Vốn là trai Hà thành nhưng cuộc đời quân ngũ của ông lại gắn liền với rất nhiều trận chiến ác liệt ở vùng Khu 4 khói lửa. Về hưu, ông chọn thành phố mang tên Bác để đoàn tụ gia đình.
Ông vẫn đau đáu một nỗi niềm là những đồng đội của mình hy sinh tại các chiến trường bây giờ vẫn chưa được yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Hành trình đi tìm phần mộ liệt sĩ của đồng đội tại các chiến trường xưa
 |
Chân dung Thiếu tướng Nguyễn Minh Long. |
của CCB, Thiếu tướng Nguyễn Minh Long (số nhà 199/6, Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận - TP Hồ Chí Minh) bắt đầu từ đó. Và, hành trình 12 năm ròng của ông lão 80 tuổi đã mang lại rất nhiều niềm an ủi cho các bà mẹ, người vợ và cả những đứa con của liệt sĩ...
Tôi gặp Thiếu tướng Nguyễn Minh Long và đồng đội ông trong hành trình đi tìm mộ liệt sĩ tại chiến trường xưa ở điểm cao 544 (trong bản đồ quân đội Mỹ có tên là Phu Lơ, một cứ điểm hết sức kiên cố của Mỹ-ngụy trong mặt trận Bắc Quảng Trị).
Đầu đội mũ tai bèo, vai mang ba lô, tay chống gậy vượt khe suối, băng rừng, ông Long và đồng đội như tái hiện lại hình ảnh của những chiến sĩ giải phóng quân năm xưa. Hôm nay, ông và đồng đội vừa đi khảo sát địa hình vừa tìm lại một số đồng đội hy sinh. Cách đây 37 năm, trong trận đánh chiếm điểm cao 544, nhiều đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này, trong số đó nhiều chiến sĩ vẫn chưa biết phần mộ đang nằm ở đâu. Bây giờ, dưới màu xanh bạt ngàn kia, không biết các anh nằm ở chỗ nào? Ngày ấy, để tấn công cứ điểm này, quân ta không chỉ đánh một lần, không chỉ tiến vào một hướng. Thăm thẳm rừng xanh, núi đỏ, bao năm nằm lại nơi nào? Ấy thế mà dựa theo bản đồ, theo vị trí, diễn biến của từng trận đánh cộng với kinh nghiệm trận mạc, ông và đồng đội miệt mài đào từng thớ đất, lật từng viên đá với niềm tin và nhiệt huyết cả trái tim. Suốt mấy ngày ròng rã tìm kiếm, ông và đồng đội tìm thấy một số phần mộ. Dù chưa biết tên, quê quán nhưng ai nấy đều rất mừng vì đã tìm thấy đồng đội mình, đưa đồng đội về nghĩa trang sạch đẹp. Ai cũng thấy yên lòng vì từ nay đồng đội của họ không còn cô đơn giữa núi ngàn hoang lạnh nữa.
Cuộc hành trình đi tìm phần mộ liệt sĩ của ông Long đâu phải lúc nào cũng được suôn sẻ như ở điểm cao 544. Mười mấy năm ròng, bằng đồng lương của mình, dù là đồng lương của “tướng về hưu”, làm sao trang trải nổi mọi chi tiêu giữa đời thường cơm áo. Vậy mà ông đã đi khắp các chiến trường mà ông đã tham gia chiến đấu. Từ Điện Biện Phủ đến thành cổ Quảng Trị, Đường 9 Nam Lào, chiến dịch Mậu Thân, Thượng Đức, biên giới Tây Nam, Lâm Đồng, bàn chân ông hết trèo non lại lội suối, dằng dặc hai miền để tìm đồng đội. Có những đợt đi cả tháng trời mà vẫn không tìm thấy một phần mộ hay thông tin gì nhưng ông và đồng đội không nản chí. Trời nắng cũng như mưa, ngày hè nóng bức rực lửa cũng như đông về giá rét; đôi khi chỉ là những gói mì tôm cho qua bữa và cả những cơn sốt rét trong rừng sâu, rồi sên, vắt bu khắp người nhưng tất cả chỉ là những chuyện nhỏ. Khi có thông tin về phần mộ đồng đội, ông lại lặn lội đi thu thập, xác minh. Cứ thế ròng rã 12 năm qua, số phần mộ mà ông và đồng đội tìm thấy xấp xỉ 1.000, trong đó có nhiều phần mộ có tên, có quê. Ông tâm sự: “Mình sống trở về có gia đình vợ con thế này, đồng đội mình thì lạnh lẽo nằm lại các chiến trường, không một nén hương, thử hỏi làm sao có thể yên lòng. Có sống thêm bao nhiêu cuộc đời nữa cũng đâu đủ trả lại hết món nợ tình cảm ấy... Có nhiều bà mẹ khi tìm thấy mộ con đã như có thêm nghị lực sống khỏe ra... Nhưng cũng còn đó rất nhiều bà mẹ, người vợ và những đứa con vẫn chưa tìm thấy phần mộ của người thân mình. Đó là nỗi niềm day dứt trong mỗi người lính chúng tôi dù tuổi đã cao. Khi nào còn đồng đội chưa trở về với đất mẹ thì hành trình của chúng tôi vẫn tiếp tục...”.
Mười lăm năm nay, anh Trần Văn Sơn, quê ở thị trấn Sông Cầu (Phú Yên) là con của liệt sĩ Trần Văn Bàn, đã lặn lội khắp nơi đi tìm phần mộ của cha mình. Cha anh tập kết ra Bắc và lấy mẹ anh. Ở được với nhau một năm thì cha anh vào Nam chiến đấu, rồi hy sinh. Mẹ cũng “về” với cha khi Sơn tròn một tuổi. Đứa con côi cút lớn lên với hình ảnh cha và mẹ qua lời kể của dì. Trái tim của người con thôi thúc Sơn quyết tâm đi tìm mộ cha. Khắp miền Nam, ở đâu có nghĩa trang liệt sĩ, ở đó có dấu chân Sơn. Kỷ vật duy nhất của người cha là quyển sổ sinh hoạt Đảng ố vàng đã song hành cùng anh trên từng cây số. Đến một ngày, Sơn đến Bảo tàng Quân khu 4 và gặp Trung tá Nguyễn Thị Tiến. Chị Tiến lật giở từng trang sổ của cha anh với hy vọng tìm thấy thông tin. Chẳng có gì đặc biệt ở cuốn sổ ngoài con số 812 viết bằng mực màu xanh lá cây nằm ở trang cuối cùng. Bất chợt chị Tiến nghĩ ra, phải chăng đây là chiến sĩ của Trung đoàn 812, Sư đoàn 324? Chị liền điện cho Thiếu tướng Nguyễn Minh Long (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 812).
Chị Tiến kể lại: “Thực ra, khi điện thoại cho ông Long, tôi cũng không tin là ông Long biết, mà có biết, chắc gì ông đã đi để tìm đồng đội cũ được. Là sĩ quan cấp tướng, từng là Cục phó Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu, dưới quyền ông có biết bao cán bộ, chiến sĩ. Với lại, ông đã cao tuổi rồi. Mấy chục năm trận mạc, giờ đến lúc ông cần được nghỉ ngơi với gia đình, con cháu. Vậy mà, nhận được tin, ngay lập tức ông bay từ TP Hồ Chí Minh ra Vinh, rồi điện cho đồng đội đến gặp. Các ông lần về quá khứ, hồi tưởng những trận đánh, bàn bạc để khoanh vùng khu vực hy sinh của liệt sĩ Trần Văn Bàn. Những thông tin được khớp nối. Cuối cùng địa danh được khẳng định là huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Ông cùng Sơn hành trình vào Quảng Trị. Và, chẳng biết ông không phụ lòng đồng đội hay đồng đội không phụ lòng ông, ông và Sơn đã tìm thấy ngôi mộ của liệt sĩ Trần Văn Bàn đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Sơn hết ôm lấy ông lại ôm ngôi mộ của cha mà khóc...
Hay câu chuyện của liệt sĩ Phùng Văn Phức thật cảm động. Người em trai của liệt sĩ Phức (quê ở Nghệ An - đang sống ở tỉnh Đắc Lắc) dày công đi tìm mộ anh khắp nơi trong niềm vô vọng suốt nhiều năm nay. Bỗng một hôm vào đầu tháng 7-1997, ông Long đang mê mải tìm đồng đội ở Nghĩa trang huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), như là một định mệnh chợt ông phát hiện cái tên quen thuộc của tiểu đoàn trưởng thuộc cấp: Phùng Văn Phức trên bia mộ. Ông run lên rồi ngồi sụp xuống. Lần hồi sờ từng tấm bia, ông đã bật khóc như những đứa trẻ khi nhận ra gần như cả tiểu đoàn 4, Trung đoàn 812 (Sư đoàn 324) thân yêu đã được quy tập lại gần như nguyên vẹn, sắp hàng đều tăm tắp nơi đây. Thắp hương cho từng người, ông ghi chép tỉ mỉ và tìm về Sư đoàn 324 tra lại địa chỉ của những ngôi mộ có tên để thông báo về gia đình. Nhận được tin, người em của liệt sĩ Phức đã tìm thấy phần mộ anh trai mình trong nỗi xúc động vô bờ. Đêm hôm đó, ông Long và gia đình người em đồng chí Phức đã có một đêm đầy nghĩa tình tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Phong Điền trước khi đưa hài cốt anh trai về với quê mẹ.
Mỗi khi đưa thêm một đồng đội cũ về với gia đình, người thân, trong lòng vị tướng già thêm một chút thanh thản. Tâm sự với tôi, ông nói, ông chỉ có một ước muốn cháy bỏng làm sao, trong điều kiện có thể của mình, mỗi cựu chiến binh, mỗi đồng bào trên cả nước có trách nhiệm hơn với đồng đội mình đã hy sinh bằng những việc làm cụ thể. Được như thế sẽ vơi đi biết bao nỗi đau, mất mát; sẽ là sự trả nghĩa đền ơn dù nhỏ bé với những người con đã hy sinh vì nước, vì dân…!”.
Bài và ảnh: ĐỨC DỤC