 |
Nhà giáo-nhà thơ Vũ Đình Liên. Nguồn: tvtl |
Đời sống vật chất của nhà giáo-nhà thơ Vũ Đình Liên rất đạm bạc, nhưng lại rất dồi dào-giàu có tình nghĩa. Ai cũng biết và ca ngợi tình thương học trò của thầy giáo Vũ Đình Liên có từ khi thầy mới vào nghề-hồi thầy dạy ở trường tư thục Gia Long và Thăng Long thời Pháp thuộc. Suốt hồi kháng chiến chống Pháp, dạy ở Trường sư phạm Liên khu 3 đến thời kỳ thầy làm chủ nhiệm khoa tiếng Pháp-Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội, lúc nào thầy cũng giàu tình thương học trò.
Khi thầy được Nhà nước phong tặng Danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân", thầy đã gửi toàn bộ số tiền thưởng cho Quỹ Khuyến học, để có tiền làm việc khuyến khích học sinh nghèo vượt khó, học tốt.
Những buổi thầy Liên lên lớp giảng, khi chấm bài, khi trả bài…, thầy Liên đều chu đáo, công phu và tận tình chỉ bảo, uốn nắn từng câu, từng chữ cho học sinh. Thầy còn chăm chú nghe ý kiến của học trò, thầy kịp thời động viên những tiến bộ của từng trò. Thầy gần gũi dìu dắt từng người, từng bước, nhất là với học sinh khó khăn đời sống, khiến họ đều trưởng thành nhanh chóng. Tình thương sâu sắc của thầy Vũ Đình Liên đã làm tất cả học sinh, sinh viên ở các nơi thầy dạy đều nhớ mãi, biết ơn mãi; có nhiều người đã ghi lại bằng sổ nhật ký, bằng văn, bằng thơ và đến thăm hỏi thầy và gia đình.
Khi thầy giáo-nhà thơ Vũ Đình Liên qua đời, mọi người rất thương tiếc, đau buồn. Trong sổ tang, nhiều người đã ghi những lời vô cùng sâu sắc, thương cảm và đồng cảm với tấm lòng, với tứ thơ của thầy:
Hoa đào chưa kịp nở
Ông đồ đã đi xa
Trời mưa bay lất phất
Bao nhiêu người khóc cha!
Gia tài cha để lại
Chỉ có sách và thơ
Chỉ có lòng nhân nghĩa
Thương kẻ nghèo bơ vơ!
Đến giờ, đất nước ta, nhân dân ta và những học trò vẫn nhớ, vẫn ghi, vẫn học những gì thầy giáo Vũ Đình Liên đã để lại cùng những tâm huyết với nghề, với con người và với thơ, như bài thơ Ông đồ…
NGUYỄN TIẾN BÌNH