QĐND - "Lúc 15 giờ 30 phút ngày 14-10, ông Hồ Giáo, người duy nhất trong ngành chăn nuôi hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng thuộc phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), hưởng thọ 87 tuổi". Tôi bàng hoàng khi nghe thông tin này. Vậy là người nông dân vĩ đại, người anh hùng, thần tượng của biết bao thế hệ những người nông dân đã từ giã cõi trần để về với đất, về với những đồng cỏ mênh mông...
Tôi đã có dịp gặp và trò chuyện với Anh hùng Lao động Hồ Giáo trong tư gia tại TP Quảng Ngãi. Ông đã hai lần được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào các năm 1966 và 1986 vì những cống hiến cho ngành chăn nuôi nước nhà. Hình tượng ông đã được đưa vào thơ ca, truyện và trở thành hình mẫu điển hình cho những người nông dân xã hội chủ nghĩa, chân chất, cần cù, sáng tạo...
Tháng 4-2011, chúng tôi đến trại trâu Mu-ra tại xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi để tìm gặp ông Hồ Giáo thì được biết ông đã nghỉ làm từ giữa năm 2010. Tìm đến nhà riêng của ông ở TP Quảng Ngãi, ngôi nhà 2 tầng rộng chừng hơn 100m2 nằm khuất trong con hẻm nhỏ cuối đường Bùi Thị Xuân là cơ ngơi mà ông và gia đình tích cóp mua được. Vì mải mê với công việc nên mãi đến năm 1982 ông mới lập gia đình khi đã ở tuổi… 52. Ông cùng vợ, cô con gái duy nhất, con rể và cháu ngoại sống quây quần, lặng lẽ, không ồn ào. Trong ngôi nhà được thiết kế khá hiện đại, chúng tôi thấy có hẳn một chiếc tủ kính đặt ở vị trí trang trọng nơi phòng khách để ông trưng bày tấm hình Bác Hồ, cùng những kỷ niệm chương hay quà tặng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước…
 |
Anh hùng Lao động Hồ Giáo khi còn làm việc tại trại trâu Mu-ra xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành. Ảnh: TRẦN ĐĂNG. |
Ấn tượng đầu tiên của tôi về người anh hùng nông dân này là đôi tai to, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu. Bao nhiêu năm qua, Hồ Giáo vẫn thế-vẫn là người nông dân chân chất, một đời một nghiệp, gắn bó với những đồng cỏ voi xanh bát ngát và những đàn bò, đàn trâu Mu-ra mà ông luôn yêu quý như con. Trò chuyện với chúng tôi, đôi tay ông chốc chốc lại run lên bần bật. Đôi bàn tay chai sạn sau bao nhiêu năm cầm liềm cắt cỏ, như một thói quen, giờ không còn được làm nữa bỗng như thấy cuồng, thấy nhớ. Đôi chân đi lại đã không còn vững, tấm lưng khòng khòng như vết tích của bao nhiêu gùi cỏ trên lưng. Mỗi lần đứng lên, ngồi xuống, ông đều phải nhờ người giúp sức.
Trò chuyện với ông, tôi chợt nhận ra cuộc đời Hồ Giáo như có sự cố kết, sợi dây vô hình gắn với trâu, với bò. Năm 1954, ông nhập ngũ và tập kết ra Bắc. Đến năm 1960, ông chuyển ngành và tình nguyện lên Ba Vì làm nghề chăn nuôi. Ông tâm sự rằng, mình là bộ đội nhưng cũng là nông dân nên làm nghề nông là chắc chắn nhất. Làm xây dựng thì nay đây mai đó, xây dựng xong công trình là đi mất, không ở lại với cái mình làm ra. Những năm tháng ở Ba Vì, ông được phong Anh hùng là nhờ giỏi nuôi bò lẫn nuôi heo. Trình độ chăn nuôi của nước ta hồi đó chưa cao. Nhưng với bản tính cần cù và sự tìm tòi, có những việc phức tạp người khác không làm được nhưng ông làm được. Năm 1978, ông được chuyển công tác về tỉnh Sông Bé (cũ) để chăm sóc đàn trâu Mu-ra do Chính phủ Ấn Độ tặng nhân dân Việt Nam. Thời gian ở Sông Bé, Nhà nước chủ trương đưa đàn trâu Mu-ra về, lúc ấy nhằm mục đích phát triển, nhân giống giúp nhân dân có sức kéo và xây dựng cơ sở chế biến sữa trâu. Ông lại đem hết tài nghệ để chăm sóc cho đàn trâu. Tại đây, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ hai năm 1986.
Năm 1991, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã giao nhiệm vụ cho ông đưa 15 con trâu Mu-ra về xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành để trực tiếp nuôi và nhân giống. Suốt hơn 35 năm xuôi ngược từ Bắc vào Nam, nay ông mới được về với quê hương núi Ấn, sông Trà. Về quê, ông lại góp sức nuôi dưỡng đàn trâu Mu-ra khỏe mạnh, nhân giống để phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Lúc cao điểm, trại trâu có đến gần 20 con. Gần 20 năm từ ngày nghỉ hưu, ngày nào anh hùng Hồ Giáo cũng đi bộ gần 6km từ TP Quảng Ngãi lên trại trâu. Người dân dọc tỉnh lộ 624 đã quen với hình ảnh một ông già xách chiếc cặp lồng trên tay, ngày hai buổi đi về... Giữa năm 2010, ông quyết định "nghỉ hưu" lần thứ hai ở tuổi 82. Ông tâm sự với chúng tôi rằng, những ngày đầu mới về nghỉ, không ngày nào ông không nhớ tới đàn trâu. Nhớ mùi ngai ngái, nồng nồng đã gắn bó, ăn vào từng thớ thịt của ông suốt cả cuộc đời. Không được cắt cỏ, chăm sóc lũ trâu, chân tay ông cứ như thừa. Cuộc đời ông gắn bó với lũ trâu như một định mệnh không thể khác. Cứ một đến hai tuần, ông lại đi nhờ xe lên trại Hành Thuận thăm đàn trâu, cho chúng ăn để vơi đi nỗi nhớ. Nhưng rồi, sức khỏe không cho phép và cũng chẳng có mấy dịp đi nhờ được xe lên đó, nên ông đành... chịu.
Năm 2011, khi chúng tôi lên thăm trại trâu ở xã Hành Thuận, những cánh đồng cỏ voi, cỏ Ghi-nê vẫn xanh bát ngát. Người kế nghiệp chăm sóc đàn trâu không ai khác là anh Hồ Ngọc Tâm, cháu ruột của ông Giáo. Cũng dáng người nhỏ bé, lầm lũi và ít nói, anh giống ông Giáo đến lạ...
Những người nông dân trên khắp cả nước sẽ vẫn còn nhắc đến người anh hùng ấy, một nhân cách đặc biệt và sự cống hiến đến tận cùng với tất cả lòng kính trọng.
MINH MẠNH
Anh hùng Lao động Hồ Giáo qua đời