung” khuôn viên của công viên Chi Lăng, khiến dư luận phản đối, phải “sửa sai” bằng một…hàng rào cây xanh(?!).

NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ

Việc tăng vốn tuyến Bến Thành – Suối Tiên từ gần 1 tỷ USD lên 2,3 tỷ USD gần đây cũng đã được dư luận quan tâm vì chưa có cơ sở khoa học thỏa đáng. Tại kỳ họp UBND TP Hồ Chí Minh tháng 7 vừa qua, vấn đề cũng được đưa ra bàn thảo. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu thành phố phải bàn tiến hành thẩm định lại toàn bộ dự án metro. Một cán bộ Sở Giao thông công chính TP Hồ Chí Minh từng lo ngại: Dự án được vay ưu đãi từ nguồn vốn ODA với thời hạn 40 năm (có thể ân hạn thêm 10 năm) và lãi suất là 0,4%/năm. Nếu chúng ta không triển khai sớm thì tất cả cơ hội tốt nhất sẽ bị bỏ lỡ. Dự án buộc phải dời đến 10-15 năm nữa. Vậy nên, những bùng nhùng về GPMB và một số vấn đề khác nếu không được giải quyết sẽ gây lãng phí rất lớn.

Những ngôi nhà 2-3 tầng bị yêu cầu đập bỏ để bảo đảm an toàn trong khi cạnh nó là tòa nhà 18 tầng vẫn được bật đèn xanh cho xây dựng.

Trao đổi với PV báo Quân đội nhân dân, Đại tá Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), một đơn vị cũng bị thu hồi đất làm tàu điện ngầm cũng bức xúc kiến nghị: Không hiểu tại sao dự án tuyến tàu điện ngầm đầu tiên dài 19 km nhưng UBND TP Hồ Chí Minh lại cứ “khăng khăng” đòi thu hồi ngay khu vực Bến Thành mà không làm từ các vị trí khác. Đây là nơi chúng tôi đang thực hiện nhiều nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng chiến lược gấp rút và đã có lộ trình vừa sản xuất, vừa di dời khi có cơ sở mới nhưng vẫn bị “thúc ép” một cách vô lý.

Lật giở hồ sơ của vụ việc, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ở một thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, các cấp chính quyền lại có thể đưa ra những chủ trương, văn bản vô lý như: Giao văn bản ngày thứ bảy, buộc người dân đến thứ 2 phải xong thủ tục; người dân yêu cầu đối thoại nhưng không chấp thuận, nhận đơn thư nhưng không trả lời; “tự động” lập tài khoản trả tiền bồi thường GPMB cho dân từ tháng 12-2009 nhưng đến tháng 4-2010 mới thông báo lãi suất và đôn đốc đến làm thủ tục nhận tiền đúng vào dịp kỷ niệm 30-4. Đặc biệt, ông Lưu Trung Hòa, Phó chủ tịch UBND quận 1 còn ký một văn bản yêu cầu các hộ dân phải ra khỏi nhà chậm nhất đúng vào ngày …mùng Một Tết Canh Dần! Sau đó, công văn này đã không thể thực hiện. Ông Nguyễn Văn Bắc, hộ dân diện giải tỏa cho biết thêm: “Hầu hết các văn bản, thông báo, các đòi hỏi giải quyết sự việc đều được cấp chính quyền tống đạt vào ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, gây khó khăn cho chúng tôi trong việc khiếu nại, phản hồi. Chúng tôi còn lo ngại một “động thái” tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng tùy tiện, không đúng thủ tục, không thông báo, trái pháp luật như đã diễn ra ở chung cư Trần Hưng Đạo quận 1 đúng vào dịp 30-4 năm ngoái.

Về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Anh (Văn phòng Luật sư Trí Minh – Hà Nội) cho biết: Việc mở tài khoản bồi thường giải phóng mặt bằng cho dân trong điều kiện người dân không nhận tiền GPMB chỉ là cơ sở để giải quyết, không thể coi đó là căn cứ khẳng định tiền GPMB đó đã được các hộ dân nhận. Ở đây, 18 hộ dân có quyền khiếu nại các quyết định thu hồi đất của UBND TP Hồ Chí Minh và UBND TP Hồ Chí Minh phải thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại của dân theo Luật khiếu nại, tố cáo. Đến nay, thời hạn giải quyết khiếu nại đã quá 3 năm, vì vậy sai phạm Luật khiếu nại tố cáo của UBND TP Hồ Chí Minh là rất rõ và phải được giải quyết và trả lời bằng văn bản. Ở đây, cần phải có một quyết định giải quyết của cấp có thẩm quyền chứ không thể bằng những “thư mời”, “thông báo” như vừa qua”. Luật sư Trần Minh Anh khẳng định thêm: “Chưa giải quyết khiếu nại của dân theo luật định thì các cấp chính quyền ở TP Hồ Chí Minh không được phép tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng”.

Theo chúng tôi, đây là một vấn đề lớn, không chỉ liên quan đến TP Hồ Chí Minh mà cần được làm rõ bởi nó sẽ liên quan đến nhiều dự án tàu điện ngầm nữa trong tương lai. Trong bối cảnh ùn tắc giao thông đô thị, tàu điện ngầm sẽ là lựa chọn khả dĩ của nhiều tỉnh, thành. Tất cả các cơ quan liên quan đều khẳng định không cần giải phóng mặt bằng tại sao TP Hồ Chí Minh vẫn đòi giải tỏa? Tại sao đơn vị tư vấn, Bộ GTVT đã yêu cầu không cần giải toả công trình trên đất mà chủ đầu tư vẫn lãng phí bỏ ra hơn 300 tỷ đồng GPMB. Trong tương lai nếu như TP Hồ Chí Minh làm 06 tuyến  metro mà vẫn theo cách này thì sẽ phải giải tỏa biết bao nhiêu hộ dân, sẽ bao tốn kém? Tại sao không thể làm như Hà Nội cũng có dự án metro dưới lòng phố cổ mà không cần giải tỏa? Tiền vốn thực hiện dự án là vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, đều là tiền mồ hôi nước mắt của dân, cần được thẩm định và xử lý khoa học, chứ không phải dựa trên quan điểm “bảo đảm an toàn” một cách rất chung chung và mơ hồ như ai đó đưa ra. Đến đây, có thể thấy rằng, chủ trương giải phóng mặt bằng để làm tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên mà UBND TP Hồ Chí Minh đến nay vẫn kiên quyết thực hiện là một chủ trương “có vấn đề”, chưa đủ cơ sở khoa học và chứa đựng nhiều mâu thuẫn cần được làm rõ.

Bài, ảnh: Công Minh – Ngọc Hoàng

Bài 1: Giải phóng mặt bằng – không cần, vẫn cố…