Bản đăng ký giảm cỗ của đảng viên chi bộ thôn Tam Dinh (Bí thư và phó bí thư chi bộ ký đầu tiên). Ảnh: HUY QUANG

Hồng Giang (Hoàn Kiếm-Hà Nội)

Mỗi lần về quê (xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây), tôi rất ái ngại khi thấy đám tang nào cũng làm nhiều cỗ. Những người đến ăn cỗ đám tang còn chúc rượu, cười nói rất tự nhiên, chẳng hề ý tứ, trong khi gia chủ có việc buồn.

Đọc bài viết “Tiết kiệm từ giảm cỗ” trên báo Quân đội nhân dân số ra ngày 4-3, tôi rất tâm đắc khi biết xã Phú Đa thuộc huyện Vĩnh Tường đã bỏ hẳn cỗ đám tang, một việc rất khó thực hiện ở các vùng quê, vì nó đã tồn tại từ lâu đời, mà trước đó không ai dám mạnh dạn phá lệ.

Vì thế, tôi mong các địa phương chưa bỏ được cỗ đám tang cần làm như xã Phú Đa, phát huy sự tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đây chính là việc làm thiết thực trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Và tôi nghĩ, đây không phải là việc nhỏ.

HOÀNG MẠNH HỒI (Bí thư Đảng ủy xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc)

Sau khi báo Quân đội nhân dân đăng bài viết về xã tôi, nhiều người đã gọi điện về địa phương tìm hiểu. Đặc biệt, phóng viên của đài, báo Vĩnh Phúc và báo Văn hóa đã liên hệ để tuyên truyền. Mấy năm trước, xã Phú Đa chúng tôi là đơn vị yếu của huyện về thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang. Khi hầu hết các xã của huyện Vĩnh Tường đã bỏ cỗ đám ma, giảm cỗ đám cưới thì người dân xã tôi vẫn làm cỗ to. Nguyên nhân chính là do một số đồng chí cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu.

Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, từ giữa năm 2007, Huyện ủy chỉ đạo, trước hết phải phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chúng tôi họp bàn, kiên trì thuyết phục từ các đồng chí trong đảng ủy, rồi đến trưởng các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ thôn, đảng viên có uy tín… Từng người ký cam kết thực hiện. Thế mà khi tổ chức họp dân để vận động, triển khai, vẫn có người hỏi “Cán bộ có thực hiện thật không hay chỉ hứa suông?”. Đến lúc các gia đình cán bộ xã, thôn khi có đám cưới, đám tang đều tổ chức theo nếp sống mới thì bà con mới thực sự tin và làm theo.

Từ thực tiễn của địa phương, chúng tôi càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Cán bộ, đảng viên nói hay đến mấy mà thiếu gương mẫu thì không thể vận động nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương.

MINH THẮNG (51 Trần Quang Diệu-Hà Nội)

Đọc báo Quân đội nhân dân hai tuần vừa qua, tôi rất phấn khởi vì chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của báo đã nêu những đơn vị, địa phương thực hiện tốt việc tiết kiệm và cả những nơi còn xảy ra tình trạng lãng phí. Qua hai bài viết: “Khi người lãnh đạo tự giác nêu gương” và “Tiết kiệm từ giảm cỗ”, cùng những ý kiến của bạn đọc đã đăng trên báo, tôi thấy, các đơn vị, địa phương muốn thành công trong việc thực hành tiết kiệm, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở những nơi đó phải gương mẫu, nói đi đôi với làm.

Quê tôi (xã Đông Viên, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) chỉ cách huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc con sông Hồng, nhưng việc tổ chức đám cưới, đám tang còn vô cùng lãng phí. Khi có đám, nhà nào cũng làm hàng trăm mâm cỗ, ăn suốt 2-3 ngày, khác hẳn với người dân ở bên kia sông. Trong thâm tâm, đại đa số bà con quê tôi đều muốn học cách tổ chức đám cưới, đám tang văn minh, tiết kiệm như người dân huyện Vĩnh Tường, nhưng khổ nỗi chẳng ai dám thực hiện trước vì sợ dân làng đàm tiếu.

Tôi rất mong các cấp ủy, chính quyền ở quê tôi học tập huyện Vĩnh Tường để có chủ trương, biện pháp thực hiện ngay việc giảm cỗ. Nếu cán bộ, đảng viên làm trước, hoặc ký cam kết thực hiện trước như ở xã Phú Đa thì chắc chắn dân làng sẽ làm theo.