Theo thống kê tình hình sức khỏe thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra trong những năm 1980-1990 cho thấy, tỷ lệ người bị cận thị không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Tại Hà Nội, khối tiểu học đã có đến 9,6% học sinh bị cận thị, khối trung học lên tới 24%. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay tỉ lệ học sinh đến khám những tật khúc xạ mắt (cận thị, viễn thị, loạn thị) tại Bệnh viện Mắt là 35%.

Tỷ lệ người mắc bệnh cận thị mới chỉ phản ánh một khía cạnh nhỏ trong danh sách những “chỉ số thoái bộ” của thanh niên thế hệ @. Tình trạng người trẻ tuổi lười rèn luyện thân thể, không biết tiếp cận các hoạt động lao động chân tay thông thường, thông minh trên “đời sống ảo” nhưng lại “lơ ngơ” trước nhiều hoạt động thực tiễn… đang được các cơ quan truyền thông nhắc đến như những tín hiệu báo động. Nhưng một bộ phận bạn trẻ lại biện minh rằng, đó là hệ quả tất yếu của việc phân công lao động xã hội ngày càng chuyên môn hoá sâu sắc…

Tình trạng trên không có gì mới lạ. Sinh thời, Bác Hồ là người sớm chỉ rõ sự nguy hại của việc lười rèn luyện, xa rời lao động chân tay và chính Người đã nêu gương sáng về việc tự rèn luyện. Chuyện kể rằng, hồi ở chiến khu Việt Bắc, Bác tự kiếm hai hòn đá. Một hòn tròn và đen, một hòn hơi đục và có cạnh. Hằng ngày, Bác dùng hai hòn đá để tập cho cứng gân cốt. Các đồng chí giúp việc nói với Bác: “Thưa Bác, hằng ngày Bác đã làm việc vất vả rồi, lúc đọc báo, nghe đài, Bác cứ ngồi cho thoải mái. Sao Bác cứ nắm lấy hòn đá đó làm gì ?”

Bác nói: “Bác cháu ta trước đây là người dân lao động. Bây giờ đi làm cách mạng, do công việc đòi hỏi cho nên ta phải thoát ly, nhưng chúng ta là người tuyên truyền cách mạng cho quần chúng. Nếu ta khoanh tay sau lưng làm tuyên truyền thì quần chúng nào người ta nghe. Chưa cuốc được mấy nhát cuốc tay đã phồng lên, quần chúng người ta sẽ bảo cán bộ chỉ nói mép thôi, nhưng làm thì chẳng bằng ai. Cho nên hằng ngày, Bác phải luyện tập cho da tay cứng rắn, để khi đi làm với quần chúng khỏi phồng tay”.

Đó cũng là quan điểm lao động, quan điểm quần chúng và cách khắc phục điều kiện khó khăn để rèn luyện của Bác. Trong cuộc đời hoạt động của Người, có lần phải ngồi trong lao tù của quân đội Tưởng Giới Thạch. Bác bị giam trong một phòng kín như bưng, không có ánh sáng lọt vào. Khi được thả, mắt Bác bị loà, chân thì bị liệt. Hàng ngày, Bác dậy rất sớm, chờ cho trời sáng dần dần. Khi nhìn thấy ánh sáng mạnh, Bác lại phải quay ngay vào trong tối để con ngươi quen dần, để khỏi bị lòa. Bác dựa vào lan can để tập đi rồi Bác lại tập leo núi để chữa chứng liệt chân…

Cho đến hôm nay, chuyện kể về gương tự rèn luyện bản thân của Bác Hồ vẫn vẹn nguyên giá trị. Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta có thể học rất nhiều điều. Trong đó, học tập việc tự rèn luyện mình của Bác Hồ để làm người lao động chân chính, để có sức khoẻ phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng là bài học có giá trị thiết thực với mọi người và mang tính thời sự trong tình hình hiện nay. Tôi tin chắc rằng, những mẩu chuyện về gương tự rèn luyện của Người sẽ là liều thuốc tinh thần quý báu, thức tỉnh các bạn trẻ đang mắc “bệnh lười rèn luyện” và qua đó, góp phần giải quyết một vấn đề xã hội của thanh niên hiện nay.

Nguyễn Hồng Kiên (Giảng viên Khoa Xã hội - Trường đại học Hồng Đức, Thanh Hoá)