Là những cựu chiến binh, tuổi đã cao, kinh tế gia đình còn chưa hết khó khăn, nhưng 3 năm nay, họ đã bỏ công sức, đi làm cái việc mà bà con trong làng gọi là những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, đem lại sự bình yên cho xóm làng. Đó là 6 cựu chiến binh trong đội tự quản chống ma túy ở thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Nhiều nơi, lực lượng cựu chiến binh đang góp phần tích cực vào đẩy lùi ma tuý. Ảnh: Internet

Trước đây, Ngọc Quỳnh cũng là một thôn bình yên như bao làng quê Việt Nam khác. Nhưng sau khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cùng với sự phát triển kinh tế, thì tệ nạn ma túy, mại dâm cũng tràn về vùng quê yên lành này. Nhiều thanh niên trong thôn rơi vào vòng nghiện hút, mua bán ma túy, rồi trộm cắp, gây mất an ninh trật tự... Ma túy đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn cùng. Không thể khoanh tay ngồi nhìn những kẻ gieo rắc cái chết trắng cho bao thanh niên trong thôn, các cựu chiến binh: Nguyễn Văn Giới, Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Tiến Quân, Mai Văn Liên, Nguyễn Lê Toàn và Đỗ Văn Thành đã tự đứng ra thành lập đội tự quản chống ma túy. Đội đã hoạt động được hơn 3 năm nay, hằng ngày tuần tra 24/24 giờ, để phát hiện, truy bắt, đẩy đuổi những kẻ mua bán, sử dụng ma túy ra khỏi địa bàn thôn. Họ tự nguyện làm đơn cam kết không hề có bất cứ một đòi hỏi gì về chế độ chính sách đãi ngộ của các cấp chính quyền, kể cả khi bị chết, bị thương do bọn xấu trả thù. Họ là những con người dũng cảm, đến với công việc như một lẽ tự nhiên, bất chấp sự đe dọa trả thù của những kẻ mua, bán ma túy. “Cứ sợ nó trả thù thì không thể làm được việc gì, phải cương quyết nó mới sợ”- Đó là phương châm hoạt động của các thành viên trong tổ. Họ kiên trì đeo bám các đối tượng khả nghi, kiên quyết bắt giữ những kẻ mua bán, sử dụng ma túy. Họ lập hộp thư để nhân dân trong thôn tố giác tội phạm, rồi vận động nhân dân nêu cao cảnh giác, không để bọn xấu lừa đảo, buôn bán phụ nữ, trẻ em; vận động nhân dân trong thôn xây dựng nếp sống văn hóa, tương trợ, đoàn kết giúp nhau làm giàu…

Đối với những kẻ gieo rắc cái chết trắng, họ kiên quyết bắt giữ. Còn với những thanh niên trong thôn nghiện hút, thì các bác, các anh, dùng tình thương để khuyên giải, cảm hóa họ. Bác Nguyễn Văn Giới, tổ trưởng, còn đón họ về nhà mình. Bác không quản ngại đường xa, đi mua thuốc, lo cho họ từng bữa ăn, giấc ngủ, giúp họ cai nghiện thành công.

Trong số các cựu chiến binh của đội tự quản chống ma túy ấy, có người là đảng viên, là cán bộ nghỉ hưu; người thì bán bánh chưng, bán hàng ăn, người thì làm ruộng. Các bác, các anh làm công việc ấy chỉ đơn giản với một suy nghĩ: “Nếu ai cũng sợ nó trả thù thì thanh niên, con cháu trong làng sẽ rơi vào vòng nghiện hút, an ninh-trật tự sẽ mất ổn định, vì vậy dù có chết cũng vẫn phải làm”. Và các thành viên xác định: Khi nào không còn sức khỏe để đi ra khỏi nhà thì họ mới ngừng công việc này.

Nhờ những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” này, thôn Ngọc Quỳnh hôm nay không còn là cái chợ mua bán ma túy nữa. Nhiều thanh niên trong làng cai nghiện thành công, biết chí thú làm ăn. Xóm làng đã trở lại bình yên, thoát được cơn đại dịch ma túy.

Các cựu chiến binh ấy cũng chỉ là những con người bình thường, không có lý luận cao siêu, tự nguyện làm công việc không kém phần nguy hiểm ấy với tinh thần của những cựu chiến binh, những người lính một thời xông pha nơi trận mạc. Họ đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực nhất. Những việc làm của họ còn hơn cả những lời hô hào khẩu hiệu của không ít người nói nhiều, làm ít…

PHẠM VĂN

(Khu phố 4, phường 12, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh)