Thế là nhà báo Trần Ngọc Thị đã từ bỏ chúng ta về cõi vĩnh hằng! Ông "ra đi" đúng vào ngày 2-2-2016, tức ngày 24 Tết Bính Thân.

Vẫn biết “Sinh-lão-bệnh-tử” là quy luật của đời người, nhưng khi nghe tin ông qua đời, chúng tôi vẫn thấy có sự mất mát không nhỏ...

Năm 1990, khi lớp phóng viên trẻ chúng tôi về tòa soạn, ông đã nghỉ hưu. Một lần, từ số 8 Lý Nam Đế sang số 7 Phan Đình Phùng (trụ sở chính của cơ quan), anh Trần Đình Bá, phóng viên Phòng Bạn đọc-CTV hỏi tôi có biết người bảo vệ cơ quan mình là ai không? Tôi trả lời: “Bác Trần Ngọc Thị. Ai mà chẳng biết!” Anh Trần Đình Bá cho biết thêm: Bác Ngọc Thị không đơn giản chỉ là bác bảo vệ, mà là cựu phóng viên Phòng Bạn đọc-CTV. Nghỉ hưu rồi, nhưng nhớ cơ quan lại xin làm bảo vệ!

Kể từ đó, tôi có ấn tượng về ông. Qua tìm hiểu và nhiều lần trò chuyện, tôi được biết: Nhà báo Trần Ngọc Thị thuộc thế hệ nhà báo chiến sĩ kỳ cựu. Hơn 10 năm trực tiếp cầm súng chiến đấu, từ một chiến sĩ, Trần Ngọc Thị đã từng bước trưởng thành, trở thành cán bộ tuyên huấn ở Trung đoàn 95, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 và Bộ Tham mưu miền. Những năm tháng trên các chiến trường, rồi quãng thời gian học văn hóa và chính trị tại Trường Văn hóa quân sự ở Lạng Sơn đã giúp ông trải nghiệm và tích lũy kiến thức phục vụ cho công tác làm báo sau này.

 Nhà báo Trần Ngọc Thị.

Với nghề báo, ông như có duyên. Năm 1957, khi mới 23 tuổi, chiến sĩ trẻ Trần Ngọc Thị đã có bài báo đầu tay được đăng trên trang 2, Báo Quân đội nhân dân. Sau đó là những tin, bài báo của ông viết về cuộc sống, chiến đấu của bộ đội, đều đặn được đăng tải trên mặt báo. Dù là tin ngắn hay là bài báo dài, những điều ông viết ra luôn mang tính thời sự và thấm đượm tình người.

Năm 1959, Trần Ngọc Thị được công nhận là thông tin viên Báo QĐND. Năm 1979, ông lại cùng đơn vị lên đường theo những cánh quân sang giúp nước bạn Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Ông đã có những bài viết phản ánh về cuộc sống, chiến đấu của Quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn Cam-pu-chia và cuộc sống hồi sinh của người dân Cam-pu-chia sau khi thoát khỏi chế độ diệt chủng. Cuối năm 1980, ông chính thức về công tác ở Ban đại diện Báo QĐND tại TP Hồ Chí Minh. Từ năm 1980 đến năm 1982, ông  có thêm nhiều bài viết về đất nước và con người Cam-pu-chia sau chế độ diệt chủng. Những bài viết của ông đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ bạn đọc. Cuối năm 1982, Trần Ngọc Thị được điều động ra Hà Nội làm phóng viên Phòng Bạn đọc-CTV. Ông không chỉ viết cho trang bạn đọc, mà còn cộng tác với nhiều phòng, ban trong cơ quan. Ông viết về rất nhiều vùng đất, nhiều sự kiện, nhiều nhân vật thuộc nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt là những bài báo về các đơn vị quân đội thuộc Quân khu 7, Quân khu 9 cũng như về các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Cam-pu-chia những năm 1979-1989. Những tin, bài của Trần Ngọc Thị đầy ắp sự kiện, thông tin, thể hiện tài năng của một cây bút có vốn sống phong phú, sự quan sát tinh tế và tính cẩn thận.

Năm 1988, ông được cấp trên cho nghỉ hưu. Nhưng ông vẫn không nghỉ viết báo. Những ai đã từng có dịp qua ngôi nhà số 5B, phố Đông Quan, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, chắc hẳn không quên hình ảnh nhà báo Ngọc Thị ngày ngày cặm cụi bên bàn viết với ngổn ngang sách báo, tài liệu. Riêng với cán bộ, phóng viên Phòng Bạn đọc- CTV chúng tôi, mỗi lần đến thăm, là những giờ phút được nghe ông say sưa kể chuyện nghề, được chỉ bảo, truyền cảm hứng làm báo. Ông  mong muốn chúng tôi ngày một vững vàng hơn. Có lẽ vì thế mà đã từ lâu mấy anh em chúng tôi đã gọi ông là “Bố Thị”.

Gần 30 năm sau nghỉ hưu, ông vẫn cộng tác đều đặn với nhiều tờ báo Trung ương và địa phương. Với ông, nghề báo chính là sự kết hợp và đan xen hài hòa giữa nói và viết, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp với một gia tài không hề nhỏ gồm hàng trăm bài báo thuộc nhiều thể loại.

Từ khi còn là thông tin viên cho đến khi trở thành nhà báo chiến sĩ thực thụ và cả sau này khi tuổi đã ngoài 80, mỗi khi có bài viết được đăng trên báo, ông đều nâng niu đón nhận bằng niềm hứng khởi và sự đam mê với nghề như đã ăn vào máu thịt, như niềm vui và lẽ sống của cuộc đời. 

Hôm nay, tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng, chúng tôi không khỏi xúc động bùi ngùi. Xin có nén tâm nhang tưởng nhớ đến ông, một con người sống bình dị, không ồn ào. Tâm huyết của một nhà báo suốt đời gắn bó với nghề thật trân trọng và đáng quý biết bao!

VIỆT PHƯƠNG