QĐND - Báo Quân đội nhân dân đã nhiều lần phản ánh việc Dự án tòa nhà trung tâm Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) sau 9 năm xây dựng nay mới chỉ xây được 7/19 tầng và đang nằm “đắp chiếu”. Đến nay, thiệt hại do dừng thi công đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do Cục Cơ sở vật chất, Thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em (Bộ Giáo dục và Đào tạo) là đơn vị quản lý vốn nhưng đã gây ra sự chậm trễ do thiếu trách nhiệm…

Thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước

Là dự án nhóm A được Chính phủ phê duyệt, với kỳ vọng xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế, công trình do Tổng công ty 36 trúng thầu phần thân của tòa nhà với tổng đầu tư năm 2006 là hơn 272 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Trường ĐHKTQD, thời hạn thi công theo hợp đồng sẽ hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên, đến giữa năm 2010 thì công trình đã phải dừng do thiếu vốn, ngân sách từ Bộ GD&ĐT chỉ cấp 30-40 tỷ đồng mỗi năm. Khi ấy, công trình mới xây xong tầng thứ 6. Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 cho biết: “Để giải quyết vướng mắc, tôi đã cùng ông Nguyễn Văn Nam hiệu trưởng, gặp gỡ, làm việc với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em Trần Duy Tạo. Cả ông Luận và ông Tạo đều ghi nhận, hứa sẽ tăng vốn, ký gia hạn hợp đồng để hoàn thành dứt điểm công trình nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường (19-11-2011). Tin ở những lời hứa, Tổng công ty 36 đã ứng vốn, tiếp tục “bỏ tiền túi” hàng trăm tỷ đồng cho dự án. Nhưng suốt trong năm 2011, công trình không được tăng thêm vốn mà ngay đến phụ lục gia hạn hợp đồng cũng không được duyệt. Tòa nhà chỉ được xây thêm có một tầng, đến tầng thứ 7 thì phải dừng lại. Tại lễ kỷ niệm, với sự có mặt của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm UBKT Trung ương Ngô Văn Dụ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, khi Trường ĐHKTQD trình bày những khó khăn của dự án, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hứa với lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm giải quyết song mọi chuyện sau lễ kỷ niệm không có gì thay đổi, thậm chí ngày càng tồi tệ hơn. Kết thúc năm 2010, phần vốn ngân sách bố trí cho dự án 30 tỷ đồng nhưng Tổng công ty 36 chỉ được thanh toán 18,3 tỷ đồng, còn 11,7 tỷ đồng đã bị Cục trưởng Trần Duy Tạo làm trái nguyên tắc tài chính, cho thu về, cấp cho dự án khác, khiến Tổng công ty rơi vào cảnh khóc dở mếu dở vì 180 tỷ đồng đầu tư cho dự án không thu hồi vốn được mà vẫn phải chịu lãi ngân hàng với lãi suất thời điểm đó rất cao (trên 25%).
 

Viễn cảnh “hoành tráng” qua phối cảnh.

Gần 2 năm qua, công trình hoàn toàn bị đình trệ. Sáng 23-6 vừa qua, chúng tôi có mặt tại công trường và chứng kiến một cảnh tượng hoang vắng, ngổn ngang. Tổng công ty 36 đã gửi hàng chục công văn tới Trường ĐHKTQD yêu cầu xử lý nhưng chủ đầu tư hoàn toàn im lặng. Trong công văn gần đây nhất gửi tới nhà trường và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chủ đầu tư nêu rõ: Nhà thầu đã đầu tư gần 180 tỷ đồng cho dự án nhưng mới được thanh toán 115 tỷ, còn thiếu tới 65 tỷ đồng chưa được thanh toán trong khi phải chịu lãi suất vốn vay và khấu hao máy móc lên tới 3,1 tỷ đồng/tháng. Đặc biệt, chỉ riêng hệ thống cáp dự ứng lực để chống động đất phải nhập khẩu 100% với số lượng 120 tấn, theo đúng thiết kế 13 tầng đã lên tới 16 tỷ đồng, nay bị tồn kho 9,6 tỷ… “Nếu việc xử lý công nợ còn để kéo dài, chúng tôi sẽ kiện chủ đầu tư ra tòa vì đã vi phạm hợp đồng” - Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cho biết.

Theo PGS. TS Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam thì với khoản nợ đọng lên tới 65 tỷ đồng trong bối cảnh hiện nay, thực sự là một gánh nặng quá lớn cho nhà thầu, nếu công trình nào cũng bị chủ đầu tư bội tín như vậy thì không doanh nghiệp nào sống nổi.

Theo ông Đàm Văn Huệ, Trưởng phòng Tài chính nhà trường thì do phải phá bỏ các giảng đường cũ xây tòa nhà, 6 năm qua nhà trường phải đi thuê 50 phòng học với chi phí hơn 6 tỷ đồng một năm. Nếu công trình kéo dài hơn 10 năm nữa thì chỉ riêng lãng phí do thuê phòng học đã lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Tháng 5 vừa qua, theo công văn đề xuất của ông Trần Duy Tạo, một cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ GD&ĐT với nhà trường đã thông qua phương án của ông Tạo nêu là phân kỳ dự án, tòa nhà sẽ tạm dừng thi công, “úp nóc” tại tầng thứ 7 để đưa vào sử dụng, đợi khi nào có tiền sẽ làm tiếp. 

Theo nhiều chuyên gia xây dựng thì nếu theo phương án này, thì toàn bộ hệ thống cầu thang máy, cáp điện, nước, điều hòa… cùng nhiều thiết bị khác sẽ phải bỏ đi khi thực hiện giai đoạn 2, tiếp tục gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng… Đây là một phương án thiếu khoa học và không phù hợp về kiến trúc vì công trình này do Tập đoàn Site Architecture của Pháp là đơn vị thiết kế, có kết cấu hiện đại nhất Việt Nam, đầu tư cho phần móng và hai tầng hầm rất hiện đại, có thể nói là phần đắt nhất của hai tòa tháp. Nếu phân kỳ, úp nóc chỉ dùng 7 tầng thì tòa nhà sẽ rơi vào tình trạng “mình voi đầu chuột”, vô cùng lãng phí và kém mỹ quan, khiến hàng trăm tỷ đồng bị “chôn vào lòng đất". 

Khi làm việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Tạo cho rằng, sau này việc dỡ bỏ các thiết bị dẫu có tốn hàng trăm tỷ đồng cũng không quan trọng vì so với dự án hàng nghìn tỷ đồng thì “hy sinh” đó là nhỏ (!).

Theo Đại tá Nguyễn Đăng Giáp: “Hợp đồng xây dựng phần thân của tòa nhà ký năm 2006 có tổng mức đầu tư 272 tỷ đồng, nay để hoàn thiện hết 19 tầng chỉ cần bổ sung thêm nguồn vốn khoảng hơn 100 tỷ đồng nữa là xong, vì các phần chi phí cao nhất cho móng, tầng hầm đã làm xong. Với sự điều chỉnh về vốn hợp lý, cộng với việc tăng trách nhiệm của chủ đầu tư, góp vốn nhiều hơn vào dự án chứ không phải chỉ có 4,8 tỷ đồng trong 9 năm thì tin rằng, dự án sẽ chuyển biến tốt, không đến nỗi đắp chiếu như hiện nay”.

Sự tắc trách của cơ quan chủ quản

Theo nhiều cán bộ quản lý dự án thì dự án bế tắc một phần do kiểu điều hành “xin-cho” nặng nề, cơ quan chủ quản thiếu trách nhiệm, thiếu linh động trong việc xử lý vốn. Tháng 9-2011, nhà trường đã có tờ trình số 925/TTr-KTQD/QTTB xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 1.160 tỷ đồng và kéo dài thời gian thực hiện dự án đến năm 2012 song Cục trưởng Trần Duy Tạo không cho nhà trường ký gia hạn hợp đồng với Tổng công ty 36. Theo Đại tá Nguyễn Thanh Giang, Phó TGĐ Tổng công ty 36 thì việc gây khó khăn này là khó hiểu. Nếu chưa thể phê chuẩn tổng mức đầu tư điều chỉnh, ông Tạo vẫn có thể cho phép gia hạn hợp đồng để công trình được tiếp tục triển khai, hoàn toàn không vướng một khó khăn nào về cơ chế. Việc không cho ký gia hạn không khác gì một kiểu “bức tử” công trình hết sức vô lý, thiếu trách nhiệm.

Dự án tòa nhà trung tâm Trường ĐHKTQD sau 9 năm xây dựng nay vẫn chỉ là một đại công trường “đắp chiếu” ngổn ngang.

Ở đây, cũng cần phải nói thêm rằng, ngay từ ngày 1-9-2010, tại Kết luận số 2610/KL-TTCP-V.III, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện bất cập về cơ cấu tỷ lệ nguồn vốn cho dự án và kiến nghị: “Bộ GD&ĐT đôn đốc, chỉ đạo Trường ĐHKTQD khẩn trương, chủ động hoàn thành việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án, xây dựng phương án huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ xây dựng”. Kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, hoàn toàn không có phương án nào “phân kỳ, úp nóc” được phê duyệt như Bộ GD&ĐT triển khai gần đây.
Làm việc với chúng tôi, ông Trần Duy Tạo cho biết thêm: “Từ năm 2003, dự án có tổng mức đầu tư 518 tỷ đồng là một con số rất lớn, từng có nhiều tranh cãi về tính khả thi. Tôi lúc đó mới chuyển về làm Cục trưởng cũng không đồng tình với dự án”. Như vậy, ông Tạo đã tiên lượng được bế tắc về vốn từ năm 2003 song suốt 9 năm trời, với trách nhiệm quản lý của mình, ông vẫn chưa tham mưu cho lãnh đạo Bộ có một phương án vốn hợp lý, để dự án càng ngày càng bế tắc. Suốt hai năm, cũng chỉ mới có 2 cuộc họp được triển khai xử lý vướng mắc song những động thái này cũng chỉ có được sau khi Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ông Tạo cũng rất chậm trễ trong việc cấp ngân sách cho dự án năm 2012. Tại Hội nghị ngân sách của Bộ cuối năm 2011 đã có thông báo cấp cho dự án 30 tỷ đồng nhưng đến nay, hơn nửa năm trôi qua, nhà trường vẫn chưa hề nhận được một đồng nào cấp cho dự án. 

Chiều 23-6, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Cục trưởng Phạm Duy Tạo cho biết: “Ngày 22-6, Bộ GD&ĐT đã tổ chức một cuộc họp để tiếp tục giải quyết các vướng mắc. Liên quan đến trách nhiệm của mình, ông Tạo cho hay sẽ “sửa sai”. Ông đã trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký công văn cho phép chủ đầu tư gia hạn hợp đồng với Tổng công ty 36, có thể trong tuần cuối tháng 6 sẽ hoàn thiện ngay các thủ tục thanh toán công nợ cho nhà thầu. Phần vốn 30 tỷ đồng cho dự án năm 2012 cũng sẽ được cấp ngay, cộng với gần 12 tỷ đồng bị điều cho dự án khác vào năm 2011 sẽ được ông Tạo “điều chỉnh hợp lý”. Ông Tạo cũng cho biết, phương án “phân kỳ, úp nóc” mới chỉ là “đề xuất”, nếu chưa hợp lý thì sẽ tìm phương án khác”.

Xét cho cùng thì toàn bộ những thiệt hại do công trình chậm 2 năm, phần lãi ngân hàng và chi phí phát sinh do công trình hư hỏng phải sửa chữa do "đắp chiếu" cuối cùng sẽ vẫn rơi vào gánh nặng ngân sách Nhà nước. Khó có thể đổ lỗi cho cơ chế hay do khách quan khi mà công trình bị "đắp chiếu" gần 2 năm nhưng mới chỉ tổ chức có… hai cuộc họp để tháo gỡ vấn đề. Hy vọng rằng, những ý kiến nêu trên sẽ sớm được triển khai, không phải chỉ là những lời hứa như năm 2011 để công trình rơi vào tình cảnh như hiện nay…

Bài và ảnh: NGUYÊN MINH