Trong những ngày tìm hiểu về tình hình buôn lậu ở Lạng Sơn, chúng tôi thấy, mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng tình trạng buôn lậu vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Nguyên nhân do công tác phòng chống còn nhiều bất cập,khó khăn.
Lực lượng ít, phương tiện thiếu
Tỉnh Lạng Sơn có 5 cơ quan có chức năng chống buôn lậu, gồm: hải quan, biên phòng, công an, thuế vụ và quản lý thị trường. Các lực lượng này được tổ chức thành nhiều trạm, đội nhưng vẫn không thể kiểm soát hết tình trạng buôn lậu đang diễn ra trên toàn tuyến biên giới thuộc địa bàn của tỉnh, nhất là vào ban đêm. Trung tá Dương Thành Đô, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng 59, đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới có 2 cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam, cho biết:
- Làm nhiệm vụ trên địa bàn có 2 cửa khẩu lớn và rất nhiều đường mòn, đường tắt, cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có phòng, chống buôn lậu, nhưng chúng tôi chỉ có vài chục người, phương tiện vừa thiếu, vừa thô sơ. Trong khi đó, đối tượng buôn lậu hoạt động rất tinh vi, chúng tổ chức đội ngũ “chim lợn” vài chục tên theo dõi ngay từ cổng của các cơ quan có chức năng chống buôn lậu. Chúng tôi đi đâu, có động tĩnh gì là bọn này biết hết, sau đó dùng máy bộ đàm, điện thoại di động báo cho nhau. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với công an, hải quan, quản lý thị trường tổ chức nhiều đợt phục kích bí mật, nhưng số vụ bắt được chưa thấm tháp gì. Chúng tôi vừa đi khỏi là chúng lại hoạt động.
Đến Đồn biên phòng Chi Ma, “điểm nóng” của buôn lậu gia cầm và mũ bảo hiểm, chúng tôi thấy cả đơn vị chỉ được trang bị 4 chiếc xe máy loại 100 phân khối, đa số cán bộ, chiến sĩ phải dùng xe máy cá nhân đi làm nhiệm vụ (trong khi đối tượng toàn sử dụng xe phân khối lớn). Các phương tiện hỗ trợ khác cũng thô sơ, không có máy bộ đàm. Trung tá Bùi Hữu Huấn, Chính trị viên đồn Chi Ma kể: “Năm 2003 về trước, chúng tôi được thưởng 20–25% giá trị hàng buôn lậu bắt được để mua sắm trang bị. Từ 2004 đến nay, cấp trên cắt bỏ khoản tiền thưởng này nên đơn vị rất khó khăn”.
 |
“Xe ôm” phân khối lớn tập trung gần khu vực Hang Dơi chở hàng lậu |
Không riêng lực lượng hải quan và biên phòng làm nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu, đường biên mà Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt có nhiệm vụ kiểm tra hàng qua các tuyến đường từ cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam về thành phố Lạng Sơn cũng thiếu cả người và phương tiện. Ông Vi Hữu Thu, Phó trạm trưởng Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt, cho biết:
- Trạm chỉ có 39 người nên rất khó kiểm soát cùng lúc trên tất cả các tuyến đường từ biên giới về xuôi. Ngay những phương tiện chở hàng qua cửa Trạm, chúng tôi cũng không đủ người để tháo dỡ toàn bộ hàng ra kiểm tra. Những lúc xe qua nhiều, Trạm chỉ kiểm tra được giấy tờ và hàng hóa bên ngoài. Nếu chủ xe giấu hàng lậu bên trong thì cũng không phát hiện được. Muốn dỡ hàng ra cũng không có sân bãi”…
Bất cập trong tổ chức, cơ chế
Công tác chống buôn lậu ở Lạng Sơn còn nhiều khó khăn, chưa đạt kết quả như mong muốn không chỉ vì thiếu lực lượng, phương tiện mà công tác tổ chức và cơ chế thực hiện cũng còn bất hợp lý. 5 lực lượng chống buôn lậu hoạt động chưa đồng bộ, chồng chéo với nhau, dẫn đến một số nơi có nhiều lực lượng cùng kiểm soát (như tại các cửa khẩu), nhưng cũng có chỗ không lực lượng nào có mặt thường xuyên. Bọn buôn lậu “biết thóp”, chủ yếu hoạt động ở những nơi này, nhất là tại các đường mòn qua biên giới.
Đến Hang Dơi (nơi được coi là một “điểm nóng” về vận chuyển hàng lậu qua biên giới ở Lạng Sơn) lúc 16 giờ 30 phút chiều 9-1, chúng tôi thấy khoảng 100 “cửu vạn” đang vác hàng xuống núi. Ngay dưới chân núi là gần hai chục “xe ôm” đang nhộn nhịp chở hàng. Hang Dơi nằm cạnh quốc lộ 4A nhưng không có lực lượng chống buôn lậu nào có mặt. Thượng úy Trần Văn Tiến, Trạm trưởng trạm biên phòng Cốc Nam, đơn vị có nhiệm vụ kiểm soát đường biên ở khu vực này, cho biết: “Chúng tôi là một trong những lực lượng có nhiệm vụ chống buôn lậu ở đây, nhưng vì lực lượng mỏng, phải rải đi nhiều nơi nên không phải lúc nào cũng cử người chốt giữ Hang Dơi được”.
Được biết, tại khu vực Hang Dơi không chỉ có bộ đội biên phòng mà còn có các lực lượng khác như hải quan, quản lý thị trường, đội chống buôn lậu của huyện cũng có trách nhiệm kiểm soát. Phải chăng chính vì nhiều lực lượng mà dẫn đến tình trạng “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa” và tình trạng vác hàng qua biên giới ở khu vực này vẫn diễn ra rất nhộn nhịp?
 |
“Cựu vạn” gánh hàng lậu qua biên giới |
Làm việc với Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt, chúng tôi thấy rõ những bất hợp lý trong công tác tổ chức và hoạt động của Trạm. Trạm này bao gồm 5 lực lượng: Quản lý thị trường, biên phòng, hải quan, thuế vụ, công an, làm việc thường xuyên, có trụ sở và con dấu, được biên chế đầy đủ cả trạm trưởng, trạm phó nhưng lại không có tổ chức Đảng, công đoàn? Các ngành tùy ý cử nhân viên ra làm việc tại trạm, thích rút về lúc nào, cử ai thay thế cũng được. Trạm trưởng, trạm phó không có quyền kỷ luật nhân viên. Đảng viên làm nhiệm vụ ở Trạm vẫn sinh hoạt ở tổ chức Đảng của cơ quan cử mình đi. Khi không làm ở Trạm nữa thì Trạm trưởng cũng không có quyền nhận xét, đánh giá!
Trạm trưởng Triệu Văn Thắng kể: “Hằng ngày, lượng phương tiện chở hàng qua trạm và các đường mòn, đường tắt thuộc khu vực Trạm quản lý rất lớn nhưng chúng tôi chưa bắt được nhiều buôn lậu vì lực lượng vừa thiếu, vừa yếu. Nguyên nhân là một số người của các ngành cử về đây công tác chưa có tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo trạm lại không có quyền xử lý nhân viên nên rất khó trong công tác quản lý điều hành. Có những đồng chí làm việc rất hiệu quả thì lại bị đơn vị chủ quản rút về, có người không làm được việc thì cứ để ở đây mãi. Nếu Trạm được tổ chức chặt chẽ thì hiệu quả chống buôn lậu chắc chắn sẽ tốt hơn”.
Trao đổi với anh Hoàng Văn Khái, cán bộ hải quan đang làm nhiệm vụ tại cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi được biết, khó khăn nữa trong công tác kiểm soát chống buôn lậu là Chính phủ quy định cư dân biên giới được mua hàng miễn thuế không quá 2 triệu, nhưng lại không định giá cụ thể từng loại hàng nên hải quan rất khó xác định. Không ít trường hợp mua hàng trị giá tiền triệu nhưng thống nhất với người bán chỉ ghi trên hóa đơn vài trăm nghìn đồng. Tình trạng các đầu nậu thuê cư dân biên giới mua hàng nhiều lần trong ngày diễn ra khá phổ biến, nhưng các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.
Bài và ảnh: HUY QUANG – PHÚ SƠN
Xem tiếp kỳ sau: Quan tâm vận động nhân dân