Thành ngữ “Đục nước béo cò” được sử dụng để nói về những người có dã tâm, cố tình lợi dụng những lúc khó khăn của người khác, những lúc tình hình địa phương hoặc đơn vị rối ren, lộn
 |
Việc "đi cửa sau" vẫn tồn tại. Ảnh: Internet |
xộn để mưu cầu lợi ích cá nhân, bất kể người khác, địa phương hoặc đơn vị thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần bao nhiêu đi nữa, miễn càng nhiều phần lợi thuộc về họ là được. Tuy quy mô, phương thức biểu hiện, ảnh hưởng có khác nhau, nhưng tình trạng này ở địa phương nào, đơn vị nào hay ngành nào, cấp nào cũng có. Đây là thói hư tật xấu tồn tại bao đời nay trong cộng đồng Việt Nam chúng ta. Ai cũng ghét cay ghét đắng hạng người như vậy, muốn mau xóa bỏ nó đi. Nhưng mặt trái của lối ứng xử trong cộng đồng lại “
bao bọc” cho những kẻ chuyên khai thác kẽ hở trong đời sống xã hội để mưu lợi cho mình.
Ở góc độ công tác tổ chức mà nhìn nhận, khi xảy ra việc thành lập, sáp nhập hoặc chia tách, giải thể đơn vị hành chính, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội… đều có thể trở thành mảnh đất màu mỡ, miếng ngon cho những kẻ đục nước béo cò tác oai tác quái. Cứ cậy mình làm công tác tổ chức, nắm quyền sinh quyền sát cán bộ, nên ai đó không “đi cửa sau” đến với mình thì đừng hòng mà trông ghế này, đợi chỗ kia (?!). Thế là đẻ ra chuyện “chạy chỗ”. Không quà cáp, biếu xén, phong bì phong bao cẩn thận thì cũng “quên đi” chuyện cất nhắc thăng quan, tiến chức; hoặc được sắp xếp đi học để “thanh toán” bằng cấp theo quy định (?!). Còn nhiều cách “chạy” nữa liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, theo kiểu “đứng núi này trông núi nọ”.
Rất may là số người làm công tác tổ chức cán bộ “mắc bệnh” này không nhiều, do hầu hết các cấp ủy Đảng, là người trực tiếp lãnh đạo, điều hành công tác cán bộ đều coi trọng công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Còn nhớ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Khi giao công tác cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính và những khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm. Cũng như trong quân đội, khi chiến lược, chiến thuật và nhiệm vụ đã quyết định rồi, vị Tổng tư lệnh không cần nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Phải để cho các cấp chỉ huy có quyền “tùy cơ ứng biến” mới có thể phát hiện tài năng của họ. Việc gì cấp trên cũng nhúng vào, cán bộ như một cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh, sinh ỷ lại, mất hết sáng kiến”. Theo đó, người được bố trí làm tham mưu cấp ủy về công tác tổ chức cán bộ luôn được soát xét, cân nhắc chặt chẽ cả về tiêu chuẩn chính trị, đạo đức cách mạng và năng lực thừa hành nhiệm vụ.
Hy vọng rằng, mọi người ở các vị trí xã hội khác nhau, nhưng đều chung tay góp sức lên án, vạch trần, ngăn chặn những kẻ cơ hội, làm cho mối quan hệ trong cộng đồng chúng ta, đặc biệt là trong hệ thống chính trị luôn mang đầy đủ nét văn hóa ứng xử.
MAI MỘNG TƯỞNG
(Hộp thư số 8-Bưu điện Ngô Quyền-TP Đà Nẵng)