QĐND - Ngay sau ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất, nhà thơ Tố Hữu đã có những dòng thơ hay, thống thiết khóc vị tướng tài năng: “Ôi sống như anh, sống trọn đời/ Sáng trong như ngọc một con người/ Thanh ơi, anh mất rồi chăng đấy/ Cứ thấy như anh mở miệng cười…”. Ngày 1-1-2014, nhà lãnh đạo kiệt xuất, danh tướng Nguyễn Chí Thanh tròn 100 tuổi. Nhân dịp này, Sự kiện và Nhân chứng có cuộc trò chuyện với nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân.

Nhà báo Hữu Thọ. Ảnh: Song Thanh.

Nhà báo Hữu Thọ nói:

Giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi còn là Bí thư Phân khu ủy Bình-Trị-Thiên, tên tuổi anh Nguyễn Chí Thanh đã nổi tiếng khắp nước. Sau đó, anh được Đảng và Bác Hồ giao làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, là một trong hai đại tướng đầu tiên của quân đội ta; thời điểm Mỹ mới đổ bộ vào miền Nam, anh nhận trọng trách Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Cuộc đời không dài nhưng lừng lẫy chiến công của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được người đời ngưỡng mộ với các tên gọi: “Nhà chiến lược bẩm sinh”, “Đại tướng nông dân”, “Bậc thầy trong tháo gỡ khó khăn”, “Tướng phong trào”… Một con người tầm cỡ như thế, khiến tôi rất tự hào khi may mắn được gần gũi, tham gia giúp việc anh, lúc anh đang đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước…

Tư lệnh “mặt trận hàng đầu” và một nghị quyết “lạ”

Phóng viên (PV): Khi về Báo Nhân Dân làm phóng viên nông nghiệp cơ duyên nào khiến ông có cơ hội tiếp xúc, gần gũi với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh?

Nhà báo Hữu Thọ: Lúc đầu chưa được tiếp xúc ngay đâu. Mà chuyện sau này tôi được tiếp xúc và làm việc với anh Thanh cũng rất ngẫu nhiên và tình cờ. Về Báo Nhân Dân, tôi được anh Hoàng Tùng phân công làm về lĩnh vực nông nghiệp, trong khi trước đó tôi chỉ là anh học sinh Trường Bưởi, rồi tham gia kháng chiến, làm cán bộ trong vùng địch hậu, có biết gì về nông nghiệp đâu. Vậy nên anh em vẫn trêu là: Thọ đi cày đường nhựa mà (cười).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên đường công tác tại chiến trường miền Nam năm 1965.  Ảnh chụp lại.

Khi được anh Thanh gọi lên tham gia công việc, tôi rất bất ngờ. Tôi có hỏi Mai Quang Ca là trợ lý của anh Thanh thì anh ấy bảo: "Đại tướng đọc Báo Nhân Dân thấy cậu viết nhiều về nông nghiệp, lại hay đi đây đi đó nên chỉ định lên giúp việc, chứ nào có biết cậu là ai…”

PV: Lúc này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được giao phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng. Có nhiều người thắc mắc, một Đại tướng lừng danh như thế tại sao lại lui về làm nông nghiệp, trong lúc đất nước đang còn chiến tranh?

Nhà báo Hữu Thọ: Đúng là có nhiều người vẫn thắc mắc như vậy. Nhưng phải hiểu thế này, lúc đó theo đường lối của Đảng, nông nghiệp được xác định là mặt trận hàng đầu. Cho nên Đảng cử một vị đại tướng tin cậy của Bác Hồ sang phụ trách nông nghiệp, chính là để đảm nhiệm trọng trách “tư lệnh” mặt trận quan trọng hàng đầu và đang rất khó khăn, chứ không phải đại tướng lui về làm dân sự. Trước khi nhận nhiệm vụ mới này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dặn Đại tướng: "Phong trào mới nhóm, trầm trầm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi"...

PV: Dấu ấn Nguyễn Chí Thanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng rất nổi bật, đặc biệt với “Gió Đại Phong” mà ai cũng biết. Nhưng theo tôi hiểu, đó mới chỉ là mô hình, phong trào cụ thể. Ở mặt trận hàng đầu này, dấu ấn nào trong tư duy ở tầm chỉ đạo chiến lược của Nguyễn Chí Thanh được thể hiện rõ nét nhất, thưa ông?

Nhà báo Hữu Thọ: Khi được giao phụ trách nông nghiệp, dấu ấn đầu tiên của anh Nguyễn Chí Thanh là chuẩn bị cho Trung ương ra một nghị quyết về nông nghiệp. Điều này thể hiện rất rõ tư duy và phong cách của anh. Sau này qua tổng kết và những trải nghiệm trong cuộc sống, công tác và được tiếp xúc với anh, tôi mới hiểu sâu sắc về nghị quyết quan trọng đó. Điều đặc biệt mà tôi rất tâm đắc của nghị quyết là một sắc thái rất lạ, mang tính thực tiễn rất cao mà đến hôm nay tôi ít gặp một nghị quyết nào tương tự như thế. Tôi lấy ví dụ, câu ta vẫn hay nói về nông nghiệp là “Mở rộng diện tích”, “Nâng cao mức sống nông dân” thì nghị quyết hồi ấy đã được thay bằng khẩu hiệu là “Phá xiềng ba sào” và “Đuổi kịp mức sống trung nông”. “Mở rộng diện tích”, “Nâng cao mức sống nông dân” là chủ trương; “Phá xiềng ba sào” và “Đuổi kịp mức sống trung nông” mới là khẩu hiệu và mới thành phong trào. Một phong cách mới lạ, thể hiện tính quần chúng rộng rãi trong nghị quyết. Hoặc chủ trương “Thủy lợi là mặt trận hàng đầu” cũng rất quan trọng, lần đầu tiên được thể hiện trong một văn kiện của Đảng… Những chủ trương mang tính chính trị chung chung đã được diễn đạt bằng những ngôn ngữ, những khẩu hiệu cụ thể, mở đường cho việc nở rộ các phong trào, mô hình sâu rộng trên mặt trận nông nghiệp…

 “Các cậu cứ cãi thoải mái”

 PV: Ông có nói tới phong cách Nguyễn Chí Thanh. Tôi nghĩ đây cũng là một điểm đặc sắc trong con người của Đại tướng. Những câu chuyện, kỷ niệm nào ông từng chứng kiến nói lên phong cách của Đại tướng?

Nhà báo Hữu Thọ: Điểm nổi bật trong phong cách anh Thanh như tôi biết là tôn trọng thực tiễn. Đi làm việc với anh, không có chuyện đi sáng về tối. Đến Hợp tác xã Đại Phong, anh ở đó hàng tuần để tìm hiểu, về Đồng Tâm (Đoan Hùng, Phú Thọ) anh cũng nhiều ngày ăn ngủ với nông dân. Các cán bộ đi theo giúp việc cho anh Thanh đều phải học, không chỉ học về kỹ thuật mà phải học cày, học bừa và làm được việc như người nông dân…

Khi làm việc với anh Thanh, anh thường tâm sự thẳng thắn với chúng tôi: "Tôi sang phụ trách nông nghiệp là một lĩnh vực mới nên chúng ta cùng nhau học, bàn bạc". Anh cho “cãi” thoải mái. Trong các cuộc họp, anh luôn yêu cầu thảo luận, tranh luận một vấn đề cụ thể. Về mọi phương diện, anh với chúng tôi cách xa nhau lắm. Chúng tôi chỉ là những đảng viên, cán bộ bình thường, anh là Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng nổi tiếng. Khoảng cách ấy xa lắm, nhưng anh vẫn tạo không khí dân chủ để chúng tôi bày tỏ chính kiến, thậm chí nói khác với anh. Có lần anh nói: "Các cậu cứ ý kiến đi, thẳng thắn tranh luận. Dù các cậu chỉ đúng 50% thì cũng đã nắm được một nửa chân lý rồi. Mà không phải ai cũng nắm được nửa chân lý đâu". Tôi vừa vui vừa thật thưa với anh: "Đúng đến 80% có khi nhiều lãnh đạo cũng không chịu đâu, họ “ghè” chết". Anh bảo: "Thế cậu vì cái ghế của cậu hay vì chân lý. Cứ phải cãi cậu ạ". Vì anh thoải mái như thế nên chúng tôi rất mạnh dạn khi ý kiến với anh, kể cả phản biện những vấn đề lớn, chứ không chỉ chuyện đơn giản đâu.

PV: Văn cũng là người. Đọc các bài viết của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên các sách báo cũng thấy được phần nào phong cách của ông. Có thể nói đó là những bài viết thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công và tinh thần chiến đấu rất cao. Từ “Huyện ủy 5 không”, “Chống chủ nghĩa cá nhân” đến những bài báo từ chiến trường mang bút danh “Trường Sơn”…

Nhà báo Hữu Thọ: Trong nhiều hội nghị, anh Nguyễn Chí Thanh thường có thói quen nói vo, mà nói rất hay, dí dỏm mà sâu sắc. Đằng sau các bài viết của anh đã được đăng trên sách, báo, có những chuyện nhiều người chưa biết. Tôi nói ví dụ như bài “Huyện ủy 5 không” mà anh Thanh lấy bút danh là P.V gây chấn động dư luận lúc bấy giờ về tác phong quan liêu, đại khái của một huyện ủy. So với bài đã đăng trên báo và được in trong sách với bản viết tay ban đầu của anh Thanh mà tôi được trực tiếp biết thì còn thiếu một câu với khoảng 2 dòng cuối cùng. Đó là: “Đồng chí có biết đồng chí đang là Bí thư Huyện ủy không và hàng tháng đồng chí có nhớ là mình vẫn lĩnh lương không?”. Được anh cho xem trước, tôi thưa với anh: “Bài viết có tính chiến đấu rất cao nhưng phải ký tên anh, không thể là P.V được vì bài viết đã tuyên chiến về chức trách và trách nhiệm của đồng chí bí thư huyện ủy. Phóng viên chúng tôi thì không thể nói thế được. Còn nếu anh vẫn để bút danh P.V thì nên bỏ câu cuối cùng”. Sau đó, anh nghe tôi, bỏ câu đó và giữ nguyên tên tác giả bài viết là P.V. Còn bài “Chống chủ nghĩa cá nhân” có chi tiết rất thú vị khi anh nói chuyện về nội dung này. Anh bảo: "Người mang chủ nghĩa cá nhân là khi nhận việc gì cũng đều tính toán thiệt hơn, trong đầu anh ta luôn lởn vởn câu: “Được gì, được gì; mất gì, mất gì”. Anh nói câu ấy trên diễn đàn và mô tả bằng động tác đi đi, lại lại và nói “được gì, được gì; mất gì, mất gì”. Câu nói và hình ảnh ấy làm tôi ấn tượng và nhớ mãi…

Là con người của thực tiễn, anh rất ghét những người lý luận suông, nói kiểu sách vở, kinh viện. Có lần, anh mời một nhà khoa học tên tuổi đến nói chuyện về kỹ thuật nông nghiệp tại một hội nghị cán bộ cấp cao, có nhiều Ủy viên Bộ Chính trị dự. Nhà khoa học này nói say sưa hàng tiếng đồng hồ nhưng chủ yếu là lý luận xa vời, trích dẫn về việc Các Mác nghiên cứu thế này, Ăng-ghen, Lê-nin nói thế kia… Anh Thanh ngồi ở hàng đầu sốt ruột quá, đi vòng xuống dưới, thấy tôi, anh ghé tai nói nhỏ: “Thọ à, ông này nói Các Mác mà “khác Mác” quá”. Một kiểu phê bình nhẹ nhàng, dí dỏm của phong cách Nguyễn Chí Thanh…

Tự học, lắng nghe và phẩm chất “3T”

PV: Nguyễn Chí Thanh xuất thân từ nông dân và không được đào tạo qua trường học cơ bản nào, nhưng qua thực tiễn, ông đã trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh. Thưa nhà báo Hữu Thọ, có thể lý giải như thế nào về điều này?

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc khi đang cương vị Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Ảnh chụp lại.

Nhà báo Hữu Thọ: Nguyễn Chí Thanh là người học không cao nhưng anh đã trở thành một nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất. Đạt được điều đó chủ yếu là do anh tự học và biết lắng nghe. Lãnh đạo kiệt xuất trước hết tầm trí tuệ phải cao, đồng thời phải có đạo đức đến mức có thể lan tỏa.

Tôi tâm đắc với câu nhận định của Giáo sư Song Thành: “Sau Bác Hồ vĩ đại, một trong những người lãnh đạo có đức có tài, có tâm huyết, khí phách, có sức hấp dẫn, lôi cuốn với quần chúng, đó là đồng chí Nguyễn Chí Thanh”. Uy tín Nguyễn Chí Thanh không chỉ bằng trí tuệ mà còn qua chính cuộc sống riêng của anh. Tôi đã từng được anh cho ăn cơm tại nhà riêng khi làm việc quá giờ. Bữa ăn của một Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị cũng bình thường như bao người dân khác. Tôi cũng chưa thấy anh có bộ quần áo nào sang trọng. Khi sang làm nông nghiệp, không bao giờ thấy anh mặc quân phục với quân hàm đại tướng cả. Anh nghiện thuốc lá nhưng không hút loại sang, anh hay hút thuốc Hoàn Kiếm là loại bình dân lúc bấy giờ...

Quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Chí Thanh luôn được Đảng và Bác Hồ đặc biệt quan tâm, tin tưởng và dìu dắt. Người thầy Hồ Chí Minh có tâm, trí tuệ và uy tín rất lớn. Bác đã nêu một tấm gương sáng cho đồng bào, đồng chí, trong đó có những người học trò gần gũi như anh Nguyễn Chí Thanh học tập và noi theo. Vì thế, Bác Hồ đã đoàn kết và tập hợp được những tinh hoa, một thế hệ vàng với nhiều cán bộ lãnh đạo tài năng, đức độ.

PV: Từ tấm gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông có tâm sự gì với thế hệ hôm nay?

Nhà báo Hữu Thọ: Mỗi thế hệ đều phải có trách nhiệm với lịch sử. Thế hệ bây giờ có phức tạp hơn ngày trước. Bảo vệ chủ quyền quốc gia bây giờ cũng không đơn giản. Vì không chỉ lo đấu tranh với xâm lăng truyền thống mà chúng ta còn phải lo đối phó với xăm lăng phi truyền thống, những xâm lăng văn hóa, biên giới mềm, những quan niệm nhân quyền cao hơn chủ quyền… Mới đây, chúng tôi bàn về nguy cơ văn hóa, có 3 vấn đề rất lớn được đặt ra mà hiện nay đang xuất hiện: Sự tụt hậu về trí tuệ, nguy cơ vong bản và không chế ngự được sự quyến rũ về quyền lực và vật chất. Riêng về trí tuệ bây giờ có một tổng kết rất đáng lưu tâm, đó là: Bằng cấp thì nhiều lên nhưng trí tuệ thì ít đi; máy tính thì nhiều lên nhưng sự giao tiếp trực tiếp với con người ít đi và nhà thì cao lên, to lên nhưng gia đình thì bé đi. Một sự báo động đáng sợ. Có học giả nói với tôi: Nếu để khủng hoảng kinh tế thì phải khôi phục 10-20 năm nhưng nếu để nguy cơ văn hóa diễn ra thì phải khắc phục vài thế hệ. Hiện trạng ấy đòi hỏi thế hệ hôm nay phải có kiến thức toàn diện và bản lĩnh vững vàng, dám đương đầu với thách thức và có khả năng bứt phá.

Học Nguyễn Chí Thanh, theo tôi trước hết là ở tinh thần trọng dân, quý dân và học dân. Các tổng kết và phong trào nổi tiếng do Nguyễn Chí Thanh phát động đều xuất phát từ thực tiễn, từ sáng kiến của quần chúng nhân dân mà qua lăn lộn ở cơ sở ông đã tiếp thu được. Đồng thời, học Nguyễn Chí Thanh còn là học ở ý chí, nghị lực, sáng tạo và lòng yêu nước; học về phong cách tác phong: Gần gũi, giản dị, lắng nghe và bao dung với mọi người…

Trước đây tôi đã từng phát biểu tại một hội nghị Trung ương là phẩm chất của cán bộ lãnh đạo phải bao gồm “3T”: Tâm-Tầm-Tín, nghĩa là: Phải có lòng với Tổ quốc, với nhân dân; phải có tầm cao trí tuệ, kiến thức và phải có uy tín, tín nhiệm. Đó là yêu cầu với cán bộ mọi cấp, cấp xã hay Trung ương cũng phải có “3T”, tất nhiên tầm mức khác nhau.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những người tiêu biểu cho 3 chữ T đó ở tầm lãnh đạo quốc gia mà thế hệ hôm nay cần thiết phải học tập, noi theo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn nhà báo Hữu Thọ!

HOÀNG TIẾN thực hiện