QĐND - “Tượng đài anh Ba tôi đang được Tỉnh đoàn Bình Dương lập dự án đề nghị triển khai xây dựng ngay tại quê hương, nơi anh Ba sinh ra, lớn lên và lập những chiến công bất diệt” - Ông Hồ Văn Sang, một trong hai người em trai cùng cha khác mẹ của Anh hùng, liệt sĩ Hồ Văn Mên đang ngụ tại phường An Thạnh, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) tự hào chia sẻ.

Chân dung anh hùng Hồ Văn Mên.

Trong căn nhà nhỏ của gia đình ông Hồ Văn Sang (tên thường gọi là Sáu Ngọt), bao người thân quen của anh hùng Hồ Văn Mên đang ngồi quây quần hồi tưởng những kỷ niệm năm nào. Như một dòng chảy tự nhiên, câu chuyện về tuổi thơ anh dũng của cậu bé Hồ Văn Mên được mọi người kể lại rành rọt, chi tiết. Bà Nguyễn Thị Chuộng, 83 tuổi, là hàng xóm của gia đình anh hùng Hồ Văn Mên ở ấp Thạnh Lộc, xã An Thạnh (nay là khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh) nhớ, anh Mên sinh năm 1953, hồi ấy nhà Hồ Văn Mên nghèo lắm. Anh mồ côi mẹ từ khi lên 6 tuổi. Cha của Mên (ông Năm Sớt) đi bước nữa, gia cảnh ngày càng túng thiếu bởi đông miệng ăn lại thêm cảnh giặc dã càn quét, bắt quân dịch liên miên. Gần 4 năm sau, ông Năm bị quân cảnh bắt rồi bị chúng đánh đập đến chết. Nhớ lại ngày đó, bà Chuộng xúc động: “Ông Năm Sớt hiền lành như đất, cần cù, chịu khó làm lụng suốt ngày. Vậy mà tụi lính cũng bắt, đánh ông đến tàn phế rồi nhẫn tâm giết hại. Nhưng có lẽ chính nỗi đau ấy đã làm trỗi dậy nỗi oán hận, căm thù trong lòng người con trai lớn của ông. Vốn rất ngoan, ngày ngày giúp bà nội việc nhà và đi chợ bán trầu cau lấy tiền sinh sống nhưng từ ngày cha mất, Mên ít nói hẳn và trở nên gan lỳ, táo bạo lạ thường”. Cũng trong thời gian này, cậu bé Mên đã tìm gặp chú Mười-xã đội trưởng xin được vào du kích và trở thành tổ viên tổ trinh sát thuộc đội du kích “nhí”.

Hồ Văn Mên (thứ tư, từ trái sang) trong lần ra thăm Bác Hồ và bác Tôn (tháng 12-1968). Ảnh tư liệu.

Với bản lĩnh của mình, Mên đã nhiều lần tiếp cận làm quen và “chôm” súng của lính Mỹ, lính bảo an hoặc lượm lựu đạn quăng vào bọn chúng rồi biến mất. Hành động dũng cảm của Mên khiến địch hoang mang, lo sợ còn bà con nhân dân vô cùng thán phục, che chở, cưu mang. Ông Sáu Ngọt nhớ lại: “Ngày má tôi còn sống thường hay nhắc tới anh Ba Mên. Dù dáng người nhỏ thó nhưng anh Ba nhanh nhẹn, thông minh và gan dạ lắm! Có lần cùng anh em trong đội phục kích tiêu diệt thằng Sáu Le, một tên bảo an khét tiếng gian ác, anh Ba bí mật gài mìn ở dưới gầm cầu Trắng rồi nằm ém sẵn ngay phía mép sông để tiện quan sát, điểm hỏa, tăng cơ hội sát thương. Đúng lúc thằng Sáu Le và 3 tên cận vệ khệnh khạng tới nơi, đứng vệ sinh gần chỗ gài mìn. Sợ dây cháy chậm bị ướt, anh Ba cùng đồng đội quyết định điểm hỏa sớm. Mìn nổ tung khiến thằng Sáu Le tan xác. Ba thằng lính cận vệ, một rớt xuống sông, một bị thương nặng, còn một thằng chạy thoát. Sau trận đó, tụi lính bảo an dè dặt hẳn”. “Chưa hết đâu, trận Ba Mên tung lựu đạn tiêu diệt sòng bài Phú Văn mới đậm kìa” - bà Nguyễn Thị Kim Long (thường gọi Tư Long), bạn đồng niên với anh hùng Hồ Văn Mên xen ngang. Bà Tư kể: “Tháng 3-1966, sau nhiều ngày theo dõi quy luật đi lại và hoạt động của tụi lính ở sòng bài Phú Văn, Mên và Tiền “chân lư” (chân vòng kiềng), đội viên du kích “nhí” đã lập kế hoạch tiếp cận, sử dụng lựu đạn tiêu diệt một lúc 59 tên lính thuộc Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 của ngụy gây chấn động dư luận lúc bấy giờ. Trước đó khoảng 10 ngày, Mên đã bố trí mìn phá hủy 1 xe hơi, diệt gọn 1 tên thiếu tá và 2 thằng lính Mỹ. Những chiến công liên tiếp của Mên và đội du kích “nhí” làm nức lòng chiến sĩ, đồng bào, cổ vũ tinh thần đấu tranh trong thanh niên, thiếu niên miền Nam chống lại quân cướp nước”. Sau chiến công vang dội đó, Hồ Văn Mên được bầu là chiến sĩ thi đua toàn miền Nam và được tặng Huân chương giải phóng hạng nhì. Năm 1967, vừa tròn 14 tuổi, Hồ Văn Mên cùng nhóm thiếu niên tiêu biểu về chiến khu dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam. Khi vượt cánh đồng trống trải, cả đoàn phải chạy nhanh vì sợ máy bay địch phát hiện. Lúc qua suối sâu, Mên còn quá nhỏ, không lội được, anh em trong đoàn phải thay nhau cõng Mên. Ngay cả khi đại hội tổ chức cho các dũng sĩ diệt Mỹ báo công để bình chọn đại biểu ra miền Bắc thăm Bác Hồ, Mên cũng được ẵm lên cho mọi người nhìn rõ mặt. Bởi thế, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã sáng tác bài thơ “Anh hùng còn cõng trên lưng” để ca ngợi cậu thiếu niên quả cảm, anh hùng Hồ Văn Mên. Sau lần ra báo công với Bác, Hồ Văn Mên ở lại miền Bắc học tập, công tác. Kết thúc chiến tranh, anh về quê, làm việc tại Ty Thương nghiệp tỉnh Sông Bé. Thế rồi, một ngày đầu tháng 3-1984, vết thương cũ trong đầu đột nhiên tái phát, anh đã vĩnh viễn ra đi trên đường tới bệnh viện khi mới tròn 31 tuổi. Quãng tuổi thơ làm cách mạng, Hồ Văn Mên đã tham gia 7 trận đánh lớn nhỏ và diệt được 79 tên giặc cùng nhiều xe cơ giới của địch. Anh được khen tặng 9 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú. Anh mất đi khi vẫn đang tiếp tục cống hiến cuộc đời cho quê hương đất nước. Trong sổ tang dũng sĩ Hồ Văn Mên, Thượng tướng Trần Văn Trà đã trân trọng ghi dòng chữ: “Sống anh hùng, chết cũng anh hùng”. Với những thành tích vẻ vang trong kháng chiến, Hồ Văn Mên được công nhận là liệt sĩ năm 1991 và được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2005. Tại quê hương An Thạnh của anh có một con đường mang tên Hồ Văn Mên và một giải thưởng Hồ Văn Mên dành cho các em học sinh nghèo học giỏi của tỉnh Bình Dương.

Bài và ảnh: HOÀNG ĐÌNH