TIẾNG HÁT QUỐC CA
Ngựa hồng dừng chân
Bên quân y viện
Giật mình nghe tiếng
Quốc ca vang.
Phải chăng giờ chào cờ buổi sáng
Hay hội nghị cơ quan
Sao chỉ một người cất giọng
Hát đi rồi hát lại nhiều lần.
Xuống ngựa buộc cương
Hỏi ra mới biết
Bác sĩ đang cưa chân
Một chiến sĩ bị thương
Bằng cưa thợ mộc.
Bác sĩ vừa cưa vừa khóc
Chị cứu thương mắt cũng đỏ hoe
Nhìn ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre
Anh chiến sĩ cứ mê mải hát
Cưa cứ cưa, xương cứ đứt
Máu cứ rơi từng vết đỏ bông
Hai bàn tay xiết chặt đôi hông
Dồn hết phổi vào trong tiếng hát
“Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc…”
Đã hát đi hát lại bao lần
Vẫn chưa đứt xương chân
Vẫn chưa dừng máu đỏ.
Vừa xong băng bó
Anh lịm đi
Hồi hộp cả núi rừng
Tiếng hát mới chịu ngưng
Ảnh Bác Hồ như rưng rưng nước mắt.
Trở lên yên, ngựa đi từng bước
Cúi đầu nén nỗi đau thương
Nhưng lửa căm hờn
Bỗng dựng cao đầu ngựa dậy
Vang trời ngựa hý
Chí phục thù cháy bỏng tay cương.
HUỲNH VĂN NGHỆ
|
QĐND - Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977), quê ở huyện Tân Uyên, Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Ông là một cán bộ chỉ huy quân sự có tài, một nhà thơ có nhiều tác phẩm nổi tiếng, nhất là bài “Nhớ Bắc”, có hai câu không mấy người không biết: “Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, ông đã là một cán bộ chỉ huy quân sự. Đầu tháng 1-1946, ông chỉ huy lực lượng chủ công tham gia trận phản công lớn đầu tiên của Nam Bộ vào thành phố Biên Hòa. Bài thơ “Tiếng hát Quốc ca” ông sáng tác trong dịp này.
 |
“Thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ ở Chiến khu Đ. Ảnh tư liệu.
|
Nếu như bài thơ “Viếng bạn” của Hoàng Lộc là bài thơ phổ biến đầu tiên viết về liệt sĩ của quân đội ta, thì bài thơ này là bài thơ đầu tiên viết về thương binh, trước “Viếng bạn” hai năm. Đây không chỉ là bài thơ sớm nhất viết về thương binh, mà theo tôi, là một trong số vài ba bài thơ viết về thương binh. Như chúng ta đều biết, hồi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân đội ta thiếu thốn đủ bề, về trang bị vũ khí, về quân trang, về lương thực, thực phẩm… Bài thơ này đề cập đến chuyện thiếu thốn về y tế: Thiếu dụng cụ y tế, thiếu thuốc mê khi giải phẫu. Nhưng cái chính của bài thơ không phải để nói chuyện đó, mà muốn chuyển tải tới người đọc một điều: Người lính chúng ta đã làm cách nào để vượt qua sự thiếu thốn đó.
Bài thơ như một câu chuyện kể. Tác giả bài thơ, một cán bộ chỉ huy cưỡi ngựa đi ngang qua quân y viện thì “Giật mình nghe tiếng Quốc ca vang”. Giật mình vì bất chợt tiếng hát vang lên, bài hát đó không phải là bài hát bình thường, mà là bài hát Quốc ca. Trước đây, cũng như ngày nay, khi đang đi đâu, nghe tiếng hát Quốc ca từ đâu vọng tới, nhiều người có thói quen dừng lại, đứng nghiêm… Nhưng lúc đó, tác giả bài thơ đang ngồi trên lưng ngựa, ông giật mình nghe tiếng hát Quốc ca và chắc là sẽ nghĩ ra mình nên xử lý thế nào. Một điều ngạc nhiên lớn đối với tác giả là: “Sao chỉ có một người cất giọng / Hát đi rồi hát lại nhiều lần”, là điều ông chưa từng nghe, buộc ông phải xuống ngựa tìm hiểu nguyên nhân và chứng kiến cảnh:
Bác sĩ đang cưa chân
Một chiến sĩ bị thương
Bằng cưa thợ mộc.
Cưa thợ mộc là loại cưa chỉ dùng để cưa gỗ, cưa tre… răng cưa thô và thưa, khác hẳn loại cưa chuyên dụng trong ngành y tế. Mặc dù tác giả không nói, nhưng ai cũng biết trong hoàn cảnh ấy không thể có thuốc mê, thuốc tê… để giảm đau, nên người thương binh tìm cách chống đau, là hát bài hát Quốc ca, bài hát chào Tổ quốc để tăng thêm sức mạnh cho mình. Điều đó đã làm cho chính những người thầy thuốc không ghìm được nỗi lòng xúc động: “Bác sĩ vừa cưa vừa khóc / Chị cứu thương mắt cũng đỏ hoe”. Thông thường khi hát Quốc ca, mắt người hát nhìn thẳng vào lá cờ Tổ quốc, lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể này, người hát không thể tìm đâu ra cờ Tổ quốc để nhìn vào, nhưng không sao, anh đã “nhìn thấy ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre”, và trong trường hợp này, ảnh Bác tượng trưng cho lá cờ, tượng trưng cho Tổ quốc.
Nhưng công việc giải phẫu không hề đơn giản, phải mất một thời gian dài, buộc người chiến sĩ phải mê mải hát Quốc ca nhiều lần, thế mà: “Vẫn chưa đứt xương chân / Vẫn chưa ngừng máu đỏ”. Chỉ đến khi ca phẫu thuật xong, anh mới lịm đi. Và khi đó, hình ảnh Tổ quốc lại xuất hiện một lần nữa: “Ảnh Bác Hồ như rưng rưng nước mắt”: Bác Hồ, Tổ quốc và nhân dân cảm động trước hành động của người lính.
Câu chuyện kết thúc như thế, tác giả tiếp tục lên đường, lòng cố nén nỗi đau thương khi nghĩ về hành động của người thương binh.
Nhưng lửa căm hờn
Bỗng dựng cao đầu ngựa dậy
Vang trời ngựa hý
Chí phục thù cháy bỏng tay cương!
Thì ra tiếng hát Quốc ca của người thương binh không chỉ tăng thêm sức mạnh cho bản thân anh để thắng nỗi đau khi phẫu thuật, mà còn có tác dụng thúc giục đồng đội chiến đấu, vì bài hát Quốc ca của chúng ta chính là bài “Tiến quân ca”!
 |
Những thương binh “tàn nhưng không phế” ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh. Ảnh: Công Thịnh.
|
Bài thơ này xuất phát từ một chuyện có thật: Chiến sĩ Bùi Xuân Tảo, đã bị thương trong trận tấn công thị xã Biên Hòa lần ấy, được đưa về Quân y viện ở Đất Cuốc, trong Chiến khu Đ để giải phẫu cánh tay bị thương. Vì thuốc mê ít, nên bác sĩ bảo người thương binh hãy hát một bài gì đó để át sự đau đớn khi giải phẫu, và anh đã hát bài hát Quốc ca, tức là bài “Tiến quân ca”. Khi đọc bài thơ này, bác sĩ Võ Cường, người trực tiếp giải phẫu cho người thương binh năm ấy có nêu ba ý, cho rằng bài thơ nói không đúng thực tế của ca phẫu thuật đó: Thứ nhất, người chiến sĩ chỉ hát được mấy câu thì bắt đầu ngấm thuốc mê nên lịm đi, chứ không phải hát đi hát lại nhiều lần. Thứ hai: Cưa tay chứ không phải cưa chân. Thứ ba: Nói “bác sĩ vừa cưa vừa khóc” là không đúng, vì trong nghề y không cho phép như thế, người thầy thuốc phải tỉnh táo để xử lý các vấn đề. Tôi tin rằng, bác sĩ Võ Cường đã nói hoàn toàn chính xác với ca phẫu thuật cho chiến sĩ Bùi Xuân Tảo cũng như những chuyên môn của thầy thuốc. Nhưng bài thơ “Tiếng hát Quốc ca” chỉ xuất phát, chứ không viết về ca phẫu thuật đó. Nếu là một bài báo, hoặc một bài bút ký, thì phê phán của bác sĩ Võ Cường hoàn toàn có lý. Nhưng ở đây là thơ, mà thực tế trong đời và thực tế trong thơ không phải khi nào cũng đồng nhất: Thực tế trong thơ được nhà thơ dựa vào thực tế trong đời, qua sự suy nghĩ, liên tưởng… mà tạo ra. Bởi thế, thực tế trong thơ thường có tính khái quát, điển hình cao hơn thực tế trong đời mà tác giả đã chứng kiến, nhờ vậy, tác dụng bài thơ lớn hơn. Trong trường hợp cụ thể này, bị cưa chân thì người thương binh chịu đau đớn nhiều hơn cưa tay. Không có thuốc mê, người thương binh phải hát Quốc ca nhiều lần thì sự chịu đựng, tinh thần người thương binh cao hơn khi chỉ hát vài câu rồi lịm hẳn vì ngấm thuốc mê. Và khi giải phẫu như thế, những người thầy thuốc sẽ hết lòng cảm phục và thương người thương binh, nên viết “bác sĩ vừa cưa vừa khóc” không có gì là bất hợp lý, dù nước mắt không rơi thì họ cũng khóc thầm trong lòng… Qua ví dụ này, chúng ta thấy rằng, thơ có cách nói riêng để truyền cảm xúc đến với người đọc, không phải khi nào nó cũng lệ thuộc hoàn toàn vào thực tế trong đời đã xảy ra như thế nào. Đó cũng là điều cần lưu ý với cán bộ và chiến sĩ ta khi đọc thơ, một loại hình nghệ thuật kiệm lời nhưng có sức truyền cảm mạnh, có tính điển hình và khái quát cao.
VƯƠNG TRỌNG