QĐND - Trong một trận đánh, bà bị thương và bị địch bắt. Chúng đã cắt cụt cả hai chân bà. Với nghị lực của người chiến sĩ cách mạng, bà đã kiên cường vượt lên tất cả để làm nên những điều kỳ diệu...
 |
Bà Tám vui hạnh phúc cùng con cháu. |
Chiến đấu trên đôi tay còn lại
Khi mai vàng hé nụ cũng là lúc nhân dân xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận vào mùa thu hoạch thanh long. Chúng tôi vượt đường rừng bên những vườn thanh long xanh tốt đến nhà nữ du kích Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Thị Mai (Tám Tiệm, còn gọi là bà Tám). Bà Tám sinh năm 1947, ở thôn 3, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Bà Tám vừa bước ra khỏi ruộng thanh long đã nói ngay: “Thanh long năm nay được mùa, tôi tranh thủ thu hoạch kẻo để lâu, mất giá”. Hái những quả thăng long đỏ sẫm mang về, bà chọn những quả đẹp dâng lên bàn thờ Bác Hồ. Thắp nén hương thơm, bà Tám rưng rưng: "Đã hơn 20 năm nay, mỗi ngày thắp hương cho Bác, tôi như được tiếp thêm nghị lực giúp tôi sống khỏe, sống có ích, vui cùng con cháu".
Giai đoạn 1962-1975 của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc là vùng đất sôi sục phong trào cách mạng. Mỹ-ngụy dùng mọi thủ đoạn dồn dân lập ấp chiến lược, lôi kéo, chia rẽ đồng bào với cách mạng. Để chiến đấu bảo vệ xóm làng, bà Tám đã khéo dựa vào dân, tổ chức vận động nhân dân chiến đấu, lập nên nhiều chiến công. Để vận động bà con, hằng ngày, bà vừa làm rẫy, vừa tích cực tuyên truyền đường lối, nghệ thuật kháng chiến của Đảng, Bác Hồ đến đồng bào. Được nhân dân tin yêu, đùm bọc, để chiến đấu lâu dài, bà đã cùng đồng đội chọn địa hình, xây dựng hầm bí mật gần con suối Tam Bảo chảy qua xã Hàm Liêm. Hầm có thể bảo đảm sinh hoạt, chiến đấu dài ngày cho khoảng 1 tiểu đội từ 7 đến 10 người và chịu được sức công phá của bom. Từ hầm, du kích có thể tiến hoặc rút vào các bản làng, có rừng núi che chở rất lợi hại. Căn hầm như cái gai nhọn, bọn địch đã nhiều lần huy động xe tăng truy quét nhưng khi chúng càn quét tới thì chỉ còn là căn hầm không người. Địch càng ném bom đạn xuống xóm, ấp, chúng càng làm cho phong trào chống Mỹ-ngụy ở các địa phương tăng cao. Căn hầm vì thế tồn tại suốt từ năm 1962 đến 1967. Ngày 8-3-1968, trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, Sư đoàn 23 ngụy ập đến càn quét huyện Hàm Thuận Bắc. Hôm ấy, đội du kích xã Hàm Liêm được lệnh rút vào rừng chỉ để lại 5 người chốt giữ hầm, trong đó có bà Tám. Bọn địch tung quân áp sát ném lựu đạn, xả đạn vào trong hầm. Trước sức tấn công mạnh của địch, các chiến sĩ du kích đã kiên cường chiến đấu chống trả quyết liệt, tiêu diệt tại chỗ 6 tên địch. Nhưng do chênh lệch về lực lượng, 4 chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh, nữ du kích Phạm Thị Mai bị thương nặng, ngã gục xuống sàn hầm. Bà nhớ lại giây phút đó: "Chúng xộc vào hầm, đạp chân vào người tôi, thấy tôi còn ngắc ngoải, chúng reo hò, kéo tôi tống lên xe, chở về phi trường tỉnh Bình Thuận. Nằm bẹp trên sàn phòng khám, tôi cố gượng đưa tay sờ xuống chân, thấy máu ra nhiều quá. Sau đó, tôi được chúng băng tạm nhưng đôi chân đã tím ngắt. Khi tôi hồi tỉnh, chúng bắt đầu dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn, mua chuộc. Chúng dùng gậy gỗ liên tục quật ngang người. Không khai thác được gì, chúng chuyển sang dụ dỗ. Chúng bảo: "Nếu cô khai ra cán bộ cách mạng, từ bỏ cách mạng thì chúng tôi sẽ cấp xe, nhà ở Phan Thiết (Bình Thuận), cho người phục vụ...". Tôi đã chửi thẳng vào mặt chúng: "Các ông có thể dùng xiềng xích tra tấn tôi đến chết, nhưng tôi không bao giờ từ bỏ cách mạng". Không thể khuất phục được bà, chúng chuyển bà xuống Bệnh viện Phan Thiết. Khi đôi chân đã bốc mùi, chúng lại lôi ra tra tấn, cắt chân bà đến 3 lần, gần hết cả phần đùi rồi đưa bà về giam cùng 5 chiến sĩ khác. Tại đây, bà Tám vận động anh em tổ chức các đợt đấu tranh chống lại sự tàn ác đối với tù nhân. Tháng 9-1969, nghe tin Bác Hồ mất, bà Tám tổ chức các chiến sĩ để tang và biến đau thương thành đợt sinh hoạt chính trị, đấu tranh cách mạng. Không có ảnh Bác, các chiến sĩ vẫn tổ chức mặc niệm và cùng nhau kể chuyện, hát về Bác… Không khai thác được gì, tưởng bà bị cụt chân sẽ chẳng làm được gì nữa, nên tháng 12-1970, bà được chúng thả tự do.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Thị Định và đồng đội đến thăm động viên bà Tám sau chiến tranh. Ảnh chụp lại |
Ra khỏi nhà giam của địch, bà Tám bắt liên lạc ngay với cơ sở và tiếp tục vận động tập hợp đồng bào, du kích chiến đấu bảo vệ tự do ở từng xóm, ấp. Tháng 4-1972, bà hướng dẫn và cùng các du kích gói thuốc nổ vào thùng đạn đại liên của địch, gắn kíp, bí mật đặt vào sân đồn Tân Bình, xã Hàm Liêm. Lính ngụy Sư đoàn 23 càn quét về, nhìn thấy thùng đạn, chúng xông vào lấy, vấp dây, khối thuốc bị kích nổ, diệt tại chỗ 28 tên địch. Các du kích cướp được nhiều vũ khí của địch. Có vũ khí, bà cùng các du kích, đồng bào tháo kíp lấy thuốc nổ từ lựu đạn, đạn B40, M26, MK3, đạn pháo 105mm… hỏng, chế mìn đặt tại những đoạn đường mà bọn địch thường hành quân, càn quét, đã tiêu diệt và làm bị thương hơn 100 tên địch. Tháng 8-1973, trước những tổn thất liên tiếp, chúng nghi ngờ bà đã tiếp nhận, chế tạo vũ khí và bắt giam bà lần thứ 2. Tháng 7-1974, tại phiên tòa xét xử của Tòa án Quân khu 2 ngụy, không đủ chứng cớ, chúng buộc phải thả tự do cho bà.
Hạt nhân đoàn kết đồng bào
Từ sau giải phóng đến năm 1988, bà Tám được cán bộ, nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Phó bí thư Chi bộ thôn 3, cán bộ Ban Quản lý Hợp tác xã Hàm Liêm, cán bộ Hội phụ nữ xã. Để hoàn thành nhiệm vụ, hằng ngày bà luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Trong xóm, ấp mỗi khi phát sinh mâu thuẫn, những tệ nạn xã hội, bức xúc của dân, bà tự mình đi xe lăn đến từng nhà trong ấp, xóm để tìm hiểu, tuyên truyền vận động, kể chuyện truyền thống, làm cho mọi người hiểu rõ đúng, sai. Chị Lê Thị Dung, ở thôn 3, có mâu thuẫn trong gia đình, bà cùng Hội phụ nữ tự đến tìm hiểu chia sẻ và đồng cảm… Tấm gương về sự tận tụy của bà đã cảm hóa mọi người, trở thành trung tâm đoàn kết của đồng bào, được nhân dân tin cậy. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất chi bộ, hợp tác xã của bà luôn cụ thể, được đồng bào đón nhận và thực hiện hiệu quả. Xã tổ chức tốt việc rà phá bom mìn, tích cực tận dụng khai phá đất hoang, xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi giống cây trồng. Công tác bảo vệ rừng, môi trường, bản sắc văn hóa đồng bào được gìn giữ và phát huy, đời sống nhân dân cải thiện. Thật kỳ diệu, trên đôi bàn tay còn lại, bà đã cùng cấp ủy, đồng bào biến mảnh đất ngày xưa chiến tranh bom đạn cày xới, chất độc hóa học, khiến cỏ cây trơ trụi, trở thành những đồng lúa, nương ngô, vườn thanh long đơm trái... Những việc làm của bà Tám đã có sức thuyết phục thu hút người dân đoàn kết vươn lên xây dựng cuộc sống. Bà có hai người con. Một người được bà xin nuôi từ khi còn là một trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận; một người con mang dòng máu của đồng đội trong kháng chiến. Vừa làm cha, vừa làm mẹ, bà chủ động trồng, cấy 12 sào ruộng, rẫy lúa, sắn... Hết vụ, bà còn nhận hàng thêu, may, làm thêm để tăng thu nhập. Với sự giúp đỡ của chính quyền, đồng đội cùng những năm tháng chắt chiu dành dụm, bà đã xây được căn nhà khang trang. Hai cô con gái Phạm Thị ái Lan và Phạm Thị Yến Ly đã trưởng thành. Nhìn con, cháu hạnh phúc trong cuộc sống thanh bình, bà càng cảm động, vì thế đôi tay vẫn không một chút nghỉ ngơi. Gia đình bà chưa giàu về vật chất nhưng ai cũng giàu nghị lực, lòng nhân ái, tinh thần vượt khó.
Nắng Xuân trải dài trên những nương ngô, vườn thanh long trĩu quả. Chia tay người chiến sĩ Anh hùng 45 năm chiến đấu, lao động trên đôi tay còn lại, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc câu nói của ông Tiêu Đình Mẫn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Liêm, sự hy sinh, cống hiến của các chiến sĩ cách mạng như bà Tám là nguồn động lực, tấm gương để mọi người dân địa phương noi theo, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó, năng động, vượt khó xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN