QĐND - Hơn 20 năm gắn bó với “nghề nguy hiểm”- nghề cảnh sát hình sự, trực tiếp tham gia điều tra và đánh phá thành công hàng trăm vụ trọng án, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (thường gọi là Phòng Cảnh sát hình sự hay Phòng PC45) kiêm Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã để lại nhiều dấu ấn chiến công trong lòng đồng đội và nhân dân địa phương. Nhưng khi trò chuyện với tôi, anh vẫn khiêm nhường coi những thành tích của mình là chiến công chung của tập thể.
Người chỉ huy bản lĩnh, mưu trí
Bước vào phòng làm việc của anh Hùng, tôi không khỏi bất ngờ vì nơi ở của người sĩ quan cảnh sát hình sự cao cấp đang giữ cương vị mà nhiều người vẫn nói vui là “hét ra lửa” lại rất đỗi giản dị. Từ chiếc bàn làm việc, bộ bàn ghế ngồi uống nước đến chiếc giường nằm đã nhuốm màu thời gian, nhưng mọi vật dụng trong phòng đều được xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp theo nếp sống chính quy. Trong lúc tiếp khách, anh Hùng vẫn giữ vẻ chân chất của một chàng trai có gốc gác từ làng quê Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) khi cầm chiếc bình nhựa rót mời tôi chén nước vối ấm nồng. Tôi nói vui với anh: “Trưởng phòng cảnh sát hình sự mà uống nước vối thế này...?”. Anh Hùng mủm mỉm cười: “Nói thật với bạn, một phần do thói quen, phần khác cũng là để tiết kiệm, nên nhiều năm nay mình vẫn thủy chung với thứ nước dân dã này”.
Trong không khí thân tình, tôi hỏi anh Hùng: “Những lúc rảnh rỗi, anh có thú vui gì không?”. Anh Hùng tâm sự: “Cái nghề cảnh sát hình sự của mình hầu như quanh năm suốt tháng tất bật, vất vả, nếu không bám tuyến, bám địa bàn thì cũng phải tập trung thu thập thông tin, điều tra, xác minh các vụ án, nhiều ngày đêm phải lặn lội theo từng dấu chân đối tượng phạm tội để đưa chúng ra ánh sáng pháp luật. Vì vậy ít khi có thời gian rỗi rãi. Nhưng khi nào thư thái, thú vui của mình là cùng anh em chăm sóc bồn hoa, cắt tỉa cây cảnh để tạo không gian sạch đẹp, thoáng đãng trong đơn vị”.
 |
Những lúc rỗi rãi, thú vui của Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng là chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh trong đơn vị. |
Tôi nghĩ anh Hùng nói thật lòng mình. Bởi nhìn quyển lịch bàn và bảng kế hoạch công tác hàng tuần treo trong phòng của anh có rất nhiều nội dung công việc “nóng” đã phần nào thấy Phòng PC45 là một đơn vị chiến đấu chủ công của Công an tỉnh Bắc Giang. Mấy năm gần đây, Bắc Giang có tốc độ phát triển khá nhanh nên cũng nảy sinh nhiều phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Là lực lượng mũi nhọn của công an tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm hình sự, với cương vị “đứng mũi chịu sào” của Phòng PC45, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ động tham mưu cho Ban giám đốc Công an tỉnh tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt để kiên quyết phòng ngừa, phát hiện, điều tra và xử lý các tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm Phòng PC45 đã phát hiện, thụ lý gần 100 vụ trọng án, trong đó có 30% tỷ lệ án chưa rõ đối tượng (còn gọi là “án mờ”).
Theo anh Hùng, “án mờ” là loại án hết sức phức tạp đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ hình sự phải rất gian nan mới có thể truy tìm được dấu vết và phát hiện ra tội phạm. Trong khi đó, phần lớn các vụ “án mờ” thường có tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nên mỗi khi loại án này xảy ra dễ gây tâm lý hoang mang cho nhân dân và để lại nỗi đau khôn cùng cho những thân nhân của người bị hại.
Một vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã gây bàng hoàng dư luận ở tỉnh Bắc Giang và cả nước là vụ cướp tài sản và giết chết 3 người, làm bị thương 1 người tại tiệm vàng Ngọc Bích xảy ra rạng sáng ngày 24-8-2011 tại phố Sàn, huyện Lục Nam. Mặc dù vào thời gian đó Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng đang theo học lớp chính trị cao cấp, nhưng anh đã chủ động xin phép nghỉ học để về đơn vị kịp thời báo cáo với Ban giám đốc và Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh nhanh chóng lập kế hoạch chuyên án điều tra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Dư luận càng căm phẫn tên tội đồ, anh càng tự nhủ phải quyết tâm tìm ra thủ phạm càng sớm càng tốt. Đây là thời điểm làm anh mất ăn, mất ngủ và thần kinh có lúc rất căng thẳng bởi áp lực nhiệm vụ quá lớn. Với sự nhạy cảm, sáng suốt của một cán bộ điều tra dày dạn kinh nghiệm, anh đã trực tiếp chỉ huy các lực lượng trong Phòng PC45 rẽ đi các hướng, các ngả tăng cường sử dụng các biện pháp trinh sát nghiệp vụ để truy tìm vật chứng, thu thập thông tin, xác minh, điều tra nên đến 16 giờ 30 phút ngày 31-8-2011, tức là sau đúng 1 tuần gây tội ác “tày trời”, tên Lê Văn Luyện, sinh năm 1993, trú quán tại thôn Sơn Đình 2, xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam đã sa lưới pháp luật. Sau chiến công xuất sắc này, tập thể Phòng PC45 được Bộ Công an thưởng "nóng" 20 triệu đồng, còn Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
Bên cạnh chiến công trên, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng đã trực tiếp lập chuyên án điều tra, chỉ huy đánh phá thành công nhiều vụ “án mờ” đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua, điển hình như: Vụ hiếp dâm, giết người, cướp tài sản xảy ra tại thôn Cái Cặn 1, xã Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn ngày 29-12-2009; vụ hiếp dâm, giết người xảy ra tại Trường Cao đẳng Nông lâm Bắc Giang ngày 12-6-2010; vụ giết người, cướp tài sản xảy ra tại xóm Luồng, xã Tân Lập, huyện Lục Ngạn ngày 10-1-2011… Những vụ trọng án này nhanh chóng được phá đã mang lại niềm tin rất lớn cho nhân dân địa phương về tinh thần tiến công tội phạm đến cùng của lực lượng cảnh sát hình sự tỉnh Bắc Giang, trong đó có công không nhỏ của Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng. Theo nhận xét của Đại tá Dương Ngọc Sáu, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang: “Đồng chí Hùng là một sĩ quan chỉ huy rất bản lĩnh, mưu trí và không sợ khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng đối mặt với bọn tội phạm nhiều mưu mô xảo quyệt. Nhờ có ý chí quyết đoán và nghiệp vụ phá án tinh nhuệ, sắc bén nên hầu như vụ án nào đồng chí Hùng trực tiếp chỉ huy phòng PC45 thụ lý cũng đều mang lại hiệu suất cao”.
Bí thư Đảng bộ gương mẫu, tận tụy
Ngoài những tố chất của người chỉ huy cảnh sát hình sự tinh thông nghiệp vụ, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng còn là một Bí thư Đảng bộ gương mẫu, gắn bó sâu sát với quần chúng, ứng xử chan hòa với anh em trong đơn vị. Anh Hùng tâm sự với tôi rằng, làm người chỉ huy đã khó, làm cán bộ lãnh đạo còn khó hơn nhiều. Bởi vì người chỉ huy thiên về mệnh lệnh hành chính, khi đã ra chỉ thị thì cấp dưới phải nhất nhất chấp hành, thực hiện ngay. Còn khi ở vai trò lãnh đạo thì chủ yếu làm công tác giáo dục, thuyết phục là chính. Trong khi đó, lính hình sự vốn đã nhọc nhằn, vất vả, thường xuyên phải xa vợ con, xa gia đình và đối mặt với bao hiểm nguy, kể cả tính mạng cũng nhiều lần bị thách thức, đe dọa. Vì vậy, nếu người lãnh đạo không thực lòng thương yêu anh em trong đơn vị thì mọi người không dễ gì gắn bó, đồng cam cộng khổ với mình trong nhiều vụ phá án đầy khó khăn và cũng không ít rủi ro.
Một cán bộ Phòng công tác chính trị Công an tỉnh Bắc Giang tiết lộ với tôi: Vài năm trước đây, Phòng PC45 cũng có một vài “trục trặc” về đoàn kết nội bộ. Nhưng từ khi về công tác ở Phòng PC45, với cương vị Trưởng phòng, anh Hùng đã khéo uốn nắn đội hình, hàn gắn các mối quan hệ, củng cố và không ngừng vun đắp tình đoàn kết giữa ban chỉ huy, giữa cấp trên - cấp dưới, giữa cán bộ - chiến sĩ gắn bó với nhau như anh em thân thiết trong một gia đình lớn. Đó là cội nguồn sức mạnh để tập thể Phòng PC45 ba năm qua (2009-2011) đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” và cá nhân anh 3 năm đó cũng được tập thể liên tục tín nhiệm bình bầu là “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Mới đây, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng đã được Ban giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng công an”.
Tìm hiểu thêm về bí quyết để tập thể Phòng PC45 vươn lên trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” của lực lượng công an tỉnh Bắc Giang nhiều năm liền, tôi được biết, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng đã có nhiều việc làm thiết thực. Cùng với việc thường xuyên giáo dục anh em trong đơn vị thấm nhuần sâu sắc và thực hiện thật tốt những điều Bác Hồ dạy công an nhân dân, anh luôn gương mẫu rèn luyện và đòi hỏi bản thân cũng như mọi cán bộ, chiến sĩ Phòng PC45 phải kiên trì thực hiện “2 chuẩn, 2 sạch”. Đó là: Chuẩn về lễ tiết, tác phong; Chuẩn về quy trình nghiệp vụ (tức là tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, quy định trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ để không xảy ra sơ suất, sai sót); Sạch về phẩm chất chính trị, đạo đức, tư cách; Sạch trong phong cách giao tiếp, ứng xử với nhân dân (nghĩa là tuyệt đối không được phiền hà, nhũng nhiễu người dân trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào).
Bền bỉ tự giác thực hiện “2 chuẩn, 2 sạch” đó, theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, là để bản thân và đồng đội mỗi ngày sống và làm việc tốt hơn, có trách nhiệm hơn với cộng đồng và xã hội, qua đó góp phần bồi đắp và tôn lên vẻ đẹp của người cảnh sát hình sự trong lòng nhân dân.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẢI