Ông Quý kể: “Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khôi phục và phát triển nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, vốn bị ảnh hưởng nặng nề của hậu quả chiến tranh và tàn dư của chế độ phong kiến. Song song với việc cải cách ruộng đất, thực hiện "người cày có ruộng", hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa còn tổ chức hệ thống các nông trường để khai thác những vùng đất hoang vào mục đích nông nghiệp. Các nông trường này được thành lập trên cơ sở các đơn vị quân đội sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, được chuyển sang thực hiện nhiệm vụ lao động, sản xuất. Lực lượng nòng cốt của nông trường là các quân nhân và đội ngũ trí thức, nông dân từ nhiều miền quê về tụ hợp cùng nhân dân địa phương. Và như vậy, ngày 5-11-1955, một trong những nông trường quốc doanh đầu tiên của nước ta - Nông trường Tam Đảo được thành lập, có trụ sở đóng tại xã Kim Long, thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay”.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh về thăm Nông trường Tam Đảo. Ảnh tư liệu.
Những ngày đầu thành lập, với biết bao thiếu thốn, khó khăn, vất vả; cán bộ, công nhân Nông trường tập trung kiến thiết cơ bản, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai hoang, phục hóa đất đai, nghiên cứu, thử nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi và triển khai áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp với từng điều kiện, biến vùng đồi núi hoang sơ thành những nương chè rộng lớn, xanh tốt, những cánh đồng lúa bát ngát. Theo thời gian, tổ chức biên chế của Nông trường ngày càng được kiện toàn, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nông trường có gần 30 đội sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ với đội ngũ cán bộ, công nhân hàng ngàn người, quản lý hàng trăm nghìn hec ta diện tích đất. Trong giai đoạn nền kinh tế, nước ta phát triển theo cơ chế tập trung bao cấp, Nông trường Tam Đảo luôn là đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua lao động xã hội chủ nghĩa, là một trong những trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông nghiệp như: Cải tạo và thích nghi giống lợn Móng Cái phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở các địa phương miền Bắc; nghiên cứu, sản xuất các loại giống lúa, chè, thuốc lá cho năng suất cao...
Một phần nông trường giờ là Trường Mầm non Tam Đảo. Ảnh: Tư liệu.
Đặc biệt, với những trang bị máy nông nghiệp do Liên Xô chế tạo, Nông trường đã đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa vào các công đoạn của sản xuất nông nghiệp, từ làm đất, gieo trồng, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm. Vào mùa thu hoạch lúa, trên những cánh đồng rộng lớn, máy gặt đập liên hoàn đi trước, nhả lúa, phun rơm lên những thùng xe ô tô, rơ-moóc máy kéo để trở về kho; máy cày theo sau, ruộng lúa gặt xong đến đâu, cày ngay đến đó. Ban đêm, ánh đèn của các xe, các máy sáng trưng trên những cánh đồng. Xen với tiếng máy là những tiếng nói, cười rộn ràng của các công nhân... Đó là những hình ảnh tuyệt đẹp. Hằng năm, Nông trường đều có các đoàn cán bộ của các cơ quan Nhà nước, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng về công tác, thực tập, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Nông trường đón nhiều chuyên gia của các nước Liên Xô, Tiệp Khắc, Cu Ba về giúp đỡ, chuyển giao công nghệ sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời Nông trường cũng cử nhiều cán bộ, công nhân có trình độ, tay nghề cao làm chuyên gia giúp các nông trường bạn, các hợp tác xã, các địa phương phát triển chăn nuôi, sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Bình là y tá của Nông Trường Tam Đảo thời kỳ bấy giờ nhớ lại: “Khi giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, với phong trào "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Tất cả vì miền Nam ruột thịt"... Nông trường liên tục cung cấp lương thực, thực phẩm vượt chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao. Hàng trăm cán bộ, công nhân Nông trường đã xung phong lên đường đánh Mỹ, trong đó không ít người đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên chiến trường. Những người ở lại vừa sản xuất, vừa chiến đấu, thực hiện "tay cày, tay súng", "tay búa, tay súng", xây dựng hậu phương vững chắc, góp phần cùng tiền tuyến đánh giặc”.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất thì đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, công nhân Nông trường luôn được quan tâm chăm lo đúng mức, Nông trường trở thành điểm sáng văn hóa của địa phương. Hoạt động của các tổ chức xã hội, quần chúng như: Công đoàn, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí minh, Đội Thiếu niên tiền phong rất phong phú, sinh động. Hàng tháng Nông trường đều tổ chức chiếu phim và mời các đoàn văn công về biểu diễn phục vụ cán bộ, công nhân Nông trường và nhân dân địa phương. Phong trào văn nghệ quần chúng, thể dục, thể thao luôn được duy trì thường xuyên. Tổ chức các hoạt động hè, tham quan, cắm trại cho các lứa tuổi học sinh là con em Nông trường... Những hoạt động đó đã tạo bầu không khí thi đua vui tươi, phấn khởi trong toàn Nông trường, tạo động lực, góp phần đắp xây nên truyền thống của Nông trường Tam Đảo.
Chiếc cổng Nông trường Tam Đảo còn lại. Ảnh tư liệu.
Với những thành tích đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, Nông trường Tam Đảo được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, lá cờ đầu của ngành Nông nghiệp và nhiều Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Cán bộ, công nhân Nông trường nhiều lần vinh dự được đón cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm.
Năm 2010, thực hiện chủ trương của Nhà nước về sắp xếp, đổi mới các nông trường quốc doanh, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định chuyển đổi Nông trường Tam Đảo thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nông - Công nghiệp Tam Đảo.
Đến nay, tuy cái tên Nông trường Tam Đảo không tồn tại trong tổ chức hành chính nữa nhưng cứ đến ngày 5-11 hàng năm, các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức Nông trường Tam Đảo lại tổ chức gặp mặt, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui, buồn của một thời đầy gian khó nhưng hào hùng, không thể nào quên. Và đây cũng là dịp để con em của cán bộ, công nhân Nông trường đang sinh sống, lập nghiệp trên mọi miền của Tổ quốc nhớ về nơi chôn nhau, cắt rốn. Mảnh đất đã nuôi dưỡng trong họ tình người, tình yêu quê hương, lòng nhiệt tình, ý chí vươn lên, nâng bước họ đến những thành công trên đường đời hôm nay.
ANH NGỌC