Năm 1954, từ Nam Bộ anh bộ đội Nguyễn Ngọc Tấn tập kết ra Bắc trong đội hình sư đoàn 330. Ít lâu sau anh thuyên chuyển về Tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội, tại ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế (Hà Nội), anh viết một số truyện ngắn được dư luận đánh giá cao như Im lặng, Trăng sáng, Đôi bạn…
Năm 1962, Nguyễn Ngọc Tấn trở lại chiến trường xưa theo đường Trường Sơn, phụ trách tờ Văn nghệ Quân giải phóng. Từ đây, anh lấy bút danh Nguyễn Thi-tên người con trai. Tòa soạn được biên chế 5 người và được phép cất nhà riêng. Người anh cả trong gia đình nhỏ này (lúc đó chưa có chức danh Tổng biên tập) cùng anh em xoay trần cưa cây, dựng cột, lợp mái, đào hầm… Đó là công việc ban ngày, đến đêm lại lo bài vở cho tờ tạp chí mới ra được số đầu tiên.
Tháng 1-1963, chiến thắng Ấp Bắc ở Mỹ Tho làm nức lòng người. Nguyễn Thi không thể ngồi yên, giao công việc biên tập cho một đồng chí khác thay thế, lên đường về hướng đó. Sau chuyến đi, anh có được một số hiện thực phong phú để bắt tay xây dựng các truyện ký và ghi chép Sen trong đồng, ở xã Trung Nghĩa. Đồng thời anh đề nghị Cục Chính trị Miền (B2) mở cuộc thi sáng tác văn học và trại bồi dưỡng lực lượng viết trẻ mà anh là người đứng ra trực tiếp tổ chức. |
Tháng 3-1964, anh có chuyến đi mới về Bến Tre, quê hương đồng khởi. Đường đi phải qua nhiều vùng ác liệt của các chiến trường Tây Ninh, Long An, Kiến Tường… có mấy đồng chí trong đoàn bị thương, hy sinh, đến đâu anh cũng ghi chép tỉ mỉ, coi những tài liệu thu được như chất quặng quý. Tại Bến Tre, Nguyễn Thi chọn khu trù mật Thành Thới, một khu trù mật trọng điểm của địch, làm nơi đi sâu thâm nhập. Tiểu thuyết ở xã Trung Nghĩa của anh được thai nghén từ đây, khơi nguồn từ đây.
Nhưng trong năm 1965 Bộ chỉ huy Miền tổ chức Đại hội thi đua lần thứ nhất và huy động lực lượng văn nghệ sĩ tập trung viết truyện anh hùng. Nguyễn Thi xếp bản thảo cuốn tiểu thuyết tâm huyết mới viết được ba chương đầu, để viết truyện ký Người mẹ cầm súng, truyện về anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch) ở Trà Vinh. Rồi tiếp theo là Đại hội thi đua lần thứ hai, anh viết Ước mơ của đất, truyện ký về anh hùng Nguyễn Thị Hạnh ở Long An. Đồng nghiệp về sau thường nhắc lại lời tâm sự, thể hiện một phẩm chất cao quý của Nguyễn Thi; “Tình hình này mà cứ ngồi một chỗ viết tiểu thuyết, chướng lắm!”.
Bởi vậy anh vừa lo cho sự tồn tại và phát triển của tờ Văn nghệ Quân giải phóng, vừa hăm hở, tranh thủ đi để viết, dù chỉ là những truyện ký hay ghi chép. Nhưng những tác phẩm này, cho đến tận hôm nay, đều được đánh giá cao. Giữa năm 1967 lăn lộn trên chiến trường Củ Chi, anh viết Những sự tích ở Đất thép đầy ắp chất sống, đầy ắp hiện thực về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Bước vào năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân bùng nổ. Cả Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng hăm hở “xuống đường”, Nguyễn Thi đi về cánh Nam với các đơn vị chủ lực. Rồi như mọi người đã biết, chiến sự ngày càng ác liệt nhưng anh vẫn kiên quyết bám sát các đơn vị chứ không lui về tuyến sau. Trong trận đánh ngày 10-5-1968 tại Ngã ba Tham Lương 9 (nay thuộc phường Tân Thới Nhất quận 12 TP Hồ Chí Minh), lực lượng địch đông hơn ta nhiều lần. Anh động viên cán bộ, chiến sĩ có mặt tại đây bình tĩnh, quyết tâm chiến đấu. Khi trúng đạn địch ngã xuống, trên tay anh vẫn là khẩu súng K54, nòng chĩa về hướng địch. Anh hy sinh với tư cách người lính cầm súng chiến đấu trên mặt trận đô thị Sài Gòn, ở độ tuổi tài năng đang nở rộ.
Hiện nay ở TP Hồ Chí Minh có con đường mang tên Nguyễn Thi dài 500 mét thuộc quận 5, chạy qua trước Trung tâm bưu điện Chợ Lớn. Đi trên con đường này, ta lại nhớ nhà văn, liệt sĩ thân yêu, tiêu biểu cho cả một thế hệ văn nghệ sĩ năm xưa trên chiến trường Nam Bộ và cả nước.
TRƯƠNG NGUYÊN TUỆ