Một vị lão thành Cách mạng ở thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) nói với tôi: “Đời ông Thể là một pho sử kể không biết đến bao giờ cho hết trong những ngày “vào sinh ra tử”. Rồi về hưu, ông lại tiếp tục cống hiến hết mình vì những số phận trẻ thơ không may gặp cảnh éo le. Nhiều người và có lẽ ông Thể cũng không lý giải được lòng tốt của chính mình. Ông ấy là anh hùng trong mắt bạn bè...”.
Kỳ tích một tử tù
Ngồi tiếp chuyện tôi là một “lão nông” hồn hậu, tai nghe đã nghễnh ngãng, nói tiếng được, tiếng mất, thỉnh thoảng lại tươi cười với mấy đứa nhỏ bán vé số chạy vô xin nước uống, kiếm miếng cơm nguội,...
Ông là Nguyễn Quốc Thể (sinh năm 1928), cuộc đời ông là những kỳ tích không thể tin nổi! Là con út trong một gia đình nông dân ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, được gia đình cho ăn học tử tế, mới 17 tuổi (năm 1945) đã thoát ly gia đình, đi học Trường thanh niên Trung Bộ Nguyễn Chí Diểu ở Huế.
 |
Vợ chồng ông Thể tại nhà riêng.
|
Tham gia kháng chiến, ông là trung đội trưởng súng thần công. Khi quân Pháp nã đạn vào Ngọ Môn (Huế) vỡ nòng thần công, ông cùng đồng đội rút lên chiến khu. Sau đó, ông bị bắt trong một trận càn nhưng quân Pháp không khai thác được gì, đành phải phóng thích. Về thành Huế hoạt động, ông lại tiếp tục bị bắt, tra tấn, kết án 18 năm tù khổ sai cộng 18 năm đày biệt xứ. Tại nhà lao Thừa Thiên, ông đã cùng bạn tù tổ chức vượt ngục, bị địch phát hiện, đưa ra tòa tuyên án tử hình. Tại tòa, ông Thể đã nói một câu châm ngôn của người Pháp: "Chết vì Tổ quốc không phải là số phận đáng buồn".
Có lẽ người Pháp thù hận câu nói đó của ông, muốn giữ ông lại để tra tấn tiếp bằng những “ngón đòn” độc địa hơn, nên vài tháng sau, Tổng thống Pháp công bố lệnh giảm án cho ông xuống chung thân, rồi đày ra Côn Đảo ngày 8-5-1950.
Chúng không ngờ, hơn một năm ở Chuồng Cọp, ông Thể cùng bạn tù tổ chức vượt ngục trót lọt bằng thuyền vải áo tù quét sơn (ông là thuyền trưởng)!
Trở lại với tổ chức, Nguyễn Quốc Thể nhận công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu; Bí thư Tỉnh ủy lúc ấy là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Một thời gian sau ông được tập kết ra Bắc học tập, rồi trở lại quê nhà công tác và nghỉ hưu năm 1994. Cũng chính cái lúc sức đã cạn này, ông đứng ra mở Trung tâm “Vòng tay ấm” để “chiêu dụ” những thân phận trẻ thơ mồ côi có chốn nương thân, cho chúng được ăn no, được học hành. 15 năm rồi, ông Thể không nhớ hết đã có mấy trăm “đứa nhỏ” từ đây bước ra thành người tử tế…
Có “miếng” chữ, mọi chuyện sẽ dễ
Một đời cống hiến cho Đảng và cho quê hương, đất nước không ngừng nghỉ vì đồng bào, đồng chí, vì căm thù giặc, với bao vui, buồn, vậy mà ông chỉ kể gọn chừng 10 phút! Khuôn mặt không lành lặn, thân thể luôn ê ẩm vì di chứng những trận đòn thù, bước đi khó khăn rồi…
“Vì sao tuổi già sức yếu ông còn nhận trẻ mồ côi về nuôi? ”
Ông nói nhẹ như lông hồng mà hết sức có lý, có tình: “Đời tôi làm được gì cũng nhờ cha mẹ, nhờ cách mạng cho ăn học, tôi thấy để bọn trẻ tự đứng dậy được thì không thể để chúng thất học. Vậy là cứ cố, cứ cố mãi, rồi đâu cũng vào đấy…”.
 |
Ông Thể và tình nguyện viên người nước ngoài tại một lớp học thêm của Trung tâm "Vòng tay ấm".
|
Dừng vài khắc, ông rút khăn lau nước mắt, giọng lạc đi: “Do có thời gian làm công tác mặt trận của thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), tôi thấy nhiều đứa nhỏ vì hoàn cảnh mồ côi mà phải bỏ học, lang thang lao động kiếm ăn. Có những đứa, tay cầm xấp vé số mà mắt cứ nhìn qua tủ kính nhà sách để đọc… Ai mà không thương?! Miếng ăn là quan trọng nhưng “miếng” chữ còn quan trọng hơn, có chữ rồi thì kiếm miếng ăn là… chuyện nhỏ!”.
Ngày mới về hưu, ông gom mấy đứa về nhà dạy chữ, thế nhưng còn biết bao chuyện phát sinh xung quanh nhóm trẻ. Rất may là Phòng Giáo dục Tuy Hòa và ông đã gặp nhau trong ý tưởng mở một địa chỉ dành cho các cháu mồ côi. Trung tâm “Vòng tay ấm” ra đời từ đó tại 90 Lê Thánh Tôn, thành phố Tuy Hòa.
Cơ sở ban đầu chỉ là cái nhà với một ít kinh phí điện nước, mọi chuyện phải một tay ông Thể cùng vài đồng sự lo liệu. Là người phụ trách trung tâm, ông Thể bỗng chốc trở thành “nhà ăn xin chuyên nghiệp” vì những thân phận trẻ thơ cơ cực. Ban ngày, lũ trẻ tỏa đi các nơi để bán vé số, phụ giúp việc nhà, các quán hàng,… chiều về “Vòng tay ấm” ăn cơm, học chữ, sinh hoạt tập thể.
Buổi ban đầu là một nhóm trẻ “lôi thôi lếch thếch” vào lớp một, rồi cứ thế qua các năm là “đủ mọi lớp” của bậc tiểu học; hằng năm đều có vài chục cháu được ông bảo lãnh giới thiệu học tiếp tại các trường cấp hai ở Tuy Hòa. Trí nhớ không còn chi tiết nhưng ông vẫn giới thiệu được với tôi một số cháu điển hình, như cháu Hòa mồ côi cha, phải nghỉ học đi bán vé số phụ mẹ nuôi em, giờ đã ra nghề đi làm công nhân ở Sông Hinh; cháu Cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, dọn hàng kiếm cơm ở chợ Tuy Hòa, giờ đang học cấp ba; cháu Kiều mồ côi mẹ, nghỉ học đi bán vé số, giờ đang học rất khá ở một trường cao đẳng…
"Chồng làm việc đúng thì vợ phải ủng hộ..."
Các cơ sở kinh tế ở Tuy Hoà lúc ấy cũng chẳng lớn lao gì nên việc vận động làm từ thiện cũng khó vô cùng. Có người nói: “Ông cống hiến cả đời, giờ già rồi thì nghỉ ngơi cho khỏe, rước chúng nó về thân già nuôi sao nổi!”. Ông không nản vì thấy rõ mục tiêu của mình. Ông nghĩ, góp được đồng nào vì bữa cơm, tấm áo, bút mực… cho “các con” là ông cứ làm.
Dịch giả Trần Phi Tơ (Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Phú Yên) tấm tắc: “Nhiều thành viên các tổ chức nước ngoài đến Trung tâm “Vòng tay ấm” đều xúc động, đánh giá cao cách làm việc chân thành nhưng đầy trách nhiệm và khoa học của ông Thể. Riêng tôi, tôi vô cùng tâm đắc với triết lý của ông Thể đối với các cháu mồ côi: Tạo việc làm tự kiếm sống là đáng quý, nhưng cơ bản và trước tiên là phải dạy chữ, dạy làm người cho các cháu.
Chính vì thế, trong điều kiện thiếu thốn về tình cảm gia đình mà các cháu ở đây đều khôn lớn, nên người. Đó chính là nhờ tầm nhìn xa trông rộng, rất nhân văn của ông Nguyễn Quốc Thể!”.
|
Ông trầm ngâm nói với tôi: “Ai nói gì kệ, có người này thì cũng có người kia! Mừng nhất là được bà vợ ủng hộ hết mình!”. Chẳng nói nhiều về công sá của mình, ông trân trọng nhắc đến những nhà hảo tâm đã giúp “Vòng tay ấm” như là ân nhân của chính mình! Cứ thế “tiếng lành đồn xa”, nhiều người biết đã tự nguyện đến giúp của, giúp công, nhiều tập thể, cá nhân, tổ chức nước ngoài đã đến trung tâm tài trợ, tặng quà trong những dịp lễ, Tết,…
Bất ngờ đối với nhiều người khi biết học trò ở “tụ điểm lang thang cơ nhỡ” này năm nào cũng được đi tham quan, du lịch! Ấy là nhờ bác Thể khéo vận động các cơ quan, doanh nghiệp để “mượn xe, xin xăng, xin vé vào cổng” tổ chức cho các cháu đi chơi tại các thắng cảnh nổi tiếng, các công trình lớn của đất nước. Chẳng những đưa bọn trẻ đi thăm thú đó đây, nhiều cuộc ông Thể còn liên hệ để các cháu được thưởng thức “liên hoan cơm hội nghị” tại những điểm đến…
Vợ ông Thể, bà Trần Thị Thu Thủy nói: “Tôi quý cái tính cách hy sinh vì người khác của ổng. Cả đời ổng hoạt động cực khổ, mà ổng chỉ thích làm việc cực thôi! Chồng làm việc trúng thì vợ phải ủng hộ chớ!”.
Nghe vợ nói, ông Thể thêm vào bằng giọng móm mém, hài hước: “Có gì đâu mà viết, chú? Kỳ này “máy móc” trục trặc quá, đi lại hết ngon rồi, đã giao việc quán xuyến trung tâm lại cho anh em trẻ. Tui khỏe được lúc nào thì đi liên hệ hoặc điện thoại… xin xỏ có thêm “chút mắm, chút rau” cho tụi nhỏ ăn học…”.
Tôi ghé lại nói sát tai ông, để xin ông tấm hình với mấy cháu ở “Vòng tay ấm”. Ông Thể cười, thở dốc: “Đang mết, đang mệt, nhà báo ơi, thôi chụp vậy đủ rồi, có gì đâu mà mần dữ vậy…”.
Nghe thế tôi đành chịu và đi chụp hình một giáo viên đang đứng lớp đêm ở trung tâm.
Bài và ảnh: ĐÀO ĐỨC TUẤN