QĐND - Đó là tên tác phẩm đoạt giải nhì trong đợt phát động sáng tác ca khúc kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. Tác giả của bài hát là ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội... Ông tâm sự: “Nhớ về Y Ngông là nhớ về một người con Tây Nguyên suốt đời tận tụy cống hiến cho cách mạng”.
Người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên
Tôi được tiếp xúc nhiều với Y Ngông Niê Kđam khi ông là Chủ tịch UBND, rồi Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc vào những năm 1980-1986. Nhưng sau này, khi được giao nhiệm vụ chỉ đạo viết cuốn “Lịch sử Quốc hội” tập 1 (giai đoạn 1946-1960), tôi thực sự ấn tượng khi tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Y Ngông Niê Kđam-vị đại biểu có thời gian tham gia Quốc hội lâu nhất, với hơn 50 năm, trong suốt 9 khóa liên tục.
 |
Ông Vũ Mão thể hiện ca khúc “Nhớ Y Ngông Niê Kđam”. Ảnh: Hà Linh. |
Y Ngông Niê Kđam sinh năm 1922, tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc trong một gia đình nông dân có tinh thần yêu nước. Thời kỳ học thành chung ở Quy Nhơn, ông đã từng tham gia hướng đạo sinh, học tiếng Kinh và truyền bá Quốc ngữ, ủng hộ phong trào cứu đói miền Bắc. Ông bị thực dân Pháp tình nghi bắt về quê. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Y Ngông tham gia Mặt trận Việt Minh, vận động tổng khởi nghĩa ở Buôn Ma Thuột. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử làm Phó chủ tịch lâm thời tỉnh Đắc Lắc.
Ngày 6-1-1946, bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông được bầu là đại biểu khi mới 24 tuổi. Y Ngông kể lại kỳ họp Quốc hội đầu tiên vào tháng 3-1946, trong hồi ký: “Lần đầu tiên bước chân vào hội trường Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi vừa lo, vừa sợ, vừa mừng. Ôi! Cuộc họp lớn quá, trang trọng quá. Tôi tự hỏi: Thế nào là đại biểu Quốc hội? Quốc hội thì phải làm gì? Thực ra lúc ấy, tôi cũng chưa hiểu hết được. Tôi cố gắng tập trung theo dõi. Trên bàn chủ tịch gồm có: Người ngồi giữa là Bác Hồ, người ngồi bên cạnh là Bảo Đại, Nguyễn Tường Tam (đại diện Quốc dân đảng) và cụ Bùi Bằng Đoàn (đại diện các nhân sĩ yêu nước)... Chương trình của Quốc hội rất nhiều, tôi chỉ nhớ những nhiệm vụ chính là: Thông qua nhiệm vụ toàn dân, toàn diện trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi; bầu Chính phủ kháng chiến; bầu Ủy ban Thường trực Quốc hội. Đến phần mời các đại biểu tham gia ý kiến, mấy anh giục tôi: “Y Ngông nói đi”. Tôi cũng mạnh dạn phát biểu... Tôi phải dùng cả tiếng Pháp, tiếng Kinh, tiếng Ê Đê mới diễn giải nổi. Tôi nói: “Tôi là người dân tộc Ê Đê, tỉnh Đắc Lắc. Tôi rất sung sướng và tự hào vì được bầu vào khóa Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi rất lo lắng về trách nhiệm mà đồng bào đã giao cho, tôi xin hứa làm tròn nhiệm vụ. Đồng bào dân tộc chúng tôi sau tổng khởi nghĩa đã được đổi đời khỏi ách áp bức bóc lột, khỏi cuộc đời nô lệ bị bọn Pháp khinh miệt như con trâu, con bò. Chế độ dân chủ cộng hòa hợp lòng dân nhất. Đồng bào tôi quyết tâm theo đuổi kháng chiến. Không biết ngày nào thắng lợi, nhưng chúng tôi, những con người của Tây Nguyên bất khuất không sợ khó, không sợ khổ, không sợ chết, đánh giặc đến cùng để bảo vệ độc lập”.
Sau này, Y Ngông được bầu vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được cử làm Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Tại quê hương Đắc Lắc, Y Ngông Niê Kđam đã từng kinh qua các chức vụ: Chủ tịch UBND, rồi làm Bí thư Tỉnh ủy trước khi chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. Ngược thời gian, ông đã từng làm Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu học xá Quế Lâm (Trung Quốc), Thứ trưởng Bộ Giáo dục.
Trong hồi ký của mình, Y Ngông viết: “Là một thanh niên dân tộc thiểu số của Tây Nguyên..., từ tình yêu dân tộc, yêu Tổ quốc, tôi đã đến với Đảng, với Bác Hồ, với lý tưởng cộng sản. Tôi có vinh dự là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I tới khóa IX, trong cuộc đời đã nhiều lần được Bác Hồ trực tiếp dạy bảo. Mỗi lần gặp Bác là một lần trưởng thành thêm về tư duy, phong cách người cộng sản. Từ khi Bác đi xa, mỗi lần họp Quốc hội một năm hai kỳ được vào Lăng viếng Bác, nhìn Bác nằm yên nghỉ lại nhắc tôi nhớ về lời thề khi vĩnh biệt Bác. Đó là lời thề trọn đời vì sự nghiệp Cộng sản, vì sự nghiệp đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng Tổ quốc Việt Nam”...
"Phong cách Y Ngông”
Xa quê hương đi hoạt động cách mạng gần 30 năm, khi trở về đã là lãnh đạo cấp cao nhưng những phẩm chất của người con Tây Nguyên và tình yêu dành cho dân tộc mình nơi ông vẫn không hề thay đổi. Nhớ những lần vào Tây Nguyên công tác, tôi thường đi cùng ông xuống cơ sở. Hồi ấy, ông là Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc nhưng vào các xã, các buôn làng, tiếp xúc với bà con, tác phong của ông thật gần gũi. Ông trao đổi với bà con bằng tiếng dân tộc, mọi người cũng trò chuyện với ông thân mật như người thân. Tính ông giản dị, chân thành. Nhiều bữa, ông ở lại ăn cơm với đồng bào. Ông còn tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ với bà con. Trong các đêm lửa trại, ông vẫn đóng khố, đánh chiêng, ra múa hát, ông hát đơn ca rất hay, tạo không khí phấn khởi, đầm ấm.
 |
Từ trái sang: Đại biểu Y Ngông Niê Kđam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tại một phiên họp Quốc hội năm 1996. Ảnh tư liệu.
|
Những năm 1980-1986, đất nước khó khăn, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có những lúc không đủ ăn. Gặp những trường hợp như vậy, ông đã khóc. Ngay lập tức, ông bàn với lãnh đạo Tỉnh ủy đẩy mạnh sản xuất lương thực xóa cái đói, cái nghèo. Xác định nước là vấn đề sống còn đối với Tây Nguyên, ông đã huy động, tập trung mọi nguồn lực để phát triển thủy lợi. Ông chỉ đạo mở rộng khai hoang, đào kênh, đắp đập, xây dựng những công trình thủy lợi. Không chỉ thăm hỏi, động viên công nhân, có những buổi ông tham gia lao động cùng họ, tạo một không khí hồ hởi, gần gũi trên công trường. Thời kỳ ông làm Bí thư Tỉnh ủy, công tác thủy lợi tại Đắc Lắc rất phát triển, mang lại nguồn nước, giải quyết bài toán khô hạn cho Tây Nguyên.
Y Ngông có tầm nhìn chiến lược về phát triển con người, vì lợi ích của đồng bào các dân tộc. Ngày ấy, Tây Nguyên thiếu cán bộ, để thu hút nhân tài, ông đề cao chính sách hòa hợp dân tộc, có chính sách ưu đãi cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc và các vùng miền khác vào Tây Nguyên công tác. Ông rất quan tâm đến thanh niên và là người đi tiên phong trong đào tạo, đề bạt cán bộ trẻ có năng lực. Đặc biệt, Y Ngông rất trọng cán bộ khoa học kỹ thuật. Như với các anh: Trần Nhơn, Nguyễn Chủng là những kỹ sư thủy lợi của bộ tăng cường về làm Trưởng ty, Phó trưởng Ty Thủy lợi được ông rất quan tâm, tạo điều kiện làm việc.
Khi ra công tác ở Quốc hội, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ông luôn phản ánh với Quốc hội và kiến nghị với Đảng, Nhà nước, đặc biệt với Chính phủ những chính sách đối với đồng bào dân tộc. Đồng bào dân tộc còn khổ là ông còn cảm thấy có trách nhiệm của mình trong đó. Trong một lần họp Quốc hội, khi đề cập đến tình trạng một số lâm trường quốc doanh chặt hết cây mang đi bán, để rừng còn trơ lại gốc, ông thẳng thắn: “Tôi phê bình Chính phủ đã chỉ đạo không tốt đối với vùng miền núi và đồng bào dân tộc. Các lâm trường chặt hết cây mang đi bán, dân không được hưởng gì. Rừng thì chỉ còn trơ gốc. Như thế là quan điểm “lấy dân làm gốc” hay sao?”. Đồng chí Võ Văn Kiệt, khi đó là Thủ tướng Chính phủ, rất buồn. Sau đó, ông đã kỷ luật lãnh đạo những lâm trường có tình trạng trên, chỉ đạo phải trồng cây tăng diện tích rừng.
VÂN HƯƠNG (ghi)