Mẹ âm thầm lặng lẽ tiễn chồng, tiễn con ra trận... Bây giờ ở tuổi 80, mẹ vẫn lặng thầm làm việc nghĩa. Những bệnh nhân nghèo, những cháu nhỏ mồ côi coi mẹ là ân nhân. Họ gọi nồi cháo của mẹ là “nồi cháo Thạch Sanh”. Người mẹ liệt sĩ nhân hậu ấy là Lê Thị Thọ (trú tại số nhà 404/7 Hùng Vương, Đà Nẵng)...

Men theo con hẻm nhỏ tổ dân phố 23, phường Vĩnh Trung, chúng tôi tìm đến nhà mẹ. Cuối thu, những cơn gió từ biển thổi về vẫn không thể xua tan không khí oi nồng của khu phố chật chội này.

Mẹ Thọ bên tập hồ sơ, địa chỉ các trường hợp nghèo khổ cần giúp đỡ

Mẹ Thọ ngồi đó, mái tóc bạc phơ, hai tay run run dò tìm từng mẩu giấy, rồi cặm cụi ghi ghi, chép chép. Thỉnh thoảng mẹ dừng bút, khuôn mặt tái nhợt cố nén cơn đau.

“Thưa mẹ! Con là phóng viên báo Quân đội nhân dân, con muốn đến viết bài về mẹ...!”. Tôi chủ động lên tiếng. Mẹ dừng tay: “Con vào nhà chơi, uống nước. Công việc mẹ làm cốt giúp đỡ người nghèo khổ, có chi mà các con phải biểu dương”. Tôi chưa kịp trả lời mẹ thì có tiếng chuông điện thoại đổ dồn. Tiếng mẹ nhỏ nhẹ nói vào tổ hợp: “Cháu đừng lo, bà ăn uống như vậy là tốt lắm rồi! Tuổi già không có nhu cầu ăn nhiều lắm đâu!”.

Có tiếng xe máy ngoài hẻm, một phụ nữ trạc ngoài 50 tuổi bước vào, trên tay xách đầy một túi trái cây. Chị nhanh nhảu chào mẹ rồi quay sang tôi: “Chú là nhà báo phải không? Chuyện về mẹ Thọ thì chú viết cả ngày không hết đâu! Mẹ là con người “trên cả tuyệt vời”, luôn sống vì cái tâm, cái thiện, cống hiến cả cuộc đời cho xã hội”.

Qua tâm sự tôi biết chị là Nguyễn Thị Ty, nguyên y tá Khoa tim mạch, Bệnh viện C Đà Nẵng (nay đã nghỉ hưu)- người vẫn thường xuyên đến khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho mẹ Thọ. Câu chuyện chị Ty kể, giúp tôi hiểu thêm những việc làm đầy tình nghĩa của mẹ trong gần hai chục năm qua.

Sau khi nghỉ hưu, mẹ Thọ mong muốn làm một việc gì đó có ích cho xã hội, mẹ tự nguyện vào làm việc trong hội từ thiện thành phố. Hồi còn làm chủ tịch Hội phụ nữ phường Phước Ninh, mẹ đã thấu hiểu sự thiếu thốn và nỗi đau của những người chẳng may phải vào viện, nhất là bệnh nhân nghèo ở Khoa Nhi. Mẹ từng chứng kiến cảnh trẻ nhỏ kêu khóc vì đói, những người mẹ rơi nước mắt khi không có cả tiền mua cháo cho con. Vậy là ý tưởng “Nồi cháo tình thương” được hình thành từ cuối năm 1992.

Công việc buổi đầu hết sức khó khăn, mẹ phải lặn lội đến tận các chùa chiền, nhà thờ, trực tiếp gặp nhiều gia đình, người thân kiên trì vận động họ cùng tham gia “Nồi cháo tình thương”. Ban đầu nồi cháo chỉ có 50 suất mỗi ngày đặt ở Khoa Nhi, nhưng số bệnh nhân quá đông, do vậy mẹ Thọ đã nấu tăng lên 130 suất. Thấy việc làm của mình thực sự mang lại niềm vui cho những người nghèo, những mảnh đời bất hạnh, mẹ tiếp tục đặt thêm 4 nồi cháo khác tại Khoa Lây, Khoa Lao…

Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hảo tâm tốt bụng tự nguyện mang tiền đến tận nơi góp thêm vào nồi cháo. Một số Việt kiều từ Ca-na-đa, Pháp, Mỹ… biết tin đã viết thư về cho mẹ xin được làm cầu nối giúp đỡ người nghèo và chung tay làm từ thiện. Nhờ sự góp sức của nhiều người, đến nay trên địa bàn Đà Nẵng đã có tới 18 “Nồi cháo tình thương”, mỗi ngày giúp hơn 1.000 bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi đỡ đói lòng.

Không chỉ dừng lại địa bàn thành phố, bằng tấm lòng nhân hậu và trách nhiệm với cộng đồng, mẹ Thọ và những cộng sự của mình đã mở rộng phạm vi hoạt động “Nồi cháo tình thương” vào tận Bệnh viện Đa khoa Tam Kỳ (Quảng Nam). Mẹ còn nhân rộng thêm mô hình “Bữa cơm miễn phí” tại bệnh viện này suốt mấy năm qua. Cùng với việc duy trì “Nồi cháo tình thương”, “Bữa cơm miễn phí”, mẹ Thọ còn đứng ra vận động quyên góp hàng trăm triệu đồng tặng các gia đình chính sách, các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam…

Điều đáng khâm phục ở đây chính là tấm lòng nhân ái, công tâm, nhiệt tình của mẹ đã trở thành tấm gương tiêu biểu, tạo sự gắn kết, cùng lúc vận động được nhiều người, nhiều tổ chức cùng tham gia, trong đó có 13 người là đồng bào công giáo.

Câu chuyện giữa tôi và chị Ty gián đoạn bởi ông Nguyễn Như Gia (chồng mẹ Thọ) vừa đi về. Nhìn thấy tôi, giọng ông sang sảng: “Một tay bà ấy lo lắng mọi bề, việc nước, việc nhà đều chu tất!”.

Ông với tay lần tìm trên gác xép rồi trao cho tôi một tệp giấy ép plát-tích cẩn thận. Ông nói: “Nhà báo xem rồi khắc biết! Phần thưởng của bà ấy hồi còn làm chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phước Ninh đấy!”.

Giọng mẹ Thọ như trách yêu chồng: “Cái ông này kỳ ghê! Chuyện cũ qua lâu rồi, nhắc lại làm chi! Chú ấy cười cho !”.

Tôi chăm chú đọc lướt một lượt. Đó là những tấm Bằng khen, Giấy khen của UBND thành phố tặng mẹ về thành tích giúp đỡ những người một thời lầm lỡ hoàn lương.

Biết tôi quan tâm tới công việc ngày xưa ấy, mẹ Thọ chậm rãi kể: “Hồi mới giải phóng, thành phố tồn đọng nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Nhiều cô gái mặc cảm về quá khứ lầm lỡ phải trốn chui, trốn lủi trong các ngõ hẹp. Thấy như rứa tôi không khỏi chạnh lòng. Suy cho cùng họ cũng là nạn nhân của chế độ cũ mà thôi.

Sau mấy lần bàn bạc với các chị trong ban chấp hành, tôi quyết định đề nghị với bên công an xin được bảo lãnh, giúp đỡ các cô hoàn lương. Buổi đầu bà con trong khối phố còn phản đối, nhiều lúc thấy nản, nhưng được sự động viên của chồng, tôi lại tiếp tục công việc. Xoá bỏ mặc cảm và những lời gièm pha, tôi không quản ngày đêm, bất chấp mưa nắng, tranh thủ thời gian vận động, thuyết phục chị em ra học tập. Một số đối tượng quá khó khăn, tôi còn cho cả quần áo, gạo tiền. Mấy tháng liền bền bỉ, gần gũi chia sẻ với họ, tôi đã thuyết phục được 25 chị em ra học tập và trở thành người lương thiện. Trong số đó, có trường hợp được tôi giới thiệu gả chồng như các cô BM và BY”.

Đang say sưa kể, bỗng nhiên giọng mẹ Thọ chùng hẳn xuống: “Có được cuộc sống thanh bình như hôm nay, dân tộc ta đã phải đổi cả xương máu và sự mất mát hy sinh vô cùng to lớn cháu ạ!”. Nói xong, mẹ lặng lẽ bước đến bên bàn thờ thắp nén nhang cắm lên chiếc bát hương màu đồng, đôi vai gầy rung lên… Trong làn khói hương trầm ngào ngạt, tôi chợt nhận thấy di ảnh của một chiến sĩ giải phóng quân, đầu đội mũ tai bèo, gương mặt thư sinh, đôi mắt cương nghị, rắn rỏi…

Tiếng ông Gia nghèn nghẹn: “Thằng Kiệm, con trai tôi đấy! Cháu đang học năm thứ 3 Trường đại học Thủy lợi thì xung phong lên đường đánh Mỹ. Vào chiến trường gần một năm thì bị thương, được đưa ra Hà Nội cứu chữa, vết thương vừa bình phục nó lại nằng nặc xin quay vào mặt trận, rồi hy sinh tại Quảng Trị. Ngày ấy, vợ chồng tôi nén đau buồn, gắng gượng nuôi con ăn học. Nhưng rồi chiến tranh tiếp tục bùng nổ trên biên giới Tây Nam và phía Bắc, cùng trong một năm vợ chồng tôi lại gạt nước mắt tiễn ba đứa con trai còn lại lên đường nhập ngũ…”.

Sau giây phút xúc động, mẹ Thọ bước tới lục lọi trong chiếc tủ con rồi trao cho tôi tấm bằng “Dũng sĩ diệt Mỹ” của liệt sĩ Nguyễn Như Kiệm và chiếc lược bằng đuya-ra (kỷ vật duy nhất còn lại của người con trai trước lúc ngã xuống ở chiến trường). Mẹ Thọ giãi bày: “Hiện tại con trai tôi vẫn còn nằm ngoài Quảng Trị. Mấy bận gia đình tính đưa cháu về trong này, nhưng cứ thương đồng đội của cháu buồn và cô quạnh! Với lại con trai tôi nằm ngoài đó cũng được bà con lo hương khói chu toàn!”.

Những bệnh nhân nghèo bên “Nồi cháo tình thương”.

Lại có người gọi điện thoại. Ông Gia nhấc ống nghe, nói chuyện với người ở đầu dây bên kia, rồi quay sang nói với vợ: “Bà ơi! Con Bạch Yến nó bị ốm nên không thể gánh cháo đến bệnh viện được. Bà thu xếp người khác giúp nó”. Nghe vậy, bà Thọ tất tưởi xuống bếp lấy mấy quả cam, dăm quả trứng gà bỏ vào túi ni lông rồi nói với ông: “Ông ở nhà nói chuyện với chú nhà báo. Tui đi thăm con Yến một chút là về liền. Tiện thể ghé chùa Sư Nữ nhờ Ni sư Diệu Cảnh cử người gánh cháo vào viện kẻo bà con đang mong!”. Nghe vậy, tôi xin được chở mẹ đi. Sau giây phút ngập ngừng, mẹ Thọ gật đầu. Chỉ đợi có thế, tôi vội dắt xe ra cổng, nổ máy đuổi theo, chở mẹ lao về hướng Quảng trường 29-3…

Trong căn phòng nhỏ ở khu chung cư Hòa Cường, chị Bạch Yến cảm động tâm sự với tôi: “Suốt đời tôi mang ơn mẹ Thọ. Nếu không có mẹ cưu mang, đùm bọc thì những người con gái một thời cơ nhỡ như tôi đâu có được ngày hôm nay. Mẹ nhân hậu, bao dung vô cùng, cả cuộc đời sống là để hiến dâng”. Nghe chị Bạch Yến giãi bày, tôi càng thêm khâm phục ý chí, nghị lực phi thường của mẹ Thọ. Người mẹ liệt sĩ ấy – ngay từ thuở làm cán bộ Hội Phụ nữ huyện Điện Bàn (Quảng Nam) hoạt động trong vùng địch hậu cho tới những năm tháng tập kết ra miền Bắc XHCN, dù ở bất kỳ cương vị nào trong cuộc sống mẹ cũng đều thể hiện tấm lòng nhân hậu, bao dung…

Bây giờ mặc dầu tuổi cao sức yếu, nhưng mẹ vẫn miệt mài chăm lo “Nồi cháo tình thương”. Sáng sáng, mọi người lại thấy mẹ Thọ chống gậy đến các cơ sở, bệnh viện động viên chị em tích cực làm từ thiện… Mọi người gọi mẹ là “Mẹ của nồi cháo Thạch Sanh”.

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG