Cô giáo Xinh hướng dẫn các em lớp 6 giải toán.

Ngày cũng như đêm, bình minh lên, hoàng hôn xuống, chị âm thầm trên đôi nạng gỗ ròng rã suốt 16 năm trời đi “gieo chữ” cho các cháu học sinh nghèo vùng quê Xuân Thiều. Đôi bàn chân teo tóp lắm hôm rộp phồng lên vì cát bỏng, vậy mà chị vẫn tảo tần đến lớp... Những đứa trẻ nghèo, mồ côi, lang thang cơ nhỡ âu yếm gọi chị là “cô tiên”...

Tật nguyền nuôi dưỡng ước mơ

Cơn mưa vừa dứt, nắng đã chói chang trên miền cát trắng, tôi dừng xe cạnh ngôi nhà nhỏ chưa kịp hỏi thăm… thì nghe tiếng nói nhẹ nhàng của một người phụ nữ vọng ra:

Các con đã làm bài tập chưa?”. “Thưa cô! Chúng em làm rồi ạ!". “Các con giỏi lắm! Hôm nay cô sẽ giới thiệu bài mới: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Nào tất cả các con gấp sách lại!”. Tiếng các cháu học sinh đồng thanh đáp: “Thưa cô, vâng ạ!”. Trông thấy chị khó nhọc trên đôi nạng gỗ, bàn tay gầy guộc run run ghi tiêu đề bài học lên bảng, linh tính mách bảo, đây chính là người tôi cần gặp.

Dựng xe bên con hẻm nhỏ, tôi ngập ngừng định bước vào ngõ, thì đã nghe tiếng người phụ nữ ấy hỏi: "Anh cần gặp ai?".

Thưa chị! Tôi muốn gặp cô giáo Huỳnh Thị Xinh ạ!", "Tôi là Xinh đây, xin lỗi anh, tôi đang dở bài giảng cho các cháu, có việc gì khoảng một giờ nữa anh quay lại nhé".

Tôi chào chị rồi lững thững dắt xe tới quán nước bên cạnh. Thấy tôi bước vào, bà chủ quán đon đả hỏi ngay: “Chú đến gửi cháu nhờ cô giáo Xinh dạy kèm phải không?”. Chẳng đợi tôi trả lời, bà chủ quán nói luôn: “Cô giáo tốt lắm chú ơi. Tuy tật nguyền, hoàn cảnh khó khăn, nhưng còn tặng quần áo, sách vở cho học sinh nghèo nữa đấy. Trẻ em nghèo phường tui đều đến đấy học. Người nhân hậu như rứa bây chừ hiếm lắm!”.

Đợi cho các cháu học sinh về hết, tôi quay lại gặp cô giáo Xinh. Trong ngôi nhà đơn sơ, câu chuyện chị kể giúp tôi hiểu thêm về cuộc đời đầy khó nhọc của chị: “Tôi là đứa con duy nhất của ba má, vậy mà khi mới sinh ra đã bị tật nguyền. Có lẽ ngày xưa ba tôi đi dân công hỏa tuyến tải đạn trên rừng nên bị nhiễm chất độc da cam. Tuổi thơ tôi là những tháng ngày gian nan vất vả. Nhìn bạn bè cùng trang lứa tíu tít đến trường, tôi cũng háo hức xin mẹ được đi học. Thương con, ba mẹ sắm cho tôi một đôi nạng gỗ. Vậy là ngày qua ngày, đôi nạng gỗ thay đôi chân đưa tôi đến trường. Lắm hôm trời nắng to, hơi nóng từ cát tỏa lên hầm hập, bàn chân tôi rộp phồng, sưng tấy. Lúc đó tôi chỉ đứng lặng im, khóc thầm. Có những hôm trên đường tới lớp, tôi bị mưa gió quật ngã, áo quần sũng nước. Những lúc như vậy thấy cực quá tính thôi không đi học nữa. Nhưng ước mơ trở thành cô giáo trường làng cứ thôi thúc trong lòng, vậy là tôi lại gắng gượng vượt qua…”. Đang kể chị Xinh bỗng dừng lại, nét mặt nhăn nhó, đôi tay gầy xoa đều lên bàn chân teo tóp. Cố nén cơn đau, chị cho hay: “Cứ trái gió, trở trời là đau buốt toàn thân”. Chị lại kể tiếp: “Đằng đẵng 12 năm đi về trên đôi nạng gỗ, tôi thi đỗ tốt nghiệp THPT với tấm bằng loại khá. Như mở cờ trong bụng, tôi quyết định nộp hồ sơ thi vào Trường đại học Sư phạm. Nhưng hôm đó, ông giáo vụ nhìn tôi, tỏ vẻ ái ngại rồi lắc đầu trả lại hồ sơ. Không nản chí, tôi nộp hồ sơ thi vào Đại học Ngoại ngữ. Gần đến ngày thi tôi bị một trận ốm nặng, nằm liệt giường. Bước vào phòng thi mà chân tay cứ run lẩy bẩy vì đang trong tình trạng sốt cao. Kỳ thi năm ấy tôi bị trượt. Vậy là cánh cửa đại học cùng bao khát khao cháy bỏng đã trở nên xa vời… tôi đành gạt nước mắt buồn cho số phận hẩm hiu của mình…”.

"Giấc mơ" có thực trong đời

Chị Xinh khó nhọc lê đôi nạng gỗ đi vào phía trong lấy một tệp giấy trao cho tôi. Lật nhanh vài tờ, tôi biết đây là những cánh thư học trò từ phương xa gửi về cho cô giáo của mình. Đọc những dòng chữ trong thư, tôi nhận rõ tình cảm thiêng liêng của những người học trò cũ dành cho chị Xinh rất hồn nhiên mà vẫn thắm đượm nghĩa tình sau, trước.

Thư bạn Lê Bá Hùng có đoạn viết: “Cô ơi, ở nơi xa này lúc nào em cũng nhớ về cô. Dù ở đâu và bao giờ cũng vậy, em luôn coi cô là cô giáo mẫu mực và là người mẹ thứ hai của em...” (Hùng đã tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Văn Lang, hiện đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Nở một nụ cười phúc hậu, chị Xinh vui vẻ nói: “Tôi trở thành cô giáo của đám trẻ nghèo cũng do một sự tình cờ thôi anh ạ!”. Chị kể: “Cuối năm 1986, tôi được Hội Người khuyết tật của kiều bào về nước tìm đến tặng một chiếc xe lăn và 2 suất học bổng vi tính, tiếng Anh. Mừng quá, nước mắt tôi trào ra vì sung sướng. Từ đó, ban ngày tôi trông vài đứa trẻ phụ giúp những gia đình xung quanh, tối đi học ở Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học. Sau hai năm tôi được cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Cầm chứng chỉ tôi đến gõ cửa mấy nơi liền, nhưng cũng giống như hồi nộp hồ sơ thi vào đại học sư phạm, chẳng ai chịu nhận một người tật nguyền vào làm việc. Biết thân phận mình, tôi đành trở về giúp gia đình trông trẻ. Các cháu đến gửi tại nhà tôi hầu hết là con nhà nghèo, không có điều kiện học hành, nhiều đứa quá tuổi mà vẫn phải gửi trẻ. Thương cảm với số phận của các cháu, tôi liền lôi sách vở ôn lại những kiến thức hồi còn đi học. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tôi chỉ bảo cho các cháu vài con chữ, dăm phép tính cộng trừ; dần dần kiêm luôn chức “gia sư” cho bọn trẻ. Thấy con em về nhà biết đọc bi bô, bố mẹ chúng đến nhà cảm ơn rối rít. Mặc dầu hoàn cảnh khó khăn nhưng bà con vẫn mang tiền, quà đến trả công. Những lần như vậy tôi đều từ chối vì nghĩ rằng, mình giúp họ cũng chỉ mong rằng mai sau lớn lên các cháu có ích cho đời, với lại bà con ở đây cũng nghèo khổ chứ có dư dật gì đâu”.

Có tiếng xe máy ngoài ngõ, tôi và chị Xinh cùng nhìn ra, một người đàn ông cùng một thiếu nữ ôm bó hoa tươi thắm bước vào. Mừng quá cô gái nhỏ sà vào lòng chị Xinh mà quên cả chào tôi. Tiếng cô gái nhỏ nhẹ: “Em học chuyên ngành Kinh tế vất vả lắm cô ạ! Lắm hôm đầu óc căng thẳng, nhưng nghĩ đến tấm gương của cô là em lại vượt qua tất cả! Hôm nay em và ba em đến chúc mừng cô nhân ngày 20-10 đấy”. Tôi thấy đôi bàn tay chị Xinh run run ôm cô gái nhỏ vào lòng, đôi vai gầy rung lên, mắt ngấn lệ…

Người đàn ông đi cùng cô gái quay sang nói với tôi: “Bà con vùng cát này đều biết ơn cô giáo Xinh anh ạ. Dù không một ngày được ngồi trên giảng đường sư phạm, dù không có chế độ lương bổng gì, nhưng bằng tấm lòng nhân hậu và tình yêu con trẻ, cô giáo Xinh đã tự nguyện dạy dỗ hàng ngàn cháu nhỏ thoát mù chữ, đến nay nhiều cháu tốt nghiệp đại học và đã trưởng thành”.

Thấy hai cô cháu ríu rít bên nhau, tôi và anh Nguyễn Văn Hòa (ba của Nguyễn Ánh Hồng-Sinh viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cùng đi vào sâu trong xóm, vừa đi vừa tâm sự. Trao đổi với anh Hòa, tôi biết thêm nhiều thông tin về cô giáo Xinh. Không chỉ dạy học sinh cái chữ, bằng tấm gương vượt khó của mình, cô giáo Xinh đã “truyền lửa” và “nhân cách sống” vào tâm hồn trẻ thơ. Từ đứa bé “một chữ bẻ đôi không biết”, đến những cậu học trò cá biệt, qua sự dạy dỗ của chị đều trở nên ngoan ngoãn, biết kính trên, nhường dưới, vâng lời ông bà, cha mẹ. Thấu hiểu nỗi đau của những người có hoàn cảnh khó khăn, cô dành dụm chút học phí do bà con đóng góp mua sắm sách vở, giấy bút tặng các cháu mồ côi, trẻ em nghèo. Cháu nào ngoan, học giỏi cũng được cô tặng quà để khuyến khích học tập. Nhiều hôm mưa gió, cô còn nấu cơm phục vụ bọn trẻ ngay tại lớp. Quanh năm miệt mài nghiệp “ươm trồng mầm non”, cô vẫn mong manh với những tấm áo bạc màu. Số tiền ít ỏi có được từ các nhà hảo tâm, cô dồn vào mua sắm quần áo cho học sinh nghèo. Bước sang tuổi 45, nhưng cô vẫn ở vậy chăm nom bố mẹ già gần 80 tuổi. Thấy cô hiền lành, chịu thương chịu khó, cũng có nhiều người đàn ông thương cô, nhưng cô đều từ chối vì sợ nếu xây dựng gia đình sẽ không còn nhiều thời gian dành cho lũ trẻ nghèo.

Kể về cô giáo Xinh với tấm lòng biết ơn, chị Phạm Thị Tâm, tổ 10 Xuân Thiều cảm động nói: “Nếu không có cô Xinh thì hai đứa con tôi làm sao biết đọc, biết viết. Nhờ công dạy dỗ của cô nên bọn trẻ con xóm tui đều ngoan ngoãn, chẳng đứa nào dám quậy phá, lêu lổng”.

Được Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Hiệp Nam và quận Liên Chiểu hỗ trợ 5 triệu đồng, cộng với số tiền cha mẹ chị dành dụm cả cuộc đời, chị sửa lại căn nhà thành lớp học tình thương. Đến nay, lớp học của cô giáo Huỳnh Thị Xinh ở tổ 10 Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) mỗi ngày đón gần 100 học trò. Mấy tháng hè có khi lên tới gần 200 em. Học trò của cô có đủ thành phần từ lớp 1 đến lớp 9...

Khi tôi cùng anh Hòa quay lại, thì căn nhà đã đầy ắp tiếng cười, các em cùng đến chúc mừng cô nhân ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10) ríu rít như bầy chim non. Tôi thấy mình thật có lỗi, khi không có một chút quà nhỏ để tặng cô giáo Xinh.

Chiều Đà Nẵng tấp nập người xe, cô giáo Xinh vẫn kiên trì trên nạng gỗ đến với học sinh nghèo bằng tất cả tình yêu thương chan chứa. Tấm lòng nhân hậu, bao dung của người lặng lẽ đưa đò đã chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ học trò nghèo. Đâu đó, trên dải đất hình chữ S của chúng ta hôm nay vẫn còn nhiều học sinh nghèo, các cháu mồ côi, trẻ em lang thang cơ nhỡ chưa được đến trường... Giá như ai cũng có một tấm lòng nhân ái như vậy thì nụ cười sẽ luôn nở trên môi của các em.

Bài và ảnh: PHAN TÙNG LÂM