Bài 1: 54 năm bền bỉ học tập, làm theo lời Bác

LTS: Làm thế nào để liên tục từ năm 2009 đến nay, năm nào Đảng bộ Tổng công ty May 10 cũng được Thành ủy Hà Nội và Đảng ủy Khối công nghiệp Hà Nội tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động và Chỉ thị 03 của Ban Bí thư về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh? Để trả lời câu hỏi này,  phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã về Tổng công ty May 10 (dưới đây gọi tắt là May 10) để tìm hiểu thực tế và phát hiện ra nhiều điều đặc biệt ở nơi đây. Xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài về vấn đề này, kể từ số báo hôm nay.

8-1-1959 – Ngày lịch sử của May 10

Nguyên Giám đốc Nguyễn Đức Thẩm là một trong những “chiến sĩ may vá” từ Chiến khu Việt Bắc thuộc Xưởng may AK1, Nha Quân nhu của Quân đội ta, sau sáp nhập với một số xưởng may khác thành lập Xưởng may 10, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần (1946) - tiền thân của TCT May 10 ngày nay. Ngoài 80 tuổi, việc nhà còn khá bận rộn, nhưng có dịp kể chuyện Bác Hồ về thăm Xí nghiệp May 10 cho nhà báo nghe, ông sẵn sàng gác việc nhà xăng xái đi ngay.

Ông bồi hồi kể:

- Không chỉ cá nhân tôi mà cả TCT May 10 ai cũng đinh ninh nhớ lần vinh dự được đón Bác Hồ. Nhất là hình ảnh, tác phong và những lời dặn dò của Bác, nay trở thành “Nghị quyết lâu dài” cho May 10 phấn đấu làm theo. Xưởng may 10 được báo trước Bác Hồ đến thăm vào 8 giờ sáng ngày 8-1-1959. Mọi người chỉnh tề đón Bác ở cổng chính, nhưng Bác lại đi tắt từ một đơn vị khác sang qua lối cổng phụ. Tác phong nhanh nhẹn, với chiếc áo khoác đã bạc màu, cổ tay áo đã sờn, đôi dép cao su mòn gót, Bác đến thăm công nhân ở cả 4 phân xưởng. Thấy “cờ đỏ, cờ xanh” treo ở cọc chỉ mỗi người, Bác hỏi thì biết đó là phong trào thi đua tăng năng suất lao động (trong ngày làm việc, ai có năng suất cao thì được tặng cờ đỏ, năng suất thấp thì cắm cờ xanh). Mắt Bác ánh lên niềm vui. Bác bảo: “Phấn đấu giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh. Các cô các chú có làm được không?”. Tất cả đồng thanh “Thưa Bác, có ạ”. Đi đến Phân xưởng may 3, chợt Bác cúi xuống nhặt chiếc cúc rơi để lên bàn máy rồi mới đi tiếp. Về Hội trường Bác nói: “Sản xuất mà không chú ý đến tiết kiệm thì như gió vào nhà trống”. Sang Xưởng Cơ khí, thấy anh em công nhân có nhiều sáng kiến. Bác khen ngợi: “Cơ khí đang nhỏ, nhưng chí lớn. Các chú nuôi dưỡng cơ khí cho tốt”. Về Hội trường Bác căn dặn: “Chú ý đến cải tiến máy móc. Máy móc dù tối tân tới đâu nếu ta cố gắng suy nghĩ thì cũng có thể cải tiến cho tốt hơn được”. Đến thăm nhà trẻ, thấy vườn đu đủ chen chúc quả, Bác tấm tắc: “Các chú trồng nhiều đu đủ, tốt lắm. Nhưng nên tỉa bớt đi cho to quả”. Sau hơn một tháng về thăm, Bác trực tiếp đánh máy viết thư khen Xưởng may 10: “Đoàn kết thân ái; liên tục thi đua; cải tiến kỹ thuật; tăng gia sản xuất”, và Bác căn dặn bằng một câu dễ nhớ: Có được thành tích đó là nhờ “Tư tưởng thông thì công việc tốt”.

Một góc sản xuất Xí nghiệp may 2 , thuộc Tổng công ty May 10. Ảnh: Hồng Hải

Vượt rào vào thi đua

Về TCT May 10 tìm hiểu tinh thần thi đua của May 10 sau ngày Bác về thăm, chúng tôi được ông Nguyễn Mộng Giao, nguyên là công nhân Phân xưởng 1 kể:

- Nghe theo lời Bác dạy, một phong trào thi đua sôi nổi chưa từng thấy được tự giác thực hiện trong toàn Xưởng. Người người thi đua, từng tổ, ban thi đua với nhau. Thi đua quên ăn, quên ngủ; làm không tính giờ giấc. Ai cũng muốn phấn đấu lập nhiều thành tích đáp lại tình cảm của Bác.

Đang kể, ông quay sang hỏi vợ:

- Bà có nhớ cậu Hoàng Trung Công ở Phân xưởng may 1, bị bảo vệ bắt về tội trèo tường trốn vào nhà máy may đêm không?

- Bắt về “tội” làm ngoài giờ thì ngày ấy ai chả phạm? Cả ông cũng thế - Bà Bùi Thị Liên, vợ ông tự hào nói.

Bà Liên thêm vào:

- Ngày đó, thi đua sôi nổi lắm, mà phần thưởng chỉ là tinh thần, tuyệt nhiên không có vật chất gì kèm theo. Có người thắp đèn dầu hăng say máy quân trang phục vụ chiến trường đến quá nửa đêm. Cũng nhờ “trốn” cảnh vệ vào Xưởng may ngoài giờ mà tôi với ông Giao nên vợ nên chồng đấy các chú ạ.

Phần thưởng là bộ áo Bác Hồ

- Còn chuyện may áo biếu Bác Hồ? – Tôi gợi hỏi.

Ông Thẩm chỉ sang người ngồi bên nói:

- Đây chính là người được vinh dự chọn trong tổ may áo biếu Bác Hồ.
Đó là chị Chu Thị Nội, nguyên là Chủ tịch Công đoàn May 10. Chị kể, ngày Bác về thăm, thấy áo Bác mặc đã cũ, mọi người vô cùng cảm động nên viết thư xin phép may biếu Bác hai bộ áo. Ngày hôm sau Bác viết thư cảm ơn. Thư Bác viết: “Cảm ơn các cô, các chú đã biếu Bác bộ áo. Bác nhận rồi. Nay Bác gửi bộ áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua. Khi nào đợt thi đua kết thúc, do các cô các chú bình nghị, ai khá nhất thì được giải thưởng ấy”.
Sau khi đọc thư Bác, phong trào thi đua “Giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh” lại càng hăng say,  mang lại thành tích trong sản xuất mỗi ngày một cao hơn. Tiêu biểu nhất trong đợt thi đua này là công nhân may Hoàng Nguyên, người đã đưa năng suất may quần áo bộ đội lên mức kỷ lục 48 chiếc/ngày và là người vinh dự được nhận phần thưởng ý nghĩa này.

Chị Nguyễn Thiên Lý, Phó bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc TCT May 10 giải thích thêm:

- Xúc động trước vinh dự được nhận giải thưởng quý giá đó, đồng chí Hoàng Nguyên xin được nhận tượng trưng và biếu lại Xưởng bộ áo của Bác, nay trở thành báu vật vô giá trưng bày trong Bảo tàng của May 10.

Thi đua, nối tiếp thi đua

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Đặng Nam Điền, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho biết, kể từ ngày mở cửa Lăng để đón đồng bào cả nước vào viếng Bác, liên tục cho đến nay, năm nào May 10 cũng tổ chức báo công với Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Được biết, ngay từ năm 1979, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Bác Hồ về thăm, TCT May 10 đã quyết định lấy ngày 8-1 là ngày truyền thống và thống nhất chỉ được về báo công với Bác nếu năm đó hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước giao. Tuy nhiên, từ đó đến nay qua mỗi lần tổ chức sinh hoạt chính trị về báo công với Bác là một lần ý thức trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên được nâng cao hơn, làm việc hăng say hơn, phong trào thi đua đạt hiệu quả cao hơn để “Mùng tám tháng Giêng” lại được lựa chọn về báo công với Bác. Kết quả là liên tục hơn 50 năm qua May 10 đều vượt kế hoạch, năm cao nhất tăng tới 42%, xứng đáng với phần thưởng vô giá: Lá cờ “Đơn vị thi đua khá nhất” do Bác Hồ trao tặng, nên năm nào cũng được về báo công với Bác. Điển hình như năm 2012 là năm bị tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức, đầu tư giảm, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, TCT May 10 với truyền thống vượt khó bằng sự gắn kết nội bộ,  đã không những đứng vững, còn mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 8000 lao động; tổng sản lượng so với năm 2011 tăng 11,27%; phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã có 427 công trình, làm lợi hơn 3 tỷ đồng; tiêu biểu là sáng kiến tận dụng mô tơ điện cũ làm máy quấn chân cúc của nhóm sửa máy khu Veston đưa năng suất lên 700%... xứng đáng với lời dạy của Bác: “Các cô, các chú hãy chú ý đến cải tiến máy móc. Máy móc dù tối tân tới đâu nếu ta cố gắng suy nghĩ thì cũng có thể cải tiến cho tốt hơn”.

HUY THIÊM

Bài 2: Liên tục sáng tạo các hình thức làm theo lời Bác