QĐND - Ngày 27-2-2014, tôi đang ở TP Hồ Chí Minh thì nhận được tin Trung tướng Nguyễn Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1 vừa từ trần. Dù biết anh yếu đã lâu, nhưng với tôi sự ra đi của anh là một sự hẫng hụt, mất mát lớn. Tôi vội thu xếp công việc bay ra Hà Nội và tới ngay gia đình người thủ trưởng cũ đáng kính, tham gia công việc tang lễ, chia buồn với chị và các cháu.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi có rất nhiều kỷ niệm với Trung tướng Nguyễn Hòa. Còn nhớ, tháng 3-1975, với cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 (Trung đoàn Triệu Hải) tôi được đi với đồng chí Sư đoàn trưởng Lưu Bá Sảo và Chính ủy Đỗ Mạnh Đạo, Sư đoàn 320B về Bộ tư lệnh Quân đoàn ở Tam Điệp (Ninh Bình) nhận nhiệm vụ: Hành quân vào Đông Hà tập kết “nằm” dự bị cho chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng. Sau khi cùng đồng chí Hoàng Minh Thi - Chính ủy Quân đoàn giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 320B xong, trước khi chúng tôi ra về, Tư lệnh Nguyễn Hòa bắt tay tôi căn dặn thêm: “Nhớ tổ chức hành quân thần tốc nhưng phải an toàn”. Từ lời căn dặn ấy tôi hiểu Tư lệnh Nguyễn Hòa là người rất thương yêu và luôn lo lắng cho sự an toàn của bộ đội.
Khi chúng tôi được lệnh vào Huế và Đà Nẵng thì các đơn vị bạn đã giải phóng. Từ bán đảo Sơn Trà, tôi được lệnh của đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng chỉ huy đơn vị quay lại Đông Hà để nhận nhiệm vụ hành quân theo đường Trường Sơn vào tập kết ở Đồng Xoài chuẩn bị tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Trung đoàn của tôi vừa tới Đông Hà thì Tư lệnh Nguyễn Hòa đi xe chỉ huy của Bộ Tham mưu Quân đoàn đến thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ. Những lời căn dặn của Tư lệnh khiến cả đơn vị ai cũng cảm động và càng thêm quyết tâm. Tôi nhớ nhất là khi trung đoàn hành quân đến đèo Ăng-bun trên đường Trường Sơn, thì đoàn xe của Binh đoàn Trường Sơn (559) chở đơn vị tôi bị tắc do nhiều đơn vị cùng hành quân. Tôi quyết định cho đơn vị mở đường vuông thì Tư lệnh Nguyễn Hòa đến. Sau khi nghe tôi báo cáo tóm tắt tình hình, Tư lệnh Nguyễn Hòa cho họp luôn chỉ huy các đầu mối đơn vị và đọc bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới! Giải phóng miền Nam! Quyết chiến quyết thắng!”. Trung đoàn 27 được ưu tiên đi trước nên chúng tôi đã tập kết đúng thời gian quy định.
 |
Ban chấp hành Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Ban liên lạc Sư đoàn 5 thăm vợ chồng Trung tướng Nguyễn Hòa. Ảnh: Petro Times
|
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 27 chúng tôi đảm nhiệm mũi thọc sâu trên cánh Bắc, theo trục đường 13 đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, chiếm toàn bộ Lục quân cảnh xưởng Gò Vấp, chiếm Bộ tư lệnh Thiết giáp ngụy và căn cứ 25 - 26 truyền tin, chiếm Tổng y viện cộng hòa và toàn bộ khu tiếp vụ. Đến chiều ngày 1-5, Trung tướng, Tư lệnh Nguyễn Hòa đến thăm, động viên và kiểm tra trực tiếp những căn cứ mà trung đoàn tôi vừa tiếp quản. Tư lệnh biểu dương trung đoàn đã giữ nguyên vẹn 13 mục tiêu. Đồng chí căn dặn chúng tôi phải giáo dục bộ đội giữ nghiêm kỷ luật, làm tốt chính sách dân vận, chính sách tù hàng binh, không được vi phạm chính sách chiến lợi phẩm…
Khi trung đoàn tôi được lệnh hành quân ra Bắc, tập kết ở Mậu Lâm, Như Xuân, Thanh Hóa, đồng chí Tư lệnh Nguyễn Hòa đến dự hội nghị tổng kết. Sau khi biểu dương trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Tư lệnh Nguyễn Hòa giao nhiệm vụ cho tôi và các Anh hùng lực lượng vũ trang của quân đoàn tập trung lên Lạng Sơn để học văn hóa và ngoại ngữ. Trong thời gian chúng tôi học, nhiều lần Tư lệnh Nguyễn Hòa tới thăm và động viên. Tôi nhớ không chỉ lên thăm, có lần Tư lệnh Nguyễn Hòa còn tặng quà chúng tôi. Cấp tá như tôi ngày ấy được tặng 1 vuông vải dạ màu tím, đủ may một bộ com-lê. Tư lệnh Nguyễn Hòa căn dặn chúng tôi: “Phải tập trung học tập cho giỏi để xây dựng quân đội chính quy sau này”.
Năm 1980, tôi tốt nghiệp Học viện Quân sự cao cấp khóa đầu tiên và về làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320B. Tư lệnh Nguyễn Hòa khi đó đã biệt phái ra làm Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt. Đồng chí thường đi với đồng chí Đinh Đức Thiện về thăm Thanh Hóa và Quân đoàn 1. Tôi còn nhớ khi Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn bắt đầu xây dựng, đồng chí Nguyễn Hòa và đồng chí Chu Đỗ - Thứ trưởng Bộ Xây dựng vào đặt vấn đề với Sư đoàn 320B tham gia cùng với chuyên gia Nga và các nhà khoa học Việt Nam xử lý một hang ngầm nơi xây dựng nhà máy. Chúng tôi đã chỉ huy bộ đội tham gia nhiều công việc góp phần xây dựng hạ tầng của nhà máy ngay từ đầu. Vì thế, chúng tôi có điều kiện để chia sẻ những kinh nghiệm không chỉ trong quân sự mà cả trong lĩnh vực kinh tế. Tôi vẫn còn nhớ như in những lời đồng chí Nguyễn Hòa căn dặn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320B: Cán bộ quân sự hay chính trị trong quân đội vẫn rất cần phải có kiến thức kinh tế. Kinh tế có mạnh thì quốc phòng mới mạnh. Các đồng chí phải cố gắng góp phần thực hiện công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế và kinh tế phải luôn gắn với quốc phòng...
Sau ngày đồng chí Nguyễn Hòa nghỉ hưu, tôi vẫn thường xuyên đến thăm anh và gia đình ở căn hộ được phân phối rất giản dị. Qua thực tế cuộc sống và những lần tiếp xúc, tôi hiểu trước sau Trung tướng Nguyễn Hòa vẫn giữ phong cách giản dị, mẫu mực, trung thực và liêm khiết.
Trung tướng Nguyễn Hòa đã về cõi vĩnh hằng nhưng hình ảnh và tấm gương của đồng chí vẫn còn in đậm mãi trong tâm trí và tình cảm của tôi, để tôi học tập. Xin kính cẩn vĩnh biệt và cầu cho anh an lành nơi chín suối!
Thượng tướng, Viện sĩ NGUYỄN HUY HIỆU, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1