Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tự phê bình và phê bình là một nội dung được đề cập một cách sâu sắc nhất trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động là dịp tốt để mỗi chúng ta đọc lại và suy ngẫm những lời dạy của Người, để từ đó rèn luyện mình theo tấm gương đạo đức của Bác. Theo Bác, Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau.

Hiện nay, trong chúng ta có không ít người chỉ thiên về vạch khuyết điểm của người khác theo kiểu “bới lông tìm vết” để tìm cách giảm uy tín của nhau, để hạ bệ nhau mà không nhìn thấy những ưu điểm của họ, nhất là ở các thời điểm nhạy cảm như sắp diễn ra đại hội, sắp xem xét bổ nhiệm chức vụ hay đề bạt cán bộ. Phê bình người khác thì rất hay, rất dễ, nhưng lại không hề thấy những khuyết điểm tồn tại của chính mình. Cũng có người thì luôn phê bình cấp trên theo cách lấy lòng họ, tâng bốc, nịnh hót mà ngay chính người được tang bốc cũng cảm thấy ngượng ngùng… Bác Hồ chỉ ra rằng, mục đích của tự phê bình và phê bình là cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là biện pháp căn bản để tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng và là sự cần thiết nhất cho sự tiến bộ, trưởng thành của mỗi cán bộ, đảng viên. Nó như cơm ăn, nước uống, như khí thở hằng ngày. “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách sửa chữa khuyết điểm đó, như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắc, chân chính”. Muốn phê bình và tự phê bình để giúp nhau cùng tiến bộ, trước hết tâm phải sáng, lòng phải thật, trí phải rõ; có phương pháp đúng, có thái độ chân thành, thẳng thắn, không đao to búa lớn quy chụp, nhưng cũng không e dè nể nang bao che, giấu giếm; không dĩ hoà vi quý “tôi không đụng đến anh thì anh cũng đừng động đến tôi”, chỉ góp ý chung chung, vô thưởng vô phạt... Theo Bác, phê bình việc làm chứ không phê bình người, trong phê bình chớ dùng lời mỉa mai, chua cay đâm thọc, phê bình người cũng như tự phê bình mình đều phải ráo riết, triệt để thật thà. Không nể nang thêm bớt, phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Những người bị phê bình phải vui lòng sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, oán ghét. Phê bình và tự phê bình không phải là một công việc nhất thời mà phải làm thường xuyên như rửa mặt hằng ngày, nếu ta không làm thường xuyên thì khuyết điểm ngày càng tích tụ sẽ lấn át ưu điểm. Nhiều cán bộ, đảng viên thoái hoá biến chất, suy cho cùng là do không thường xuyên tự phê bình và tiếp thu phê bình từ mọi người, kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại không muốn người khác phê bình mình, không lắng nghe ý kiến của quần chúng.

Biết phê bình đã khó, biết tự phê bình còn khó hơn. Vì, thói thường người ta thích nghe lời khen ngọt ngào hơn là lời chê ý trách, càng không muốn vạch áo cho người xem lưng hoặc giảm thể diện uy tín, người xưa đã dạy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, còn Bác thì luôn yêu cầu chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau. Người coi tự phê bình và phê bình là một phẩm chất không thể thiếu được của người lãnh đạo và bản thân Người là một tấm gương sáng mẫu mực về tự phê bình và phê bình. Cảm động biết bao khi Chính phủ non trẻ do Người đứng đầu đã làm được rất nhiều việc lớn lao trong hoàn cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” mà Người vẫn nghiêm túc tự phê bình những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi, tôi phải thật thà xin lỗi đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi-là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo. Trong Di chúc, Bác viết: Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, và Người dặn: Trước hết nói về Đảng... Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng.

Tự phê bình và phê bình là một trong những phẩm chất đạo đức ngời sáng của Bác để lại cho mỗi chúng ta. Tăng cường và duy trì tự phê bình và phê bình chính là thực hiện lời dạy của Bác: Mỗi cán bộ đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế, thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng.

HẢI NINH

(Tổ dân phố số 2, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội)