Nguyễn Thị Ba sinh tháng 2-1917, là con út trong một gia đình nông dân có 11 người con ở xã Hựu Thạnh - huyện Đức Hòa - tỉnh Tân An (nay là Long An). Gia đình bà giàu truyền thống yêu nước, thương nòi, hai anh bà tham gia tổ chức cộng sản từ rất sớm. Đức Hòa quê bà là một trong những nơi phong trào cách mạng hình thành sớm nhất và phát triển mạnh nhất ở Nam Bộ.
Tuổi thiếu niên, lần đầu Nguyễn Thị Ba biết tới từ "cộng sản" khi nghe người ta bàn tán xôn xao trước việc trên sông xuất hiện một chiếc bè nhỏ, trên cắm lá cờ đỏ có hình búa liềm. Sau khi được anh trai giải thích cộng sản là những người chính nghĩa, quyết tâm đánh đuổi thực dân, phong kiến để giải thoát nhân dân khỏi ách nô lệ, khỏi cảnh lầm than thì bà rất có cảm tình với cộng sản. Năm 1935, khi vừa tròn 18 tuổi, bà bắt đầu theo hai anh đi làm cách mạng, hoạt động trong "hội kín" với nhiệm vụ canh gác, bảo vệ, phát hiện địch để báo động cho các cuộc hội họp, mít-tinh. Thấy bà hễ rảnh việc nhà là lén đi, nhiều lần đêm hôm cũng đi, má bà la: "Con gái đi nhiều là hư đó!". Bà thưa: "Con đi với hai anh, không hư đâu má à!". La hoài mà bà vẫn cứ đi, má bà đành bảo hai anh bà rằng: "Tao giao nó cho tụi bay. Tụi bay phải dạy dỗ nó, không được để nó hư hỏng!".
 |
Bà Nguyễn Thị Ba nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. |
Tháng 5-1936 Nguyễn Thị Ba được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tới tháng 9 năm đó thì được công nhận là đảng viên chính thức. Lúc này, nhờ Mặt trận bình dân lên nắm quyền ở Pháp mà bầu không khí tại thuộc địa đỡ ngột ngạt, các phong trào yêu nước có điều kiện phát triển sâu rộng hơn. Nguyễn Thị Ba hăng hái hoạt động trong các hội ái hữu, hội nông dân đỏ và đã trưởng thành nhanh chóng. Năm 1940 bà tích cực tham gia chuẩn bị và tiến hành cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Khi khởi nghĩa thất bại, bà cùng đội du kích rút vào vùng sâu ở huyện Đức Huệ - tỉnh Tân An để mở công binh xưởng sản xuất vũ khí, đạn dược. Nhiệm vụ của bà là đi các nơi tìm mua diêm sinh đem về để anh em chế tạo thuốc nổ. Vài tháng sau, do địch tăng cường khủng bố, bà thì đau yếu nên tổ chức cho bà lánh về xã Vân Côi - huyện An Biên - tỉnh Rạch Giá làm công tác giao thông liên lạc. Đầu năm 1941 bà xây dựng gia đình với ông Trần Văn Phước1, một người đồng chí thân thiết. Vài tháng sau, vợ chồng vừa bén hơi nhau thì ông Phước và anh bà là ông Trần Trung Tam2 bị địch bắt, đày ra Côn Đảo. Giữa năm 1943 bà chắp nối được liên lạc với ông Trần Văn Giàu3, sau đó làm giao thông liên lạc cho Xứ ủy Nam Kỳ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Trần Văn Giàu.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Nguyễn Thị Ba mừng vui khôn xiết khi được gặp lại chồng và anh trai từ địa ngục trần gian Côn Đảo trở về, nhưng vì điều kiện hoạt động, vợ chồng bà vẫn cứ như vợ chồng Ngâu. Bà chuyển sang công tác phụ nữ, lần lượt làm ủy viên tài chính của Ban chấp hành hội phụ nữ
Sài Gòn - Gia Định, cán bộ Ban chấp hành hội phụ nữ tỉnh Tân An, ủy viên thường vụ Ban chấp hành hội phụ nữ huyện Mộc Hóa - tỉnh Tân An... Ở cương vị nào bà cũng cố gắng hết mình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 7-1954, bà đang làm công tác vận động giảm tô, giảm tức, đóng thuế nông nghiệp ở tỉnh Rạch Giá thì được bà Bảy Huệ4 là cán bộ lãnh đạo Hội phụ nữ Nam Bộ gọi về dự lớp chỉnh huấn 1 tháng. Biết chồng bà đã ra miền Bắc từ năm 1952, bà thì đang có 2 con nhỏ, con gái đầu 5 tuổi, con trai út mới lên 2, không thể tập kết ra Bắc như nhiều cán bộ khác, bà Bảy Huệ động viên: "Đối với người cán bộ cách mạng thì tập kết ra Bắc hay ở lại hoạt động đều là nhiệm vụ vinh quang". Bà vui vẻ nói: "Là người mẹ, tôi không mong gì hơn là được ở lại chăm sóc các con. Tôi cũng đã nhận thức rõ tình hình và nhiệm vụ cách mạng nên xác định mình cần tiếp tục công tác lâu dài trong lòng địch mà không áy náy gì". Nghe vậy, bà Bảy Huệ mới phổ biến rằng tổ chức có ý định chuyển hẳn bà sang làm công tác giao thông liên lạc.
Chỉnh huấn xong, Nguyễn Thị Ba được điều về Ban nghiên cứu (cơ quan tình báo) của Xứ ủy Nam Bộ, làm giao thông viên dưới quyền ông Mười Hương5, ủy viên của ban. Lần đầu gặp mặt, ông Mười Hương nói với bà: "Ngoài việc phải thường xuyên đối mặt với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm do sự kiểm soát gắt gao của địch, người cán bộ, nhân viên tình báo còn phải đứng vững trước sự cám dỗ của cuộc sống xa hoa, hưởng lạc. Nếu không sẵn sàng chấp nhận hi sinh, không một lòng một dạ trung thành với sự nghiệp cách mạng thì không thể làm tốt công tác tình báo. Chị có ý kiến gì không?". Bà trả lời: "Tôi thấy tình báo là một ngành rất quan trọng. Tôi quyết tâm phục vụ trong ngành để góp phần đánh tan bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dù có rơi vào hoàn cảnh nào, dù có phải hi sinh, mất mát đến đâu tôi cũng không nản chí, sờn lòng. Anh cứ an tâm mà giao nhiệm vụ cho tôi, tôi sẽ gắng sức hoàn thành". Sau đó ông Mười Hương đã trực tiếp hướng dẫn bà các nội dung nghiệp vụ như ngụy trang tài liệu, bắt liên lạc, điều tra tình hình dọc đường đi, theo dõi và chống theo dõi. Ông còn bồi dưỡng thêm cho bà về chính trị. Ông nhấn mạnh: "Làm cách mạng, đặc biệt là làm tình báo phải có lòng nhiệt tình song không được để lòng nhiệt tình chi phối. Phải luôn thận trọng, cảnh giác, có tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao vì bên mình thường xuyên có địch rình rập".
Để đáp ứng yêu cầu công tác, Nguyễn Thị Ba đã nuốt nước mắt gửi hai con thơ nhờ người chị chồng nuôi dạy. Từ cuối năm 1954 tới cuối năm 1956 bà đảm nhiệm tuyến giao thông Cà Mau - Sài Gòn, do các ông Tám Nhiệm, Ba Công trực tiếp phụ trách. Vì phải đi lại nhiều, đường sá xa xôi, gập ghềnh, trắc trở nên sức khỏe của bà suy giảm rõ rệt. Đầu năm 1957, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và để bà có điều kiện dưỡng sức, tổ chức điều bà về công tác ở huyện Hồng Ngự - tỉnh Châu Đốc. Năm 1959, được tổ chức cho phép, bà chuyển vào nội thành Sài Gòn tạo thế đứng chân hợp pháp ở quận Gò Vấp, lấy buôn thúng bán bưng làm sinh kế, đồng thời làm vỏ bọc để hoạt động. Giữa năm 1961 bà được tổ chức gọi tới căn cứ Phú Hòa Đông ở huyện Củ Chi để huấn luyện về chính trị và nghiệp vụ. Trong một tháng huấn luyện, bà tỏ ra vừa chặt chẽ, đúng nguyên tắc, vừa nhạy bén, sáng tạo. Một lần thực hành, bà đã không đặt hộp thư chết ở gần bảng tin công cộng như hướng dẫn của giáo viên vì cho rằng nơi đó thường xuyên có người qua lại, kẻ địch cũng hay theo dõi. Nghe bà trình bày, giáo viên đã nhất trí. Khi đợt huấn luyện gần kết thúc, ông Mười Nho6 là Trưởng ban Tình báo Sài Gòn - Chợ Lớn tới gặp riêng bà và nói: "Cấp trên đang cần một người chắp nối rồi duy trì liên lạc với một điệp viên của ta ở nội thành Sài Gòn. Điệp viên này tính rất cẩn thận, kĩ càng, kén người cùng công tác. Cấp trên đã cử mấy người vào rồi mà anh ấy chưa ưng ai. Xét con người, kinh nghiệm hoạt động và kết quả huấn luyện vừa qua của chị, cấp trên thấy chị đáp ứng được yêu cầu của anh ấy. Vậy ý chị thế nào?". Bà đáp mà không chút đắn đo: "Nếu cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, tôi sẽ cố hết sức để hoàn thành".
Một ngày cuối năm 1961, theo quy ước, Nguyễn Thị Ba mặc áo dài màu xanh, một tay xách chiếc giỏ bằng ni-lông trong có một con búp-bê, tay kia cầm bó hoa huệ tới nhà thờ Huyện Sỹ để chắp nối liên lạc với điệp viên "kén người" kia. Đặc điểm nhận dạng của điệp viên đã được cấp trên cung cấp một cách sơ bộ. Mật khẩu là bà hỏi: "Anh Bảy đi đâu đó?", điệp viên trả lời: "Xin lỗi chị, tôi thứ Ba" (7+3=10), nhưng hôm đó điệp viên không xuất hiện. Sau khi nán lại ít phút, bà ra về với nhiều băn khoăn, lo lắng. Hôm sau, bà lại tới điểm hẹn rồi lại phải về vì điệp viên vẫn không xuất hiện. Nỗi băn khoăn, lo lắng tăng lên gấp bội. Hôm sau nữa điệp viên mới xuất hiện, trao đổi mật khẩu rồi dẫn bà vào một tiệm giải khát gần đó chuyện trò. Điệp viên gửi thư nhờ bà chuyển tới ông Mười Nho và nói đã đồng ý công tác cùng với bà. Quá trình bảo đảm giao thông liên lạc cho điệp viên huyền thoại Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn) của bà chính thức bắt đầu.
Lúc đầu, giao thông liên lạc với ông Hai Trung được duy trì ở mức mỗi tháng một kì. Về sau nhịp độ tăng dần, mỗi tháng lên 2 kì rồi 3 kì... Vào một số giai đoạn, nhịp độ lên tới mỗi tuần một kì. Đó là giao thông liên lạc thường lệ, ngoài ra còn các chuyến bất thường, hỏa tốc. Tổng cộng trong 14 năm (1961-1975), Nguyễn Thị Ba đã thực hiện an toàn gần 500 chuyến giao thông và chừng ấy phiên liên lạc với ông Hai Trung, kể cả vào những dịp chiến sự căng thẳng. Để tránh bị địch theo dõi, phát hiện, địa điểm liên lạc mỗi lần lại phải mỗi khác. Sau này, ông Hai Trung nhận xét: "Chị Ba có trí nhớ tốt, thông thuộc địa bàn Sài Gòn, chấp hành nghiêm nguyên tắc và kỉ luật hoạt động, có ý thức cảnh giác cao, ngụy trang tài liệu chu đáo, thực hiện giờ giấc chính xác, dù mưa gió, ốm đau vẫn không lơi là nhiệm vụ. Chị lớn tuổi hơn tôi, đã thẳng thắn góp ý, giáo dục tôi. Chị đã hi sinh cả tình cảm gia đình, sống một mình để hoạt động cho ngành tình báo. Tôi rất khâm phục chị!".
Trong quá trình hoạt động tình báo, Nguyễn Thị Ba đã được tặng thưởng một huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, một huân chương Chiến công giải phóng hạng ba và nhiều bằng khen, giấy khen. Ngày 15-1-1976, Thượng úy Nguyễn Thị Ba được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Năm 1980 bà nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá. Hiện bà sống với gia đình người con trai là Trần Chiến Thắng, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Long An trong một ngôi nhà giản dị tại xã Bình Thạnh - huyện Thủ Thừa - tỉnh Long An. Ở tuổi 94, thể lực và trí lực đã giảm đi nhiều nhưng kí ức về những tháng năm hoạt động cách mạng, đặc biệt là về 14 năm trực tiếp bảo đảm giao thông liên lạc cho điệp viên Hai Trung của bà vẫn luôn tươi mới...
1. Nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Tân An, nay đã mất.
2. Tên thật là Nguyễn Tấn Hoạch, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tân An, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Liên tỉnh ủy Mỹ Tho, Tỉnh ủy Chợ Lớn, Tỉnh ủy Sa Đéc - Long Châu Sa, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Y tế, nay đã mất..
3. GS, NGND, AHLĐ, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ.
4. Tên thật là Ngô Thị Huệ, phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Linh.
5. Tên thật là Trần Ngọc Ban, tên thường dùng là Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, hiện đã nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh.
6. Tên thật là Nguyễn Nho Quý, tên thường dùng là Nguyễn Xuân Mạnh, đại tá tình báo, hiện nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh.
Vũ Sáng