Nguyễn Trường Tộ là nhà văn hóa, nhà khoa học canh tân có nhiều cống hiến lớn lao cho đất nước, cho dân tộc. Riêng vấn đề bảo vệ môi trường, đến nay những điều ông đề xuất với triều đình Huế vẫn còn xem như mới, thậm chí ngày nay còn nhiều điều chưa thực hiện được.
Nhà canh tân đất nước
 |
Nguyễn Trường Tộ
|
Danh nhân Nguyễn Trường Tộ con ông Nguyễn Quốc Thư và bà Phượng (chưa rõ họ). Ông sinh năm 1830 (có sách nói 1828) tại làng Bùi Chu nay là xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh đĩnh ngộ. Một hôm ông Chánh tổng Hải Đô đến làng Bùi Chu bắt họp dân để truyền bá “Thập điều giáo huấn” của Đức vua, người lớn trẻ con không ai được vắng mặt. Làng cử ông Lang Thư (ông Nguyễn Quốc Thư làm nghề thuốc) ra đọc ba lần cho nhân dân nghe. Ông Chánh tổng bảo ông Thư: “Ông là người có chữ phải viết bản 10 điều giáo huấn để truyền bá cho dân. Tháng sau tôi đến khảo hạch, ai thuộc được khen thưởng, ai không thuộc bị đánh đòn”. Bỗng trong đám trẻ con có tiếng thưa: “Con thuộc rồi ạ”. Cả dân làng đều ngạc nhiên. Ông Chánh tổng nhìn thấy một chú bé da xanh, người gầy, mắt sáng, mũi thẳng, còn trẻ con mà đã quắc thước, đang đứng khoanh tay. Nhiều tiếng nói lên cùng một lúc: “Bé Lân (tức Nguyễn Trường Tộ khi bé) con ông Lang Thư”. Ông Chánh tổng chưa hết ngạc nhiên thì bé Lân đã xin đọc:
“Một là giữ luân lý, hai là chính tâm thuật, ba là chăm bản nghiệp, bốn là chuộng tiết kiệm, năm là hậu phong tục, sáu là dạy con em, bảy là học đạo chính, tám là răn dân gian, chín là giữ pháp luật, mười là làm điều thiện”.
Có lẽ, mười điều giáo huấn của nhà vua đã gieo vào tâm hồn trong trắng của cậu bé Lân khi còn niên thiếu kết hợp với sự nuôi dạy của gia đình cho nên khi lớn lên bao giờ ông cũng vì dân vì nước, vì đạo lý chính tâm mà ông luôn luôn làm việc thiện.
Khi học ông Tú Giai (bạn học với ông Lang Thư) lại được ông Tú Giai xem con bạn như con mình, cho cậu Lân Tộ ăn cùng một mâm, nằm cùng một giường với thầy Tú. Ngoài học chữ, thầy Tú Giai kèm cặp bày vẽ mọi điều ăn nết ở, rèn luyện cho ông tinh thần yêu nước thương dân. Tuy học ở lớp nhỏ tuổi nhưng do tư chất thông minh nên được thầy Tú Giai cho tập làm thơ làm phú với lớp lớn tuổi. Một hôm thầy ra câu đối “Tùy cơ nhi tác” (tùy thời cơ mà làm) thì Lân Tộ đối lại: “Kiến nghĩa tắc hành” (thấy việc nghĩa thì làm). Thầy Tú Giai tự nói một mình: “Khẩu khí như thế chắc không phải người thường, chắc sau này sẽ làm nên”.
Khi thầy Tú Giai về Diễn Châu dạy học cho gần gia đình để phụng dưỡng song thân, thầy đã giới thiệu Nguyễn Trường Tộ sang Kim Khê (Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An ngày nay) học với thầy Cống Hữu (tức là Cống sinh Đinh Trọng Thư). Một hôm, thầy ra đề văn sách cho cả lớp “Luận trị bình”. Trong bài làm của Nguyễn Trường Tộ có câu: “Bất năng tạ ư trị quốc chi công, nhi mưu kỳ vinh thân phì gia chi kế” (không nên mượn việc nước để mưu tính vinh hiển cho mình, làm béo tốt vợ con) và cuối bài Nguyễn Trường Tộ chốt một câu: “Mở đầu cho trị quốc và bình thiên hạ phải cách vật trí tri. Phải hiểu biết sự vật và có tri thức thì mới có được tâm tính chính trực và ý kiến đúng đắn”. Một thanh niên theo đạo công giáo lại học chữ nho mà có những tư duy mới mẻ khác lạ và lớn lao như vậy nên thầy đồ Đinh Trọng Thư hết sức ngạc nhiên và ca ngợi Nguyễn Trường Tộ. Từ đó Nguyễn Trường Tộ có thêm cái tên là Trạng Tộ.
Khi học ở Pháp, Nguyễn Trường Tộ chú ý nhiều đến các lĩnh vực quân sự, kinh tế, khoa học công nghệ, xây dựng, khai mỏ… nên ông thường xuyên có mặt ở thư viện Pa-ri (vào những giờ không lên lớp) để học tập mở rộng kiến thức qua sách vở. Và ông trở thành một kiến trúc sư có tài mà không có bằng. Năm 1862 ông đảm trách xây dựng cơ sở dòng thánh Phao-lô, một công trình kiến trúc theo kiểu phương Tây hiện còn sót lại tại số 4 đường Tôn Đức Thắng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông là người am hiểu sâu sắc các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, xây dựng, khai khoáng, thủy lợi, v.v… cho nên trong 58 bản điều trần của ông gửi lên vua Tự Đức xem như một quy hoạch tổng thể về mọi mặt nhằm canh tân đất nước. Tất cả các bản điều trần của ông đều được triều đình nghiên cứu rất chu đáo, các quan lớn có tâm huyết với đất nước đều chuyền tay nhau đọc. Đặc biệt là Viện Cơ mật và các cụ lớn thân cận vua như Trần Tiễn Thành và Phạm Phú Thứ nghiên cứu rất kỹ, có bản Viện Cơ mật phải nghiên cứu 2-3 tháng mới viết tờ tấu kèm theo điều trần của ông tấu lên vua. Vua đọc những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, thấy ông là người thông tuệ nhiều lĩnh vực lại có lòng yêu nước thương dân nên cho gọi Nguyễn Trường Tộ vào kinh gặp. Trong khi chờ đợi, vua giao cho Viện Cơ mật đóng những bản tấu trình của Nguyễn Trường Tộ lại thành một tập để bảo quản. Đến năm 1945, khi chính quyền cách mạng tiếp quản kinh đô Huế vẫn còn nguyên vẹn. Năm 1866, trong khi ông đang giúp Tổng đốc An Tĩnh Hoàng Tá Viêm cắm tiêu đào kênh Sắt thì được tin vua vời ông vào kinh đô Huế yết kiến. Ngày 17-8-1866, ông được vua cho tiếp kiến tại Lầu Tả Vu (nơi nhà vua tiếp các tao nhân, trí giả), được vua cho ngồi bên phải để tiện việc hỏi han trao đổi việc nước nhà. Đối diện với ông và nhà vua có các đại thần như Văn minh Điện Đại học sĩ Thượng thư Bộ Binh Trần Tiễn Thành và Thượng thư Bộ Hộ Phạm Phú Thứ.
 |
Ngôi mộ của cụ Nguyễn Trường Tộ xây dựng năm 1943 tại thôn Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.
|
Vua Tự Đức ban thưởng vàng, lụa cho Nguyễn Trường Tộ, còn tặng thêm 10 lạng bạc và 10 củ sâm cao ly để ông phụng dưỡng mẹ già. Nhà vua đã sử dụng một số điều trần của Nguyễn Trường Tộ về cải cách giáo dục, xây dựng võ bị rồi cử ông đi Pháp để mua sắm thiết bị trường học, mời thầy để mở trường kỹ nghệ. Nhưng trong bối cảnh lúc đó là thời gian thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, mà ông lại là người công giáo nên trong triều có nhiều quan nghi kỵ. Cũng có người ghen ghét thấy ông tài trí hơn người lại được nhà vua ân sủng nên đã can gián. Vì vậy mà ngay thiết bị để mở trường đã mua về mà không mở được trường và rất nhiều điều trần của ông không được sử dụng.
Đề xuất về bảo vệ môi trường sinh thái đa dạng sinh học
Vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái đa dạng sinh học ngày nay đã trở thành mối quan tâm của cả hành tinh. Nhưng cách đây 145 năm, nhà trí giả, bậc danh nhân văn hóa đã quan tâm đến mực phải tấu trình lên Đức Vua và Triều đình nhà Nguyễn.
Trong Giáo môn luận ngày 29-3-1863, ông nói: “Tất cả vạn vật mà thiên nhiên đã tạo ra, mỗi loài đều có công dụng riêng của nó, chỉ có điều là con người đã biết hay chưa biết sử dụng chúng mà thôi”. Trong phần này ông phân tích một cách khoa học sự tồn tại của vạn vật mà thiên nhiên đã sáng tạo ra. Bất kỳ một loại cây gì, con gì kể cả những cây cho loài người hoa thơm, quả ngọt và những cây có độc tố ăn phải là chết người, nhưng không phải vì thế mà phân biệt đối xử bằng cách cho cây này nhiều mưa, sương hơn cây kia. Bởi vì tất cả mọi loài đều có ích cho nên cần phải bảo vệ chúng.
Trong vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, Nguyễn Trường Tộ đề xuất với Triều đình Tự Đức rất nhiều bản điều trần từ việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ muông thú, v.v… Trong bản điều trần ngày 20 tháng 8 năm Tự Đức 24 tức ngày 4-10-1871 về chính sách nông nghiệp, Nguyễn Trường Tộ đã đề nghị không săn thú bầy, không bắt thú con, bắt cá không tát cạn ao đầm, không đốt rừng để săn thú. Sói chưa tế thú (vào cuối mùa thu loài sói bắt nhiều thú bày la liệt như để cúng tế gọi là tế thú) thì không được săn. Rái chưa tế cá (vào đầu mùa xuân rái bắt được nhiều cá bày la liệt ra như cúng tế gọi là tế cá) thì không được thả lưới. Chim cắt chưa báo tin thì bẫy lưới không được chăn gài nơi khe suối. Cây cỏ chưa rụng lá thì thợ rừng chưa được vào núi rừng chặt hái. Côn trùng chưa đến kỳ sinh nở không được đốt ruộng nương. Không giết thú vật có thai. Không phá tổ bắt trứng. Không bắt cá chưa đủ thước tấc. Không giết heo khi chưa đúng kỳ. Ông đã đề nghị trồng rừng nơi đất trống đồi núi trọc để chống lãng phí đất, tạo nguồn lợi cho dân và điều hòa không khí ngăn gió bão… Vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học còn được Nguyễn Trường Tộ đề xuất ở một số bản điều trần khác. Thế mà ngày nay người ta phá rừng, săn bắt thú rừng, bắt cá nhỏ quanh năm, thậm chí còn dùng thuốc nổ để bắt cá, dùng đẻn (một loại cây độc giã nhỏ ra thả xuống nơi có cá), dùng kích điện để bắt cá…
Việc bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học mà Nguyễn Trường Tộ đề cập trong một số bản điều trần đã trình lên vua Tự Đức và Triều đình nhà Nguyễn cách đây hơn một thế kỷ chung quy cũng nhằm bảo vệ môi trường sống cho nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.
Những niên biểu và Di thảo của Nguyễn Trường Tộ trong bài này trích từ các tư liệu sau:
- “Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo” của Trương Bá Cẩn, NXB TP Hồ Chí Minh, năm 1988.
- “Nguyễn Trường Tộ” của Thanh Đạm, NXB Nghệ An, năm 1991.
TS HỒ BÁ QUỲNH