QĐND - Khi tôi viết những dòng này thì nhà thơ, nhà báo Nguyễn Đình Chiến không còn nữa. Anh bị bệnh tim và đã mất đột ngột vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 30 Tết. Không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn bè yêu thơ ở trong nước cũng như trong cộng đồng người Việt ở Liên bang (LB) Nga đều sửng sốt, đột ngột.

Nguyễn Đình Chiến sinh ngày 24-8-1952 ở thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Tuổi thơ anh trôi qua ở miền quê nghèo khó này. Năm 1970, cũng như nhiều thanh niên yêu nước, Nguyễn Đình Chiến lên đường nhập ngũ khi vẫn còn đang học phổ thông. Anh là lính chiến đấu thuộc các Sư đoàn 304, 305, tham gia nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là những trận chiến đấu quyết liệt, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc Tổ quốc. Hết chiến tranh, Nguyễn Đình Chiến trở về Học viện Chính trị Quân sự và trở thành giảng viên Triết học. Năm 1983, sau khi nhận giải thưởng cao nhất ở cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ, Nguyễn Đình Chiến được chuyển về làm phóng viên, biên tập viên Báo Quân đội nhân dân. Đây là giai đoạn rất quan trọng trong đời Nguyễn Đình Chiến. Anh có điều kiện đi nhiều, viết nhiều. Bên cạnh nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, chúng ta còn có thêm nhà báo Nguyễn Đình Chiến, tác giả của nhiều bài phóng sự, ký sự, bình luận xuất sắc trên Báo Quân đội nhân dân.

 Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến. Ảnh: Đình Xuân

Năm 1986, Nguyễn Đình Chiến được Bộ Quốc phòng cử đi học Trường Viết văn Nguyễn Du. Bằng thành tích học tập xuất sắc của mình, năm 1987, anh lại được Trường Viết văn Nguyễn Du và Bộ Văn hóa tuyển chọn, gửi sang đào tạo dài hạn tại Học viện Văn học mang tên M.Goóc-ki (Gorki) ở Mát-xcơ-va. Ngoài học tập, anh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động văn hóa trong Cộng đồng người Việt tại LB Nga. Dưới sự chỉ đạo của Đại sứ quán, Nguyễn Đình Chiến là hội viên sáng lập Hội Văn học nghệ thuật của người Việt tại Mát-xcơ-va, được anh em tin cậy bầu làm Tổng thư ký, kiêm Tổng biên tập tạp chí Người bạn đường, tờ tạp chí văn chương dành riêng cho người Việt ở LB Nga.

Nhưng nói đến Nguyễn Đình Chiến, trước hết chúng ta nghĩ đến một nhà thơ dào dạt tình cảm, xúc cảm. Sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước và yêu văn chương, Nguyễn Đình Chiến làm thơ rất sớm, từ thuở anh còn là học trò Trường cấp 3 Đại Minh, Yên Bái. Nhưng phải đợi đến cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ 1981 - 1982, Nguyễn Đình Chiến mới chính thức ra “trình làng”, và người đọc mới thực sự biết đến anh, với tư cách là một thi sĩ.

Cái “giấy thông hành” để Nguyễn Đình Chiến đi vào “xứ” thơ là bài “Gặp lại các em”. Bài thơ đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ. Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhà thơ lớn Xuân Diệu, đã phải "đãi" hơn mười vạn bài thơ gửi về dự thi mới lọc ra được một "hạt vàng" Nguyễn Đình Chiến. Bài thơ “Gặp lại các em” viết về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trẻ trong cuộc chiến tranh giữ nước ở biên giới phía Bắc. Bây giờ cuộc chiến tranh đáng tiếc ấy đã lùi vào dĩ vãng. Thơ Chiến cũng như một số bài thơ chống Mỹ trước đây đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Bài thơ có quyền được yên nghỉ. Tuy nhiên ta vẫn nhớ: “Trời biên cương xanh ngắt/Mây trắng bồi hồi đỉnh chốt người đi…”. Và đấy lại là câu thơ hòa bình. Không có máu chảy. Mặc dù cả bài thơ viết về máu chảy. Cái còn lại của bài thơ là sự dũng cảm của những người lính sau bức tranh hùng vĩ của một vùng biên giới tươi đẹp. Đằng sau sắc mây trắng lồng lộng kia, ta đã thấy một tấm lòng, một nhịp đập thầm của trái tim thi sĩ. Nhưng hiểu Nguyễn  Đình Chiến, thiết tưởng chẳng có ai hơn được Xuân Diệu. Khi đọc Nguyễn Đình Chiến, ông đã buông kính kêu lên: “Ồ, đây mà là thơ ư? Đây là tình cảm. Tình cảm của cậu này mãnh liệt lắm. Mãnh liệt đến không thể kìm giữ được, cứ tràn ra cả lề giấy” (Phạm Tiến Duật - Những bài thơ được giải. Báo Quân đội nhân dân, 9-1982).

Thơ Chiến trước hết là thơ của một tấm lòng. Đọc anh, người ta có thể quên thơ mà nhớ đến tấm lòng. Đó là lòng nhân hậu, giàu tình thương. Thương người. Thương đời. Thương cả chim muông, hoa cỏ. Một người như thế, không thể ác được. Ai có dịp sống với Chiến, tiếp xúc với Chiến sẽ rất dễ dàng hòa nhập với thơ anh. Tính anh ồn ào, sôi động. Nguyễn Đình Chiến là người của những quảng trường. Con người anh, đúng như cái chân dung mà anh tự họa: “Anh người lính quen đi nhanh, bước mạnh/Quen mưa to gió lớn những phương trời…”. Con người hùng dũng bề ngoài ấy, ai ngờ lại mềm yếu, lại mang trái tim phụ nữ đa cảm. Anh có thể bàng hoàng khi gặp bông hoa dại nhỏ nhoi, lặng lẽ nở một mình, xinh đẹp một mình trong khu rừng vắng. Anh cũng có thể ngẩn ngơ trước một làn sương mỏng bay ngang tầng tháp cổ. Thơ Chiến cũng như con người anh. Đó là tình cảm, là cảm xúc ứa ra đầu ngọn bút: Mẹ ơi thương mẹ héo mòn/ Con xa mười tám năm tròn vẫn xa”. Còn đây là  tình cảm của anh đối với con: “Thương con trách bố vụng về/ Mẹ đang vượt cạn, mọi bề  gian nan/ Đầu hồi rụng tím hoa xoan/ Muỗi kêu rối cả cánh màn xác xơ”. Trong bốn câu thơ này, hai câu sau là thơ hay, cho ta một thực tế. Nhưng không phải thực tế trần trụi, mà đã tắm đẵm tình cảm, xúc cảm. Có thể coi như một thành công của Chiến trong việc đưa thực tế vào thơ. Thương bố mẹ, vợ con đã  đành. Nhưng Chiến đâu chỉ chi chút cho những người ruột thịt ấy: “Thương ai đó giữa rừng đi mải miết”. Đó là đồng đội của anh. Và cao hơn nữa là tình thương rộng lớn, tình thương đất nước: “Ở đây ngày nắng đêm sương/ Ngày thương nước bạn, đêm thương nước mình”. Đó còn là nỗi “chiêm bao chấp chới cội nguồn”. Cội nguồn trong thơ Chiến là những năm bom đạn khốc liệt, là một đêm trận mạc Hà Giang, hay một vùng núi non hiểm trở của Tổ quốc. Viết về núi, Nguyễn Đình Chiến có một câu thơ khá hay: “Người với núi nhìn nhau như thách đố”. Chúng ta biết bài thơ  thuần thiên nhiên này, Nguyễn Đình Chiến lại viết trong thời đạn lửa khốc liệt. Hiểu thế, mới thấy anh kết thúc bài thơ thật khéo, vừa bất ngờ, vừa đẹp, lại nhiều dư vị: “Ôi chiều nay sao chẳng muốn về  đâu/ Chỉ muốn ngủ gối đầu lên đá xám/ Như chàng trai Mèo sau cơn say chếnh choáng/ Thả tiếng khèn bảng lảng giữa không trung…”.

 

Thơ Chiến là vậy. Ngay cả những bài nhàn nhạt trung bình anh vẫn có những câu thơ găm được vào trí nhớ người đọc. Anh biết giữ sự dung dị mộc mạc. Đó là thế mạnh của thơ anh. 

Cách đây mấy hôm, Nguyễn Đình Chiến còn điện cho tôi, báo tin anh đã viết xong Trường ca Mi-khai-in Ku-tu-dốp (Mikhaiil Kutuziov), vị tướng thiên tài Nga, người đã đánh bại Na-pô-lê-ông Bô-na-pác (Napoléon Bonaparte). Sau trường ca này, anh sẽ viết tiếp Trường ca Võ Nguyên Giáp. Đối với Nguyễn Đình Chiến, tất cả vẫn còn ở phía trước. Bao dự định tốt đẹp anh còn đang thực hiện. Vậy mà anh lại đột ngột ra đi. Ra đi đúng vào lúc anh đang dào dạt nhất.

Đau quá, Chiến ơi!

TRẦN ĐĂNG KHOA

Tết Giáp Ngọ 2014